Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 12 ngày 15

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

“Như các môn đệ đầu tiên trong Phòng Tiệc Ly, các tu sĩ của chúng ta cũng phải một lòng một ý trong việc phục vụ Đức Giêsu” [T. Herve, sss “những nghiên cứu về hành trình thiêng liêng của cha Eymard”, quyển 3, trang 83]

Có lẽ điều mà cha Eymard nhắm đến không chỉ  là các môn đệ đầu tiên trong Phòng Tiệc Ly, nhưng còn là các Ki-tô hữu thời sơ khai vì họ tìm cách sống theo những đòi hỏi của đời sống Ki-tô hữu.Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại cho chúng ta biết “các tín hữu thời bấy giờ đông đảo, mà chỉ có một lòng một ý. Không một ai coi bất cứ cái gì mình có là của riêng, nhưng đối với họ, mọi sự đều là của chung. Nhờ quyền năng mạnh mẽ Thiên Chúa ban, các Tông Đồ làm chứng Chúa Giêsu đã sống lại. Và tất cả các ông được ân sủng dồi dào. Không ai trong các tín hữu phải thiếu thốn, vì tất cả những người có ruộng đất nhà cửa, đều bán đi, đem số tiền thu được đặt dưới chân các Tông Đồ. Tiền ấy được phân phát cho mỗi người, tùy theo nhu cầu” (Cv 4,32-35). Đây là lý tưởng mà cha Eymard muốn cho các tu sĩ của mình.

Khi nhìn vào các môn đệ tụ họp nơi Phòng Tiệc Ly,  thánh sử Luca nhắc nhở chúng ta rằng ngay trong thời khắc trang nghiêm và thánh thiện này, các ông vẫn tranh luận về  việc ai là người được xem là lớn nhất giữa họ. ‘“Đã hẳn Con Người ra đi theo như điều đã ấn định, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Người’. Các ông bắt đầu bàn tán với nhau xem ai trong các ông lại là kẻ toan làm chuyện ấy” (Lc 22,22-24). Luca lập lại chi tiết này ở 9,46-48 vì lối xử sự này vẫn được xem như một phần trong đời sống của các thành viên trong cộng đoàn của ông. Và bằng kinh nghiệm, chúng ta biết rằng đây cũng chính là một phần trong đời sống cộng đoàn của chúng ta ngày nay.

Phương thuốc chữa trị dành cho những thử thách  ghê gớm này trước hết chính là kinh nghiệm cá nhân sâu sắc về tình yêu của Chúa Giêsu dành cho mỗi người chúng ta. Khi chúng  ta tin rằng chúng ta là một người nào đó trong sự quan phòng của Người, dường như chúng ta sẽ không còn lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác. Kế đến, chính chúng ta cũng cần tin chắc rằng mỗi chúng ta có một sứ vụ đặc biệt đối với Nước Trời. Và vì Thiên Chúa ban phát những ân huệ cho con người không giống nhau, nên hai người không thể sở hữu cùng một  ân huệ.

Hơn nữa, mỗi người sẽ chịu phán xét và bị đánh giá theo những ân huệ đã lãnh nhận cũng như về việc đáp trả của mỗi người. Vì vậy trong thực tế, không cần so sánh mình với người khác. Thật ra, hầu hết các tác giả hướng dẫn tâm linh khuyên rằng chúng ta đừng so sánh mình với người khác, nhưng chỉ so sánh với chính mình thôi… những gì chúng ta đang có ở hiện  tại chính là kết quả của sự hợp tác với Thiên Chúa, và với những gì chúng ta có thể đã có trước đó, chúng ta đáp trả với  tất cả lòng quảng đại đối với những ân huệ mà Thiên Chúa  tuôn đổ trên chúng ta. Sự so sánh này chắc chắn sẽ giúp chúng ta sẵn sàng ước muốn đáp trả một cách tốt hơn ngày từng ngày. Giống như chàng thanh niên giàu có, câu hỏi của chúng ta sẽ luôn là: “Lạy Thầy, tôi phải làm gì để có sự sống đời đời” (Lc10,17-22)