CHÚA NHẬT I MÙA CHAY NĂM B

CHƯỚC MỐC CÁM DỖ (Mc 1,12-15)

      Tin mừng Mác cô 1,12-15 tường thuật vắn tắt việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc. Nhưng Mt 4,1-11 và Lc 4,1-13 diễn tả chi tiết hơn. Quỉ cám dổ Chúa lấy quyền năng con Thiên Chúa hóa đá thành bánh mà thỏa mãn cơn đói sau 40 ngày chay tịnh. Rồi nó cám dỗ Chúa về phú quí vinh hoa lợi lộc trần thế và cuối cùng là vinh quang danh tiếng. Đây cũng là những cám dỗ, những quyến rũ đối với mọi người chúng ta ở mọi nơi , mọi thời.

     Nói đến cám dỗ ta thường nghĩ đến ma quỉ, có khi ta còn hình dung ra một quái vật to lớn, đuôi dài, đen đủi, răng nanh, sừng nhọn , lưỡi đỏ, tay nắm chắc ba chỉa.

     Nếu quỉ xuất hiện dưới hình dáng đó, chắc chắn mọi người sẽ chạy xa, trẻ con sẽ khóc thét và nó sẽ không cám dỗ được ai. 

    * Ma quỉ có thật, dù chúng ta không trông thấy nó. Kinh Thánh gọi nó là loài xảo quyệt (St 3,1), luôn lừa dối (St 3,13)Nó thường núp dưới những hình dáng xinh đẹp, duyên dáng, mỹ miều, khéo léo, dịu ngọt. Nhưng nó luôn chống lại Thiên Chúa và làm hại con người. Nhớ lại Kinh Bổn đồng ấu của ĐC Hồ Ngọc Cẩn: Hỏi ma quỉ làm gì cho ta? – Thưa: Nó chỉ cám dỗ ta phạm tội và muốn làm hại ta mà thôi.

      Người ta thuật chuyện có một thanh niên được một người bạn rủ rê, xúi giục:

Giết vợ mày đi

Người thanh niên tức giận:- Mày điên hả, vợ tao xinh đẹp ngoan hiền, đảm đang vậy, sao lại giết đi?

Hay đốt nhà mày đi. 

Mày khùng hả: Đốt nhà lấy gì ở? 

Thôi vậy đi nhậu với tao đi. 

Cái này nghe được đó, đi

 Lâu ngày, hết ly này đến ly khác, xị này đến xị khác, lít này đến lít khác. Về sau, người thanh niên thành ma men. Vợ cằn nhằn, anh bực mình, giết vợ. Thời gian sau nữa, buồn rầu, quẫn trí, anh đốt nhà luôn, sau bao nhiêu sai phạm khác: lười biếng, lừa đảo, trộm cắp, ghen tuông, vũ phu… Tất cả theo sau một lời mời gọi thân tình: đi nhậu với tao đi.

      Bao nhiêu cám dỗ và vấp ngã về danh vọng, tiền tài hay lạc thú, sa đọa cũng đều khởi đầu bằng những lý do rất đẹp đẽ, thanh nhã, có khi đạo đức nữa . 

      Cần thận trọng từng bước và biết dừng đúng thời điểm.

     *Cám dỗ thử thách là một gánh nặng , khổ đau.

