Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 11 ngày 08

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

Đúng thế, con yêu dấu, Thiên Chúa thực sự yêu thương con. Cuộc đời con là một công trình của ân sủng và lòng thương xót. Con phải nói với Ngài ‘Lạy Thầy Chí Thánh, vì Ngài yêu thương con quá nhiều trong khi con không yêu mến Ngài, giờ  đây con yêu mến Ngài và khát khao một trái tim hoàn thiện để yêu mến Ngài nhiều hơn, giờ đây Ngài yêu  mến con biết dường nào.[Gửi cho bà Eulalie Tenaillon, tháng 2 năm 1866]

 

Bà Eulalie là một trong những người con linh hướng của cha Eymard và chúng ta có thể thừa nhận rằng cha biết rõ bà, cụ thể là con đường mà bà đã thực hiện trên hành trình thiêng liêng của bà. Và ngay cả khi lược đồ phác họa của con đường  ấy không mấy rõ ràng để được người ta quan tâm đến, một người khác đứng bên ngoài tình cảnh này cũng có thể nhận ra những phức tạp đang bày ra trên hành trình thiêng liêng ấy. Vì vậy, cha Eymard đã nhận ra “công trình của ân sủng và lòng thương xót” trong cuộc đời bà. Thực tế, điều này đúng với từng cá nhân có hành trình thiêng liêng khởi đầu với một hành động nhân lành và từ bi vô ngần bắt nguồn từ Thiên Chúa, Người Cha giàu lòng yêu thương của chúng ta. Chính Ngài lôi kéo con người đến với Ngài, cũng như làm cho người ứng sinh ý thức về những ơn lành của Ngài.

 

Nhưng sau đó, thường thì sau giây phút ngọt ngào lúc ban đầu- Thiên Chúa tỏ lộ những ân phúc của Ngài một cách dồi dào trong giây phút ấy, thì sẽ đến giai đoạn khô khan. Đây là thời  gian mà niềm tin của người ứng sinh bị thử thách, chủ yếu là để xem xem người ấy bị cuốn hút đến Thiên Chúa vì những ân huệ của Ngài hay vì sự nhân lành tự nơi Ngài. Chính trong suốt giai đoạn ấy mà người ta cảm thấy nhạt nhẽo đối với việc cầu nguyện, thậm chí còn có thể tưởng tượng ra rằng Thiên Chúa không yêu thương mình nhiều như trước nữa. Đây là lúc niềm tin phải được cứu chữa. Cha Eymard đề xuất một lý do hữu ích dành cho người con linh hướng để chiếm được tình yêu của Thiên Chúa trong suốt giai đoạn khô khan này. Và cuộc tranh luận này hoàn toàn hợp lý: Nếu Thiên Chúa quá yêu thương chúng ta khi chúng ta hầu như không biết ơn tình yêu của Ngài, Ngài lại chẳng yêu thương chúng ta nhiều (thậm chí nếu chúng ta không cảm nhận hay không đón nhận một cách tương xứng) khi chúng ta chân thành khao khát để yêu mến Ngài sao?!? Khi chúng ta có thể  vươn tới Thiên Chúa, dù chúng ta có cảm nhận được tình yêu của Ngài cũng như sự nhân lành của Ngài hay không cũng không thành vấn đề, lúc đó chúng ta có thể đoan chắc rằng chúng ta sẽ bước những bước tiến khổng lồ trong đời sống thiêng liêng.

 

Một hướng suy nghĩ khác có thể giúp ích trong trường hợp này là: Thiên Chúa tự bản chất là tốt lành, điều đó có ý nói rằng bản chất của Ngài là tình yêu. Vì thế, bất luận chúng ta có đáp trả Ngài hay không, bất luận chúng ta tốt hay xấu, Ngài cũng không thể không yêu thương chúng ta. Tình yêu Thiên Chúa tựa như  mặt trời chiếu tỏa mãi mãi. Thậm chí khi chúng ta đặt mình ra  bên ngoài tầm ảnh hưởng của tình yêu ấy. Cũng thế, Thiên Chúa luôn luôn yêu thương chúng ta. Khi chúng ta vững tin vào tình yêu của Ngài, chúng ta là những kẻ được lợi nhất từ chính hành  vi đức tin. Bấy giờ chúng ta sẽ đi đến giai đoạn tin tưởng vào tình yêu của Ngài dù khi không có những dấu hiệu hữu hình về tình yêu của Ngài. Đây là điều mà ngôn sứ Khabacúc quả quyết một cách mạnh mẽ trong thánh ca của ngài: “Quả Ô-liu đợi hoài không thấy… ngó vào chuồng bò bê hết sạch, nhưng phần tôi, tôi nhảy mừng vì Đức Chúa, hỷ hoan vì Thiên Chúa, Đấng Cứu Độ tôi. Đức Chúa là Chúa Thượng, làm cho tôi mạnh sức, cho đôi chân này lanh lẹ tựa chân nai, và dẫn tôi đi trên đỉnh núi cao  vời” (Kb 3,17-20). Phúc thay người nào có thể bám víu vào  Chúa, người ấy sẽ không cần những đảm bảo có được sự chăm lo và quan tâm của Thiên Chúa, và người ấy có thể tiếp tục bình tĩnh và yên bình ngay cả giữa đau khổ tột cùng. Một người như thế quả thật là một nhân chứng hùng hồn ngay giữa tất cả chúng ta!