SỐNG LỜI KHUYÊN PHÚC ÂM THEO LINH ĐẠO EYMARD.

Đời thánh hiến không thể nào tách rời với việc sống lời khuyên Phúc Âm: khiết tịnh, khó nghèo và vâng phục. Tuy đây là ba lời khấn khác nhau, riêng biệt nhưng tất cả đều được quy về một điểm chung. Điểm chung đó là gì? Cha Eymard đã từng nói trong một bài giảng cho giáo dân: “Thực hành lời khuyên Phúc Âm là sống như Chúa đã sống”.[1] Như vậy, điểm chung của ba lời khấn chính là “sống như Chúa đã sống”, là “Sequela Christi”, theo Chúa Kitô, để hoàn toàn nên một với Người.

Vậy, người tu sĩ phải sống như thế nào để nên giống Đức Kitô?

  1. “Vị Hôn Thê” của Đức Kitô

Trước hết, khi bước vào đời sống thánh hiến, người tu sĩ phải nhận ra một điều quan trọng là mình sẽ trở hành “vị hôn thê” của Chúa Giêsu. Theo Cha Eymard, vị hôn thê sẽ phải đoan hứa ba điều: không lấy người nào khác làm hôn phu, không nhằm mục đích sống nào khác và đảm bảo đặt cọc trung thành đến mãn đời, mà đối tượng của lời đoan hứa ấy không phải ai khác, chính là Chúa Giêsu. Đây chính là căn yếu của lời khấn đầu tiên, lời khấn Khiết tịnh. Khấn khiết tịnh chính là khấn yêu mến, yêu mến một mình Chúa mãi mãi, và từ nay sẽ không một ai có được trái tim của ta.[2]

Trong một bài giảng khác cho các chị nữ tỳ, Cha còn cho chị em nhận ra được phẩm cách thực sự của mình sau khi tuyên khấn: “Ngay khi khấn, phẩm cách chị em được nâng cao, thân xác thành thân xác thánh. Trong Giáo Hội, mọi người gọi chị em là người được Thánh Hiến.” Chính vì sự cao cả này, nếu ta vi phạm lời khấn khiết tịnh thì ta không chỉ là ngoại tình mà còn là “phạm thánh”.[3] Quả thế, người tu sĩ sau khi được Thánh hiến thì họ chính thức trở thành người của Đức Kitô. Như người vợ thuộc về chồng thế nào thì người tu sĩ ấy cũng thuộc về Đức Kitô như vậy.

Để giúp con cái mình tiến bước trong lời khấn này và nên giống Chúa Giêsu hơn, cha Eymard còn dạy các Nữ Tỳ phải yêu Chúa như vị hôn thê trung thành. Điều này có nghĩa là chúng ta đã được thánh hiến, hiến dâng cho Chúa, thì cũng phải được hiến tế cho tình yêu của Người là Đấng Phu Quân duy nhất của mình. Điều thứ hai là phải yêu mến Người như chính Người yêu mến mỗi người trong chúng ta. Chúa đã yêu tôi bằng tất cả chính Người thì tôi cũng phải yêu mến Người bằng tất cả những gì là tôi. Có như thế thì ta và Chúa _ “Hai bên nên một[4]. Và cuối cùng, Chúa yêu thương ta ngày mỗi hơn. Vậy tại sao ta không như thế đối với Người? Tại sao tất cả những gì chúng ta làm trong phòng riêng, trong công tác được phân chia lại không làm cho Người ? Với cha, tình yêu chính là lửa từ trời nên chúng ta hãy làm mọi việc vì yêu mến, nếu không làm như thế, chúng ta sẽ chỉ là “chút khói”. Theo tôi, chút khói đó sẽ làm phản tác dụng của lửa, nó không những không tỏa sáng mà còn làm không khí thêm ngột ngạt. Như thế, để sống tình yêu ấy thì trong mọi việc ta làm đừng quy gì về cho mình nhưng hãy trao hiến trọn vẹn bản thân cho Chúa, sống cho Người như Người sống cho ta. Phải lấy tình yêu Chúa Giêsu là cùng đích.[5]

Vào dịp kỷ niệm Ngày thành lập Hội Dòng lần thứ ba, cha cũng đã nhắc đến lời khấn này với sự khiết tịnh trong tình cảm. Nếu con tim ta không phục lụy thì ta sẽ không thể khiết tịnh trước mặt Chúa, mà sự khiết tịnh còn nằm trong việc giữ gìn thân xác và các giác quan.[6] Quả thế “Đèn của thân thể chính là mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu thì toàn thân anh sẽ tối”.[7]

