KIÊN TRÌ CẦU NGUYỆN.

Chúa Nhật Tuần XVII Mùa Thường Niên  (St 18, 20-32; Lc 11, 1-13)          

Thiên Chúa luôn yêu thương con người, dù con người không biết Ngài, dù con người có khước từ và phản bội tình yêu của Ngài, Ngài vẫn một mực yêu thương. Đó là tất cả những gì Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta qua cuộc sống của Ngài. Cách cư xử và cái chết của Ngài đã cho chúng ta thấy Thiên Chúa là Cha yêu thương chúng ta.

          Đồng thời Chúa Giêsu cũng dạy cho chúng ta cách thức đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, đó là hãy chu toàn thánh ý của Thiên Chúa. Lời kinh Lạy Cha Ngài để lại cho Giáo Hội chính là chương trình sống của Ngài, chính là tiếng xin vâng của Ngài đối với Chúa Cha. Từ sáng đến chiều, xuyên qua những giao tiếp và giảng dạy, Ngài luôn để lộ một cử chỉ duy nhất, đó là thuộc trọn về Chúa Cha, tin tưởng tuyệt đối vào tình yêu của Chúa Cha. Để lại cho chúng ta kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu không chỉ truyền lại một công thức, mà là cả cuộc sống xin vâng của Ngài.

          Thiên Chúa là một người Cha nhân từ, hằng yêu thương chăm sóc chúng ta. Nhờ Ngài, chúng ta mới có được những phương tiện vật chất; nhờ Ngài, chúng ta mới có được những khả năng phần hồn; nhờ Ngài, chúng ta mới có được ơn cứu độ… Vậy tại sao chúng ta lại không biết ơn và cảm tạ Ngài? Thiên Chúa lạ vị ân nhân vĩ đại. Ngài chờ đón nơi chúng ta một câu nói tuyệt vời: Lạy Chúa con yêu mến Chúa. Như vậy khi cầu nguyện, chúng ta bày tỏ niềm biết ơn cũng như tình yêu đậm đà của chúng ta đối với Ngài.

          Cầu nguyện của người Kitô hữu là tự đặt mình vào trong mối tương quan này, coi Thiên Chúa như là Cha hoặc Mẹ, thưa chuyện với Ngài, kể chúng ta là con cái. Khi con trẻ thưa chuyện với cha mẹ, việc quan trọng không phải là đúng cách hay sai cách, chúng chỉ đơn thuần tập trung vào một điều là dùng tất cả lời nói, cử chỉ để diễn tả lòng mình. Cũng vậy, trước mặt Chúa, người Cha nhân từ khi chúng ta cầu nguyện mà công thức, thủ tục đều là chuyện thứ yếu, nếu chúng ta không muốn nói là thường. Con cái tin tưởng rằng, cha mẹ luôn luôn làm những gì là tốt nhất cho mình.

          Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay cũng nói: “Ai trong anh em là một người cha mà khi con xin cá thay vì cá lại lấy con rắn mà cho nó, hoặc nó xin trứng lại cho nó con bọ cạp”. Cũng vậy, con cái Thiên Chúa đến với Ngài với thái độ tin tưởng, hy vọng, biết rằng Ngài sẽ dành cho họ tất cả những gì là tốt nhất.

          Lời cầu nguyện của Chúa mà chúng ta nghe trong Tin Mừng theo Thánh Luca có một điểm khác với lời kinh chúng ta dùng trong Thánh Lễ, lời kinh này chúng ta đọc theo đoạn Tin Mừng của Thánh Mathêu (6, 9-12) chúng ta sẽ không ngạc nhiên về sự khác nhau này. Thứ nhất, cầu nguyện thì rất quan trọng nên chúng ta giả thiết là Chúa Giêsu đã dạy nó trong nhiều dịp và không luôn luôn chính xác cùng một lời đó. Thứ hai lời nguyện đó đã là một phần của phụng vụ cho hơn một thế hệ trước khi những cuốn Tin Mừng được viết ra. Lời cầu nguyện đó đã được ghi lại theo trí nhớ và kết quả là có những sự khác nhau không đáng kể cho đến khi Thánh Luca và Thánh Mathêu đã viết ra lời kinh chung được đọc trong những cộng đoàn riêng biệt của các ngài.

          Ta hãy kiên nhẫn và trông cậy mà cầu nguyện.

          Phải kiên nhẫn trong khi cầu nguyện là để tăng thêm ước muốn của chúng ta, và cũng là để tăng thêm giá trị ơn Người sẽ ban. Nếu chúng ta không nhận được điều mình xin, thì không phải là Chúa không sẵn sàng ban ơn, nhưng có thể điều cầu xin ấy không mang lại ích lợi cho linh hồn chúng ta, hoặc Người muốn dành cho chúng ta một ơn lớn lao hơn. Cho dù sự đáp trả của Chúa không như lòng chúng ta mong ước hay không đúng lúc chúng ta mong đợi, thì đó cũng là bởi sự khôn ngoan và lòng yêu thương của một người Cha đầy tình nhân ái.

