Tháng Năm, Ngày 25

 

Sự Hiệp Thông giúp linh hồn nhận ra, hiểu biết, chiêm ngắm, và hưởng nếm được hương vị ngọt ngào.” [ ]

 Điều mà cha Eymard muốn đề cập đến ở đây chính là việc Hiệp Lễ trong Thánh Lễ. Thế nhưng, chắc chắn cha không muốn thu hẹp ý nghĩa của việc Hiệp Lễ vào một mình hành động này, nhưng còn muốn mở rộng hành động ấy tới mọi thứ có liên quan, và đào sâu sự hiệp thông này giữa Chúa với chúng ta. Kinh nghiệm loài người cho chúng ta thấy tình yêu sâu đậm và chân thật dành cho người khác sẽ làm cho người ta nhạy bén với từng chi tiết trong cuộc đời của người mình yêu. Chính vì vậy, tình yêu ấy có một cách nhìn, cách cảm nhận, cách lắng nghe khác lạ,… tất cả được chi phối bởi sự gắn kết đầy yêu thương bên trong với người khác. Vì thế, nếu ai đó cảm nhận được tình yêu sâu đậm và riêng tư của Đức Giê-su, thì tự nhiên người ấy bắt đầu nhận ra, hiểu biết, chiêm ngắm và hưởng nếm Chúa theo một cách thức mới và khác lạ.

Trong Tin Mừng Mác-cô, khi các môn đệ đến xin Đức Giêsu giải thích dụ ngôn người gieo giống, Người nói với các ông rằng ‘Phần anh em, mầu nhiệm Nước Thiên Chúa đã được ban cho anh em; còn với những người kia là những kẻ ở ngoài, thì cái gì cũng phải dùng dụ ngôn…’ (Mc 4,10-11). Vì vậy, đối với những ai muốn đáp lại lời mời gọi của Đức Ki-tô để trở thành những bạn hữu thân thiết của Người, thì việc hưởng nếm, chiêm ngắm này,… tất cả sẽ phải trở nên quan trọng hơn và đòi hỏi nỗ lực hơn hầu đạt được sự hiệp thông chân thật với Chúa.

Nếu sự Hiệp Thông có thể làm cho chúng ta hiểu biết Chúa nhiều hơn và sâu sắc hơn, bấy giờ nó sẽ trở nên quan trọng hơn để hiểu biết những gì mà sự hiệp thông muốn nhắm đến. Từ “Hiệp thông” có gốc từ tiếng Latinh và ám chỉ ‘một sự kết hiệp chung’.

Để sự hiệp nhất này tồn tại và phát triển, rõ ràng là cả hai bên phải sẵn sàng cho đi mọi thứ, thậm chí là cả con người của họ. Về phần mình, Thiên Chúa đã từ bỏ mọi sự ngoại trừ địa vị Thiên Chúa khi Ngài đến với chúng ta dưới hình dạng một con người, Ngài không có thứ gì khác để có thể và cần cho đi. Vì thế, trái banh đang ở phần sân của chúng ta. Chúng ta càng tìm cách loại bỏ Cái Tôi nơi mình, thì càng dễ dàng để đạt đến chiều sâu của sự hiệp thông với Chúa.

Việc đánh mất chính mình cần được thực hiện không phải bằng bổn phận hay trách nhiệm nhưng là bằng tình yêu! Chỉ khi ấy nó mới thực sự trở nên hiệu quả. Khi chúng ta có thể không nhìn vào chính bản thân mình mà ngày càng quy hướng về Chúa hơn, chúng ta sẽ nhận ra rằng chúng ta càng khám phá ra Ngài nhiều hơn. Đường lối của Thiên Chúa không phải là đường lối của chúng ta, vì thế mỗi lần chúng ta tìm đến với Ngài, chúng ta lại khám phá và học được một điều gì mới lạ. Do đó, mối tương quan của chúng ta với Ngài sẽ trở thành một cuộc phiêu lưu, một điều mới mẻ luôn xuất hiện ở phía chân trời. Nỗ lực của chúng ta trong việc loại bỏ Cái Tôi sẽ thanh luyện tầm nhìn của chúng ta, loại bỏ tất cả mọi rào cản mà chính chúng ta có khuynh hướng đặt ra trên con đường của chúng ta, nó sẽ nhổ tận gốc mọi thứ cỏ dại vốn làm suy yếu quyết tâm của chúng ta. Nói tóm lại, càng loại bớt Cái Tôi qua từng ngày sống, chúng ta lại càng tìm được ích lợi từ sự hiệp thông của mình.

Hơn thế nữa, mối dây hiệp thông của chúng ta với Chúa ngày càng sâu đậm, thì mối dây hiệp thông của chúng ta với nhau ở cấp độ loài người mới ngày càng thân thiết và sinh hoa trái. Có một điều gì đó rất tuyệt vời nơi mỗi con người, và nếu chúng ta có thể hiểu được điều này cũng như tương quan với người khác ở cấp độ này, thì mối dây hiệp thông của chúng ta sẽ mau chóng dẫn chúng ta đến một khám phá sâu xa hơn về những điều vĩ đại nơi con người ấy.