Cuối cùng, một điều vô cùng quan trọng không thể thiếu khi chúng ta muốn kí kết hôn ước với Đức Kitô, đó chính là sự tự do. Cha Eymard đã luôn nhắc nhở các con cái rằng : “Đây là một se kết tự do”. Lời khấn này được nói lên khi ta hoàn toàn tự do mà không bị điều gì chi phối, cưỡng ép. Chúa Giêsu tự nguyện kết ước với ta và ta cũng tự nguyện như thế với Người. Sự tự do này còn phải luôn được đi chung với sự khiêm tốn như hình ảnh mẫu mực của Đức Maria khi nói lên lời Fiat. Mẹ tự do và khiêm tốn hiến dâng trọn vẹn bản thân mình để hoàn toàn thuộc về Chúa.

Từ đây, chúng ta có thể xác quyết lời khấn Khiết tịnh chính là “triều thiên trắng” của chúng ta, là “chiếc áo choàng danh dự” và là “áng mây bao quanh chúng ta”.[8]

  1. Cái nghèo của Vị Hôn Phu

Như đã nói ở trên, chúng ta chính là vị hôn thê của Chúa Giêsu, hay nói một cách dân dã hơn thì ta chính là hôn thê của Người. Hôn thê thì phải theo thân phận Hôn phu. Chúa Giêsu đã sống nghèo trong cuộc sống tạm này, thì chúng ta cũng phải chia sẻ cái nghèo của Người, phải ôm lấy ân sủng và tình yêu của Người làm sự giàu có duy nhất của ta. Cũng như lời khấn khiết tịnh, chúng ta nói lên lời tuyên khấn khó nghèo một cách hoàn toàn tự do. Chúng ta tự do ký kết “bản hợp đồng thần thánh” này với Chúa thì chúng ta cũng phải biết thưa lên rằng: “Con xin chấp nhận vô điều kiện bản hợp đồng thần thánh này.”[9]

Chúa Giêsu, Người đã cưới lấy cái nghèo: sinh ra nghèo, sống nghèo, lúc nào cũng nghèo. Chính vì vậy, muốn theo Chúa, muốn làm môn đệ của Người thì chúng ta phải bán hết tất cả, để chỉ có một mình Người là gia nghiệp duy nhất. Với cha: “Chẳng thích đáng nếu môn đệ có nhiều của cải đủ thứ đang khi Thầy chẳng có gì.”[10] Quả thế, “con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.”[11] Thật khó để có thể đi theo ai trong khi ta quá giàu có, sang trọng mà người đó lại bần cùng, đói khổ.

Để giúp con cái mình có thể tiến lên trong lời khấn này, trong bài giảng cho các chị Nữ Tỳ tiên khởi, và cũng là bải giảng cho chúng ta hôm nay, cha đã nói đến những khía cạnh sống nghèo mà chúng ta cần thực hiện. Đầu tiên là nghèo trong những cái lắt nhắt. Ta phải luôn ý thức mình đang sống cộng đoàn, không có gì là của riêng, chỉ có thiện chí, hy sinh là của mỗi người.[12] Và cha thánh cũng đã nhắc lại điều này một lần nữa trong một bài giảng khác : “lời khấn khó nghèo gồm trong việc từ bỏ mọi của cải, không có gì là của riêng, nhưng tất cả là của chung”.[13] Đời sống Thánh hiến chính là việc họa lại đời sống của Giáo Hội sơ khai, các tín hữu dù đông đảo nhưng vẫn một lòng một ý và không có gì là của riêng, tất cả đều là của chung.[14] Qua mọi thời đại, tinh thần này vẫn luôn được Giáo Hội đề cao. Chính vì vậy, trong Tông Huấn Chứng tá Phúc Âm (Evangelica Testificatio), Đức Phaolo VI cũng đã nhấn mạnh việc này. Việc để của cải làm của chung sẽ làm chứng sự thông hiệp thiêng liêng khiến các tu sĩ sống hợp nhất với nhau và là lời kêu gọi sống động cho những người giàu có, cũng như một cách nâng đỡ anh chị em đang túng bấn.[15]

