Thứ sáu sau Chúa Nhật XXXI Thường Niên

« Hãy dùng Tiền Của bất chính mà tạo lấy bạn bè…
họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu»
(Lc 16, 1-8; 9-15)

  1. Thiên Chúa và Tiền Của

Câu chuyện về người quản gia mà Đức Giê-su kể trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, thứ sáu tuần XXXI mùa Thường Niên (Lc 16, 1-8), sẽ dẫn đến lời mời gọi, mà chúng ta sẽ nghe trong bài Tin Mừng của thứ bảy ngày mai (c. 9-15): 

Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa,
vừa làm tôi Tiền Của được. (c. 13)

Lời cảnh báo này của Đức Giê-su chất vấn cách đặc biệt chúng ta trong thời đại ngày nay. Thực vậy, trong những thập niên vừa qua, đời sống của chúng ta có rất nhiều thay đổi, theo hướng càng ngày càng có nhiều phương tiện, và những phương tiện này càng ngày càng cao cấp hay còn gọi là chất lượng cao, điều này có nghĩa là càng đắt tiền. Đó là những phương tiện liên quan đến nhu cầu ăn, mặc, nhà ở, tiện nghi trong nhà, nhu cầu giải trí, nhu cầu truyền thông bằng điện thoại, internet, nhu cầu đi lại, đi lại trong nước và ngoài nước, nhu cầu học tập. Vì thế, ai trong chúng ta cũng cảm thấy có áp lực rất lớn, là phải có việc làm, và phải làm ra tiền, càng nhiều càng tốt.

Và đời sống tu trì cũng bị ảnh hưởng rất lớn bởi bối cảnh hiện nay của xã hội, khi phải đối diện với những vấn đề chưa từng có, đó là vấn đề sử dụng các phương tiện truyền thông, và cùng với các phương tiện, là những tương quan và nội dung lệch lạc đi thẳng vào nội vi của đời tu, từ đó hình thành nên những nhân cách không còn hướng về những điều cao quí, thiếu chiều sâu thiêng liêng, không có tương quan thực sự và thiết thân với Chúa.

*  *  *

Làm việc để có tiền có của, qua đó mua sắp những phương tiện là điều cần thiết trong cuộc sống. Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về sự tai hại của một cuộc sống “làm tôi tiền của”, nghĩa là chỉ chạy theo tiền của, chỉ chạy theo việc mua sắm các phương tiện, chỉ lo thỏa mãn những nhu cầu vật chất của mình. Lúc đó, người ta không còn làm chủ tiền của nữa, nhưng bị tiền của làm chủ, và hậu quả là gây đỗ vỡ những tương quan làm cho chúng ta sống hạnh phúc, đó là tình thương và sự liên đới. Bởi lẽ, chúng ta không chỉ sống bằng tiền của, bằng phương tiện, bằng việc thỏa mãn nhu cầu, nhưng còn sống bằng tương quan đón nhận, tin tưởng, bao dung, tha thứ, và nhất là hiệp thông, tình bạn và tình thương mà Lời Chúa đem lại cho chúng ta.

Thiếu tình thương, thì dù có tiền của, đời sống của chúng ta cũng trở thành chết chóc, thậm chí trở thành địa ngục. Chính vì thế, Đức Giê-su nói với chúng ta: “Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi Tiền Của được”. Điều này không có nghĩa là tiền của tự nó là xấu, và chúng ta phải từ bỏ, hay phải càng có ít càng tốt. Nếu hiểu như thế, chúng ta sẽ “tự lên án” mình, vì chúng ta không thể sống mà không có tiền của, nhất là trong cuộc sống và cách thức làm việc hiện đại hôm nay, càng ngày càng đòi hỏi những chi phí rất lớn và những phương tiện đắt tiền. Tiền Của (trong bản văn Hi lạp, đó là chữ “Mamon” viết hoa) trở nên xấu trong mức độ, chúng ta coi nó như thần linh, thay thế hay đối lập với Thiên Chúa. Trong khi nó chỉ là phương tiện.

