Suy niệm cùng cha E-ma. Tháng 02 ngày 26

Lm Erasto Fernandez, sss.        
Lm SSS Việt nam chuyển ngữ   

    

 Qua việc hiệp lễ, Đức Giê-su đến với chúng ta, ở giữa chúng ta, liên kết chính mình với chúng ta” [ ]

Điểm đầu tiên đánh động chúng ta trong lời khẳng định này chính là cha Eymard đặt việc khởi xướng hoàn toàn nơi Thiên Chúa chứ không phải nơi chính chúng ta. Nói cách khác, không phải vì chúng ta chọn lựa để đón nhận Đức Giê-su qua việc Hiệp lễ, nhưng là Ngài chọn lựa để đến với chúng ta. Thứ đến, Đức Giê-su đến với chúng ta không phải vì chính bản thân chúng ta, như thể là tất cả những gì Ngài muốn đơn giản là ở với chúng ta và đồng hành với chúng ta. Hơn nữa, ước vọng nồng cháy của Ngài chính là tuyển lựa chúng ta vào trong công trình cứu chuộc vĩ đại nhằm đưa con người đến một cuộc sống tự do, hiệp thông cách yêu thương với Chúa Cha và với nhau. Vì thế, chúng ta có thể nói rằng bao lâu mục tiêu này vẫn chưa đạt được, thì mục đích của Thánh Thể cũng như sự hiệp thông của chúng ta với Thiên Chúa sẽ chưa được hoàn tất.

Thật không may, trong nhiều thế kỷ sau đó, khi bàn đến tặng phẩm của Đức Giê-su dành cho chúng ta nơi Phòng Tiệc Ly, thì việc nhấn mạnh đã được chuyển từ sứ vụ tông đồ sang việc thánh hóa và an ủi bản thân. Chúng ta chỉ cần nhìn vào những lời kinh mà người ta được khuyến khích đọc sau khi lãnh nhận Mình Thánh trong Thánh Lễ thì cũng đủ thấy sốc, việc nhấn mạnh hoàn toàn quy về Tôi/của tôi… Thậm chí lời kinh vĩ đại của thánh Phan-xi-cô ‘xin hãy dùng con như khí cụ bình an của Chúa…’ thường được đọc một cách hết sức thê lương và thờ ơ đến nỗi người ta tự hỏi xem có bao nhiêu cơ hội để ‘lời kinh’ ấy có thể biến người ta thành một khí cụ của bình an nơi làng xóm vào ngày đó!

Tại sao linh đạo của chúng ta lại trở nên quá hướng nội? Phải chăng là chúng ta chưa nắm bắt được ý nghĩa thực sự của việc trở nên một Ki-tô hữu? Như Phụng vụ (xem Kinh nguyện Thánh Thể IV) đã chỉ ra một cách rõ ràng, Ki-tô hữu là người không chỉ sống cho chính mình nhưng là cho người khác. Người ấy bị thuyết phục hoàn toàn về ân huệ mà Chúa Cha ban cho mình trong Đức Ki-tô, đó là: được tuyển chọn để ra đi và sinh nhiều hoa trái, và để hoa trái tồn tại! (Ga 15,16). Giờ đây, hoa trái được dành cho chúng ta không phải là những nhân đức mà dường như chúng ta tập trung để thủ đắc, nhưng là số ‘chiên’ mà chúng ta sẽ đem về trong đoàn chiên duy nhất của Đức Giê-su! Ki-tô hữu chính là một chứng nhân (cũng như qua sức mạnh của lối sống của người ấy) cho chân lý: Đức Giê-su sẽ tạo ra một sự khác biệt trong cuộc đời của bất kỳ người nào biết dâng chính mình vào tay Ngài.

Một cái nhìn thoáng qua về toàn cảnh thế giới ngày nay sẽ cho chúng ta biết: làm thế nào chúng ta trở thành những Kitô hữu nhiệt thành với hoạt động tông đồ! Những sự kiện gần đây cho chúng ta thấy rằng: trên thế giới, trong số bốn người thì có một người là tín đồ Hồi giáo. Một sự gia tăng đáng kể chỉ diễn ra trong vòng 100 năm qua hay nhiều hơn thế. Dẫu sao, cộng đoàn Ki-tô hữu vẫn giảm về số lượng! Lý do là vì trong thực tế, chỉ một tỷ lệ nhỏ các Ki-tô hữu ý thức về chiều kích sứ vụ trong cuộc đời mình một cách nghiêm túc và sẵn sàng trả giá cho điều đó. Nhìn chung, quan niệm sai lầm của hầu hết mọi người chính là: trở nên một Ki-tô hữu có nghĩa là làm một điều gì đó cho/vì chúng ta hơn là một điều gì đó mà chúng ta làm cho người khác!