ƠN GỌI…

I. Cuộc hành trình đức tin nơi mỗi người.

1.Cội nguồn và cùng đích của cuộc đời mỗi người

Như chúng ta biết, Thiên Chúa đã tạo dựng nên con người hay nói cách khác là sự sống con người được khởi đi từ Thiên Chúa. Vì thế, Thiên Chúa là cội nguồn của con người và rồi cùng đích của con người là lại trở về với Thiên Chúa là nơi mà con người đã được sinh ra. Thế nên con người được mời gọi trở về với Thiên Chúa. Vì vậy mục đích trong cuộc sống mỗi người là tìm đường trở về với Thiên Chúa, và cùng đích của cuộc sống mỗi người là được ở trong Thiên Chúa.

Nếu như ai chưa nhận ra đâu là mục đích của cuộc sống và đâu là cùng đích của cuộc đời thì người đó sẽ bị đi lạc đường, không biết mình đi đâu.

2. Sống đời dâng hiến

Có khi nào ta tự hỏi: ta đi tu để làm gì? Phải chăng ta đi tu chỉ là sống một lối sống khác người? Hay ta đi tu để lập công đức để được lên thiên đàng?

Nếu đời tu được nhìn theo lối nhìn của người đời thì đời tu quả thực là một lối sống khác thường. Trong cuộc sống, ai ai cũng muốn tìm cho mình một cuộc sống đầy đủ tiện nghi, giàu có, sống thoải mái không bị lệ thuộc vào ai….thế nhưng những người đi tu lại như muốn nhốt mình trong bốn bức tường, từ bỏ mọi thứ sa hoa và vui thú của cuộc sống, chấp nhận bị gò bó, bị lệ thuộc vào bề trên vào luật của dòng tu (đi đâu cũng phải xin phép…). Như thế, có thể nói những người đi tu là những người chấp nhận tự nguyện đi “tù”. Tại sao họ lại chấp nhận đi “tù” như thế? Họ chấp nhận đi “tù” vì tình yêu Đức Kitô. Người đời không hiểu sẽ cho rằng những người đi tu là những người ngốc nghếch, dở hơi.

Chuyện kể rằng: có một cô nàng yêu một thầy tu. Cô nàng nhiều lần muốn kéo người thầy này ra để chung sống đời sống gia đình với cô. Cô hứa sẽ lo cho thầy này đầy đủ mọi thứ, thầy sẽ không phải thiếu thốn như cuộc sống hiện tại của thầy trong dòng, nhưng vị thầy này đã từ chối. Nhiều lần cô lôi kéo thầy nhưng không được. Cô tức quá và nói với vị thầy này: “Đồ ngốc, thầy ra ngoài để có một cuộc sống thoải mái sung sướng sao lại không muốn? Sao thầy lại muốn đi tu làm gì cho khổ?”.

Thế rồi vị thầy đã viết một bài thơ tặng cho cô gái:

Thằng Ngốc

Trong mắt em, tôi là thằng ngốc.

Giữa thế trần, thằng ngốc là tôi.

Nhưng trong tôi, tôi đang hiện hữu,

Trên  hành trình siêu thoát thế gian.

Họ nhìn tôi nơi tầng sự kiện,

Thấy những điều nghịch lý vu vơ.

 Nhưng tôi đây sống tầng ý nghĩa.

Nó diệu kỳ tuyệt mỹ biết bao.

Thật vậy, chỉ những ai đọc được ý nghĩa của cuộc sống, đọc được ý nghĩa của từng sự kiện diễn ra trong sự quan phòng của Thiên Chúa, khi đó họ mới hiểu được niềm vui và hạnh phúc trong đời tu. Nếu họ chỉ nhìn thấy các sự việc, các sự kiện và dừng lại ở đó, họ không đọc được ý nghĩa của những sự kiện đó trong sự quan phòng của Thiên Chúa thì quả thực đời tu đối với họ là một lối sống khác người và ngốc nghếch.

Người tu sĩ sống đời dâng hiến có thể bị coi là khờ dại, ngốc nghếch nhưng họ biết họ là ai và họ đang làm gì và tại sao họ lại làm như vậy.

Người tu sĩ đi tu không phải là họ đi tìm một lối sống khác người, cũng không phải họ đi tìm công đức cho mình. Họ đi tu không phải là đi vào nơi có thể lập được nhiều công đức để rồi được lên thiên đàng. Vì mục đích nhắm đến của người tu sĩ không phải là công đức hay thiên đàng mà điều họ nhắm đến là tình yêu Thiên Chúa, tình yêu được thể hiện nơi Giêsu Đức Kitô. Họ muốn cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa  nhiều hơn và đáp lại tình yêu đó bằng chính đời sống hiến thân của họ.

