Tháng Năm, Ngày 18

 

Đau khổ của Ki-tô giáo chính là nơi thanh luyện linh hồn tín hữu” [ ]

Thật cần thiết để lưu ý rằng câu khẳng định ở trên ám chỉ đến đau khổ của ‘Ki-tô giáo’, chứ không riêng gì đau khổ mà đôi lúc có thể đánh bại một người nào đó không có khả năng để chỗi dậy. Thực vậy, chúng ta có thể nói rằng đau khổ của Ki-tô giáo là sự đau khổ mang một ý nghĩa và mục đích để con người ta vác lấy thập giá. Khi đau khổ ‘phù hợp’ với lối suy nghĩ Ki-tô giáo của người ta, thì đau khổ ấy có thể có lợi và hữu ích vì nó thanh tẩy chúng ta khỏi những dấu vết của Cái Tôi vẫn đang ở trong chúng ta.

Cách nhìn về sự đau khổ của người ngoại sẽ chỉ xem đau khổ như một hình phạt mà Chúa gửi đến cho chúng ta vì tội lỗi của mình. Thiên Chúa không trừng phạt chúng ta vì việc làm sai trái; mà chính chúng ta tự trừng phạt mình đấy thôi. Quả thực, Thiên Chúa thường để cho chúng ta gục ngã thảm hại vì chỉ khi đó, mắt chúng ta mới mở ra và chúng ta mới quay trở về với Ngài một cách khiêm nhường và đầy lòng cậy trông. Tuy nhiên, khi xem đau khổ như sự trừng phạt, thì có lẽ đó là cách giải thích dễ nhất về lý do vì sao chúng ta phải chịu đau khổ, mặc dù chắc chắn đó không phải là cách giải thích thuyết phục nhất. Mặc dù Thiên Chúa rất công minh và Ngài thiết định những luật lệ không thể bị phá vỡ vào trong con người chúng ta, nhưng dường như Kinh Thánh lại cho thấy Thiên Chúa là Đấng cứu chúng ta ra khỏi chính bản thân mình, cũng như khỏi mọi tội lỗi. Điều này đơn giản có nghĩa là khi chúng ta gặp rắc rối vì sự ngu dại và sự thiển cận của mình, thì chính Thiên Chúa là Đấng đầu tiên sẽ đến và giải cứu chúng ta. Bấy giờ, Ngài không chỉ chữa lành nhưng còn giúp chúng ta học được bài học kinh nghiệm, và điều này sẽ giúp ích cho chúng ta trong tương lai.

Nếu đau khổ không phải là sự trừng phạt tội lỗi do Thiên Chúa bắt phải chịu, thì phải chăng đó là hậu quả của những tội lỗi trong quá khứ. Sự sinh lại lần nữa là cách giải thích khác có vẻ hợp lý cho sự tồn tại của đau khổ trong thế giới của chúng ta. Nhưng nó chẳng có ý nghĩa khi chúng ta đặt nó bên cạnh những đau khổ của chính Đức Giê-su. Về cơ bản, chúng ta có thể nói rằng đau khổ là hệ quả tự nhiên của con người chúng ta, con người đầy những giới hạn. Thường thì những đau khổ của chúng ta do chính chúng ta gây ra, nhưng không phải lúc nào cũng vậy, chúng cũng xuất phát từ những giới hạn và những thiếu sót của những người xung quanh chúng ta. Thế nhưng, nguyên nhân chính của đau khổ, đó là: sự giới hạn của con người chúng ta.

Hơn nữa, chúng ta thường thấy rằng chính những con người luôn cố gắng sống theo những mệnh lệnh của Chúa, thì lại được gọi là những người đau khổ nhất. Trong những trường hợp này, chúng ta nhận ra rằng bên cạnh việc trở thành một phần trong con người chúng ta, những đau khổ còn được thanh tẩy để chúng giảm bớt Cái Tôi nơi chúng ta và đây luôn luôn là một kết quả hữu ích và tích cực. Càng ít Cái Tôi trong cuộc đời chúng ta, chúng ta lại càng có thể cảm nghiệm được sự hiện diện và tình yêu của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng càng cảm nghiệm sự đau khổ nhiều, chúng ta lại càng có nhiều cơ hội hoặc sẽ đến gần với Thiên Chúa hơn.

Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ lời thánh Phê-rô đã nói ‘Thật vậy, chấp nhận những nỗi khổ phải chịu một cách bất công vì lòng tôn kính Thiên Chúa, thì đó là một ân huệ. Vì nếu có tội mà anh em bị đánh đập và đành chịu, thì nào có vẻ vang gì? Nếu làm việc lành mà phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban.’ (1 Pr 2,19-20).