Ở lời khấn này, cha Eymarrd còn nói đến một sự hy sinh mà ít khi ta để ý tới. Nó mặc dù đơn giản nhưng lại rất khó thực hiện. Đó là việc ta vui vẻ hy sinh cái lớn nhưng lại khổ sở khi bỏ những cái lặt vặt.[16] Trước đó, cha cũng đã từng đề cập đến vấn đề này. Với cha: “Những tu sĩ nam nữ đã bỏ tất cả của cải, mọi thú vui trần gian để sống nghèo khó với Chúa Giêsu, lại dính bén với một quyển sách, một cây thánh giá, một ảnh tượng (…). Điều đó phải trả giá cho bản tính tự nhiên (…), chúng ta không bao giờ vui hưởng sự kết hợp với Chúa nếu còn để điều gì đó ở giữa Chúa và chúng ta.[17] Như Chúa Giêsu đã nói, chúng ta không thể vừa làm tôi Thiên Chúa, vừa làm tôi một tạo vật nào đó.[18] Để được như thế, chúng ta hãy dâng cho Chúa tất cả, phải dửng dưng với chúng, phải nhịn hết, không cần gì, chỉ cần một mình Thiên Chúa mà thôi. Chúng ta không được làm nô lệ cho những đồ vật, những sở thích ấy, vì Chúa không thích người nô lệ theo Người nhưng chỉ thích con cái thực sự. Hơn nữa, trên hành trình theo Chúa, người môn đệ cần có gậy và lương thực. Gậy của chúng ta không là gì khác mà là thập giá, và lương thực chính là Thánh Thể. Chỉ thế thôi. [19]

Cái nghèo thứ hai mà cha muốn nói đến là cái nghèo về trang phục. Trang phục phải có mục đích, để che thân chứ không phải để biểu dương mình; để khỏi lạnh, khỏi nóng chứ không phải để tăng thêm vinh dự. Đây chính là cách ăn mặc hết sức giản dị của chị Nữ Tỳ Thánh Thể, vì đây là “cách ăn mặc không có gì hào nhoáng, như Chúa nơi Thánh Thể”. Cha muốn các con cái mình phải có “cái nghèo không vinh quang” này và chúng ta cũng phải muốn điều đó. [20]

Tiếp theo là nghèo trong đồ ăn thức uống. Chúng ta không được băn khoăn, lo lắng về lương thực hằng ngày vì Chúa sẽ lo cho bề tôi của Người. Đây chính là cái nghèo trong tín thác. Chúng ta phải luôn tin tưởng, tín thác vào Chúa trong mọi sự, đừng chạy đến với người trần gian để xin xỏ, vì nó chỉ thêm mối dây ràng buộc ta mà thôi.[21] Cha Eymard chính là tấm gương về việc tuân giữ, thực thi điều này nên ngài cũng thao thức cho các Nữ Tỳ có được cuộc sống thanh thoát như thế.

Cái nghèo thứ tư, nghèo về trí óc – như Chúa Giêsu. Cái nghèo này phải luôn được bọc lấy bởi sự khiêm nhường thì mới có thể nên giống Chúa. Như cha nói: nghèo về trí óc chính là không khoe kiến thức của mình. Đó là điều Chúa Giêsu đã làm. Chúng ta không được tỏ vẻ gì khiến người khác đặc biệt chú ý đến mình, không được có chút tinh thần nào theo kiểu thế gian, và nếu ta cứ tưởng đầu óc mình giỏi, biết cách chầu hiệu quả, biết cách rước lễ sốt sắng thì Chúa sẽ để chúng ta ở ngoài cổng. Nhưng nếu Chúa gặp được một bộ óc trống rỗng thì Người sẽ đổ đầy tràn ân sủng vào đó. Để làm được như thế, chúng ta hãy xin Chúa gìn giữ để ta khỏi kiêu ngạo và để người khác đừng coi ta như người giàu trí tuệ.[22]

Cái nghèo thứ năm là nghèo tình cảm. Chúng ta không nên có một trung gian nào khác ngoài Chúa, phải luôn hướng về Chúa. Chính vì vậy, không đem trái tim mình làm quà cho ai và cũng không muốn các thọ tạo khác trao tặng trái tim họ cho ta.[23].