      Cám dỗ, thử thách luôn hiện diện trong cuộc đời mọi người, già trẻ lớn bé, không trừ tuổi nào, địa vị nào. Có khi thuyền to thì sóng lớn. Càng giầu sang, càng vị vọng, càng nhiều cám dỗ, thử thách. Đừng tưởng mình inoxydable, miễn nhiễm, dẫu trong bậc độc thân thánh hiến hay bậc đôi bạn hôn nhân gia đình.(Cứ hỏi vua thánh Đavít- 2 Sm 11,2-5 vừa gian dâm vừa sát nhân) .Có khi cám dỗ và tội ác này kéo theo một loạt cám dỗ và tội ác khác. Báo chí thuật lại có mấy chàng trai mới lãnh lương rủ nhau làm vài loong cho mát. Quán khuya, tính lại bình quân mỗi chàng hơn 15 loong. Họ loạng choạng ra về, đường vắng họ thấy một cô gái đi xe máy một mình, họ tính chọc ghẹo cho vui. Nhưng rồi thấy cô gái có điện thoại và bóp tiền, họ nổi lòng tham. Ma men bốc lên, thấy cô gái trẻ đẹp, sexy, họ đâm ra thèm muốn, cùng nhau hiếp dâm cô gái. Để bịt đầu mối, họ xiết cổ cô gái tới chết. Để tẩu thoát, họ cướp luôn xe của cô gái. Từ vài loong cho mát, thêm tình bằng hữu, họ đã phạm một loạt tội hình sự.

Hay như Phê rô, mạnh dạn: “Lạy Chúa, dẫu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa , con cũng sẵn sàng” (Lc 22,33) Nhưng chỉ một đứa tớ gái dò hỏi, ông đã chối phắt: “Tôi có biết ông ấy đâu chị! ( Lc 22,57).Đừng tưởng mình đứng vững.Té ngã khi nào không hay.

      Chúa Giê su dạy chúng ta cầu nguyện: Xin chớ để chúng con SA chước cám dỗ.( Xin đừng để chúng con gục ngã trước cám dỗ). Người miền Bắc có khi đọc ; Xin chớ để chúng con XA chước cám dỗ (Cứ để chúng con gần cám dỗ). Ý thứ 2 không biết có phải là ý Chúa không, nhưng có lẽ cũng đúng. Người đời nói Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Hay như  lời một danh nhân nào: Ví thử đường đời bằng phẳng hết, anh hùng hào kiệt có hơn ai? Người chiến sĩ thực sự dũng cảm là người chiến sĩ thích chiến đấu, không thích làm lính văn phòng , lính kiểng, lính ma. Và cần có mặt trận mới có chiến đấu, mới có chiến công. Càng cam go, càng hiển hách.

     Cám dỗ, thử thách luôn hiện diện trong cuộc sống chúng ta mọi nơi mọi lúc và cũng thật cần thiết cho cuộc sống thiêng liêng của chúng ta.

     *Cám dỗ thử thách cũng là một ân ban hồng phúc.

Cám dỗ, thử thách, tủi nhục có thể vùi dập ta xuống vực thẳm, nhưng cũng có thể nâng ta lên tới Thiên Chúa. Khổ đau, gian nan, bất hạnh  có thể đẩy ta đến bất mãn, điên dại và sự chết nhưng cũng tạo nên nhiều danh nhân, anh hùng, thánh nhân.

Có người chiến sĩ nào có chiến công mà đã không phải chiến đấu gian nan?. Có vị thánh nào nên thánh mà không chịu gian nan thử thách và đã không thắng vượt?

     Cám dỗ và thử thách chính là cửa hẹp để vào nước trời. “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy (Mt 7, 13-14).

     Cám dỗ thử thách xuất hiện cùng lúc Thiên Chúa tạo dựng con người và chắc hẳn nó sẽ còn đeo đẳng con người cho hết kiếp người. Ngay trận chiến đầu tiên nguyên tổ loài người đã thua tan nát. May mà Thiên Chúa đã hứa trợ giúp : “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó.”(St 3,15).

Nhưng đối đầu với Chúa Giê su, thì ma quỉ đã thua tanh banh. “Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi , chờ đợi thời cơ. (Lc 4,13)

     Cám dỗ và thử thách là gánh nặng của kiếp người, nhưng cũng là hồng ân cao cả khi được Thiên Chúa đỡ nâng. “Ơn của Thầy đã đủ cho anh, vì sức mạnh của Thầy được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối.” (2Cr 12,9).

Nguyễn Đức Lân