Chuyện kể rằng: “Một tín đồ Hồi Giáo, chị Rabia al-Adawiyya (713-801), được mệnh danh là ‘thi sĩ của tình yêu’. Chị chủ trương phải dành tình yêu trong trắng cho Thiên Chúa. Chị nói: ‘Ta phải yêu mến Chúa bởi vì Ngài là Sự Thiện tuyệt đối, chứ không phải vì trông mong được Ngài ban thưởng. Nếu ai phục vụ để được hưởng thiên đàng thì chỉ là một kẻ làm thuê mà thôi’. Chị đã cầu nguyện thế này: ‘Lạy Chúa, nếu con tôn thờ Chúa vì sợ hoả ngục thì xin đốt con trong lửa đó. Nếu con tôn thờ Chúa vì muốn lên thiên đàng thì xin đóng cửa thiên đàng lại. Còn nếu như con tôn thờ Chúa vì Chúa, thì xin đừng ngăn cản con được nhìn thấy Chúa’. Dựa theo lời nguyện đó, người ta kể lại một giai thoại về chị như sau: ‘Một bữa kia, một đám thanh niên thấy chị Rabia chạy thật nhanh, một tay cầm đuốc cháy, tay kia xách thùng nước. Họ hỏi: chị đi đâu vậy? Chị đáp: Tôi chạy lên thiên đàng để đốt nó, và chạy xuống hoả ngục để dập tắt ngọn lửa. Có thế người ta mới phụng thờ Chúa vì lòng mến Chúa chứ không vì mong lên thiên đàng hay vì sợ hoả ngục’.”

Qua câu chuyện, chúng ta thấy công đức hay thiên đàng không phải là điều mà một người yêu mến Chúa thực sự muốn nhắm đến. Điều họ muốn nhắm đến đó chính là tình yêu đối với Thiên Chúa. Khi họ có được tình yêu Thiên Chúa và có Chúa trong cuộc đời thì đó là thiên đàng rồi, vì ở đâu có Chúa ở đó là thiên đàng. Nếu như ai đó cố đi tìm thiên đàng cho mình nhưng lại không có tình yêu Thiên Chúa, không có Chúa trong họ thì thiên đàng sẽ không bao giờ có, vì thiên đàng mà không có Chúa thì không còn là thiên đàng nữa.

Bởi thế, công đức hay thiên đàng cũng không phải là điều mà người tu sĩ muốn nhắm đến. Điều mà người tu sĩ muốn nhắm đến, muốn đạt đến đó chính là tình yêu đối với Thiên Chúa.

Người tu sĩ chọn sống đời tu bởi vì đời tu là môi trường thuận tiện để người tu sĩ gặp gỡ Chúa, cảm nhận được tình yêu của Chúa nhiều hơn và yêu mến Chúa hơn.

3.Người sống đời tu và người sống đời sống gia đình có gì khác và giống nhau trong cuộc hành trình đức tin?

Điểm giống nhau là tất cả đều được khởi đi từ Thiên Chúa và cùng đích là trở về với Thiên Chúa, tức là cùng chung điểm khởi đầu và cùng chung điểm kết.

Thế nhưng đời tu và đời sống gia đình cũng rất khác nhau. Nó như hai con đường có chung điểm khởi đầu và kết thúc nhưng không song song với nhau, không cùng chiều dài, chiều rộng.

Hai con đường có những sự khó khăn khác nhau.

Có thể nói con đường dâng hiến là con đường dẫn về Chúa rõ ràng hơn. Một con đường có nhiều đèn đường, có nhiều bảng chỉ dẫn hơn. Đời sống gia đình có thể ví như là con đường có ít đèn đường và có ít bảng chỉ dẫn đường hơn.

Sao ta lại có thể ví như vậy? Vì trong đời tu ta có nhiều cơ hội, có nhiều điều kiện để tiếp xúc với Lời Chúa, với những chỉ dẫn của Hội Thánh hơn. Lời Chúa như là ngọn đèn soi cho ta bước, là ánh sáng chỉ đường ta đi. Những chỉ dẫn, những giáo huấn của Hội Thánh như là những bảng chỉ đường để ta biết đường đi không bị lạc trong hành trình đức tin.

Còn trong đời sống gia đình, con người không có nhiều cơ hội để tiếp cận nhiều với Lời Chúa cũng như những chỉ dẫn, giáo huấn của Giáo Hội như trong đời tu nên họ dễ bị lầm lạc trong đời sống đức tin.