Cuối cùng chính là cái nghèo thiêng liêng. Một người nghèo về thiêng liêng là người luôn cạn kiệt ân sủng và nhân đức, lúc nào cũng phải xin, phải nhận.[24] Chúng ta phải năng đến với Chúa để được đón nhận ân sủng của Người. Chúng ta rất nghèo nhưng rất giàu Chúa, mỗi người hãy luôn sẵn sàng đón nhận mọi sự từ tay Người.

Để kết cho bài giảng về lời khấn này, cha Eymard đã khẳng định: “Các hội dòng chỉ tồn tại bao lâu còn duy trì đức khó nghèo”[25]. Và chắc chắn rằng, hội dòng không duy trì nếu cá nhân không duy trì. Để mỗi cá nhân có thể thực hiện, duy trì điều này, cha đã khuyên mọi người hãy đào luyện mình về tinh thần nghèo khó, yêu mến nó, tìm kiếm mọi dịp để thực hành; cố gắng, can đảm thực hành. Không những để ta có thể thực thi đức khó nghèo mà còn để ta có thể trở nên tấm gương cho những ai đến sau noi theo.

Ngoài ra, cha cũng đã nhắc nhở điều này cách riêng với các Tập sinh: “Hãy nhớ điều đó quan trọng cho Nhà Tập.”[26] Với mọi giai đoạn của đời tu, lời khấn này đều rất quan trọng nhưng có lẽ với cha thì quan trọng hơn hết vẫn ở giai đoạn nhà tập. Nếu ở nhà tập không có tinh thần nghèo khó thì sau này người tu sĩ khó có thể sống nghèo.

  1. Vâng phục – Sự khiêm tốn trọn hảo

Ngoài lời khấn khiết tịnh, khó nghèo, bản “Hợp đồng thần thánh” muốn được nên trọn vẹn và hoàn hảo thì không thể thiếu lời khấn vâng phục. Cha Eymard đã khẳng định: “Việc thực hiện lời khấn khó nghèo ràng buộc ý muốn, sở thích, lòng ham thích sở hữu; lời khấn khiết tịnh ràng buộc các giác quan; nhưng lời khấn vâng phục nắm lấy trọn linh hồn.”[27] Thật vậy, lời khấn vâng phục không là gì khác mà là dâng hiến chính cái tôi của mình[28], phải vâng phục bên trong, bên ngoài, vượt tự nhiên và vâng phục cách vui vẻ.[29] Cha cũng nhấn mạnh: “Đời tu hệ tại sự vâng phục.”

Có ba hình thức vâng phục. Trước hết là vâng phục bên trong. Sự vâng phục này hệ tại ở thái độ nội tâm, tự đáy lòng và sẵn sàng trước mọi lệnh truyền. Người tu sĩ phải biết vâng lời luật định, giữ nội qui với lòng tin, tình yêu và khiêm tốn. Tiếp sau đó là vâng phục bên ngoài. Điều này được thể hiện qua sự mau mắn trong thời gian và cách thức thực hiện một công việc hay trách nhiệm được giao. Sau cùng là sự vâng phục thiêng liêng, vâng phục qua trung gian người được Thiên Chúa ủy quyền. Đó chính là Bề Trên, những vị có trách nhiệm trong Hội Dòng hay trong Cộng đoàn. Với cha Eymard, sự vâng phục này phải được yêu mến hơn mọi sự vâng phục khác.[30] Quả thế, trong đời tu không phải lúc nào ta cũng có thể sẵn sàng vâng theo sự chỉ định của bề trên, sẵn sàng đón nhận sứ vụ mới khi ta biết rõ đó là một sứ mệnh đầy thử thách và khó khăn. Hay có những lúc sự vâng phục đòi buộc ta phải hoàn toàn từ bỏ ý riêng, từ bỏ mọi kế hoạch, mọi dự tính,… để đón nhận ý của bề trên như chính Thiên ý. Ngoài ra, sự vâng phục của ta không được tùy thuộc vào bất cứ ai mà chỉ được bắt nguồn từ duy nhất một mình Thiên Chúa. Khi đó sự vâng phục của ta sẽ trở thành sự vâng phục thánh. Ta phải vâng phục bằng cả con tim, lòng muốn, trí tuệ, giác quan, phải hoàn toàn tùng phục Người.[31]

Như thế, vâng phục chính là cách để ta thể hiện tình yêu với Thiên Chúa và làm vui lòng Người qua việc thực thi ý của Người.[32] Hoa quả của sự vâng phục sẽ giúp ta diệt trừ kiêu căng, tự ái hay đạt đến khiêm tốn trọn hảo.[33] Thế gian coi sự vâng phục ấy là điên rồ, nhưng với người tu sĩ đó mới là sự khôn ngoan mà Thiên Chúa muốn và sẽ là điên rồ thực sự nếu ta đi ngược lại với điều ấy.

