Suy tư với Hiệp hội Thánh Thể


                                                                                       Cha Giuse Bùi Đức Vượng
Chúng ta vừa bước vào một năm mới, một năm đầy ý nghĩa không những cho toàn Giáo Hội mà riêng cho chúng ta. Cho toàn Giáo Hội với một năm “Đời sống Thánh Hiến mà Đức Thánh Cha nói là “yếu tố quyết định của sứ mệnh Giáo Hội”- cho toàn thể Hội Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể với kỷ niệm 200 năm sinh nhật của Mẹ Margarite Guillot, người đã theo và đã trợ lực đặc biệt cho Thánh Tổ Phụ Phêrô Giulianô Eyrmard trong việc sáng lập Dòng. Cho riêng tỉnh dòng Nữ Tỳ Thánh Thể Việt Nam với kỷ niệm đúng 10 năm chính thức thành lập Hiệp Hội Thánh Thể, 10 năm đã phát triển mạnh mẽ cả trên con số và tinh thần. Với những sự kiện ấy, việc đầu tiên của chúng ta là dâng lời cảm tạ. Tạ ơn Chúa Alleluia ! Tạ ơn Chúa Alleluia !
                                                              ***
  Riêng tôi, trong dịp chia sẻ với anh chị em thành viên Hiệp Hội Thánh Thể. Tôi muốn chúng ta cùng nhau suy tư một đoạn trong Tông Thư của Đức Thánh Cha Phanxico về đời sống Thánh Hiến, nói riêng về các tổ chức “tham dự đặc sủng của các Dòng và Tu hội”. Đó là số 1 đoạn III, với tiêu đề “Những chân trời của Năm Đời sống Thánh Hiến”. Nguyên văn số ấy như sau :

Với bức thư này, ngoài những người tận hiến, tôi ngỏ lời với các giáo dân chia sẻ lý tưởng, tinh thần, sứ vụ với họ. Một vài dòng đã có một kinh nghiệm lâu dài về lĩnh vực này,  những Dòng khác chỉ mới có kinh nghiệm gần đây. Thật vậy, chung quanh mỗi dòng tu cũng như chung quanh các tu đoàn tông đồ và cả những tu hội đời, có một gia đình rộng lớn hơn, “gia đình đặc sủng” bao gồm nhiều Dòng nhận biết nhau trong cùng một đặc sủng, và nhất là những giáo dân cảm thấy mình được kêu gọi chia sẻ đặc sủng ấy trong điều kiện giáo dân của mình.
Tôi khuyến khích các anh chị em, những giáo dân, hãy sống Năm Đời sống Thánh Hiến như là một hồng ân có thể giúp cho mình ý thức hơn về ân huệ đã lãnh nhận. Anh chị em hãy cử hành năm nay cùng với toàn thể “gia đình” để tăng trưởng và cùng nhau đáp lại những tiếng gọi của Thánh Linh trong xã hội hôm nay. Trong vài cơ hội, khi những người tận hiến thuộc những Dòng khác nhau gặp gỡ nhau, thì anh chị em hãy tìm cách để cũng hiện diện như là biểu hiện hồng ân duy nhất của Thiên Chúa, ngõ hầu biết được kinh nghiệm của những gia đình đặc sủng khác, của những nhóm giáo dân khác, và nhờ đó mà trở nên phong phú và nâng đỡ lẫn nhau”.

Chúng ta nhận ra ngay 2 tư tưởng chính của Đức Thánh Cha :
1.  Vị trí và tính cách của các “Gia đình Đặc Sủng”.
2.  Đề nghị cách sống đặc sủng ấy trong năm đời sống Thánh Hiến và tiếp theo.

  I. VỊ TRÍ VÀ TÍNH CÁCH CỦA “GIA ĐÌNH ĐẶC SỦNG” :
       1. Đặc sủng :
Đặc sủng là ơn soi sáng và thúc đẩy đặc biệt của Chúa Thánh Thần cho mỗi vị sáng lập Dòng, làm nên một tinh thần và một cách sống riêng và truyền lại cho con cái để thể hiện lòng mến Chúa và sứ mệnh tông đồ trong Giáo Hội. Cũng gọi là “đoàn sủng”, vì tuy có những khác biệt, nhưng chính với những đa dạng ấy, các đặc sủng đều quy về Giáo Hội, phục vụ cho Cộng Đoàn Dân Chúa một cách hữu hiệu và sâu xa hơn, Thiên Chúa được tỏ bày rõ nét hơn.
      2. Những giáo dân cảm thấy được gọi tham dự chia sẻ vào Đặc Sủng :
Nhiều giáo dân, trong nhiệm vụ trần thế của họ, không thể dấn thân trọn vẹn cho những công việc của Giáo Hội. Tuy nhiên, rất nhiều người “cảm thấy được gọi tham dự vào đặc sủng của Dòng”. Có 2 chữ Đức Thánh Cha làm cho chúng ta chú ý : “được gọi” và “chia sẻ”. “Được gọi” thường dùng theo nghĩa “được Chúa mời và thúc đẩy” dấn thân cho một cách sống đặc biệt theo Chúa như ơn gọi linh mục, ơn gọi tu sĩ. Người giáo dân không thể sống hoàn toàn những ơn gọi ấy, nhưng lòng được đánh động cảm nhận thấy một tinh thần và một cách sống đặc biệt hơn để thể hiện đời sống đức tin của mình. Từ đó họ muốn tham dự chia sẻ vào một đặc sủng. Sự tham dự có thể bằng ba cách :

