LỄ CÁC THÁNH

Kh 7, 2-4. 9-14; Mt 5,1-12a

          Chủ đề: Các thánh: Họ là ai?
                        Niềm vui, hạnh phúc đích thật của họ là gì?

          * Kh 7,13-14: Họ là những người đã đến, sau khi trải qua cơn thử thách lớn lao. Họ đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong Máu Con Chiên.

          * Mt 5,1.12a: Phúc thay ai… khó nghèo, hiền lành…
Vì phần thưởng anh em trên trời thật lớn lao.

          Hôm nay ngày 1 tháng 11, Giáo Hội mừng kính long trọng lễ các thánh nam nữ. Vào thời Giáo Hội tiên khởi, các anh hùng tử đạo được tôn vinh một cách đặc biệt. Việc tôn vinh này dần dần được mở rộng ra để kính nhớ tất cả các tín hữu đã qua đời trong tình trạng đầy ơn nghĩa với Thiên Chúa. Ban đầu tại Rôma, lễ này được cử hành trong một ngôi đền cổ của dân ngoại dâng kính cho “tất cả các thần linh”, được gọi là đền PANTHÉON. Về sau đền thờ đó được biến đổi thành vương cung thánh đường công giáo. Rồi ngày 13 tháng 5 năm 610 đến nay được dâng kính cho “Rất thánh Đức Maria và cho tất cả các thánh nam nữ”. Đến năm 835, Đức Giáo Hoàng Grégoire IV ấn định việc mừng kính tất cả các anh hùng tử đạo và các thánh vào một ngày chung là ngày 1 thánh 11 hằng năm.

          Qua lễ này, Giáo Hội tôn vinh và nói lên lòng tín thác của mình đối với tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đã hoàn tất cách kỳ diệu công trình cứu độ của Người cho nhân loại phàm nhân yếu đuối.

          Đây là lễ của NIỀM CẬY TRÔNG, hi vọng: Giáo Hội nói lên xác tín vững chắc của mình vào hạnh phúc chung cuộc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho những ai, giữa bao gian truân trần thế, vẫn tín trung đi trọn con đường đời của mình theo Thánh Ý Chúa. Qua lễ này, Giáo Hội cũng tuyên xưng đức tin của mình vào sự sống đời sau, đời sống mà các thánh hiện đang vui hưởng trong hạnh phúc vĩnh cửu bên cạnh Thiên Chúa. Và đối với các tín hữu còn lữ hành tại thế, qua lễ này, Giáo Hội đề ra một hướng sống theo lời giảng dạy của Đức Kitô giúp các tín hữu hoàn thành hành trình dương thế của mình trong TIN CẬY vững vàng rằng mình cũng sẽ được hưởng cùng một phúc vinh vĩnh cửu cùng các thánh.

          Với lễ này, Giáo Hội mừng chung tất cả mọi tín hữu đã ly trần trong ơn nghĩa Chúa. Họ là THÁNH vì họ đã hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa một cách trọn vẹn và vĩnh viễn; Và việc họ đang được hưởng hạnh phúc thiên đàng thực sự là lời loan báo Tin Mừng cứu độ và là một bảo chứng chắc chắn cho hạnh phúc chung cuộc của nhân loại và của từng người chúng ta một khi trong hiện tại dám “giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong Máu Con Chiên” (Kh 7,14c)

          Lời Chúa đưa ra vài nét cụ thể các thánh đã “tẩy trắng áo mình” như thế nào?

          Bài đọc 1 đưa ra vài gợi ý qua hai thị kiến:

          * Thị kiến một: là lời giải thích trấn an các tín hữu đang bị bách hại: Thiên Chúa sai các thiên thần đến “đóng ấn trên trán các tôi tớ Thiên Chúa”. Vào đầu thế kỷ thứ hai Công Nguyên, cách nói “ẤN” ám chỉ đến bí tích Rửa Tội. Như “Thiên Chúa đóng ấn” có nghĩa là Thiên Chúa xác nhận các tín hữu là thuộc về Chúa; Người đảm nhận vận mạng của họ.

          Và con số 144.000 cũng mang ý nghĩa biểu tượng. Đó là dân mới của Chúa bao gồm: SỐ SÓT LẠI của mười hai chi tộc Israel hợp với số tín hữu đã tin vào lời rao giảng của mười hai tông đồ và đã chịu phép rửa. 144.000 là số biểu tượng các tín hữu trung tín của mười hai chi tộc Israel và của đoàn môn đệ của mười hai tông đồ Đức Giêsu; Hai số 12 nhân với nhau rồi nhân lên 1.000 lần nói lên tính phổ quát của ơn cứu độ: và nhân lên 1.000 lần hàm ý số người được dự vào hàng ngũ các thánh là rất đông, không giới hạn.

          * Thị kiến thứ hai: là một cảnh diễn ra ở trên trời, một thị kiến hướng về tương lai. Con số biểu tượng 144.000 người giờ đây là “cả một đoàn người đông đúc không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ” (Kh 7,9a). Một lần nữa, tính phổ quát của ơn cứu độ, mở ra cho mọi người được nhấn mạnh. Đám đông đó đang ở trên trời ca tụng Chúa và Con Chiên đã cứu độ họ. Họ “mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế”. Cách nói này ám chỉ họ là những người đã chiến đấu và đã chiến thắng. Hay nói cách khác là “họ đã trải qua cơn thử thách lớn lao giặt trắng áo mình trong Máu Con Chiên” (Kh 7,14).

          Cả hai thị kiến đều diễn tả một ý: các thánh là những người đã chiến đấu hết mình để trung thành với đức tin và với Con Chiên; Và họ đã thắng trận.

          Cũng trong chiều hướng chiến đấu để sống lời dạy của Đức Giêsu, Tin Mừng mời các tín hữu can đảm, kiên trì sống “các mối phúc thật”. Thật là một lời mời nghịch lý so với các quan điểm hạnh phúc thế trần. Đức Giêsu đang chờ đợi NIỀM TIN PHÓ THÁC TRỌN VẸN VÀO NGƯỜI nơi những ai muốn theo Người; Đồng thời Đức Giêsu cũng kèm theo những lời hứa HẠNH PHÚC ĐÍCH THẬT dành cho họ: “phần thưởng anh em TRÊN TRỜI thật lớn lao”.

          Khi đáp lại lời mời sống theo các mối phúc thật của Đức Giêsu là các tín hữu đã phó thác cho Thiên Chúa, để cho Thiên Chúa tẩy rửa con người của mình tận căn trong “dòng máu” tám mối phúc thật của Đức Giêsu, tách tín hữu ra khỏi mọi dính bén trần thế để từ nay thành con người mới ngay tại thế này, hoàn toàn thuộc về Thiên Chúa, được “đóng ấn” bởi các chân phúc do Đức Giêsu mang tới mà các kẻ tin đã xác tín và nhận làm lẽ sống của mình.

          Vậy các thánh là những người đã dám trao hạnh phúc, vận mạng đời mình cho Thiên Chúa để nhận lại hạnh phúc, tình yêu, Thập giá của Đức Giêsu làm gia sản, lẽ sống của mình, và rồi trung tín đến cùng với cuộc trao đổi đó.

Frère Pierre Đình Long FSC