Một lối hiểu về bữa tiệc Thánh Thể trong tương quan với bữa ăn giỗ của người Việt

MỘT LỐI HIỂU VỀ BỮA TIỆC THÁNH THỂ
TRONG TƯƠNG QUAN VỚI BỮA ĂN GIỖ CỦA NGƯỜI VIỆT

 

Bản sắc văn hóa, tính cách, lối sống, lối tư duy của mỗi dân tộc thường thể hiện qua các sinh hoạt nghệ thuật, kiến trúc, âm nhạc…và đặc biệt qua văn hóa ẩm thực. Đối với người Việt hay người Do Thái cũng vậy, bữa ăn không chỉ đáp ứng nhu cầu sống hay thỏa mãn ngũ giác quan của người ăn, nhưng trong mỗi bữa ăn, từ bữa cơm gia đình đến bữa tiệc hội hè đình đám đều hàm chứa những ý nghĩa sâu sắc. Bữa tiệc Thánh Thể bắt nguồn từ bữa ăn truyền thống của người Do Thái và có một số nét liên hệ rất gần với bữa ăn giỗ của người Việt về mặt ý nghĩa. Việc tìm hiểu nét đẹp văn hóa và triết lý sống của người Việt trong bữa ăn giỗ sẽ giúp người Kitô hữu tham dự bữa tiệc Thánh Thể cách trân trọng và mang đậm tâm tình của bản sắc dân tộc hơn.
1. Ý nghĩa phong tục ngày giỗ trong tâm thức người Việt
Phát xuất từ đời sống nông nghiệp, người Việt xưa luôn ước mong mùa màng được tươi tốt và sinh sôi nảy nở. Ước vọng này thể hiện qua tín ngưỡng thờ Trời và tín ngưỡng phồn thực. Với quan niệm Trời đất không chỉ tạo ra con người mà còn chăm sóc như cha mẹ lo cho con cái trong gia đình, mỗi nhà đều có bàn Thiên làm nơi giao tiếp với ông Trời trong tâm tình biết ơn của người con. Ngoài ra, trong tín ngưỡng phồn thực, người Việt xưa còn đề cao sự hòa hợp âm dương tốt đẹp để trời đất bắt chước mà giao hòa cho vạn vật và con người sinh sôi nảy nở tốt tươi. Vì thế, có thể nói trong tâm thức người Việt, lòng biết ơnước vọng phát triển là hai yếu tố gắn liền với mọi sinh hoạt, phong tục và tập quán. Phong tục ngày giỗ cũng được hình thành với hai ý nghĩa trên.
Lòng biết ơn
Người Việt trọng lòng biết ơn và đặt thành đạo lý căn bản trong mọi tương quan như con cái với cha mẹ, trò với thầy, thế hệ sau đối với thệ hệ trước… Đặc biệt, giữa người sống với người thân đã khuất, lòng biết ơn đã trở thành đạo hiếu trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Về những người đã khuất, niềm tin truyền thống của người Việt khá gần với đức tin Công giáo, cùng tin rằng “sự sống thay đổi chứ không mất đi”, chết không phải là hết, giữa người sống và người chết có mối liên hệ mật thiết trong “mầu nhiệm các thánh thông công”. Tuy nhiên, cuộc sống con người sau cái chết và mối liên hệ của họ với người sống có điểm đặc biệt khác đức tin Công giáo. Người Việt tin tổ tiên ở thế giới bên kia có một cuộc sống giống như thế giới dương gian mà họ đang sống và linh hồn tổ tiên luôn quanh quẩn theo dõi, giúp đỡ con cháu trong công việc hằng ngày, cho nên việc thờ cúng tổ tiên rất quan trọng và gắn liền với cuộc sống thường nhật. Mọi biến cố vui buồn trong gia đình, con cháu đều trình thưa với tổ tiên và kính mời các vị về chung hưởng hay sẻ chia, cũng như tạ ơn tổ tiên khi gặp phúc lộc, may mắn, nhất là vào các dịp lễ tết, cưới hỏi nhưng đặc biệt nhất là vào ngày giỗ. Ý nghĩa chính yếu của phong tục ngày giỗ không chỉ là việc dâng cúng thức ăn và nhu yếu phẩm cho người đã khuất hưởng dùng, nhưng là tưởng nhớ biết ơn người đã khuất và thể hiện tính tương quan liên vị trong gia đình, gia tộc. Ngày giỗ được xem như ngày hội của gia đình, là dịp giữ mối dây liên lạc gia tộc để anh chị em họ hàng gặp gỡ nhau, biết nhau, có thể giúp đỡ nhau trong cuộc sống và tạo thêm tình thân thiết gắn bó. Qua việc tổ chức giỗ, bà con thân thuộc có dịp qui tụ để thăm hỏi nhau và nhắc đến những kỷ niệm đẹp về người đã khuất, những việc tốt họ đã làm đã nói, kể lại cho nhau nghe những lời dạy dỗ hay di chúc của ông bà cha mẹ và nhắc nhau thực hiện ước vọng của các vị, cùng giữ gìn lễ giáo gia phong để làm rạng danh và vui lòng các tiền nhân.
