CHÚA NHẬT MÙA THƯỜNG NIÊN VII – năm A

“Đừng chống cự kẻ ác… Hãy yêu kẻ thù… Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng Hoàn Thiện” (Mt 5,39.44.48).

          Tiếp tục Tin Mừng Mùa Thường Niên VI A, Tin Mừng VII A nằm trong tổng thể : Đức Giêsu đang dạy cho các môn đệ một mối phúc dành riêng cho họ : “Phúc thay cho ANH EM khi vì THẦY… (Mt 5,11 – 12). Mối phúc đó làm cho người môn đệ Đức Giêsu trở thành “muối” và “ánh sáng” cho trần thế (x.Chúa Nhật V A). Cụ thể là họ vẫn sống, giữ các luật lệ của tiền nhân nhưng giờ đây được hướng dẫn theo một tinh thần mới, tinh thần “Tám mối phúc thật” do Đức Giêsu mang tới. Nét đặc trưng đó được Matthêu trình bày trong một tổng thể nhỏ được gọi là “sáu phản đề”, theo một công thức chung: “anh em đã nghe Luật dạy… rằng… còn Thầy, Thầy bảo cho anh em biết”. Trong Chúa Nhật VI A chúng ta đã suy niệm bốn phản đề đầu. Chúa Nhật VII A mời chúng ta suy niệm hai chủ đề chót : * Chớ trả thù ; và còn đi xa hơn nữa *Phải yêu kẻ thù.

  1. Chớ trả thù : Luật dạy rằng “mắt đền mắt, răng đền răng, tay đền tay…”(x.Xh 21,24-25; Đnl 19,21b). Đây là luật báo phục tương xứng, còn được gọi là luật TALION, người ta gặp thấy trong bộ luật Hammurabi và trong luật lệ Atsua. Luật này đòi hỏi kẻ đã gây một thiệt hại nào đó cho kẻ khác thì phải chịu một hình phạt, một sự đền bù tương xứng với những gì mà mình đã gây ra cho tha nhân. Nguyên tắc này cho phép báo thù, nhưng báo thù phải có chừng mực, buộc tội nhân phải chịu cùng một thiệt hại mà mình đã gây ra cho nạn nhân. Và đối với dân Chúa, luật này phải được thi hành công bình cho Israel lẫn dân ngoại : “nếu ai làm cho người đồng bào của mình phải mang tật, thì phải xử với nó như nó đã xử với người ta : chỗ gãy đền chỗ gãy, mắt đền mắt, răng đền răng ; nó đã làm cho một người mang tật thế nào thì người ta cũng sẽ làm cho nó như vậy.” (Lv 24,19 – 20). Giữa một thế giới mà hận thù đang thắng thế (Cain giết Aben), bạo lực của kẻ mạnh được coi là quy luật (x.bài ca trả thù của Lamek trong St 4,23 – 24), thì Luật Talion này là một tiến bộ đáng kể giúp xã hội dần ổn định, có trật tự hơn (x.CGKPV “Ngũ Thư” ấn bản 2010 ; Xh 21,24 – 25 ghi chú “c”) (xem thêm Monique piettre “comprendre la Parole, Année A” O.E.I.L 1986 p.197 – 198). Luật này nhằm ngăn cản sự báo thù quá đáng dựa trên bạo lực. Nó không hề mang lại sự công bình, mà chỉ nhân đôi các thiệt hại, bất hạnh.

          Người môn đệ Đức Giêsu không cần luật Talion, vì đức ái kitô giáo đòi buộc các kitô hữu không làm điều gì thiệt hại cho tha nhân dù rằng điều ấy được phép làm theo luật pháp đời. “Chẳng thà mình chịu thiệt một chút” (x.1Cr 6,7b) để cho tình huynh đệ được vun đắp và ơn cứu độ được viên mãn. Đừng quên, tất cả những ai tin vào Đức Kitô đều phải là anh em ; và đối tượng mà Đức Giêsu nhắm tới khi nói bài giảng này là “phúc thay ANH EM…vì THẦY…”.