Với cha Eymard, người tu sĩ “cần yêu vâng phục với khiêm nhường”. Đức tin khởi sự, tình yêu hành động và khiêm nhường sẽ duy trì. Chúng ta không thể như trẻ con, sau khi hoàn tất công việc thì muốn người ta nhìn ngắm, khen thưởng, như thế là ta đang muốn có hai chủ, muốn có hai phần thưởng. Chúng ta không được quên, chúng ta chỉ là tôi tớ vô dụng. Chúng ta phải học vâng phục với lòng tin, tình yêu và khiêm nhường. Đó là sứ mệnh của người tu sĩ, đặc biệt với chị Nữ Tỳ Thánh Thể.[34] Như cha đã nói: sự vâng phục phải được yêu mến hơn mọi sự vâng phục khác chính là vâng phục người đại diện Chúa. Sự vâng phục ấy chắc chắn sẽ cho ta nhiều thử thách vì có những lúc ta phải chấp nhận, thực thi điều mình không thích hay điều mình cho là vô lý. Tuy nhiên có những việc, vâng phục cho phép không phải lý luận, miễn là lệnh truyền đó không ngoài luật, không ngoài ơn gọi của chúng ta. Khi đó, ta cần vâng phục với lòng tin. Mặc dù không thấy Chúa nhưng ta tin rằng ý Người được thực hiện qua bề trên. Lúc này, vâng phục trở thành một hành vi đức tin. Vâng phục chính là một Mầu nhiệm.[35]

Giống hai lời khấn trước, cha cũng nhắc đến một khía cạnh vô cùng quan trọng của lời khấn này. Đó là sự tự do. Cũng trong dịp mừng kỉ niệm ngày thành lập Hội Dòng lần ba (1862), cha nói:  “Ta có thể lấy lại lời khấn này mỗi ngày, vì ta tự do.” Thực thế, nếu ta không tự do thì lời khấn chỉ là vô nghĩa và lời khấn sẽ chỉ có thế lực nhờ vào ơn Chúa.

  1. Sống Lời Khuyên Phúc Âm trước những thách đố của thời đại hôm nay

Ơn gọi Thánh hiến là một hồng ân vô cùng cao quý nhưng chúng ta thì lại quá yếu đuối để có thể thể hiện tròn đầy ý nhĩa và giá trị của ơn thánh này. Đặc biệt, trước những sự biến đổi của thế giới hôm nay thì việc sống đời Thánh hiến, qua việc tuân giữ Lời khuyên Phúc Âm, không đơn giản chút nào.

Trong xã hội thời hiện đại, hầu hết mọi người đều đề cao cái tôi chủ nghĩa, muốn đặt mình lên vị trí hàng đầu và trở thành “cái rốn vũ trụ”. Chính vì vậy, tình yêu thương, sự hy sinh cho nhau trong cuộc sống cũng giảm dần, ngay cả trong đời sống gia đình, vợ chồng. Khi những đòi hỏi của bản thân không được thỏa mãn thì việc ly dị trở thành một chuyện hiển nhiên, bình thường. Trong đời sống gia đình, nếu tình yêu thương, sự hy sinh và thủy chung không còn được đặt lên hàng đầu mà bị thay thế bởi chủ nghĩa cá nhân thì sự tan vỡ chỉ là chuyện sớm muộn.

Căn bệnh này cũng đã và đang tiếp tục xâm nhập vào đời sống tu trì. Nếu người tu sĩ đặt bản thân mình lên trên tất cả thì họ khó có thể yêu thương và hy sinh cho người khác, ngay cả với Đức Kitô, Vị Hôn Phu. Người tu sĩ không còn tình yêu với Đức Kitô, không chọn Đức Kitô là đối tượng duy nhất để yêu thương và trao hiến cuộc đời thì chắc chắn Hôn Ước Thánh cũng sẽ bị phá hủy.