  1. Người quản gia

Đức Giê-su mời gọi từ bỏ thái độ và lối sống tôn thờ Của Cải. Người không đòi hỏi chúng ta phải từ bỏ tiền bạc của cải, vì làm sao sống mà không có tiền bạc và của cải, nhưng là sử dụng tiền của, như là phương tiện để phụng sự Chúa, và để làm điều đẹp lòng Chúa, là dùng tiền của để diễn tả sự hiệp thông, liên đới, diễn tả lòng biết ơn, lòng mến, như Đức Giê-su nói trong bài Tin Mừng ngày mai: 

Hãy dùng của cải mà tạo lấy bạn bè,
phòng khi hết tiền hết bạc,
họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu. (c. 9)

Và để giúp chúng ta hiểu điều này, Người kể dùng một dụ ngôn về người quản gia. Người quản gia bất lương, bất lương nhưng mà lại được ông chủ khen là khôn khéo. Người quản gia, như chúng ta biết, là người giữ tiền và có một quyền hạn nào đó trong việc tiêu tiền. Vì vậy, ông này đã phung phí của cải của chủ nhà, và vì thể, bị đuổi việc. Người quản gia phải tính sổ, nhưng anh lợi dụng việc tính sổ để chuẩn bị cho tương lại đầy khó khăn của mình. Và để chuẩn bị, ông này tiếp tục phung phí của cải, nhưng lần này, ông gian lận với những người mắc nợ.

Khi kể dụ ngôn này, dường như Đức Giê-su muốn lấy người quản lí bất lương làm gương cho các môn đệ và cho chúng ta. Đúng như thế, nhưng Đức Giê-su không muốn chúng ta bắt chước sự bất trung và gian dối, nhưng muốn chúng ta học sự khôn khéo của ông này.

  • Ông là người biết mình. Thực vậy, ông biết mình « cuốc đất thì không nổi, ăn mày thì hổ ngươi »
  • Ngoài ra, ông còn biết người nữa. Thực vậy, ông biết tính tình và quyết định của chủ nhà, và ông còn biết những người mắc nợ nữa.
  • Hơn nữa, ông còn biết nắm lấy thời cơ nữa. Thực vậy, ông đã dùng thời cơ sau cùng, trước khi bị cách chức, để chuẩn bị cho tương lai, bằng cách dùng quyền quản lí để phân phát và cho đi một cách quảng đại.
  1. « Nơi Ở Vĩnh Cửu »

Chính từ sự khôn khéo này của người quản gia, mà Đức Giê-su rút ra một bài học có tầm quan trọng tối hậu cho chúng ta: « Hãy dùng của cải mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cửu » (c. 9).

Đó là bài học có tầm quan trọng tối hậu, bởi vì, không chỉ chúng ta được mời gọi sử dụng tiền của như là phương tiện để tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn ở đời này, nhưng còn tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn, giúp chúng ta được rước vào « Nơi Ở Vĩnh Cửu », nghĩa là sự sống viên mãn và vĩnh cửu ở trong Nhà của Chúa, cùng với những người thân yêu của chúng ta.

Trong bài Tin Mừng, Đức Giê-su còn mời gọi chúng ta « trung tín » trong việc sử dụng tiền của. Dưới ánh sáng của dụ ngôn Người Quản Gia, chúng ta có thể hiểu, trung tín trong việc sử dụng tiền của, là, thay vì coi tiền của là chủ nhân và tự biến mình tôi tớ, thành nô lệ, chúng ta được mời gọi sử dụng tiền của, và chúng ta hiểu rộng ra mọi sự khác, như thời giờ, sự sống, khả năng, cuộc đời nhỏ bé và giới hạn của chúng ta, như là phương tiện để tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn không những ở đời này, nhưng còn tạo ra tình thương, lòng mến và tình bạn, giúp chúng ta được rước vào « Nơi Ở Vĩnh Cửu ».

*  *  *

Đức Giê-su đã sống đến cùng điều giảng dạy, bởi vì Lời và Ngôi Vị của Người là một. Chúng ta được gọi chiêm ngắm Đức Giê-su chịu đóng đinh trên Thập Giá : Ngài vốn giàu có, nhưng đã chia sẻ và cho đi đến cùng, để làm cho chúng ta giàu có trong ơn tha thứ, ơn chữa lành và ơn hòa giải với Thiên Chúa và với nhau muôn đời. Đức Giê-su đã quảng đại đối với chúng ta, chính là để chúng ta có thể quảng đại đối với nhau.