Có thể nói, bữa ăn giỗ là nét văn hóa đặc sắc của người Việt có giá trị giáo dục gia đình rất sâu sắc. Họ hàng dù xa gần hay con cháu xa nhà vẫn được nhắc nhớ câu “Ai ơi ngày giỗ nhớ về”. Khác với văn hóa Tây phương coi trọng tiệc mừng sinh nhật, người Việt xưa có người không nhớ ngày sinh của mình nhưng không ai quên ngày giỗ của cha mẹ. Tùy hoàn cảnh, có thể chỉ là bữa cơm giản dị trong gia đình chứ không nhất thiết phải mâm cao cỗ đầy vì “Bắt thiếu giỗ, không ai bắt cỗ lưng”. Bữa ăn giỗ là dịp các thành viên trong gia đình cùng nhau bày tỏ lòng thành kính biết ơn ông bà cha mẹ và thắt chặt thêm mối liên hệ huyết thống, đồng thời thể hiện ước vọng mong muốn dòng tộc phát triển tốt đẹp.
Ước vọng phát triển
Theo giáo sư Đào Duy Anh, “tế tự tổ tiên là lấy sự duy trì chủng tộc làm mục đích.”[1] Ước vọng phát triển này gắn liền với tâm thức người Việt thể hiện qua lời cầu khấn khi cúng giỗ thường rất giản dị và thực tiễn như cầu xin sự che chở, phù trợ cho cuộc sống hàng ngày được bình an, thuận lợi. Nói chung, trong cách thức làm lễ giỗ, lời khấn với tổ tiên đều kể rằng “Hôm nay là ngày giỗ xin kính dâng lễ bạc, mời cha mẹ, ông bà…soi xét lòng thành làm hưởng, phù hộ cho con cháu cả nhà được mạnh giỏi, mọi sự tốt lành.”[2] Theo lệ, bàn thờ ông bà lúc nào cũng thắp đèn cháy sáng, “tượng trưng cho ngọn lửa bất diệt của dòng họ, không bao giờ để tắt.”[3] Do đó, việc thờ phụng cúng lễ rất quan trọng và ý nghĩa, vì ông bà cha mẹ nhận nơi con cháu tấm lòng biết ơn hiếu kính đồng thời cũng phù hộ độ trì lại cho cháu con, gia đình, dòng họ.
Một điều quan trọng trong nghi thức cúng giỗ là trên bàn thờ phải có bát cơm úp và một quả trứng luộc kèm gia vị. Ý nghĩa của việc này được chi phối bởi thuyết Âm Dương, thể hiện sợi dây tình cảm giữa người đang sống và người quá cố. Theo luận thuyết, sự vật có Âm Dương hài hòa thì mới phát triển sinh sôi. Ở bát cơm úp, phần chìm dưới bát thuộc Âm, phần nổi trên thuộc Dương. Quả trứng luộc cũng vậy, lòng đỏ bên trong thuộc Âm, lòng trắng bên ngoài thuộc Dương. Trong quả trứng còn mang mầm sống, thể hiện ý nguyện của con cháu là các bậc tiền bối qua đi sẽ luôn nảy sinh ra thế hệ mới kế tục.[4]
Như vậy trong phong tục ngày giỗ, người Việt gửi gắm ước vọng sâu xa của mình vừa muốn báo hiếu công ơn ông bà cha mẹ vừa mong nhận được hồng phúc của các ngài phù hộ dòng tộc phát triển, đồng thời lo trách nhiệm duy trì đạo lý gia đình và để lại phúc lộc cho con cháu. Ước vọng này là điểm tựa tinh thần quan trọng về mặt tâm linh cũng như đối với cuộc sống người Việt từ xưa đến nay.