Bên cạnh đó, trong thời đại công nghệ thông tin phát triển, trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng lưới internet, luôn chứa đầy những nội dung, hình ảnh làm trái tim ta có thể “thổn thức”. Vì vậy, nếu ta không biết sử dụng chúng cách khôn ngoan thì sẽ dễ bị rơi vào thế giới của những ham muốn, dục vọng và dẫn dần xa cách Thiên Chúa. Chính vì vậy, người tu sĩ được mời gọi để trở nên chứng nhân sống động cho mối tình chung thủy, bền chặt và viên mãn với Đức Kitô.

Không chỉ lời khấn khiết tịnh gặp nhiều thách đố trong cuộc sống mà lời khấn khó nghèo và vâng phục cũng phải đương đầu với những thử thách, khó khăn không kém.

Khi nền kinh tế ngày càng phát triển thì mức sống của con người cũng ngày càng nâng cao, những “nhu cầu” của cuộc sống cũng dần thay đổi. “Nhu cầu” không còn đơn thuần là cái con người thiếu, cái cần phải có nhưng còn là cái con người muốn có, muốn được sở hữu. Chúng rất hấp dẫn và lôi cuốn như: iphon, ipad, SH, kiểu mẫu thời trang,…hay những buổi party, cine,…, và cả sự nghiệp, danh vọng. Người tu sĩ là người từ chối tất cả những điều đó cũng như từ chối việc sở hữu tài sản riêng. Liệu rằng ở thế kỉ 21, có người không cần dùng đến điện thoại riêng, hay nhiều khi đi đường nhưng không cầm một đồng trong tay; trang phục thì giản dị, không cầu kỳ, loè loẹt và thậm chí có người cho rằng nó “kỳ quặc”? Đó chính là người của Đức Kitô, không chê ghét nhưng từ chối những điều không cần thiết để có được đời sống siêu thoát, theo sát Người, Đấng luôn sống nghèo. Đời sống ấy cũng chứng minh rằng: mọi sự ở đời này rồi sẽ qua đi, chỉ Thiên Chúa là vĩnh cửu.

Cuối cùng là thách đố của lời khấn vâng phục.

Xã hội phát triển, không chỉ những giá trị vật chất phát triển theo mà cả các giá trị tinh thần và tri thức của con người cũng được đẩy mạnh. Chính vì con người ngày càng đi sâu vào biển tri thức, văn minh thế giới nên quan điểm sống cũng dần thay đổi, có phần thoáng hơn. Trong đời sống không còn sự vâng phuc “tối mặt” nhưng được thay bằng vâng phục trong đối thoại.

Đối thoại chính là bước tiến lớn trong tương quan giữa những cá vị với nhau, nhưng nếu đối thoại mà một trong hai bên thiếu khiêm nhường thì nó sẽ thất bại và có khi trở thành “một cuộc chiến”. Thực thế, khi tri thức nâng cao, hầu hết mọi người đều có chuyên môn và lập trường riêng. Theo tâm lý tự nhiên, ta sẽ cố gắng để bảo vệ lập trường của mình mà khó chấp nhận ý kiến của người khác, đặc biệt là ý kiến từ những người thiếu chuyên môn trong lĩnh vực đó. Trong đời sống dâng hiến cũng vậy, nhiều khi người tu sĩ khó chấp nhận ý kiến, sự góp ý của chị em, của bề trên trong những vẫn đề liên quan đến chuyên môn của mình, cũng như khó đón nhận một sứ vụ mới mà mình cho là không phù hợp. Chúng ta sẽ khó có thể vâng phục nếu ta dùng lý trí quá nhiều mà thiếu bác ái và khiêm nhường.

Như thế, đời sống thánh hiến chính là chấp nhận “lội ngược dòng”.  Với tôi, để sống trọn vẹn Giao Ước với Đức Kitô quả là một hành trình gian truân. Nó luôn đòi buộc tôi phải tỉnh thức và trong tư thế sẵn sàng để đương đầu với những thách đố của thời đại. Dù khó khăn nhưng điều đó không có nghĩa là tôi không thể, vì ơn gọi của tôi đến từ Thiên Chúa và Thánh Thần của Người sẽ cùng đi, cùng làm với tôi những điều vĩ đại.[36] Tôi cần phải tin tưởng nơi tình yêu và sự trung tín của Người.