          Phải trông cậy trong khi cầu nguyện vì Chúa đã hứa: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ thì sẽ mở cho” (Lc 11, 9). Mẹ Têrêxa Calcutta đã chia sẻ kinh nghiệm này như sau: “Chúng tôi có hơn một ngàn tu sĩ, và còn phải nuôi ăn hàng chục ngàn người. Thế mà, chưa bao giờ chúng tôi phải từ chối bất cứ một ai đến xin giúp đỡ. Chúa luôn can thiệp kịp thời để cho chúng tôi thấy rằng Người không bao giờ làm ngơ trước lời cầu nguyện của chúng ta”.

          Cầu nguyện là ý thức về tầm chính xác của mình trước mặt Thiên Chúa. Thế mà đối với Thiên Chúa toàn thể vũ trụ nhỏ hơn một giọt nước trong lòng đại dương. Kẻ thờ phụng dành tất cả tâm hồn mình cho Thiên Chúa. Điều gì biện minh cho thái độ ấy? Thật ra con người ý thức rất rõ mình có khả năng suy nghĩ, hành động, có cả quyền năng nữa. Lẽ nào chỉ vì Thiên Chúa quyền năng vô cùng mà chúng ta phải nhượng bộ tất cả cho Thiên Chúa ư? Thờ phụng, trước hết không phải là sự quy phục của lương tri trước Đấng có quyền năng hơn con người. Thờ phụng là thái độ lương tri tự do muốn nhìn nhận sự thật. Vậy mà sự thật chính là Thiên Chúa hằng hữu, quyền năng vô biên, Đấng vô cùng tận. Thờ phụng là nhìn nhận sự thật ấy. Điều biện minh cho thờ phụng chỉ xuất phát từ sự thật mà thôi. Vì lẽ có nhìn nhận sự thật, con người mới có được phẩm giá; trong sự thờ phụng, tức là trong sự nhìn nhận sự thật, con người tìm ra tầm mức phẩm giá của mình.

          Ta phải cầu xin những gì phù hợp với ý muốn của Thiên Chúa. Ý muốn của Thiên Chúa trước hết là cho mọi người nhận biết Ngài là Cha của tất cả mọi người, và trong Ngài, tất cả mọi người đều nhận ra nhau là anh em. Những gì là chia rẽ, hận thù, bóc lột, chém giết nhau đều đi ngược lại ý muốn của Cha trên trời. Bởi vì, làm sao có thể mở miệng gọi Thiên Chúa là Cha của chúng ta được khi chúng ta không muốn yêu thương người khác như anh chị em của mình; và ngược lại, khi chúng ta không nhìn nhận có một Cha chung của chúng ta ở trên trời: “Lạy Cha, con là Đấng ngự trên trời”.

          Ý muốn của Thiên Chúa còn là “cho chúng ta hôm nay lương thực hằng ngày”, có nghĩa là Thiên Chúa muốn cho mọi người trên trái đất, không phân biệt chủng tộc, màu sau, tiếng nói đều có đủ cơm ăn áo mặc, cũng như được hưởng tiện nghi của nền văn minh hiện đại, chứ không phải chỉ một số rất ít người chiếm hữu hết tài sản trên thế giới, đang khi đại đa số còn lại chỉ được hưởng một phần quá nhỏ trong cảnh lệ thuộc. Ngài cũng chẳng muốn cho một thiểu số sống xa hoa lãng phí, trong khi đồng loại phải thiếu nhà ở, thiếu cơm bánh, áo quần, thuốc men; phải đói khát, dốt nát, ăn xin, nằm đường xó chợ… Nói chung là thiếu những điều kiện tối thiểu để sống cho ra con người.

          Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy sống trong tình con thảo với Cha trên trời. Một người con thảo hiếu luôn sống với Cha trong tình phó thác và với anh em trong tình bác ái. Chính Chúa Giêsu đã sống điều đó. Ngài đã phó thác cuộc đời trong tay Cha đến nỗi chỉ mong ước một điều là tim kiếm ý Cha và làm vinh danh Cha. Ngài đã sống với nhân loại trong tình bao dung và độ lượng. Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu là chết cho người mình yêu. Ngài đã đi đến tận cùng của việc quên mình là tha thứ cho kẻ đã hành hạ và kết án mình. Ngài đã dùng tình yêu để đẩy lùi sự dữ. Ngài đã dùng tình yêu để hoán cải những người lầm lỗi và tạo điều kiện cho kẻ lầm đường lạc lối trở về.

          Cầu nguyện là một việc mà con người khó thực hiện. Vì thế phải luyện tập. Chính Thánh Gioan Tẩy giả đã dạy các đồ đệ cầu nguyện. Nhưng Giáo huấn của Chúa Kitô thật khác lạ; Chỉ bằng vài lời, đã nói lên được tất cả, một sự sung mãn phong phú qui kết vào 5 lời nguyện xin chi phối toàn bộ đời sống và hướng về Thiên Chúa Duy Nhất, là Cha hết mọi người.

Huệ Minh