2. Bữa ăn giỗ dưới lăng kính đức tin Kitô Giáo – Một lối hiểu về Bữa tiệc Thánh Thể theo người Việt
Như đã nói, đối với người Việt ngày giỗ mang ý nghĩa qui tụ nhau hiệp thông quanh cùng một bàn tiệc có tính tương quan liên vị, thể hiện lòng biết ơn, tưởng nhớ đến người đã khuất và ước vọng cầu xin tiền nhân phù hộ độ trì. Cũng vậy, mỗi thánh lễ cũng qui tụ các Kitô hữu hiệp thông liên kết với nhau quanh một bàn tiệc Thánh Thể, với lòng biết ơn, khấn nguyện và tưởng nhớ Chúa Giêsu, cũng như thực hiện di chúc của Người “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Đó là sự tương đồng về mặt ý nghĩa. Tuy nhiên, điểm khác biệt quan trọng là Chúa Giêsu hiện diện trong Thánh Thể không phải là vong linh của một người đã khuất về ngự trên bàn thờ theo niềm tin của người Việt, nhưng là Chúa Giêsu phục sinh đang sống, đang hiện diện thực sự trong Thánh Thể.
Đối với phụng vụ Công Giáo, thánh lễ và Bí tích Thánh Thể chính là chóp đỉnh của đời sống người Kitô hữu. Theo nguyên nghĩa từ Thánh Thể – Eucharistein có nghĩa là Tạ ơn, là hành động cảm tạ Thiên Chúa, nhắc lại những lời chúc tụng của dân Do Thái, nhất là trong bữa ăn, để tung hô các kỳ công của Thiên Chúa: tạo dựng, cứu chuộc và thánh hóa (x. GLHTCG số 2637). Vì thế, ý nghĩa của thánh lễ bao giờ cũng là một hy tế tạ ơn, một bữa tiệc hiệp thông qui tụ các Kitô hữu cùng nhau dâng lên Thiên Chúa lòng biết ơn vì tất cả những phúc lành Người ban, tất cả những gì Người đã thực hiện, đồng thời tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa Giêsu, xin Người tha thứ tội lỗi và ban cho các tín hữu mọi ơn lành hồn xác. Trong ý nghĩa đó, thánh lễ và phong tục ngày giỗ của người Việt Nam có liên hệ rất gần gũi về mặt cử hành và ý nghĩa.
Lễ vật thanh khiết
Nếu như trong phong tục ngày giỗ việc chuẩn bị lễ vật dâng cúng rất cẩn trọng và có ý nghĩa đặc biệt thì trong bữa tiệc Thánh Thể cũng vậy. Theo tục lệ giỗ, đồ lễ dâng cúng ông bà phải thanh khiếtdành riêng,[5] thường là những đồ chay và thanh tịnh như hương, hoa, trà, trái cây… Nếu con cháu muốn dâng cúng cỗ mặn phải đặt ở một chiếc bàn phụ phía trước và thấp hơn bàn thờ chính. Nhiều gia đình thận trọng không cúng những món ăn mà họ cho là ô uế như canh chua, rau răm, chuối già, nhất là không bao giờ cúng thịt chó là vì con chó ăn dơ. Sau nhiều năm nghiên cứu, theo tiến sĩ Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ UIA, thì đồ cúng có nguồn gốc tanh hôi sẽ vô tình làm cho phần “thần thức” của gia tiên rời xa khỏi sự thanh tịnh. Còn về rượu cúng cũng vậy, chỉ dùng rượu đế trắng chứ không dùng rượu chưng cất theo phương pháp khoa học ngày nay. Khi nấu cỗ không được nếm vì con cháu ăn trước ông bà là vô phép. Để tránh việc sai lỗi do trẻ nhỏ không biết, các thức ăn nấu xong phải múc ra để riêng dành cho việc cúng lễ cho phải phép. Khi bày cỗ phải đặt ở nơi cao sạch sẽ và bưng cỗ lên nhà không được đi dưới dây phơi quần áo, nhất là quần áo phụ nữ. Người Việt rất ý thức trong việc cúng giỗ phải có lòng thành kính tức là sự hiếu thảo ngay lành thì mới được tổ tiên chứng giám chứ không phải làm vì hình thức mà tâm lòng dửng dưng.