+ Bằng học hỏi, để hiểu biết rõ hơn và cảm nhận sâu xa hơn một tinh thần đặc sủng, để       có một cái nhìn như Chúa Giêsu trong những Mầu nhiệm của Người.
+ Bằng bước theo cách sống một phần nào đó, điều mà Giáo Hội gọi là “Linh đạo”. Qua    những trải nghiệm sống của Đấng Sáng Lập và các con cái ngài dần dần hình thành         một nếp sống riêng, một phương thức riêng để nên thánh. Đức Thánh Cha Phanxico         nhận định rằng :
Một vài dòng đã có một kinh nghiệm lâu dài về lãnh vực này, và vì thế, tỏ ra là                một phương thức nên thánh vững vàng, như Linh Đạo Cát Minh, Linh Đạo Phan                Sinh, Linh Đạo I-nhã, Linh Đạo Thánh Thể. Có những dòng khác chỉ mới có kinh                 nghiệm gần đây, nhưng có lợi thế là thích ứng với nhu cầu và những giá trị thời                đại, như Linh Đạo hiệp thông của Focolare, Linh Đạo đại kết của Tu viện Taizé
+ Bằng sự hợp tác với hoạt động của Dòng hoặc mở những công việc khác vừa thể hiện       vừa cộng tác với Hội Dòng.

    3. Họ kết thành “những Gia đình Đặc Sủng” :
    Đức Thánh Cha nhấn mạnh đến điều này khi viết “Thật vậy, chung quanh mỗi dòng tu, cũng như chung quanh các tu đoàn tông đồ và cả những tu hội đời, có một gia đình rộng lớn hơn, “gia đình Đặc Sủnggồm nhiều dòng nhận biết nhau trong cùng một đặc sủng, và nhất là những giáo dân cảm thấy mình được kêu gọi chia sẻ đặc sủng ấy trong điều kiện giáo dân của mình”.
Tinh thần gia đình ấy chính là sự nối kết thân yêu, để nâng đỡ nhau trong cuộc sống, trong sự vụ, từ đó, hiệu quả sẽ lớn lao hơn,và chứng từ đức tin được tỏa sáng hơn.

II. GIA ĐÌNH ĐẶC SỦNG THÁNH THỂ CỬ HÀNH NĂM ĐỜI SỐNG THÁNH HIẾN
    Trong phần thứ 2 này, Đức Thánh Cha khuyến khích các thành viên Hiệp Hội Đặc Sủng của các Dòng cử hành một cách đặc biệt năm dành cho Đời sống Thánh Hiến. Ngài gợi ý 3 điều:
1.Cử hành bằng tinh thần cảm tạ “Tôi khuyến khích các anh chị em, những giáo dân, hãy           sống Năm Đời sống Thánh Hiến như là một hồng ân có thể giúp cho mình ý thức hơn về ân     huệ đã lãnh nhận”. Đó cũng là mục tiêu thứ nhất của Năm Đời Sống Thánh Hiến “Nhìn về     quá khứ với niềm tri ân”.
2. Cùng nhau chia sẻ và suy tư, để “cùng với gia đình làm tăng trưởng và cùng nhau đáp lại       những tiếng gọi của Thánh Linh trong xã hội hôm nay”. Đó là “sống hiện tại với lòng            say    mê” – mục tiêu thứ hai của năm Đời sống Thánh Hiến.
3. Tạo những cuộc gặp gỡ với những tổ chức linh đạo khác, để “cùng hiện diện như là biểu         hiện hồng ân duy nhất của Thiên Chúa, ngõ hầu biết những kinh nghiệm của những gia           đình Đặc Sủng khác của những nhóm giáo dân khác, và nhờ đó mà trở nên phong phú hơn     và nâng đỡ lẫn nhau. Đó là cách làm sống động và phong phú cho đời sống Thánh Hiến,         một sức mạnh mới kiến tạo tương lai” – mục tiêu thứ ba của Năm Đời sống Thánh Hiến          “nhắm đến tương lai với niềm hy vọng”.