II. Các môn đệ đầu tiên (TM Ga 1, 35-51)

35 Hôm sau, ông Gio-an lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông.36 Thấy Đức Giê-su đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa.”37 Hai môn đệ nghe ông nói, liền đi theo Đức Giê-su.38 Đức Giê-su quay lại, thấy các ông đi theo mình, thì hỏi: “Các anh tìm gì thế? ” Họ đáp: “Thưa Ráp-bi (nghĩa là thưa Thầy), Thầy ở đâu? “39 Người bảo họ: “Đến mà xem.” Họ đã đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.
40 Ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su.41 Trước hết, ông gặp em mình là ông Si-môn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Ki-tô).42 Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giê-su. Đức Giê-su nhìn ông Si-môn và nói: “Anh là Si-môn, con ông Gio-an, anh sẽ được gọi là Kê-pha” (tức là Phê-rô).

 Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: “Anh hãy theo tôi.”44 Ông Phi-líp-phê là người Bết-xai-đa, cùng quê với các ông An-rê và Phê-rô.
45 Ông Phi-líp-phê gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.”46 Ông Na-tha-na-en liền bảo: “Từ Na-da-rét, làm sao có cái gì hay được? ” Ông Phi-líp-phê trả lời: “Cứ đến mà xem! “47 Đức Giê-su thấy ông Na-tha-na-en tiến về phía mình, liền nói về ông rằng: “Đây đích thật là một người Ít-ra-en, lòng dạ không có gì gian dối.”48 Ông Na-tha-na-en hỏi Người: “Làm sao Ngài lại biết tôi? ” Đức Giê-su trả lời: “Trước khi Phi-líp-phê gọi anh, lúc anh đang ở dưới cây vả, tôi đã thấy anh rồi.”49 Ông Na-tha-na-en nói: “Thưa Thầy, chính Thầy là Con Thiên Chúa, chính Thầy là Vua Ít-ra-en! “50 Đức Giê-su đáp: “Vì tôi nói với anh là tôi đã thấy anh ở dưới cây vả, nên anh tin! Anh sẽ còn được thấy những điều lớn lao hơn thế nữa.”51 Người lại nói: “Thật, tôi bảo thật các anh, các anh sẽ thấy trời rộng mở, và các thiên thần của Thiên Chúa lên lên xuống xuống trên Con Người.”

1. Những cách thức Chúa gọi các môn đệ (Ga 1, 35-51)

Trong đoạn Tin Mừng vừa rồi, chúng ta thấy Chúa Giêsu gọi các môn đệ mỗi người một cách khác nhau.

Trước hết là ông An-rê, anh ông Si-môn Phê-rô, là một trong hai người đã nghe ông Gio-an nói và đi theo Đức Giê-su. Trong trình thuật Tin Mừng, chúng ta thấy Chúa Giêsu không gọi ông An-rê. Ông An-rê chỉ nghe Gioan tẩy giả giới thiệu về Chúa Giêsu và An-rê đi theo Chúa Giêsu. Chúa Giêsu thấy ông An-rê đi theo thì hỏi: “anh tìm gì thế?”. Chúa Giêsu không nói với ông là anh hãy theo tôi. Tin Mừng cho thấy ông An-rê và một môn đệ nữa muốn theo Chúa Giêsu mà không dám nói thẳng mà chỉ hỏi là “Thầy ở đâu?”. Rồi Chúa Giêsu nói: “đến mà xem”.

Và rồi Chúa Giêsu có đón nhận hai ông không? Tin Mừng chỉ cho biết hai ông đến ở lại với Chúa Giêsu ngày hôm đó và ông An-rê đã trở thành một trong mười hai tông đồ của Chúa Giêsu. Còn người môn đệ kia thì Tin Mừng không nói rõ là ai, và có trở thành môn đệ của Chúa Giêsu hay không.

Tiếp đến, ông An-rê về giới thiệu cho em mình là ông Si-mon về Chúa Giêsu, và dắt em mình đến với Chúa Giêsu. Khi gặp ông Si-mon, Chúa Giêsu đã chọn ông này ngay và đổi tên cho ông là Phê-rô.

Tin Mừng cho biết tiếp: Hôm sau, Đức Giê-su quyết định đi tới miền Ga-li-lê. Người gặp ông Phi-líp-phê và nói: “Anh hãy theo tôi.”

Như thế, Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu đã gọi ông Phi-lip-phê một cách đặc biệt hơn. Ngài thấy và gọi ông ngay.

Ông Phi-líp-phê lại về gặp ông Na-tha-na-en và nói: “Đấng mà sách Luật Mô-sê và các ngôn sứ nói tới, chúng tôi đã gặp: đó là ông Giê-su, con ông Giu-se, người Na-da-rét.” Rồi ông dẫn Na-tha-na-en đến gặp Chúa Giêsu. Chúa Giêsu thấy Na-tha-na-en và nói cho ông biết….

