Tháng 6, Ngày 6

 

“Tình yêu Thiên Chúa giống như trận mưa cầu vồng.” [ ]

 

Cha Erasto Fernandez, sss.
Bản dịch Linh mục Thánh Thể        

Trong sách Sáng Thế, ngay sau trận lụt hồng thủy, Thiên Chúa đã hứa với ông Nô-ê là sẽ không bao giờ tiêu diệt con người bằng một trận hồng thủy nữa (St 8,21), và dấu chỉ cũng như sự bảo đảm cho lời hứa ấy chính là chiếc cầu vồng có thể nhìn thấy ngay khi mặt trời xuất hiện sau cơn mưa. Ngày nay, mỗi khi nhìn thấy cầu vồng, chúng ta được nhắc nhớ về lòng thành tín của Thiên Chúa đối với những lời hứa của Người. Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta bày tỏ sự vâng phục như một sự trở về với tình yêu tuyệt diệu mà Người dành cho chúng ta, thế nhưng ngay cả khi chúng ta thất tín và rời xa Người, thì Người vẫn trung thành trong cách đối xử của mình. Vì vậy, nhiều lần trong cách đối xử với dân tộc Ít-ra-en, Thiên Chúa đã nhớ lại giao ước của Người và chúc phúc cho dân Ít-ra-en vốn hay bất trung. Chúng ta có thể trưng dẫn một đoạn Kinh Thánh điển hình để minh chứng cho điều vừa nói trên đây, ‘cũng vì các ngươi, vì máu giao ước của Ta với các ngươi, Ta sẽ giải thoát các ngươi khỏi vũng lầy nhơ nhớp’ (Dcr 9,11). Do đó, đối với muôn thế hệ, chiếc cầu vồng trở thành một dấu chỉ của niềm hy vọng, và của niềm tin tưởng vào Thiên Chúa.

Chiếc cầu vồng đảm bảo cho chúng ta về tình yêu trung tín của Thiên Chúa, đây không chỉ là một khả năng xa vời, nhưng là một hành động hiện thực. Đó là điều mà chúng ta nhận ra trong lời khẳng định trên của cha Eymard, tình yêu của Thiên Chúa là trận mưa cầu vồng, tình yêu của Thiên Chúa tuôn đổ tràn trề trên chúng ta. Giống như cơn mưa, tình yêu của Thiên Chúa sinh hoa kết trái. Trong sách ngôn sứ I-sai-a chương 55, chúng ta đọc thấy ‘Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.’ (10-12). Chúng ta có thể thấy trong thiên nhiên, chẳng bao lâu sau một vài cơn mưa, đất khô cằn bắt đầu làm đâm chồi ngọn cỏ xanh tươi. Điều này cũng xảy ra tương tự trong đời sống tâm linh của chúng ta, nhưng thật không may, trong vấn đề này thì ý chí tự do của chúng ta lại đóng vai trò quyết định. Về phần mình, nếu chúng ta không trung thành, nghĩa là không vâng phục, chúng ta vẫn chỉ ở trong tình trạng khô khan và cằn cỗi.

Tuy nhiên, tình yêu Thiên Chúa vẫn mạnh mẽ và sẽ phát sinh ra những gì tình yêu muốn nói. Trong khi việc đáp trả tự nguyện của chúng ta đối với sự vâng phục là hoàn toàn cần thiết, thì tình yêu Thiên Chúa còn quá tuyệt vời đến nỗi đòi hỏi một nỗ lực siêu việt để có thể cảm nhận được sức hấp dẫn ngọt ngào của tình yêu ấy. Giống như cơn mưa, tình yêu ấy làm cho đất hóa mềm, có thể nói như vậy, làm cho thực vật sinh sôi nảy nở. Sau khi lãnh nhận mưa tình yêu của Người, một con người với trái tim sắt đá cũng không thể nào cưỡng lại nổi, và không thể không đáp trả lại.Ngay cả một Au-gus-ti-nô luôn cố bám víu vào cuộc sống đề cao chủ nghĩa cá nhân và đã từng trả lời rằng ‘Lạy Chúa, con yêu mến Ngài, nhưng không…’, thế nhưng khi không thể cưỡng lại nổi, thánh nhân đã phải thốt lên:‘Lạy Chúa! Con yêu mến Ngài quá muộn màng’. Khi chịu đựng không nổi, chính chúng ta sẽ tự làm hại bản thân mình, nhưng mặt tích cực của bi kịch này chính là chúng ta có cơ hội làm chứng về lòng trung tín không thể tin nổi của tình yêu Thiên Chúa. Ngáng trở của chúng ta càng lớn, thì bằng chứng của tình yêu Thiên Chúa dành cho chúng ta càng mạnh mẽ!

“Nếu các ông ở lại trong lời của tôi, thì các ông thật là môn đệ tôi” (Ga 8, 31)