  1. « Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính trước mặt người đời »

Trước đó, cũng theo Tin Mừng theo thánh Luca (x. Lc 11, 42-46), Đức Giê-su mặc khải cho những người Pha-ri-sêu biết, họ có ba điều bất hạnh, hay nói cách khác ba thứ bệnh :

  • Bệnh thứ nhất: làm tròn bổn phận nộp mọi thứ thuế, nhưng lại bỏ qua lẽ công bình, nghĩa là tương quan với tha nhân, và lòng yêu mến Chúa. Nghĩa là họ chỉ làm tròn những bổn phận đem lại cho mình vinh quang, danh dự, tiếng tốt với nhưng người có quyền có thế. Trong khi khởi đầu, cùng đích, tâm điểm và ý nghĩa của Lề Luật là lòng mến Chúa và yêu người, thì họ không quan tâm. Sống lệ thuộc vào lời khen tiếng chê, như chúng ta đều biết, quả là một bất hạnh !
  • Bệnh thứ hai : thích ngồi ghế đầu trong hội đường, thích được người ta chào hỏi nơi công cộng. Một người có chức có quyền, thì đương nhiên được ngồi ở trên và được chào hỏi. Điều trở nên bệnh hoạn ở đây, theo lời Chúa, là lấy đó làm vui thích, nguồn của tính kiêu căng. Bất hạnh ở đây là tự mình cô lập, tách rời khỏi tương quan đơn sơ, huynh đệ và tình bạn, vốn đem lại niềm vui đích thật.
  • Bệnh thứ ba: các người giống như mồ mả không có gì làm dấu, người ta giẫm lên mà không hay. Có lẽ đây là lời nặng nề nhất của Đức Giê-su dành cho người Pha-ri-sêu, để mặc khải cho họ căn bệnh hiểm nghèo và chết người. Theo đó, họ chỉ có vẻ bề ngoài, nhưng không ai biết, bên trong toàn là chết chóc, ô uế, thối tha; giống Người nói trong bài Tin Mừng hôm qua: “Bên ngoài chén dĩa, thì các người rửa sạch, nhưng bên trong các người thì đầy những chuyện cướp bóc gian tà” (Lc 11, 39). Lời này sẽ ứng nghiệm, khi họ căm giận Đức Giê-su, gài bẫy, lập mưu để tố cáo, bắt giữ và loại trừ Người.

Ba căn bệnh của người Pha-ri-sêu, mà Đức Giê-su công bố, có thể qui về một căn băn duy nhất, đó là “bệnh sống theo vẻ bề ngoài”.

Các ông là những kẻ làm ra bộ công chính
trước mặt người đời,
nhưng Thiên Chúa thấu biết lòng các ông. (c. 15)

*  *  *

Thế mà, sống theo vẻ bề ngoài là một căn bệnh vừa phổ biến và vừa khó chữa lành của loài người, và của mỗi người chúng ta. Nhưng Đức Giêsu, với tư cách là thầy thuốc, Người không chỉ chuẩn bệnh, nhưng con chữa bệnh nữa. Ngài chữa lành căn bệnh sống theo vẻ bề ngoài của chúng ta không chỉ bằng lời mặc khải, nhưng còn bằng chính cách sống của ngài với con người và Thiên Chúa Cha.

Như con rắn đồng xưa, ai nhìn lên Đấng chịu đóng đinh trên Thánh Giá, thì sẽ được chữa lành, chữa lành khỏi sức mê hoặc của vẻ bề ngoài (x. Ds 21, 4-9 và Ga 3, 13-17). Bởi vì, thập giá là biểu tượng của công lí hay công chính của loài người, nhưng hoàn toàn chỉ có vẻ bề ngoài. Nơi Thập Gía, Đức Kitô muốn giải thoát chúng ta khỏi sự công chính, đến từ chính chúng ta, dựa vào việc giữ Luật; bởi vì sự công chính này, xét cho cùng chỉ có vẻ bề ngoài, không đụng chạm và không thể đụng chạm đến chốn sâu thẳm và thầm kín của đời người và của nội tâm (x. Gl 5, 1-6). Và Ngài muốn trao ban cho chúng ta sự công chính của chính Ngài, sự công chính đích thật của con Thiên Chúa. Như thánh Phao-lô đã xác tín trong thư gởi Tín Hữu Ga-lát mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại trong những ngày vừa qua:

Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi. Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi. Tôi không làm cho ân huệ của Thiên Chúa ra vô hiệu, vì nếu người ta được nên công chính do Lề Luật, thì hoá ra Đức Ki-tô đã chết vô ích. (Gl 2, 20-21)

Như thế, phương thuốc tận cùng của Ngài để chữa lành chúng ta, chính là Thập Giá, nơi đó, vẻ bề ngoài của Người không còn là gì nữa: thân xác, y phục, danh dự, sự nghiệp, sự sống… Nhưng chính lúc đó đức công chính thần linh, căn tính và chân dung đích thật của Người lại rạng ngời nhất.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc