LỄ LÁ -NĂM C

Is 50, 4 -7; Pl 2, 6 -11; Lc 22, 14 -23, 56

  • Is 50, 5: Là ý định của ĐỨC CHÚA trên NGƯỜI TÔI TỚ: “ĐỨC CHÚA là Chúa  Thượng đã mở tai tôi. … Tôi không cưỡng lại,  chẳng tháo lui”

  • Pl 2,8 : Là sự tự nguyện vâng phục của Con : “ Người lại còn hạ mình vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự”

  • Lc 23 , 34 .56: hóa giải ác ý của ma quỷ và ác nhân bằng tình yêu  tha thứ mang lại ơn cứu độ: “ xin Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm”; “ Hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng”

Chúng ta bước vào Tuần Thánh với nghi thức rước lá nghênh đón Đức Giêsu như Đấng Mêsia. Tuy nhiên đỉnh cao của phụng vụ Lời Chúa lễ lá là thánh giá cứu độ của Đức Kitô. Đối với cái nhìn của người đời thì thập giá là hậu quả của một cuộc chiến bại, là một tủi nhục, là kết quả không có hậu của cả cuộc đời của một con người hết mình xây dựng tình yêu và công lý nhằm đem lại ân phúc, ơn cứu độ cho dân mình và cho cả thế giới. Nếu thế thì Thập giá chắc chắn không thể mang lại ơn cứu độ, vì nó hủy diệt tất cả những nỗ lực tốt đẹp cả đời con người.  Nhưng thập giá lại là NỀN tảng của đức tin kitô giáo (x. 1Cr 1, 24; Mt 16, 24…). Nhờ Đức Giêsu, “Thập giá không còn là một nhục nhã nữa, nhưng thành một đòi buộc từ bỏ và là một tước hiệu của vinh quang, trước tiên đối với Đức Kitô, tiếp đó là đối với kitô hữu chúng ta” (ĐNTHTH “Thập giá”). Yếu tố nào đã làm cho thập giá của Đức Ki tô nên cuội nguồn ơn cứu độ như thế. Lời Chúa trong thánh lễ, lễ lá cho ta một câu đáp.

1/ Mưu đồ của Satan: điều cốt lõi của mưu đồ Satan nằm ở điểm này: đẩy cho công cuộc của Đức Giêsu đi trệch đường lối của Cha. Nhìn thoáng qua thì âm mưu của Satan dường như nhắm vào Đức Giêsu: gây cho Người tủi nhục, khổ đau rồi chết trên thập giá. Nhưng tất cả những cái đó không đẩy Đức Giêsu ra khỏi đường lối của Cha:  cuối cùng Người đã “phó thác hồn con trong tay Cha” (Lc 23, 46). Đối tượng mà Satan nhắm vào để đẩy công cuộc cứu độ của Đức Giêsu đi trệch đường lối Cha chính là CÁC MÔN ĐỆ. Môn đệ là những người được Đức Giêsu CHỌN kế TỤC Người để mang ơn cứu độ đến tận cùng thế giới (x. Cv1, 8). Satan không còn hy vọng gì đánh thắng được Đức Giêsu nữa khi Người cầu nguyện xin Cho ý Cha được thể hiện (x.Lc 22,42 ). Giờ đây để phá hoại công trình của Người thì chỉ còn nhắm vào CÁC MÔN ĐỆ: cắt đứt các ông ra khỏi ý Cha và Đức Giêsu.

Cuộc thương khó chính yếu của Đức Giêsu không nằm ở những khổ đau, dòn vọt mà ở chỗ Người thấy các môn đệ có nguy cơ đi lạc hướng. Xin điểm qua vài nét theo trình thuật của Luca:

Riêng theo Luca, ngay  trong bàn tiệc ly, sau khi hưởng dùng bí tích Thánh Thể do Đức Giê su thiết lập (22,19 – 20) , các môn đệ còn tranh nhau ai là người lớn nhất ( 22,24). Nguy cơ nội bộ chia rẽ, đám môn đệ đi tìm vinh quang trần thế là rất lớn.

Sự thiếu khiêm tốn, không lường được những yếu đuối của mình nơi Phêrô cũng là điều làm Đức Giêsu âu lo. Ông quả quyết sẽ trung thành, nhưng rồi ông đã chối Thầy. Và theo Luca, đó là mưu đồ của Satan: Hắn xin được sàng các môn đệ như sàng gạo (22, 31)

Thái độ muốn dùng con đường bạo lực để giải quyết vấn đề (22, 50) cũng là một cám dỗ làm môn đệ đi xa con đường của Đức Giêsu (22, 51).

Theo Luca, lời mời tỉnh thức cầu nguyện, Đức Giêsu nói chung cho cả nhóm mười hai chú chứ không riêng gì Phêrô – Giacobe – Gioan (Lc 22, 39 -40).  Thế nhưng tất cả các ông đều NGỦ (22, 45 -46).

Các môn đệ đã hoàn toàn thất bại, đi xa đường lối Chúa! Đức Giêsu chết rồi thì cho dù Người có phục sinh, thăng thiên đi nữa thì ai kế tục công trình?

May thay “Thập giá của Đức Giêsu” là công cuộc của Chúa, thế nên tự nơi “Thập giá của Đức Giêsu” đã có mần sự sống và có thần lực vô hiệu hóa mọi mưu đồ của Satan: các đau khổ, cái chết của Đức Giêsu đã phục hồi môn đệ.

2 / Dự tính Thiên Chúa và sự tự nguyện của Đức Giêsu:

Ngay từ lúc nhân loại vừa sa ngã, Thiên Chúa đã tha thứ và hứa phục hồi bằng cách ban cho một Đấng đạp đầu Rắn. và trong suốt dòng lịch sử, Thiên Chúa thực thi công cuộc cứu độ đó. Đến thời Isaia đệ nhị, dung mạo Đấng đạp đầu Rắn dần xuất hiện: đó là Người Tôi Trung. Người Tôi Trung được Chúa đào tạo thành Người “nâng đỡ những ai rã rời kiệt sức”. Phương tiện Chúa muốn Người Tôi Trung sử dụng là Lời nói và sự đau khổ của mình. Và Người Tôi Trung đã chấp nhận đường lối đó của Thiên Chúa trên cuộc đời mình vì tin tưởng Thiên Chúa phù trợ. Lúc mặc khải vừa hé mở thì dung mạo thật khó hiểu. Thế nhưng khi Đức Giêsu xuất hiện với sự tự nguyện đi con đường Thấp Giá thì mọi sự nên rõ ràng. Đó là điều được đề cập trong bài đọc hai: Đức Giêsu chính là Đấng đạp đầu Rắn. Người vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng TỰ NGUYỆN theo Ý Cha đi trọn kiếp làm người vâng lời cho đến chết…. Chính lúc Người tắt thở trên Thập Giá, Người ta nhận ra Người là Thiên Chúa (x. Mc 15, 39). Lúc đó Thiên Chúa hoàn tất dự định yêu thương cứu độ, cho Người Phục Sinh. Nhờ đó Thập giá không còn là ngõ cụt nữa mà là ngưỡng cửa đưa nhân loại vào cuộc sống thần linh. Cuối cùng ra điều Chúa muốn hoàn tất là tình yêu cứu độ, nhờ Đức Giêsu tự nguyện làm theo Ý CHÚA.

Frère Đình Long FSC