Trong bữa tiệc Thánh Thể, lễ vật thanh khiết chính là bánh không men và rượu nho tinh chế là những lễ vật theo qui định của phụng vụ. Mặc dù vào thời Giáo hội sơ khai, các Kitô hữu tiên khởi không đặt vấn đề bánh có men hay không, họ vẫn mang bánh có men dùng hàng ngày tại nhà đến dâng thánh lễ, vì theo họ các thánh sử trình thuật về Bữa tiệc ly đã không nói đến điều này. Tuy nhiên, đây lại là một luật của Thiên Chúa đã có từ thời cựu ước qui định về tiệc Vượt Qua, trong đó con chiên phải vẹn toàn vô tì tích và bánh phải không có men (x.Xh 12,1-20). Từ thế từ thế kỷ IX, Giáo Hội qui định chỉ được dùng bánh không men để dâng lễ và việc chuẩn bị bánh phải được dành riêng cho hàng giáo sĩ, trong một gian của thánh đường và được diễn ra trong kinh nguyện. Nhiều nơi có cả nghi thức chuẩn bị bột và nướng bánh như một phần của phụng vụ, khi bắt đầu thánh lễ người ta lấy ba chiếc bánh vừa nướng xong long trọng rước lên bàn thờ. Vào thời canh tân Cluny thế kỷ XI, việc chuẩn bị bánh phải được tổ chức theo nghi thức phụng vụ và được giao cho các đan viện. Sau khi người ta hái từng hạt lúa mì về, phải rửa thật sạch cối xay bột và phủ khăn, vị đan sĩ mang trọng trách xay bột và bốn vị đan sĩ nướng bánh phải mặc áo Alba và khăn vai, ít nhất phải có ba vị là Phó tế. Tất cả làm việc trong thinh lặng vì sợ rằng hơi thở sẽ chạm vào bánh thánh, một vài tu viện khác thì hát thánh vịnh trong khi chuẩn bị bánh thánh.[6]
Ngày nay, tuy việc xay bột, nướng bánh, chuẩn bị bánh không còn là một nghi thức phụng vụ nhưng bánh rượu vẫn luôn phải là “chất thể đúng qui định” tức bánh không men và rượu nho tinh chế, vì đây không phải là của lễ cúng tổ tiên như người Việt cúng giỗ nhưng chính chất liệu bánh rượu đó sẽ trở nên Mình Máu Chúa Kitô, lễ vật thần linh dâng lên Thiên Chúa. Bánh rượu là biểu trưng cho tinh hoa của trời đất và là lao công của con người. Cũng như người Việt chú trọng dâng lễ cúng giỗ phải với cả tấm lòng thành thì phần dâng lễ vật trong thánh lễ cũng phải biểu trưng cho tấm lòng của người dâng lễ. Đây là lúc các Kitô hữu kết hợp với chủ tế dâng lên Thiên Chúa tình yêu và những chuyện vui buồn đang xảy ra trong cuộc sống đời thường của mình, đặt tất cả vào trong đĩa thánh và chén thánh khi linh mục dâng lên Thiên Chúa. Bánh không men màu trắng biểu trưng cho tấm lòng trinh trắng thanh sạch, hình tròn biểu trưng của một lễ vật toàn hiến không sứt mẻ, không giữ lại. Màu đỏ, mùi nồng của rượu là hình ảnh của tình yêu nồng nàn và những hy sinh của các Kitô hữu. Như thánh Alberto Cả trong một luận đề về thánh lễ đã viết: “Cộng đồng giáo dân không chỉ dâng lễ vật bên ngoài, mà người dâng lễ đồng thời phải dâng chính mình cho Chúa nữa.”[7]
Bữa ăn hiệp thông
Một trong những đặc tính của bữa ăn Việt, theo giáo sư Trần Ngọc Thêm nhận định đó là tính cộng đồng. Khác với bữa ăn người Tây phương chia khẩu phần, mọi người hoàn toàn độc lập với nhau, các thành viên của bữa ăn người Việt thường liên quan và phụ thuộc chặt chẽ vào nhau vì cùng quây quần quanh một mâm cơm tròn với tâm điểm của mâm là chén nước mắm. Cũng vì thế, người Việt Nam rất thích chuyện trò trong bữa ăn.[8] Tính cộng đồng hay tương quan hiệp thông trong bữa ăn là đặc tính của hầu hết các dân tộc Á châu, trong đó bữa ăn người Việt và Do Thái cũng mang đặc tính này.