Qua đoạn Tin Mừng vừa rồi, chúng ta thấy Chúa Giêsu gọi và chọn các môn đệ cho Ngài trong nhiều cách khác nhau. Có người thì Chúa Giêsu gọi một cách trực tiếp. Có người thì qua sự giới thiệu của người khác tìm đến với Chúa Giêsu và được Ngài chọn làm môn đệ. Có người như An-rê cứ lẽo đẽo đi theo Chúa Giêsu rồi cũng được Chúa Giêsu chọn làm môn đệ của Ngài.

2. Nhìn lại ơn gọi nơi mỗi người

Ơn gọi của mỗi người chúng ta cũng thế, mỗi người được Chúa Giêsu chọn gọi một cách khác nhau.

Có lẽ ngày nay không còn ai được Chúa Giêsu gọi cách trực tiếp như tông đồ Phi-líp-phê “Anh hãy theo tôi.” Nhưng Chúa Giêsu vẫn mời gọi họ theo Ngài trong nhiều cách khác nhau.

Có người được Chúa gọi theo Ngài: mới đầu qua chiếc áo dòng hay qua hình ảnh của một tu sĩ nào đó mà họ cảm thấy quý mến, rồi khi vào dòng họ đã gặp gỡ được Chúa Giêsu và họ nhận ra ơn gọi của mình.

Có người được người này người kia giới thiệu và theo Chúa như Phê-rô hay Na-tha-na-en.

Cũng có người cứ lẽo đẽo theo Chúa và rồi cuối cùng cũng được Chúa chọn như ông An-rê.

Hồi tôi mới đi tu, chị tôi có viết cho tôi một lá thư và nói thế này: việc Chúa có chọn em hay không thì chị nghĩ: Chúa chưa chọn con nhưng con cứ lẽo đẽo theo Chúa thì dù muốn hay không Chúa cũng chịu thôi. Em cứ đọc đoạn Tin Mừng Mt 15, 21-28 thì em sẽ hiểu Chúa tỏ ra lạnh lùng như thế nào, nhưng với lòng tin lì lợm của người phụ nữ ngoại đạo nên Chúa đã cho bà được toại nguyện.”

Tin Mừng Mt 15, 21-28 là đoạn Tin Mừng kể về việc người phụ nữ ngoại đạo đến xin Chúa Giêsu chữa cho đứa con gái bà khỏi bị quỷ ám nhưng Chúa Giêsu lại nói: Không nên lấy bánh dành cho con cái mà ném cho lũ chó con.”….

Nếu chúng ta nghĩ việc đi tu là do Chúa đã chọn và định sẵn cho ai thì người đó được, Chúa không chọn ai thì người đó phải về liệu có đúng không?

Chúa không tiền định như vậy nhưng Chúa quan phòng trong tình yêu của Ngài. Ngài định điều tốt đẹp nhất cho chúng ta nhưng còn việc chúng ta có đi theo con đường tốt đẹp đó hay không còn tùy thuộc vào tự do của chúng ta.

Chúa cho chúng ta sự khôn ngoan để nhận biết chính mình, xem mình có thích hợp trong đời tu hay không hay là thích hợp trong đời sống gia đình. Nếu ta không đi tu được, không phải Chúa không chọn ta nhưng nhiều khi khả năng và tính tình của ta không thích hợp trong đời tu. Chính vì thế mỗi dòng tu đều có thời gian để tìm hiểu, để xem ta có thích hợp với đời tu không. Giáo Hội cũng đã khôn ngoan buộc các dòng tu phải cho các ứng viên trải qua từng tiến trình đào tạo rồi mới được khấn.

Thế nhưng con người không phải là một cỗ máy đã được định hình sẵn đến nỗi không thể thay đổi. Con người là một huyền nhiệm. Con người có thể thay đổi để trở nên tốt hơn và cũng có thể trở nên xấu hơn. Nếu như một người đã quyết tâm đi tu thì người đó có thể thay đổi nếp sống, tích cách… từ chỗ không thích hợp với đời tu đến chỗ thích hợp với đời tu. Chúa sẽ không bỏ rơi những ai hết lòng yêu mến Ngài và quyết tâm theo Ngài.

*Nếu ta không đi tu được thì cũng đừng trách Chúa là sao Chúa không chọn con mà hãy tự trách mình là sao không chịu thay đổi cho hợp với đời tu. Tu là sửa vậy sao không chịu sửa để sống đời tu tốt hơn.

Lm. Đaminh Mai Xuân Thưởng,sss.