NGÀY CHÚA NHẬT – NGÀY TÌNH YÊU

MỘT GÓC NHÌN CỦA ĐỨC GIÁO HOÀNG PHANXICO
VỀ ĐIỀU RĂN THỨ BA

Khi nhắc đến điều răn thứ ba, người ta thường nghĩ ngay đến việc giữ ngày Chúa Nhật thế nào, làm sao giữ luật cho đúng hơn là chú trọng đến tinh thần của điều luật này. Trong một bài giảng giáo lý, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã mang đến một cái nhìn mới khi nói về điều răn thứ ba: “Tình yêu chân thật là sự tự do đích thực: tình yêu ấy tách chúng ta ra khỏi sự chiếm hữu của cải; tình yêu ấy xây dựng lại các mối tương quan; tình yêu ấy biết cách đón nhận và trân trọng tha nhân; tình yêu ấy biến đổi mọi nỗi lao nhọc thành quà tặng hân hoan và giúp chúng ta có thể thông hiệp với nhau.”[1] Có thể thấy từ “tình yêu” được lặp đi lặp lại nhiều lần, đây là điểm nhấn quan trọng để hiểu rõ hơn về việc giữ ngày Chúa Nhật.

  1. Ngày Chúa Nhật: ngày tình yêu

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolo II đã khẳng định ngày Chúa Nhật là một ngày nằm ở cốt lõi của đời sống Kitô hữu.[2] Nếu như Thiên Chúa đã truyền cho dân Israel giữ ngày sabat để kính Đức Chúa, tưởng nhớ lại sự sáng tạo (x. Xh 20,11) và tất cả đều phải ngưng công việc, kể cả những người tôi nam tớ nữ và những người nô lệ cũng được nghỉ ngơi (x. Đnl 5,14-15) thì ngày Chúa Nhật còn mang một ý nghĩa sâu xa hơn. Đó là ngày thứ nhất trong tuần, ngày mà các Kitô hữu họp nhau lại để cử hành việc tưởng niệm Mầu nhiệm Vượt qua của Đức Giêsu Kitô. Chúa Giêsu đã yêu đến cùng (x. Ga 13,1), Người hiến mình trở nên hy lễ tình yêu, đã chết và sống lại, nhờ đó mà ơn cứu độ được tuôn tràn trên toàn thể nhân loại. Vì vậy, ngày của Chúa cũng là ngày của tình yêu.

Đời sống con người ở trần thế này ví tựa cảnh dân Israel ở Ai Cập, cách nào đó cũng chịu cảnh nô lệ do những cưỡng chế bên ngoài hay tù hãm nội tâm, mà đáng chú ý nhất là nô lệ cho chính bản thân mình như đam mê của cải, ganh tị, kiêu ngạo, lười biếng … khiến cho con người mất đi khả năng yêu thương.[3] Do đó, Lời thứ ba mời gọi người Kitô hữu giữ ngày Chúa Nhật, tham dự Thánh lễ hầu có thể mở lòng ra với Thiên Chúa, đón nhận Lời Chúa và Mình Máu Thánh Đức Kitô, kín múc nguồn sự sống từ Thiên Chúa là Tình Yêu chân thật. Lòng thương xót của Thiên Chúa bao phủ trên con người, giải thoát con người khỏi sự kìm kẹp của tội lỗi và đem lại tự do đích thực cho con người.[4] Như thế, tình yêu chân thật là sự tự do đích thực, giải phóng con người khỏi sự nô lệ chính mình.

  1. Tình yêu chân thật là sự tự do đích thực

Tình yêu chân thật tách chúng ta ra khỏi sự chiếm hữu của cải. Thường thì con người có khuynh hướng muốn có thật nhiều của cải vật chất, không chỉ để đảm bảo sự sinh tồn, thỏa mãn nhu cầu nhưng còn để khẳng định vị trí của mình trong xã hội cũng như để thống trị, chi phối, kiểm soát người khác. Vì vậy, không ít người sẵn sàng làm mọi việc chỉ vì tiền và trở thành nô lệ của chính của cải vật chất mà không hay biết, bạc tiền trở thành cái bẫy cho những ai si mê nó (x. Hc 31,5-7). Do đó, một khi được chạm tới nguồn yêu thương, ta sẽ biết đặt niềm tin tưởng vào Thiên Chúa quan phòng, chính Người sẽ giúp ta thanh thoát và biết làm chủ những ham muốn về của cải.

