CHÚA NHẬT THỨ VI PHỤC SINH NĂM C

Ga 14,23-29

      Tin mừng Gioan chương 13 đến 17 là những lời tâm tình, là những lời trăn trối của Thầy Giêsu cho các môn đệ trước khi Thầy giã từ để đi chịu tử nạn. Nếu chúa nhật tuần trước chúng ta nghe Chúa nói: Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. (Ga 13,34), thì tuần này chúng ta lại nghe Chúa nói:

1.Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy …(Ga 14,23).

      Tâm lý người đời là yêu ai thì yêu tất cả những gì thuộc về người ấy. Ca dao Việt Nam: Yêu ai yêu cả đường đi

Và dĩ nhiên, Yêu là làm theo tất cả những gì người yêu nói hay muốn.

Nói cách khác: làm theo người nào hay giữ lời người nào cũng chính là yêu thương,  kính trọng người đó: Cá không ăn muối cá ươn, 

                           Con không vâng lời cha mẹ trăm đường con hư.(Ca dao)

Yêu ai thì làm theo lời người ấy. Yêu Chúa thì phải giữ lời Chúa.

       Còn Ai không yêu mến Thầy thì không giữ lời Thầy. (Ga 14,24). Con người được Thiên Chúa yêu mến, nhưng ngay từ ban đầu con người đã chẳng giữ lời Thiên Chúa, con người đã chẳng vâng lời Thiên Chúa. Chúa phán với Adam: trái của cây cho biết điều thiện điều ác, thì ngươi không được ăn (St 2,17). Adam đã chẳng giữ lời Chúa, ông chỉ nghe lời vợ là bà Eva và lời kẻ cám dỗ.(St 3,4). Ông đã bất tuân Thiên Chúa, lôi cuốn tất cả con cháu vào sự phản nghịch của ông (Rm 5,19) và khiến muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo.(Rm 8,20).

      Khác với Adam, Abraham đã nghe và vâng theo lời Thiên Chúa. Thiên Chúa đã thanh lọc ông bằng sự vâng lời: hãy bỏ quê hương ngươi (St 12,1)hãy bước đi trước mặt Ta và hãy trở nên hoàn thiện. (St 17,1). Hãy đem con dâng làm của lễ toàn thiêu. (St 22,2). Cả cuộc sống của Abraham dựa trên lời Thiên Chúa. Ông đã yêu, đã tin và đã giữ lời Thiên Chúa.

      Chúa Kitô đã nêu gương vâng phục Thiên Chúa Cha: Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập tự (Pl 2,8).

      Suốt trong lịch sử Giáo hội đã có biết bao thánh nhân đã yêu mến và giữ lời Chúa, yêu mến và tuân giữ triệt để. Dầu phải mất cả mạng sống mình. Nhưng cũng không thiếu những trường hợp đã không yêu mến và không giữ lời Chúa, hoặc nói yêu Chúa mà chẳng giữ lời Chúa.

2.Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy… (Ga 14,23)

       Ngay trong Cựu Ước, Thiên Chúa đã hứa với Israel: Còn với những ai yêu mến Ta và giữ các mệnh lệnh của Ta, thì Ta trọn niềm nhân nghĩa đến ngàn đời. (Xh 20,6).

       Thiên Chúa yêu thương con người bằng tình nhân ái bao la. Chúa yêu tất cả mọi người, kể cả những người tội lỗi và thậm chí ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội. (Rm 5,20).

      Thánh Gioan còn nhấn mạnh: Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời.(Ga 3,16).

  Thiên Chúa yêu thế gian, nghĩa là yêu tất cả nhân loại và yêu từng người trong nhân loại, dù con người là ai và đang ở trong tình trạng nào.

      Thực ra không phải chỉ khi chúng ta yêu mến và giữ lời Chúa, Chúa mới yêu thương ta. Nhưng Thiên Chúa đã yêu thương ta trước. Thiên Chúa đã đi bước trước. Tình Yêu của Thiên Chúa Nhân Hậu (Lc 15) trổi vượt trên hết mọi tình yêu nhân loại.

3.Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.

