Tháng Năm, Ngày 28

 

Việc tôn thờ không thể đạt hiệu quả nếu thiếu hiệp lễ” [ ]

Việc cha Eymard đưa ra lời khuyên này trước Vaticano II 150 năm quả thực là đáng kể! Trước Vaticano II, truyền thống phân biệt rõ ràng giữa cử hành Thánh Thể với Cầu nguyện trước Thánh Thể mà ban đầu gọi là Chầu Thánh Thể. Thực ra, Chầu Thánh Thể được gán cho là quan trọng hơn việc Cử hành vốn chỉ được xem như một bình phông hay điều kiện tiên quyết để đạt đến sự hiện diện thực sự. Tuy nhiên, Vaticano II đã đặt mọi sự vào bối cảnh phù hợp. Điều diễn ra trước hết là việc Cử hành mà qua đó chúng ta kết hợp với Đức Giê-su qua việc tự hiến hoàn toàn, đầy yêu thương và vâng phục của Người. Nhưng vì Cử hành là một hành động theo dòng chảy và không thể dừng lại để chiêm ngắm, nên chúng ta phải tham dự một cách xuyên suốt. Thế nhưng, để tiêu hóa tốt hơn những gì chúng ta đã thực hiện cũng như để nhận ra những hàm ý của việc cử hành này một cách rõ ràng hơn và để sống việc cử hành này một cách mạnh mẽ hơn, thì ngoài việc cử hành, chúng ta còn dành thời giờ để cầu nguyện trước Thánh Thể.

Hơn nữa, Hội thánh đòi hỏi rằng việc chầu Thánh Thể nên được thực hiện tại cùng một bàn thờ nơi Lễ vật Hy sinh được dâng tiến, vì thế mới đem lại một sự nối kết giữa Cử hành và Cầu nguyện. Vả lại, khi chúng ta bắt đầu việc cầu nguyện trước Thánh Thể, điều trước tiên đánh động chúng ta khi nhìn vào Bánh Thánh trong Mặt Nhật, đó là: đây là ‘Bánh được bẻ ra’. Thứ chúng ta có trong Mặt Nhật không phải là một mẩu bánh, nhưng là bánh đã được bẻ ra trong suốt buổi Cử hành Thánh Thể. Tự nhiên, từ đây nảy ra những câu hỏi đại loại như sau: ‘Ai đã bẻ bánh này? Người ấy bé bánh này khi nào? Tại sao người ấy lại bẻ bánh và người ấy đã nói gì khi bẻ bánh? Chúng ta có sẵn sàng bẻ chính chúng ta như người ấy đã làm vì sự sống của thế gian không? Đây là cách duy nhất để chúng ta nối kết việc cầu nguyện với việc cử hành Thánh Thể.

Điều cha Eymard nhắm đến chính là khi Chầu Thánh Thể được tách ra khỏi việc cử hành thì nó thiếu đi điều cần thiết. Nó bỏ qua mục đích của việc Đức Giê-su ban Thánh Thể cho chúng ta. Ý định chính yếu của Người khi ban Thánh Thể cho chúng ta không nhất thiết là chúng ta có thể tôn thờ Người đang hiện diện giữa chúng ta, nhưng là chúng ta có thể ‘làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy!’ Mong ước của Người là chúng ta cùng cộng tác với Người để tiếp tục công trình cứu độ qua việc kết hợp sự hiến mình nhỏ bé của chúng ta với hành động hiến ban chính mình vĩ đại của Người. Tách mình khỏi Đức Giê-su, hành vi hiến mình của chúng ta chỉ mang giá trị nhỏ nhoi. Nhưng khi chúng ta kết hợp việc hiến mình của chính chúng ta với việc hiến mình của Người, điều đó sẽ đem đến giá trị vô biên của Hy tế của chính Đức Ki-tô.

Chắc chắn chúng ta cần tỏ lòng biết ơn và tôn kính Đức Giêsu, nhưng điều này không thể tách rời khỏi hành vi tự hiến cốt yếu của Người dành cho chúng ta. Bên cạnh đó, Hy tế của Đức Giê-su trong Bữa Tiệc Ly đơn giản là cao điểm của toàn bộ đời sống vâng phục Chúa Cha và đây là điều mà Đức Giê-su muốn chúng ta tiếp diễn trong cuộc đời mình. Vì thế, Việc Cử hành phải đến trước trong tâm trí và tâm hồn của chúng ta, rồi sau đó mới chuyền thành lời cầu nguyện tha thiết trước Thánh Thể. Việc cầu nguyện này cũng được xem là để chúng ta chú ý đến sứ điệp của Đức Ki-tô dành cho chúng ta trong ngày sống (đọc ra những dấu chỉ) hơn là để dâng lời ngợi khen, tôn thờ và tạ ơn Đức Giê-su hiện diện ở đó. Mục đích sau cùng của Đức Giê-su khi ban Thánh Thể cho chúng ta, đó là: chúng ta có thể tiếp tục công trình cứu độ nhờ danh của Người.