Tháng Năm, Ngày 27

 

Thánh Thể là nguồn cảm hứng tuyệt diệu nhất của tâm hồn tôi” [ ]

Ngày nay, tâm lý học cho chúng ta biết rằng con người ta đạt được khả năng cao nhất không phải là khi họ hoàn thành được những ước nguyện hay mục tiêu của mình, nhưng là khi họ có thể biến đổi chính mình. Khi một ai đó có thể sống vì người khác hơn là vì chính mình, thì đó là dấu hiệu của sự trưởng thành tột đỉnh nơi con người! Lý do của điều này nằm ở chỗ chúng ta là những thụ tạo quy ngã chỉ tìm kiếm sự an toàn cho bản thân mình, thỉnh thoảng mới hướng đến người khác mà thôi. Dĩ nhiên, điều này xảy ra là vì những an toàn nội tại của chúng ta, vì thế nói chung trong cuộc sống, con người ta chỉ tìm kiếm điều gì là tốt nhất cho mình mà thôi. Nếu điều tốt này hay ơn phúc này cũng có lợi cho người khác, thì quả là rất tốt, thế nhưng trước hết nó phải phù hợp với bản thân mình đã.

Đức Giê-su đã chỉ ra cho chúng ta thấy con đường để hiện thực và kéo dài niềm hạnh phúc, và con đường mà Người chỉ ra đó chính là con đường Thập giá, con đường đánh mất mạng sống mình vì anh em. Đức Giê-su không chỉ dạy chân lý này một cách lý thuyết mà thôi, nhưng chính Người đã sống chân lý ấy. Vào đêm trước lúc Người chịu khổ nạn, khi Người tụ họp các môn đệ quanh bàn tiệc vào giờ sau hết để cử hành Bữa Tiệc Vượt Qua, Đức Giê-su đã cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, Người bẻ ra và trao cho các môn đệ mà nói ‘Hãy cầm lấy mà ăn, này là Mình Thầy sẽ bị nộp vì anh em’. Sau khi hiến ban chính mình cho anh em để cứu thoát họ khỏi chủ nghĩa cá nhân, Người đã bước vào cuộc Khổ nạn và chịu chết trên Thập giá trên đồi Can-va-ri-ô. Đức Giê-su đã chịu chết như Người đã sống vì người khác!

Khi cử hành Bữa ăn sau hết này với các môn đệ, Người đã ban cho các ông mệnh lệnh cử hành Thánh Thể ‘Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy!’ hay như thánh Phao-lô đã nói ‘Mỗi khi anh em ăn bánh và uống chén này là anh em loan truyền sự chết của Chúa cho tới khi Người lại đến’ (1 Cr 11,26-32).

Ngày nay, Đức Giê-su mời gọi chúng ta làm việc này không chỉ như một nghi thức để tưởng nhớ Người. Mà hơn thế, Người ao ước các môn đệ của Người cũng sẵn sàng hy sinh sự sống mình vì anh em. Những gì họ làm trong suốt Thánh Lễ sẽ chỉ là một của lễ tượng trưng mà sau đó cần phải được biến đổi bản thể trong đời sống thường ngày. Cũng như Can-va-ri-ô đưa đến Phòng Tiệc Ly, thì việc chết đi thực sự của chúng ta vì anh em cũng phải đưa đến việc cử hành Thánh Thể!

Thật không may, đối với nhiều người, Thánh Lễ kết thúc ngay tại Nhà thờ; hiếm khi người ta đưa Thánh Lễ vào đời sống thường ngày. Lý do giải thích điều này quá rõ: ‘Hầu như không ai chết vì người công chính, họa may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng’ (Rm 5,5-8). Hy sinh vì người khác quả là không dễ chút nào, cũng như đó không phải là sự lựa chọn tự phát của chúng ta vào bất cứ lúc nào! Chỉ khi nào chúng ta chiếm được tình yêu, một tình yêu đã bùng cháy lên nơi tâm hồn của Đức Kitô, thì khi ấy chúng ta mới sẵn sàng từ bỏ sự sống mình vì người khác. Tuy nhiên, cha Eymard nhắc nhở chúng ta rằng cảm hứng về một cuộc đời hy sinh bản thân vì lợi ích của người khác là nguồn cảm hứng tuyệt diệu nhất mà người ta có thể có được. Và đã có rất nhiều người đã thực sự chết đi vì lý tưởng này, đáng chú ý là thánh Maximillian Kolbe, người đã thế chỗ cho người bạn tù và đã chết thay cho anh ta. Thánh Thể đưa chúng ta đến những tầm cao phi thường.