        Thiên chúa ở giữa chúng ta:Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta.(Ga 1,14).

      Cha và Thầy sẽ đến và ở lại trong những ai yêu mến và giữ lời Thầy. Mối liên kết thắm thiết và phong phú như mối liên kết giữa thân nho và cành nho. (Ga 15,4-10).

 Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em.(15,4).Trong đoạn Ga 15, 4-10, Chúa Giê su nhấn mạnh đến động từ ở lại 11 lần, cho thấy việc phải kết hợp giữa cành nho và cây nho, giữa môn đệ và Thầy cần thiết và khẩn thiết tới mức độ nào. Thầy ở lại trong môn đệ, môn đệ ở lại trong Thầy khắng khít tới mức độ nào. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được. (Ga15,5).

      Tình yêu sẽ giúp chúng ta ở lại trong Chúa.“Anh em hãy ở lại trong tình yêu Thầy” (Ga 15,9) Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy. (Ga 15,10).

4.Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. (Ga 14,27)

      Ai cũng cần phải có bình an, người giàu có quyền quý cũng như người nghèo khó, hèn mọn. Người đầy dư tiền bạc mà thiếu bình an, cuối cùng phải thốt lên: tiền nhiều để làm gì?

Hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6).

       Sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ và cầu chúc bình an cho các ông. Chúa thổi hơi và ban Thánh Thần.(Ga 20,22).

      Người đời gặp nhau thường chúc bình an cho nhau. Trong thánh lễ, chủ tế cũng nói anh chị em hãy chúc bình an cho nhau. Cuối thánh lễ chủ tế còn chúc anh chị em đi bình an. 

       Bình an là tình trạng tâm hồn tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Tâm hồn công chính mới có bình an. Cain trốn tránh khắp nơi, vào rừng, lên núi, vào hang vẫn không tìm được an bình trong tâm hồn, lúc nào cũng thấy đôi mắt dò xét của Thiên Chúa ở trước mặt.( St 4, 9-16). Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ.

       Năm 1941, trong thế chiến thứ 2, cha Maximilien Kolbe bị Đức Quốc xã bắt và giam trong trại tập trung Auschwitz .

Ngày 31 tháng Bảy 1941, có một tù nhân trốn thoát. Sĩ quan chỉ huy trại bắt 10 người khác phải chết thay. Và Cha Kolbe đã xin được thế chỗ cho Trung Sĩ Francis Gajowniczek-một trong 10 tù nhân bị chỉ định chết thay người tù vượt ngục-. Trong “hầm tử thần” tất cả bị lột trần truồng và bị bỏ đói để chết dần mòn trong tăm tối. Nếu như trước đây chỉ có những lời chửi bới, la hét, đập phá, thì lần này thay vì tiếng rên xiết, người ta nghe các tù nhân hát thánh ca. Vào ngày lễ Ðức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15 tháng 8) tên cai tù chấm dứt cuộc đời cha bằng một mũi thuốc độc chích vào cánh tay.

      Dẫu trong lúc khốn quẫn nhất cuối đời, bình an tâm hồn của cha Kolbe đã tỏa lan sang các tù nhân khác để họ thanh thản ra đi.

      Trong các trại tù ở Việt Nam sau năm 1975, bình an tâm hồn của các cha tuyên úy cũng như của các giáo dân đã giúp nâng đỡ tinh thần nhiều tù nhân khác, để họ tìm được bình an và được gặp Chúa.

      Bình an là kết quả của lòng trông cậy vào Chúa. Đây là điều mà ta có thể có ngay giữa những xáo trộn, xung đột và những vấn đề rắc rối cuộc đời.

      Tuân giữ lời Chúa chính là dấu chỉ rõ ràng nhất chứng tỏ lòng yêu mến của ta đối với Thiên Chúa. Càng yêu mến Thiên Chúa, chúng ta  càng cố gắng thực hiện những điều Ngài muốn.

     Lạy Chúa, xin dạy chúng con biết giữ lời Chúa, để chúng con được ở lại trong Chúa, được bình an và được  Chúa yêu mến.

Nguyễn Đức Lân