Tháng Năm, Ngày 26

 

Hãy cầu xin sao cho có được một đức tin đơn sơ và tinh tuyền vào Thánh Thể.” [ ]

Lời khuyên đơn giản này của cha Eymard cho thấy đức tin là một hồng ân Chúa ban; đức tin không phải thứ chúng ta có thể có được bằng sự nỗ lực của bản thân. Đức tin, như thư gửi tín hữu Do Thái nhắc nhở chúng ta ‘là đảm bảo cho những điều chúng ta không thấy!’ (Dt 11,1). Điều đó có nghĩa là chúng ta sẽ có được cách nhìn của Thiên Chúa đối với mọi thực tại xung quanh chúng ta. Khi nói đến Thánh Thể, niềm tin mà chúng ta cần có chính là điều làm cho chúng ta chấp nhận khi chúng ta nhìn thấy một tấm bánh nhỏ được bẻ ra, chúng ta chấp nhận rằng đó không chỉ là tấm bánh nhưng là chính con người của Đức Giê-su. Chúng ta sẽ gặp rắc rối bao lâu chúng ta còn tìm cách hiểu việc này xảy ra như thế nào, và chúng ta biết rằng nhiều người trong nhiều thế kỷ qua đã tốn bao nhiêu thời gian để tranh luận hầu có thể tìm được lối giải thích ổn thỏa.

Đức tin đơn sơ và tinh tuyền mà cha Eymard mời gọi chúng ta cầu xin sẽ giúp chúng ta biết tương quan với Đức Giê-su nơi Bí Tích Thánh Thể như một nhân vị. Và khi Người trở thành tâm điểm của đời sống chúng ta, chúng ta sẽ chạy đến với Người và dâng lên Người tất cả mọi sự có liên quan đến cuộc đời chúng ta trên trần gian này. Chính Người đã phán bảo chúng ta rằng ‘Hãy đến cùng Tôi hỡi tất cả những ai đang mang gánh nặng nề, Tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng’. Đức tin của chúng ta vào Đức Giê-su hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể sẽ ngày càng lớn mạnh khi chúng ta ngày càng nhận ra rằng ngày nay Đức Giê-su không chỉ là ‘một người ở đâu đó’ nhưng ‘đang ở đây với chúng ta’. Chúng ta càng cảm nhận được sự đồng hành của Người trong những biến cố nhỏ bé nhất trong cuộc đời, trong tương quan của đời sống cộng đoàn thường ngày, thì sự hiện diện của Người ngày càng trở nên thực sự và sống động đối với chúng ta.

Hơn nữa, dần dần chúng ta sẽ nhận ra rằng Đức Giê-su ‘hiện diện vì chúng ta’ là Đấng duy nhất có thể đem đến cho chúng ta sự bình an và an vui đích thực chứ không phải người nào khác, cũng như không phải bất kỳ một thứ nào khác có thể thay thế vị trí của Người! Vì thế, khi cần, chúng ta trở về với Người bằng những thử thách nhỏ bé của chúng ta… và mau chóng nhận ra rằng Người lắng nghe chúng ta và sẽ đến trợ giúp chúng ta. Sau hết, chúng ta là của Người, chúng ta thuộc về Người, và nếu đây là những khó khăn của hoạt động tông đồ mà chúng ta gặp phải, thì bấy giờ chúng thực sự là khó khăn của Người, chứ không phải của chúng ta!

Mặc dù đức tin của chúng ta vào Đức Giê-su hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể phải là một phẩm chất lớn lên theo thời gian; nhưng đức tin ấy cần sâu sắc hơn và mạnh mẽ hơn ngày qua ngày. Một dấu hiệu của sự trưởng thành này đó là: trong suốt giai đoạn này, chúng ta không chỉ bắt đầu trò chuyện với Chúa hiện diện trong Nhà tạm, nhưng khám phá ra rằng cũng chính Đức Giê-su ấy đang hiện diện nơi con người của chúng ta! Bấy giờ chúng ta bắt đầu trò chuyện với Người là Đấng đang hiện diện với chúng ta cũng như nơi những người khác. Dĩ nhiên, điều này cũng muốn nói đến đức tin sâu đậm hơn, vì những lỗi lầm và thất bại của những người xung quanh chúng ta (cũng như những thất bại của chính chúng ta) thường ngăn cản chúng ta nhận ra Đức Giê-su đang hiện diện nơi mọi người. Nhận ra Đức Giê-su nơi họ cho phép chúng ta nhận ra điểm tốt nơi họ hơn là nhận ra điểm xấu nơi họ. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng chúng ta không phản ứng một cách tiêu cực với cái sai mà chúng ta có thể khám phá nơi người khác, chúng ta sẽ ngày càng trở nên cảm thông hơn, như Đức Giêsu vậy. Chúng ta có thể vui mừng vì điều tốt chúng ta nhận ra nơi mình cũng như nơi người khác, và cầu xin cho những điều không tốt nơi họ có thể được biến đổi nhờ tình yêu mãnh liệt của Thiên Chúa. Vì thế, đức tin của chúng ta vào sự hiện diện nơi Bí Tích Thánh Thể sẽ dẫn đến một cộng đoàn tốt hơn đó là Thân Mình Đức Ki-tô, đó là Hội Thánh và được xây dựng trên những nền tảng vững chắc, trên sự hiện diện thực sự của Đức Giê-su nơi mỗi tín hữu và nơi mỗi cộng đoàn quy tụ lại nhân danh Người.