Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 11 ngày 09

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

“Trước hết, hãy bắt đầu với  Mùa Chay. Không giữ chay… nếu con có thể dùng bữa mà không ăn thịt trong vòng ba ngày, con sẽ giữ chay tốt. Thế nhưng nếu con không giữ chay được, thì nên ăn thịt. Điều đó có ý nói rằng con sẽ ăn thịt trong  cả hai bữa. ‘Thế nhưng việc hoán cải của tôi hệ tại điều gì?’ Hệ tại ở sự hối tiếc vì không thể làm như bao người khác, tình trạng yếu đuối của con, và cuối cùng là ở sự vâng phục.’ [gửi cho Bá tước D’Andigne, tháng 2/1866]

 Trong lời khuyên này, chúng ta nhận thấy tính nhân đạo của cha Eymard rất rõ. Cha sửa lại lời khuyên của mình theo bối cảnh của người con linh hướng.  Khi một ai đó không ở trong tình trạng sức khỏe tốt nhất, cha đề nghị rằng việc giữ chay có thể được miễn, bởi vì rõ ràng là trong tình trạng đó, việc giữ chay sẽ gây nguy hại cho sức khỏe của người ấy. Việc kiêng khem cũng phải được giảm bớt đi để  phù hợp với tình trạng của người ấy. Sau khi đã giải quyết những yếu tố bên ngoài, cha chuyển sang một mức độ quan trọng hơn đó chính là tinh thần. Ngay cả trong thời đại của chúng ta, chúng ta nhận thấy rằng nhiều người không hiểu ý nghĩa thực sự của luật giữ chay trong suốt Mùa Chay. Họ chỉ hiểu việc giữ chay đó như một sự thử thách về thể xác,chứ không liên quan gì đến nguồn gốc của tội lỗi nơi chính mình. Vì thế, một người có thể giữ chay và kiêng khem một cách nghiêm ngặt trong suốt Mùa Chay mà chẳng chịu sửa đổi gì trong cách sống vốn cần được chú trọng nhiều hơn và cần được thay đổi hơn! Ngay cả trong Cựu Ước, các ngôn sứ đã tuyên sấm để lên án dân Ít-ra-en vì việc giữ chay của họ chỉ là vẻ bề ngoài mà không cho thấy một sự thay đổi nào thực sự ở bên trong, hay một sự trở về với đường lối của Thiên Chúa.

Hơn nữa, khi nhận ra rằng việc từ bỏ Cái tôi chính là việc hoán cải vĩ đại nhất mà tất cả các Ki-tô hữu cần làm, cha Eymard đề nghị người con linh hướng của cha nên dâng lên Chúa sự bất lực của bà để làm được nhiều hơn hay tốt hơn. Dâng lên Chúa sự nghèo khó nội tâm cũng như bám víu vào Ngài với một niềm tin tưởng tuyệt đối thì khó khăn hơn và đáng giá hơn bất kỳ một việc hoán cải chỉ đơn thuần ở bên ngoài thân xác. Chúng ta có thể xem tình trạng mà người con linh hướng này nhận thấy sự bất lực  cũng như sự vô dụng của bà giống như một ví dụ mà một bài thơ đã nói: ‘Cả khi đứng và chờ đợi, họ cũng vẫn phục vụ!’ Có vẻ như, những đầy tớ này không làm gì khi họ đứng và chờ đợi, thế nhưng nếu họ làm vì lòng mến và kính trọng Ông Chủ, sẵn sàng vâng nghe ông khi ông cần đến sự phục vụ của họ, thì họ sẽ tiếp tục phục vụ ông và phục vụ một cách rất hiệu quả!

Kiểu phục vụ mà trong đó ‘mắt của gia nhân hướng nhìn tay ông chủ’ thì tốt hơn và giá trị hơn là làm biết bao nhiêu công việc chỉ vì tình yêu vị kỷ, vì những người đầy tớ như thế tỏ ra là họ  sẵn sàng và vâng nghe theo Ông Chủ. Họ không chịu đựng ông với ước muốn nhận được một phần thưởng gì đó. Họ nhận ra giới hạn của mình và những chọn lựa khác nhau mà Ông Chủ có thể cần đến, vì thế họ tôn trọng nhu cầu của ông. Thế nhưng, họ vẫn tin tưởng rằng họ vẫn còn đáng giá đến nỗi một ngày nào đó Ông Chủ sẽ cần đến họ và bấy giờ sẽ là hạnh phúc nhất khi họ đáp trả bằng niềm vui và lòng sốt sắng. Thái độ này nói lên một sự quên mình lớn lao về phía người đầy tớ cũng như một sự an toàn nội  tại mà người đầy tớ tận hưởng được. Sự an toàn ấy làm cho họ trở thành một con người đặc biệt! Họ là một người đầy tớ rất khác biệt! Và đây là điều mà Ông Chủ mong muốn nhất nơi họ! Sau hết, chẳng phải Đức Giê-su đã gọi các môn đệ của Người là bạn hữu chứ không phải là tôi tớ, khi Người sắp kết thúc cuộc đời ở dương thế này sao? Điều mà Người mong mỏi nhất cho chúng ta đó là chúng ta có thể trở thành ‘những bạn hữu’ của Người.