Kết

Lời khấn dòng không phải một sự gò ép hay ràng buộc nhưng đó là một phương thế giúp ta phát triển nhân vị và vươn lên với Đức Giêsu Kitô. Người sống đời Thánh hiến chính là người được Chúa chọn riêng để nên chứng tá cho Người trong việc sống Lời khuyên Phúc Âm và tỏ hiện cho thế gian biết Đức Kitô đang hiện diện giữa lòng nhân loại.[37] Như thế chúng ta được mời gọi trở nên những “bản sao” của Đức Kitô cho thế gới hôm nay, là thân xác của tâm hồn Người, là sự tự do của ước muốn của Người.[38]

Qua những tư tưởng, những cảm nghiệm của cha Eymard, tôi có thể cảm nhận được hồng ân lớn lao Thiên Chúa ban xuống cho người tôi tớ hèn mọn của Người. Cuộc đời của cha chính là bằng chứng, là mẫu gương sống động cho những gì cha cảm nghiệm và chia sẻ. Cha đã thực hiện trọn hảo mọi ý định của Chúa trên cuộc đời qua việc tuân giữ lời khấn cách hoàn hảo. Từ đây đã đưa cha đến lời khấn thứ tư. Lời khấn này được xem là đỉnh cao trong hành trình theo Chúa: Lời khấn bản vị. Cha hoàn toàn đặt mình trong Thánh ý Thiên Chúa và trở nên một với Người, giống như Thánh Phaolo: “tôi sống, nhưng không còn phải tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi”.[39]

Ngoài ra, Cha Eymard cũng có một lòng yêu mến Đức Trinh Nữ Maria cách đặc biệt. Cha đã cảm nghiệm được rằng: Mẹ là Đấng bảo trợ, là mẫu gương, là người bạn và là thầy dạy của những người dâng hiến[40] vì Mẹ đã dâng hiến mình cho Thiên Chúa với lời khấn của tình yêu. Mẹ thực hiện hành vi yêu mến hoàn hảo với tất cả tâm hồn và cuộc đời.[41] Chính vì vậy, chúng ta cũng hãy dâng cho Mẹ hành trình dâng hiến của chúng ta để được Mẹ đồng hành và hướng dẫn ta đến với Đức Giêsu Kitô, Con yêu dấu của Mẹ và là Vị Hôn Phu của ta.


 

[1] Pt 100, 11

[2] x. Ps 576, 6

[3] x. Ps 612,2

[4] Ps 612,4

[5] x. Ps 612

[6] x. Linh Đạo Eymard, Tập 3, E, Kỉ niệm ngày thành lập lần III

[7] Mt 6, 22-23

[8]  x.Linh Đạo Eymard, Tập 3, E, Thánh Giuse, người tôi tớ,người thờ phượng, người đồ đệ, gương mẫu cho chúng ta

[9]  Pt 100,11

[10] Ps 345,1

[11] Mt 8, 20

[12] x. Ps 345,2

[13] Linh Đạo Eymard, Tập 3, E, Đức khó nghèo

[14] x. Cv 4, 32

[15] x. Đức Phaolo VI, Tông thư Chứng Tá Phúc Âm, số 21, 29-06-1971

[16] x. Ps 345,2

[17] ibid

[18] x. Lc 16, 13

[19] x. Ps 345,2

[20] x. Ps 345,3

[21] x. Ps 345, 4

[22] x. Ps 345,6

[23] x. Ps 345,7

[24] ibid

[25] ibid

[26] ibid

[27] Ps 66,1

[28] x. Ps 576,5

[29] x. LĐ Eymard, Tập 3

[30] x. Ps 66,3

[31] x. Ps 66,2

[32] x. LĐ Eymard, Tập 3, E, Vâng lời luật định

[33] x. Ps 66,3

[34] ibid

[35] ibid

[36] X. ĐTC GIoan Phaolo II, Tông huấn Đời sống Thánh hiến (Vita consecrate , 1996), số 110

[37] x. CĐ Vaticano II, Hiến Chế Tín Lý về Giáo Hội (Lumen Gentium, 1964),  số 46

[38] x. Giuse TRần Đình Long,sss, Phêrô GIuliano Eymard, Con người và sứ điệp, Tr. 55

[39] Gl 2,20

[40] x. LĐ Eymard, Tập 3, Phần C, Đức Maria

[41] x. LĐ Eymard, Tập 3, Phần E, Lễ Đức Mẹ Dâng Mình

 

                                                                                                                                                                     Sr. Têrêsa, SSS