Sự hiệp thông trong bữa ăn giỗ trước hết đó là sự hiệp thông giữa người sống với nhau. Theo tục lệ, trách nhiệm lo cúng giỗ cha mẹ thuộc về con trai trưởng, hoặc cháu đích tôn nếu con trai trưởng mất, vì thế, dân gian có câu “Một trăm cái giỗ đổ đầu trưởng nam”. Đến ngày giỗ, con cháu xa gần cùng quay về nhà ông trưởng để làm giỗ. Dù bận rộn anh em cũng qui tụ về dự giỗ vừa để thăm hỏi nhận biết người thân, vừa để giới thiệu họ hàng, bàn những chuyện gia đình, dòng họ. Tinh thần hiệp thông thể hiện qua việc mọi người cùng đem theo lễ vật gọi là để cúng như trà, rượu, trái cây, bánh kẹo…ngày nay có khi gửi cả tiền để góp giỗ với gia chủ. Bữa tiệc giỗ cũng là thời gian rất thiêng liêng người ta dành cho nhau, sống với nhau, trao đổi chia sẻ, tâm tình trong bầu khí gia đình và tình làng nghĩa xóm. Nếu như anh em đang có chuyện không hài lòng nhau thì vào bữa giỗ cũng bỏ qua cho nhau vì tin linh hồn ông bà cha mẹ đang hiện diện với con cháu trên bàn thờ, không ai muốn các bậc tiền nhân phải buồn. Ngoài ra, sự hiện diện của những vị khách, những người quen biết hoặc xóm làng càng tăng thêm mối tương quan liên vị giữa những người còn sống.
Bên cạnh sự hiệp thông giữa người sống, ngày giỗ còn thể hiện sự hiệp thông với người thân đã khuất. Với niềm tin trong thời gian cúng giỗ, tổ tiên sẽ về ngự trên bàn thờ nên từ chiều hôm trước ngày giỗ đến hết ngày hôm sau, bàn thờ lúc nào cũng có thắp hương. Khói hương sẽ là trung gian khi con cháu giao tiếp với tổ tiên, có lúc thỉnh cầu, có khi sám hối. Mọi lời nguyện cầu sẽ theo các làn khói hương chuyển đến ông bà tổ tiên. Trong nghi thức cúng, sau khi những nén hương thắp lên bàn thờ cháy gần hết, gia chủ đứng trước bàn thờ tạ ơn gia tiên đã chứng giám lòng thành của con cháu và đã hưởng của lễ con cháu dâng lên.[9] Sau bữa ăn, gia chủ hạ của lễ trên bàn thờ xuống, chia thành từng túi cho từng gia đình và khách gọi là lộc của tổ tiên, họ đem phần về chia cho những người ở nhà để mọi người cũng được thừa hưởng. Vậy, qua việc ăn của lễ cúng mà sau khi ông bà đã hưởng này, con cháu được hiệp thông chia sẻ phúc lộc với ông bà tổ tiên. Tương tự như thánh Phaolo đã nói với các tín hữu Corinto “Anh em hãy coi Ít-ra-en xét theo huyết thống. Những ai ăn tế phẩm, há chẳng phải là những kẻ được chia lộc bàn thờ sao?” (1Cr 10,18)
Tính hiệp thông hai chiều trong phong tục ngày giỗ có liên hệ đặc biệt với Bí tích Thánh Thể, như một tên gọi khác của Thánh Thể chỉ về sự hiệp lễ là “communion”, tức hiệp thông chiều ngang với nhau và chiều dọc với Thiên Chúa (x.GLHTCG số 1331). Bữa tiệc Thánh Thể bắt nguồn từ bữa ăn truyền thống của người Do Thái, trong đó sự hiệp thông trong bữa ăn trước hết mang ý nghĩa liên kết với Thiên Chúa. Cựu ước tường thuật