Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 03 ngày 08

 

Không rao giảng một điều gì khác ngoài Đức Giê-su Ki-tô (Ngôi Lời) và chỉ mình Đức Ki-tô nơi Bí Tích Thánh Thể.” [Khi cầm Mặt Nhật trong cuộc Cung nghinh Thánh Thể tại nhà thờ thánh Phaolô, vào ngày lễ Mình Máu Chúa Kitô, ngày 25/5/1845]

 

 Đây là giải pháp mà cha Eymard đề ra cho chính mình khi cử hành lễ Mình Máu Chúa Ki-tô hết sức long trọng. Trong ngày lễ ấy, cha được vinh dự cầm Mặt Nhật trong suốt cuộc cung nghinh Thánh Thể tại nhà thờ thánh Phao-lô. Chính trong cuộc cung nghinh ấy, cha bị xúc động mạnh bởi tâm điểm tình yêu trong đời sống Ki-tô hữu mà cụ thể hơn đó là tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi con người Đức Giê-su, và được tóm gọn cũng như lưu giữ nơi Thánh Thể. Cha dường như nhận ra rằng việc nói với người ta về những chủ đề khác sẽ không đem lại ích lợi cho bằng khi nói về Đức Giê-su, hiện thân của tình yêu Thiên Chúa, Đấng hiện diện một cách hữu hình và khả giác qua biến cố Nhập Thể, và ở gần chúng ta nơi Bí Tích Thánh Thể. 

Một khía cạnh khác được chú ý ở đây, đó là: vào thời đại của cha, rất ít nhà giảng thuyết nói về tình yêu Thiên Chúa, và Bí Tích Thánh Thể là bí tích bị chối bỏ. Ước muốn đem Thánh Thể đến với nhiều người sẽ có ý nghĩa lớn lao và là sự thúc đẩy mạnh mẽ để chống lại nền tảng này. Đối với cha Eymard, Thánh Thể sẽ hình thành những nét tinh tế khác vào những năm kế tiếp trong cuộc đời cha. Thánh Thể được xem như dấu chỉ cụ thể của việc trao ban chính mình cho người khác, người ta đọc thấy Thánh Thể như một biểu tượng của việc trao ban hoàn toàn được thực hiện bằng tình yêu, bằng sự khao khát nồng cháy về ơn cứu độ dành cho mọi người, bằng sự nhiệt tình hăng hái để làm cho tình yêu Thiên Chúa hiện diện nơi mọi người, nhưng cách đặc biệt là cho những người nghèo khổ và những người bị áp bức. Đỉnh cao của sự thăng tiến này,đó là:mong ước trở nên giống Đức Giê-su, điều mà chính Đức Giê-su đã làm đối với Chúa Cha là trở nên khí cụ sẵn sàng và mềm mỏng trong tay Thiên Chúa, để đem ơn cứu độ đến cho mọi người trong thời đại của cha.

Như đã được thể hiện ra trong suốt cuộc đời của cha Eymard, chúng ta thấy rằng quan điểm này không phải là ý nghĩ thoáng qua hay sở thích nhất thời. Đó chính là một ý tưởng sâu sắc đã làm thay đổi toàn bộ nhãn quan của cha, dù diễn ra chậm rãi và từng phần một. Cha đã ghi chú lại trong tài liệu cá nhân của mình vào ngày 25 tháng 5 năm 1845 : “…Tôi đã tìm được ích lợi to lớn từ việc đó (cầm Thánh Thể trong cuộc cung nghinh). Tâm hồn tôi đã được khai mở bởi niềm tin và tình yêu của Đức Giê-su nơi Bí tích Cực thánh của Ngài… Tôi muốn đem đến cho thế giới sự hiểu biết và tình yêu của Chúa chúng ta. Tôi đã cầu xin Chúa chúng ta ban cho tinh thần trong những lá thư của thánh Phao-lô, một người vô cùng yêu mến Đức Giê-su Ki-tô.”

Trước đây, tình yêu Thiên Chúa đã biến đổi cha thành một mẫu người nhiệt thành khi cha bắt đầu sứ vụ linh mục của mình, thì nay tình yêu ấy đã trở nên cụ thể và rõ ràng nơi hiến lễ Bản vị của Đức Ki-tô ngang qua Thánh Thể, để đến với tất cả những ai đón nhận Ngài. Cách cha đưa ra giải pháp này có thể được tìm thấy từ một trong những bài giảng sau này của cha: “tin vào tình yêu là tất cả! tin vào chân lý thôi thì chưa đủ: người ta phải tin vào tình yêu. Tình yêu, đó là điều mà Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta biểu lộ nơi Bí Tích Thánh Thể. Chính nhờ việc sống đức tin mà chúng ta trở về với tình yêu của Đức Ki-tô dành cho chúng ta…” Sau này, cha sẽ trở lại những cách thức khác qua đó chúng ta có thể bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta với tình yêu này của Đức Giê-su.