SUY NIỆM MÙA THƯỜNG NIÊN XXXIII C

  “Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt…” (Lc 21,8)…Đó sẽ là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy” (21,13)

      Chủ đề các Chúa Nhật cuối năm phụng vụ thường đề cập đến chủ đề “TẬN THẾ”, tiếng Hán gọi là “MẠT THẾ”, có người trong chúng ta gọi là “Thế mạt”.

      “Tận” có nghĩa là “hết”; “không còn gì” (HĐGMVN Ban Từ Vựng “TĐCG”).

      “Mạt” là “cuối cùng”; “không có” (Đào Duy Anh “Hán Việt từ điển”).

      Các từ ngữ ấy dễ gợi lên trong tư tưởng của thế nhân một cái gì đó tiêu cực, đáng sợ: cả thế giới bị hủy diệt, không còn thứ gì tồn tại nữa.

      Điều tưởng tưởng ấy hoàn toàn đi ngược với đức tin Công Giáo: thay vì hủy diệt thì đó lại là ngày phục hồi, thăng hoa “tôi tin xác loài người ngày sau sống lại” (Kinh Tin Kính); Ngày tận thế là ngày mà thân xác hư nát của nhân loại được phục sinh và đi vào cuộc sống vĩnh cửu (GLHTCG số 1061);

Đó là ngày “tột đỉnh của công trình tạo dựng và cứu chuộc thân xác” (số 1015).

     Cần cẩn trọng đọc lại Lời Chúa để hiểu đúng hơn về Ngày Tận Thế:

  • Chúng ta còn gọi đó là Ngày Quang Lâm: Ngày Đức Kitô ngự đến hoàn tất lịch sử cứu độ, kẻ thù cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết. Đức Giêsu dâng lại mọi sự cho Thiên Chúa Cha và Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự. (x.1Cr 15,25-28).

  • Tuy nhiên đối với nhân loại thì ngày đó lại mang tính LƯỠNG DIỆN: Ngày mừng vui cho người lành nhưng là đáng sợ cho kẻ ác (Bài đọc 1: Ml 3,19-20a).

  • Trong suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa đã dùng Tình Yêu và Quyền Năng của Người để sửa dạy, điều chỉnh, chuẩn bị cho nhân loại để con người chọn lựa điều tốt bởi vì Thiên Chúa quyền năng đã sáng tạo vũ trụ. Người là Đấng yêu sự sống, Người muốn tất cả được tồn tại nên Người kiên trì trước các lỗi phạm của thế nhân và điều chỉnh từ từ để tất cả đến mức hoàn thiện (Bài đọc 1 CHÚA NHẬT XXXI C: Kn 11, 22-12, 2).

  • Vậy theo Kinh Thánh, Ngày Tận Thế là ngày vui cực lớn vì “thân xác phải hư nát của chúng ta sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân xác phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử”

(x.1Cr 15,53).

      Thật vậy, thế giới chúng ta đang sống lẽ ra phải là Vườn Địa Đàng, nhưng do tội lỗi con người, đã bị thoái hóa, lắm khi đe dọa, đáng sợ cho con người: thiên tai, dịch họa…(x.St 3,17-19). Nhưng Thiên Chúa không bỏ mặc con người cho sự dữ, Người hứa sẽ cùng con người hồi phục: ban Đấng Đạp Đầu Rắn (x.St 3,15). Từ từ qua dòng lịch sử, Thiên Chúa giúp con người loại trừ dần sự dữ và đưa vũ trụ đến chỗ hoàn thiện. Khi Thiên Chúa can thiệp như thế thì dù mãnh lực sự dữ đang cầm buộc con người sẽ huy động tất cả lực lượng của nó để phản kháng, chống lại đường lối của Thiên Chúa, đặt con người vào thế phải luôn chiến đấu, biện phân để chọn lựa: chọn Thiên Chúa hay tiếp tục chọn “củ hành, củ tỏi nô lệ Ai Cập” ? Ngày Tận Thế chính là thời điểm Thiên Chúa can thiệp mạnh để hoàn tất công cuộc của Người.

      Vậy tín hữu là những kẻ tin vào ơn cứu độ chung cuộc của Thiên Chúa, trong hiện tại phải sống đức tin về Ngày Tận Thế như thế nào để khi Ngày ấy đến chúng ta sẽ “ngẩng cao đầu”, tiến ra đón nhận ơn cứu độ (x.Lc 21,28):

  1. Cách nói “nhưng chưa phải là chung cuộc ngay đâu” (x.Lc 21,8) hàm ý là Ngày Tân Thế chắc chắn là có, nhưng không nói rõ về thời điểm, điềm báo.

  2. Sẽ có kẻ lạm dụng để gây sốt bằng những lời đồn thổi, mạo danh Đấng Thiên Sai: “Thời kỳ đã đến gần”. Tin Mừng cảnh báo “chớ nghe theo họ” (21,8).

  3. Ngày Tận Thế đúng là ngày tàn của các mãnh lực sự dữ, do đó, như một dã thú biết mình sắp bị diệt, chúng sẽ phô hết sức lực để bách hại kẻ tin.

  4. Và Tin Mừng khuyên tín hữu là: đừng lo lắng phải đối phó như thế nào, vì chính THẦY (Đức Giêsu Phục Sinh) sẽ hành động trong kẻ tin (21,14-15).

  5. Và Tin Mừng mời gọi: “Đây là cơ hội để anh em làm chứng cho Thầy” (21,13).

      Vậy đối với tín hữu:

* Chắc chắn có Ngày Tận Thế, đó là ngày vui, Thiên Chúa hoàn tất công trình sáng tạo, cứu chuộc.

* Đừng bận tâm về thời điểm, điềm báo về Tận Thế, kẻo bị đánh lừa.

* Hãy sống trọn trong hiện tại ơn gọi là tín hữu, là CHỨNG NHÂN của Đức Kitô trong kiên trì, tín thác.

* Lúc ấy, Tận Thế là ngày chúng ta bước vào niềm vui, hạnh phúc vĩnh cửu của Thiên Chúa.

Frère Pierre Đình Long FSC