chuyện Abraham làm bữa tiếp đãi ba người khách lạ mang ý nghĩa tiếp đón chính Thiên Chúa (St 18,1- 8). Tương tự, ông Jitro, tư tế người Madian, sau khi dâng lễ tế lên Thiên Chúa đã cùng ăn uống với Aaron và các kỳ mục Israel  “trước nhan Thiên Chúa” (Xh 18,12). Cũng vậy, Môsê và các kỳ mục Israel, sau khi ký kết giao ước tại núi Sinai, họ đã nhìn lên Thiên Chúa đang ngự trên núi “và họ ăn uống” (Xh 24,11). Trong những tường thuật này, bữa ăn trước Thiên Chúa, trình bày một mối liên kết giữa con người với Thiên Chúa, cũng tương tự trong bữa ăn giỗ người Việt, con cháu cùng ăn trước vong linh ông bà. Ngoài ra, trong bữa ăn Vượt Qua, người Do Thái tưởng niệm lại biến cố xuất hành của cha ông, yếu tố tố hiệp thông thể hiện rõ qua việc họ tưởng nhớ đến tổ tiên, cha ông trong thời nô lệ với biến cố xuất hành. Họ ca ngợi và chúc tụng Thiên Chúa qua những Thánh vịnh. Họ cùng ngồi một mâm, cùng ăn một chiên, cùng uống một chén rượu như người Việt ngồi quanh mâm cơm, ăn chung một nồi cơm và chấm chung một chén nước mắm. Nói chung, bữa ăn của người Do Thái và cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đều mang đậm nét hiệp thông cộng đồng “Ngày ngày họ chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ.”(Cv 2, 46)
Đối với Thánh Phaolo, người Kitô hữu ăn thịt và uống máu của Chúa là được đi vào liên hệ với Chúa, hiệp thông nên một thực sự với Người vì Người hiện diện đích thực trong Thánh Thể, khác với sự hiệp thông của con cháu với vong linh tổ tiên chỉ có thể là sự hiệp thông trong tinh thần. Việc kết hợp với Chúa Kitô sẽ giúp người Kitô hữu trở thành một thân thể, vừa liên kết với Chúa Kitô là đầu, vừa kết hợp với mọi kẻ lãnh nhận Bánh Thánh, thành Thân Thể Người là Hội Thánh. “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Ki-tô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể”(1Cr 10, 16-17).
Bữa ăn tạ ơn và tưởng nhớ
Biết ơn – tưởng nhớ, hai ý nghĩa thiết yếu của ngày giỗ cũng gắn liền với ý nghĩa thiết yếu của thánh lễ. Thực vậy, “tạ ơn không chỉ là một trong những khía cạnh của Bí tích Thánh Thể, mà còn là chính trung tâm của Mầu Nhiệm này. Thiếu tạ ơn sẽ không có Thánh Thể và sẽ không còn là Thánh Thể”[10] vì chúc tụng và cảm tạ là những thái độ căn bản của người Do Thái. Trong mỗi bữa ăn người Do thái, trước khi ăn, gia chủ thường đọc lời chúc tụng trên bánh và rượu mà ngày nay được đưa vào phụng vụ Thánh Thể trong lời nguyện trên lễ vật “Chúc tụng Chúa đã rộng ban cho chúng con bánh, rượu này là hoa màu ruộng đất và công lao của con người…” Sau lời chúc tụng là việc nhắc nhớ lại những kỳ công của Thiên Chúa, đó là cơ cấu căn bản của các Kinh Nguyện Thánh Thể hay còn gọi là Kinh Tạ Ơn, bao giờ cũng gồm hai phần chính: Tạ ơn và Tưởng nhớ.