          Thay vì ứng xử theo luật báo phục tương xứng Talion, Đức Giêsu muốn môn đệ của Người hãy sống thái độ thứ tha: “Đừng chống cự kẻ ác !” . Đức Giêsu không dạy chúng ta sống thụ động, cầu an, trốn trách nhiệm chiến đấu bỏ mặc cho kẻ ác hoành hành ; sứ điệp là ĐỪNG TRẢ THÙ, đừng đòi cho bằng được cái “quyền lợi” tai ác khiến kẻ khác phải rơi vào tình trạng tai họa, bật hạnh như ta đang gánh chịu. Đòi hỏi như thế là làm cho sự ác gia tăng gấp đôi ; và nếu tình trạng ấy cứ gia tăng thì trần gian này bị hận thù làm thối rữa. Đức Giêsu muốn môn đệ Người phải dùng “muối tám phúc” để giữ lại trần gian khỏi hư nát vì hận thù. Đức Giêsu dạy môn đệ của Người phải can đảm cắt đứt cái vòng luẩn quẩn của hận thù, báo oán bằng tình yêu tha thứ, sẵn sàng chấp nhận những thua thiệt “VÌ THẦY”, vì mình đã có “kho dự trữ” vô tận là thập giá và phục sinh của Đức Giêsu. Người tín hữu phải sống tình yêu đó trong mọi nơi mọi lúc : – Trong những xúc phạm thường ngày : “ai vả má phải thì…”; – Trong những tranh chấp trước tòa: “nếu ai muốn kiện anh…”; – Trong những trường hợp bị áp bức: “nếu ai bắt anh đi một dặm…”; – Trong trường hợp mình được sung túc dư đầy thì “ai xin hãy cho”.

          Tóm lại, cách nói cường điệu kèm theo chữ NẾU nghi nghĩa hàm ý rằng những trường hợp nêu ra ở trên đây, trong thực tế hiếm có thể xảy ra và khó chấp nhận theo lẽ tự nhiện ; NHƯNG NẾU vì lý do nào đó lại có xảy ra đi nữa thì lập trường của người môn đệ Đức Giêsu vẫn là trước sau như một : sống tha thứ, quảng đại, yêu thương theo tinh thần Tám Mối mà Đức Giêsu đã dạy.

  1. Phải yêu kẻ thù : Ai là kẻ thù ? Sau khi nguyên tổ phạm tội, tất cả mọi người đều có thể là kẻ thù nhau: vợ chồng như Ađam – Eva ; anh em như Cain – Aben, Esau – Giacob ; mẹ con như Rêbêca – Esau ; vua tôi, cha vợ con rể như Saolê – Đavit ; con cha như Absalon – Đavit… Công trình sáng tạo đầy yêu thương của Thiên Chúa đã bị tội làm xáo trộn, tình yêu thành thù hận. Đức Giêsu đến để phá vỡ xiềng xích của mối hận thù này bằng cách đảm nhận hết mọi hậu quả và đưa lên cây Thập Giá ; ở đó, Người tha thứ tất cả, yêu thương tất cả (Lc 23,34).

          Như vậy, người kitô hữu không coi ai là kẻ thù của mình cả ; tuy nhiên họ vẫn ý thức và chấp nhận thực tế đáng buồn là có những người anh em thù ghét họ vì họ tin vào Đức Giêsu (x.Mt 5,11 ; 10,22). Mặc dù vậy tín hữu vẫn kiên trì nhất mực đáp trả lại bằng yêu thương tha thứ theo gương Thầy Giêsu.

          Tội lỗi đã hủ hóa lòng người làm con người xem anh em là kẻ thù, thì tình yêu trong Đức Kitô đã “muối lại” lòng môn đệ để họ nhận ra tất cả thực sự đều là anh em, để rồi từng bước một, cùng với Đấng Phục Sinh và Chúa Thánh Thần phục hồi tình huynh đệ cho nhân loại. Tình yêu Thiên Chúa không loại trừ ai, tất cả vũ trụ đều có chỗ trong trái tim của Thiên Chúa. Vì thế một khi đã noi gương Đức Giêsu (mở toát trái tim ra trước lưỡi đòng của kẻ địch) loại bỏ hận thù, chỉ sống tình yêu tha thứ theo tinh thần Tám Phúc thì cái nhìn thù địch không còn tồn tại trong tâm hồn và cuộc sống của kẻ tin. Do đó “yêu kẻ thù” thực ra đó là con đường hồi phục ơn gọi nguyên thủy làm người, hình ảnh Thiên Chúa, của nhân lọai. Và còn hơn nữa, đó chính là cách thể hiện cao nhất tinh thần Tám Phúc, đang dần dần đưa ta vào con đường “hoàn thiện như Cha”.

          Sáu phản đề (và những điều khác trong Mt 5 – 7) là cách thể hiện tinh thần Tám Phúc, làm môn đệ Đức Giêsu thành MUỐI và ÁNH SÁNG cho đời.

Frère Pierre Đình Long FSC