III. GIA ĐÌNH ĐẶC SỦNG THÁNH THỂ SỐNG ƠN GỌI CỦA MÌNH :
    Với những suy tư khái quát trên, chúng ta trực tiếp nhìn vào Gia Đình Đặc Sủng Thánh Thể của Hội Dòng Nữ Tỳ thánh Thể, mà chúng ta gọi đơn giản là “Hiệp Hội Thánh Thể
1. Anh chị em là những người đã cảm thấy “được gọi” chia sẻ đặc sủng của Dòng Nữ Tỳ           Thánh Thể do Thánh Eymard sáng lập, trong khi vẫn sống cuộc đời giáo dân với sứ mệnh       đặc biệt của những người thể hiện Chúa giữa lòng đời. Với ơn thúc đẩy của Thánh Thần,           ngay từ khi thành lập Hội Dòng, Thánh Tổ Phụ Eymard đã nghĩ ngay đến những người sống     giữa đời. Đầu tiên, Ngài muốn tổ chức một Dòng Ba Thánh Thể tại thế như một số các           dòng cổ xưa. Nhưng rồi một phần gặp những trở ngại và phần khác là ý niệm đại đồng cho     tất cả giáo dân tham dự bằng những quy định rộng rãi hơn mà vẫn sâu xa. Ngài đã bắt đầu     việc kết nối các giáo hữu Thánh Thể với 2 tư tưởng của chính Chúa Giêsu “những người        tôn thờ đích thực mà Chúa Cha kiếm tìm” và “Ta đã mang lửa xuống thế gian và      mong chờ cho lửa ấy bùng cháy lên”.
Từ đó, Hiệp Hội Thánh Thể trở thành một sứ mệnh đặc biệt của Dòng Thánh Thể, là               phương cách của Dòng để tạo nên những “người tôn thờ đích thực” bằng Thánh lễ và việc       Chầu Thánh Thể, cũng như “làm bùng cháy Tình yêu Thánh Thể” trên khắp thế giới.
2. Anh chị em là những người “giáo dân chia sẻ lý tưởng, tinh thần và sứ vụ” với Dòng         Nữ Tỳ Thánh Thể. Đặc sủng ấy đã được cô đọng lại một cách sinh động trong chương đầu       của Luật Sống :
Sứ mệnh đặc thù của chúng tôi là sống tràn đầy Mầu nhiệm thánh Thể thành cộng đoàn Phúc Âm và giúp tha nhân cùng sống. Đặc sủng của chúng tôi đòi chúng tôi tự nguyện biểu hiện trong suốt cuộc đời chính niềm tin vào sự hiện diện và tình yêu của Chúa Giêsu Thánh Thể, và dâng lên Người sự tôn thờ trong tinh thần và chân lý. Chúng tôi nội tâm hóa mọi giá trị và ân sủng do việc cử hành lễ Tưởng Niệm. Chúng tôi biểu lộ nó trong niềm hiệp thông cầu nguyện, qua việc Chầu Thánh Thể cộng đồng và cá nhân, trước Bánh Thánh đặt ngoài nhà Tạm. Như thế, được kết hợp với bản thân Chúa Kitô và với hoạt động của Người, chúng tôi dâng lên Cha mọi sự nhờ Người, trong Thánh Thần, hầu mọi con cái Chúa tản mác khắp nơi được quy tụ trong hiệp nhất và được thỏa nguyện trên bàn sự sống”.
Như thế, Dòng Nữ Tỳ Thánh Thể :
+ Có ơn gọi đặc thù là tận hiến hoàn toàn cuộc đời cho Chúa Giêsu Thánh Thể và sống tràn          đầy sự sống Tình yêu Thánh Thể.
+ Mục tiêu là quy tụ mọi người trong hiệp nhất với Chúa Giêsu Thánh Thể và biến đổi thế giới     thành một thế giới sống tràn đầy ân sủng của Chúa Giêsu Thánh Thể.
+ Phương tiện đặc biệt để đạt được mục đích ấy là sự hiệp thông cầu nguyện qua việc Chầu       Thánh Thể cộng đồng và cá nhân.
3. Chúng ta cùng sống trong “gia đình Đặc Sủng Thánh Thể”.
Luật sống 39 viết :
Chúng tôi liên kết giáo dân vào đời sống cầu nguyện của chúng tôi. Chúng tôi dành ưu         tiên cho những hoạt động giúp họ thêm hiểu biết Mầu Nhiệm Thánh Thể và sống những đòi    hỏi của lý tưởng đó, hầu họ cũng trở thành tông đồ trong môi trường của họ. Liên hiệp đó        thường được gọi là Hiệp Hội Thánh Thể, và những hoạt động khác trực tiếp quy chiếu về        Thánh Thể, nhằm đào luyện cộng đoàn đức tin, trong đó mọi người được nâng đỡ thích đáng     cho việc cầu nguyện và cho đời sống thiêng liêng”.
Sự liên kết mật thiết ấy được Đức Thánh Cha Phanxico gọi là “gia đình Đặc Sủng”, Gia Đình Đặc Sủng Thánh Thể. Nó gồm ba công việc sau :
– Giúp nhau đào sâu Lời Chúa, cách riêng Mầu Nhiệm Thánh Thể trong tất cả chiều kích của      Thánh Thể để từ đó biết sống sung mãn sự sống thần linh, và nhìn những thực tại trần thế      trong ánh sáng Thánh Thể.
– Cùng nhau chiêm ngắm và tôn thờ Chúa trong lời Kinh Phụng Vụ, đặc biệt trong Thánh Lễ và     giờ Chầu Thánh Thể.
– Cùng hợp tác với nhau trong những công tác tông đồ, bác ái và truyền giáo, là những công      tác mà hội dòng hoặc tỉnh dòng đã lựa chọn cụ thể để thể hiện sứ mệnh Thánh Thể.