Tình yêu chân thật cũng xây dựng các mối tương quan. Con người được dựng nên không phải để sống một mình nhưng để sống cùng và sống với nhau. Bởi thế, “ngày tình yêu” là dịp thuận tiện để ta sống tinh thần yêu thương, “vun trồng đời sống gia đình, văn hóa, xã hội và tôn giáo.”[5] Qua việc tham dự thánh lễ, ta thờ phượng, cầu nguyện, tạ ơn và giao hòa với Thiên Chúa là nguồn sự sống, đồng thời gặp gỡ và xây dựng Hội Thánh. Nghi thức sai đi cuối thánh lễ mời gọi ta mang bình an và sức sống đã được lãnh nhận vào trong cuộc sống, làm lan tỏa Tin Mừng yêu thương của Chúa bằng đời sống chứng tá như gặp gỡ, nối kết, hòa giải với người xung quanh, làm việc bác ái,[6] thăm viếng những người cần được giúp đỡ ủi an hay chăm sóc thiên nhiên, thân thiện với môi trường…. Những ganh tị, ghen tương, đố kị sẽ được thay bằng lòng bao dung, bác ái và từ tâm.

Đặc biệt, tình yêu chân thật biết cách đón nhận và trân trọng tha nhân. Bởi vì tất cả mọi người đều mang hình ảnh của Thiên Chúa, đều là con của Cha trên trời, là bộ phận trong thân thể của Đức Kitô (x. 1 Cr 12,27), do đó ta chân nhận phẩm giá của mình cũng như phẩm giá của người khác. Tình yêu chỉ có thể nở hoa khi ta hướng về người khác. Vì vậy, tình yêu chân thật giúp ta biết trân trọng tha nhân như trân trọng chính mình, ta sẽ không còn tự tôn, quy ngã về mình hay cho mình là chuẩn mực mà người khác phải theo.

Ngoài ra, tình yêu chân thật biến lao nhọc thành quà tặng hân hoan và giúp chúng ta thông hiệp với nhau. Con người lao động không chỉ vì nhu cầu sinh tồn nhưng còn tiếp nối công trình sáng tạo của Thiên Chúa. Hơn nữa, khi cùng nhau quy tụ tham dự Thánh lễ, ta tiến dâng lễ vật là bánh và rượu trên bàn thờ, đó là “hoa màu ruộng đất và lao công của con người”. Qua lời truyền phép, nhờ quyền năng của Chúa Thánh Thần mà bánh rượu trở nên Mình và Máu Chúa Kitô. Thánh Thể là quà tặng quý giá nhất mà Thiên Chúa tặng ban cho con người, vì tặng phẩm ấy là chính Người. Bởi việc lãnh nhận Mình và Máu Thánh, chúng ta được thông hiệp với Đức Kitô và với nhau.

Tạm kết

Như vậy, qua góc nhìn của Đức Giáo Hoàng Phanxico, Lời thứ ba mà Thiên Chúa nói với dân Người thấm đượm tinh thần tình yêu. Đó không còn là điều răn mang nặng tính lề luật nữa nhưng là lời yêu thương mời gọi con cái Người kết nối với nguồn mạch sự sống và tình yêu để đạt đến sự tự do đích thực và vươn lên tầm cao của chân trời yêu thương vô biên.

Học Viện, SSS

[1] ĐGH Phanxico, Mười Lời – Giáo Lý Về Mười Điều Răn, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2022), 70.
2] X. ĐGH Gioan Phaolo II, Tông thư Dies Domini, số 7.
3] X. ĐGH Phanxico, Mười Lời – Giáo Lý Về Mười Điều Răn, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2022), 68-69.
[4] X. ĐGH Phanxico, Mười Lời – Giáo Lý Về Mười Điều Răn, (Hà Nội: Tôn Giáo, 2022), 65-66.
[5] X. Công đồng Vatican II, Hiến chế Gaudium et Spes, số 67; Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo, số 2184.
6] X. ĐGH Benedicto XVI, Tông huấn Sacramentum Caritatis, Ủy Ban Giáo Lý Đức Tin chuyển dịch, số 73.