Bởi vì việc tạ ơn Thiên Chúa là một hồng ân đem lại cho con người ơn cứu độ: “Lạy Cha chí thánh, nhờ Con yêu quí của Cha là Chúa Giêsu Kitô, chúng con tạ ơn Cha mọi nơi mọi lúc, thật là chính đáng, phải đạo và đem lại ơn cứu độ cho chúng con.”  (KNTT II)
Việc tạ ơn gắn liền với việc chúc tụng Chúa về công trình sáng tạo và cứu độ của Người: “Lạy Cha chí thánh, chúng con tuyên xưng Cha là Ðấng cao cả, đã tác tạo mọi sự theo thượng trí và tình thương. Cha đã dựng nên con người giống hình ảnh Cha và trao cho việc trông coi vũ trụ, để khi phụng sự một mình Cha là Ðấng tạo hoá, con người cai quản mọi loài thụ tạo…”(KNTT IV).
Trong các Kinh Nguyện Thánh Thể, phần không thể thiếu đó là tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô: “Lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa, vì Chúa đã thương cho chúng con được xứng đáng hầu cận trước Tôn Nhan và phụng sự Chúa” (KNTT II).
Hoặc: “Lạy Chúa, giờ đây cử hành lễ tưởng niệm công trình cứu chuộc, chúng con kính nhớ Ðức Ki-tô chịu chết và xuống ngục tổ tông, chúng con tuyên xưng Người sống lại và lên trời ngự bên hữu, và đang khi chờ đợi Người đến trong vinh quang, chúng con dâng lên Chúa Mình và Máu Người làm hy lễ đẹp lòng Chúa và sinh ơn cứu độ cho cả trần gian” (KNTT IV).
Cũng như hai ý nghĩa căn bản trên đây của Bữa tiệc Thánh Thể, trong bữa ăn giỗ, người Việt cũng nói lên lòng biết ơn tổ tiên và kể cho nhau, cho con cháu về những công đức, việc làm của tổ tiên. Như thế qua việc tổ chức giỗ, họ đang “làm việc này mà tưởng nhớ” đến những kỷ niệm và lời dạy của tiền nhân. Đối với người Kitô hữu, mỗi thánh lễ là thực hiện di chúc của Chúa Giêsu “Hãy làm việc này mà tưởng nhớ đến Thầy”. Làm việc này gắn liền với mục đích nhớ đến Thầy. “Làm việc này” là việc cử hành thánh lễ. “Nhớ đến Thầy” là nhớ đến Tình yêu tự hiến của Chúa Giêsu, nhớ đến cuộc khổ nạn, cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu và lệnh truyền yêu thương như lời trăn trối của Ngài (Ga 15,12). Nhớ đến Chúa còn là “sống sứ điệp của Ngài, là đón nhận Tình Yêu và Sự Sống của Ngài và đem chia sẻ cho tha nhân”.[11]
Kết luận
Qua một số nét tương đồng giữa bữa ăn giỗ và bữa tiệc Thánh Thể, có thể nói Thiên Chúa đã chuẩn bị những “hạt giống Ngôi Lời” (Ad Gentes 11) tiềm ẩn trong chính tín ngưỡng và văn hóa cổ truyền của người Việt như một nền “Cựu ước” để người Việt dễ dàng đón nhận và sống giá trị Tin Mừng hơn. Vì vậy, việc khám phá ra những “hạt giống Ngôi Lời”, cùng sự hiện diện và hoạt động của Thần Khí tác động trên những cá nhân, trên xã hội và lịch sử, trên các dân tộc, trên các nền văn hóa và các tôn giáo để tôn trọng “những gì chân thật và thánh thiện” (Nostra Aetate 2) sẽ giúp các Kitô hữu hướng đến sự đối thoại và loan báo Tin Mừng cách hiệu quả hơn trên quê hương Việt Nam.
