Tin Mừng Chúa Nhật Chúa Hiển Linh, Năm B.

Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC

60,1-6; Mt 2,1-12.

Mầu nhiệm chính của Lời Chúa trong chu kỳ Giáng Sinh là mầu nhiệm Thiên Chúa tỏ mình cho nhân loại ngang qua thân phận làm người của Hài Nhi Giêsu. Hai nhân vật đầu tiên được biết về mầu nhiệm Hài Nhi Giêsu là Maria và Giuse, biết rõ ràng ngay cả trước khi Người được sinh ra. Tiếp sau là các người chăn chiên vùng Belem, vốn là những kẻ mọn hèn bị xã hội lẫn tôn giáo khinh chê, loại trừ. Rồi qua chứng từ của các người chăn chiên ấy, Tin Mừng Giáng Sinh được loan cho dân Chúa tản mác từ tứ phương đang kéo nhau về Belem để làm kiểm tra dân số theo lệnh hoàng để  La mã Augusto. Rồi khi họ quay về lại nơi họ  đang sinh sống, thì chắc chắn họ sẽ thuật lại điều mắt thấy tai nghe cho bà con lối xóm. Thế là ngay lúc vừa mới giáng trần thì Chúa Giêsu Hài Nhi cũng đã tỏ mình cho chư dân rồi.

Hôm nay, qua một cung cách khác, Hài Nhi Giêsu lại tỏ mình ra cho DÂN NGOẠI qua các nhà chiêm tinh và cho cả hàng lãnh đạo Do Thái  giáo lẫn dân thành Giêrusalem. Tiếc thay dân Chúa đã hững hờ trước tin vui thần linh, chỉ có dân ngoại là được hưởng niềm vui đón gặp Chúa đến. Theo tinh thần phụng vụ ngày Lễ Hiển Linh, hôm nay chúng ta chỉ chiêm ngắm cách thức Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.

Trong Bài Đọc I, ngôn sứ Isaia loan báo ngày Chúa can thiệp cho dân được hồi hương: Chúa sẽ chiếu tỏa ánh sáng Chúa trên Giêrusalem, qui tụ chư dân về Giêrusalem để tôn thờ Chúa; còn dân Chúa sẽ được hồi hương cách huy hoàng “con trai ngươi từ phương xa tới, con gái ngươi được ẵm bên hông”. Tình cảnh hoàn toàn khác hẳn: Lúc đi lưu đày thì bị xích xiềng, lôi kéo…lúc hồi hương lại được bồng bế, nâng niu đưa về. Niềm vui còn dâng cao hơn nữa khi nguồn phú quí giàu sang của chư dân sẽ tuôn đổ về Giêrusalem từ biển cả, của cải  muôn dân sẽ tuôn đến với thành đô cách dồi dào: lạc đà từng đàn che rợp đất mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng ĐỨC CHÚA.

Như vậy cảnh lưu đày đau thương của dân Chúa, thì khi đến thời Chúa ra tay can thiệp cứu vớt lại trở thành phương tiện Chúa bày tỏ vinh quang của Chúa cho dân lẫn cho dân ngoại.

Những hình ảnh được loan báo trong bài đọc 1 sẽ được ứng nghiệm vào thời điểm Chúa Giêsu giáng thế, khi các nhà chiêm tinh từ Phương Đông theo điềm lạ ánh sao đã tìm đến Giêrusalem, đem lễ vật đến tôn thờ vị Vua Thiên Sai là Chúa Giêsu vừa giáng thế. Tiếc thay Giêrusalem đã không hoàn tất được sứ vụ mà Chúa đã kỳ vọng nơi thành. Thành đô đã hờ hững không nhận ra điềm lạ ánh sao; rồi càng hờ hững hơn nữa trước tin vui do các nhà chiêm tinh mang tới: “Đức Vua dân Do Thái mới sinh hiện đang ở đâu? Chúng tôi đã thấy Ngôi Sao của NGƯỜI xuất hiện trên phương đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người.” Thay vì vui mừng thì cả thành lại xôn xao bối rối như Hêrôđê bạo chúa.

Tuy nhiên phần Thiên Chúa, Chúa vẫn trung tín với dự tính từ ngàn xư của Chúa: Người đã dùng truyền thống Do Thái giáo, tức các thượng tế, kinh sư để truyền lại cho các nhà chiêm tinh lời sấm ngôn về Đấng Thiên Sai của Chúa: Vua dân Do Thái sinh “tại Belem, miền Giuđê vì trong sách ngôn sứ có chép rằng: … vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời.”

Phần Hêrôđê mặc dầu đầy ác ý, nhưng trong bàn tay Thiên Chúa, ông cũng đã góp phần làm cho Lời Chúa đến được với các nhà chiêm tinh: chính ông, ngay trong đêm đã “triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại” để hỏi về nơi sinh của Hài Nhi Thần Linh.

Như vậy không phải là ánh sao, mà yếu tố chính đưa các nhà chiêm tinh đến với Hài Như Vua là LỜI CHÚA, là truyền thống Kinh Thánh được Chúa trao cho các lãnh đạo Do Thái dù họ bất trung bất xứng. Các yếu tố khác: Ngôi sao, truyền thống Do Thái, lòng nhiệt thành các nhà chiêm tinh và kể cả ác ý của Hêrôđê đều là công cụ Chúa dùng để mặc khải Mầu Nhiệm cho chư dân.

Và các nhà chiêm tinh khi về lại xứ sở mình. chắc chắn họ cũng sẽ loan tin mừng giáng sinh cho dân họ. Vậy ngay khi vừa chào đời, Hài Nhi đã loan tin mừng cho khắp chư dân. Mọi tín hữu hãy tin tưởng làm CỘNG TÁC VIÊN của Chúa.