Maria Châu Hải Vy, SSS      
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
  1. Bùi Văn Đọc và các linh mục khác. Thần Học về Bí Tích Thánh Thể. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009.
  2. Nguyễn Văn Trinh. Phụng Vụ Thánh Lễ. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2008.
  3. Ủy Ban Phụng Tự trực thuộc Hội Đồng Giám Mục Việt Nam. Sách lễ Roma. Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2005.
  4. Nguyễn Phúc Thuần. Thánh Thể Hy Lễ Tạ Ơn. Tủ Sách Eymard, 1998.
  5. Phạm Đình Ái. Cao Cả Thay Mầu Nhiệm Cứu Độ. TP Hồ Chí Minh: NXB Phương Đông, 2014.
  6. Đào Duy Việt Nam Văn Hóa Sử Cương. Tái bản. Sài Gòn: NXB Bốn Phương, 1951.
  7. Trần Ngọc Thêm. Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam. Tái bản lần 2. Hà nội: NXB Giáo Dục, 1999.
  8. Toan Ánh. Phong Tục Thờ Cúng Tổ Tiên trong Gia Đình Việt Nam. Hà Nội: NXB Văn hóa dân tộc, 2001.
  9. Phạm Côn Sơn. Việt Nam – Văn Hóa Lễ Tục ABC. Hà Nội: NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2006.
  10. Ngô Văn Xuân. “Tìm hiểu tục lệ cúng giỗ xưa nay của người Việt”, ngày 5 tháng Bảy, 2017. Truy cập ngày 15 tháng Mười Hai, 2017. https://ngotoc.vn/Van-hoa-Doi-song/Tim-hieu-tuc-le-cung-gio-xua-nay-cua-nguoi-Viet-318.ht
[1] Đào Duy Anh, Việt Nam Văn Hóa Sử Cương, Tái bản (Sài Gòn: NXB Bốn Phương, 1951), 205.
[2] Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, “Đất Lề Quê Thói”, trong Phạm Côn Sơn, Việt Nam – Văn Hóa Lễ Tục ABC (Hà Nội: NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2006), 428.
[3] Sơn Nam, “Nghi Thức Và Lễ Bái của Người Việt Nam”, trong Phạm Côn Sơn, Việt Nam – Văn Hóa Lễ Tục ABC (Hà Nội: NXB Văn Hóa Dân Tộc, 2006), 431.
[4] Ngô Văn Xuân, “Tìm hiểu tục lệ cúng giỗ xưa nay của người Việt”, ngày 5 tháng Bảy 2017, truy cập ngày 15 tháng Mười Hai, 2017, https://ngotoc.vn/Van-hoa-Doi-song/Tim-hieu-tuc-le-cung-gio-xua-nay-cua-nguoi-Viet-318.html
[5] x. Toan Ánh, Phong Tục Thờ Cúng Tổ Tiên trong Gia Đình Việt Nam (Hà Nội: NXB Văn hóa dân tộc, 2001), 18.
[6] x. Nguyễn Văn Trinh, Phụng Vụ Thánh Lễ (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2008). 323 – 325.
[7] x. Phạm Đình Ái, Cao Cả Thay Mầu Nhiệm Cứu Độ (NXB Phương Đông, 2014), 79.
[8] x. Trần Ngọc Thêm, Cơ Sở Văn Hóa Việt Nam, tái bản lần 2 (Hà nội: NXB Giáo Dục, 1999), 194.
[9] x. Toan Ánh, Phong Tục Thờ Cúng Tổ Tiên trong Gia Đình Việt Nam (Hà Nội: NXB Văn hóa dân tộc, 2001), 11.
[10] Nguyễn Phúc Thuần, Thánh Thể Hy Lễ Tạ Ơn (Tủ Sách Eymard, 1998), 115.
[11] Bùi Văn Đọc, Thần Học về Bí Tích Thánh Thể  (Hà Nội: NXB Tôn Giáo, 2009) 45.