Đi theo Đức Ki-tô trong ơn gọi đời sống thánh hiến

Đời sống khó nghèo

  1. Những mâu thuẫn

Từ ngữ « khó nghèo » làm chúng ta nghĩ đến những hoàn cảnh khốn khổ và vì thế, có thể gây ra những cách hiểu sai lệch. Khi chúng ta nói đến những người nghèo, chúng ta nghĩ ngay đến những người không có những điều kiện tối thiểu để sống. Nếu được hiểu như thế, khó nghèo không thể được đề cao như một giá trị. Đúng hơn, đó là một điều xấu cần loại bỏ ; và hiện nay đó là nỗ lực của các tổ chức, đoàn thể, của từng quốc gia và của toàn thế giới, nhất là hố sâu phân cách giữa người giầu và người nghèo, giữa các nước phát triển và các nước kém phát triển, càng ngày càng lớn. Trong một hoàn cảnh như thế, chúng ta phải hiểu làm sao, khi các tu sĩ tự cho mình là người nghèo, và hơn nữa còn tuyên khấn sống nghèo ? 

Ngoài ra, còn có một vấn đề gây bối rối cho những người tuyên khấn sống nghèo khó : đó là một đàng, các tu sĩ tuyên khấn sống nghèo khó, nhưng đàng khác, họ lại thuộc về một cơ chế không chỉ có khả năng bảo đảm cho họ không phải sống trong thiếu thốn, nhưng còn mang lại cho họ nhiều cơ hội trong nhiều bình diện khác. Chính vì thế, có nhiều người, có khi là chính chúng ta, không hiểu hay cảm thấy không bình an, khi đề cập đến đời sống nghèo của đời tu. Vậy, đâu là ý nghĩa của lời khấn khó nghèo ?

*  *  *

Đời sống khó nghèo tu trì không phải là cùng khổ, nghĩa là thiếu những phương tiện tối thiểu để sinh sống. Cùng khổ hạ thấp phẩm giá con người ; vì thế, người tu sĩ không thể chấp nhận sự cùng khổ cho người khác và cho chính mình.

Nơi những người có đủ phương tiện vật chất để sống, chúng ta còn gặp thấy những hình thức khó nghèo khác, có hệ quả là không thể hay rất khó hội nhập vào đời sống xã hội bình thường : những người khuyết tật thể lí và tâm lí, những người gánh chịu sự kỳ thị, phân biệt thậm chí loại trừ, những người phải sống trong cảnh cô đơn về tình cảm…. Mọi người được mời gọi dấn thân để cải thiện những tình cảnh như thế. Do đó, lời khấn khó nghèo không thể coi đó là những giá trị.

Khi truyền thống Ki-tô giáo nhấn mạnh đến giá trị khó nghèo, thì chúng ta phải hiểu theo nghĩa mà Kinh Thánh muốn diễn tả, khi nói về « những người nghèo của Gia-vê ». Đó là những người không đặt sự an toàn của mình nơi của cải vật chất, nơi tài năng, nơi tương quan với những người quyền thế ; họ tín thác nơi một mình Thiên Chúa. Theo nghĩa này, Đức Ki-tô là người nghèo tuyệt hảo nhất. 

Khó nghèo tiên vàn là một thái độ thiêng liêng ; và thái độ này có những hệ quả trên cách sống cụ thể :

  • Không để mình bị lôi kéo vào việc làm giàu.
  • Chỉ sử dụng của cải trong mức độ của cải đáp ứng những nhu cầu thực sự.
  • Sẵn sàng chỉa sẻ, và nhất là chia sẻ cho những người thiếu thốn.

Lời khấn khó nghèo phải đi vào trong hướng đi này, và được đặc trưng bởi lời cam kết rất cụ thể : đặt làm chung mọi của cải. Người tu sĩ từ bỏ mọi tài sản mà mình có thể quản lý cách độc lập ; điều người tu sĩ nhận được và điều người tu sĩ sử dụng thì thuộc về cộng đoàn ; người tu sĩ hưởng dùng nhằm lợi ích của mọi người.

Quyết định góp chung lại mọi của cải bắt nguồn một trực giác rất nền tảng. Các chương đầu của sách Công Vụ Tông Đồ nói về những con người nhận ra mình được chia sẻ cùng một Thần Khí và có một đời sống mới, đời sống của chính Thiên Chúa. Sự hiệp thông, liên quan đến các hoa trái thiêng liêng, đã thúc đẩy họ đi đến việc chia sẻ hoàn toàn ở bình diện kinh tế. Quá trình thực hiện việc chia sẻ của cải vật chất đã sớm gặp phải những khó khăn đủ loại. Nhưng mọi Ki-tô hữu thuộc mọi thời đều bị chất vấn bởi câu hỏi này : nếu chúng ta hiệp thông trong cùng một tấm bánh Thánh Thể, nếu chúng ta tuyên xưng rằng, Thần Khí và Lời Chúa là cho tất cả mọi người, thì họ có thể sống như thể của cải trần thế không thuộc về mọi người không ?

Các tu sĩ, khi tuyên khấn sống nghèo khó, được mời gọi coi trọng ý muốn chia sẻ này. Trong một thế giới mà vấn đề phân chia tài nguyên một cách công bằng được đặt ra một cách gay gắt hơn bao giờ hết, các tu sĩ được mời gọi mang lại lời chứng này : khi người ta biết chia sẻ, thì sẽ có đủ cho mọi người.

Nhưng ở đây, chúng ta gặp phải một trong rất nhiều vấn nạn mà việc thực hành lời khấn khó nghèo gặp phải : việc đặt làm chung thực sự được thực hiện ở trong mỗi hội dòng, nhưng những cách thế của một sự chia sẻ cũng nghiêm túc như thế với bên ngoài lại không hiển nhiên chút nào. Nếu chúng ta không để ý đến vấn nạn này, chúng ta lại đi đến một sự giàu sang tập thể, nhân danh chính đức khó nghèo.

*  *  *

Như vậy, sự không bình an liên quan đến lời khấn khó nghèo đến từ cảm thức về những mâu thuẫn : 

  • Tử bỏ quyền sở hữu cá nhân, nhưng việc đặt làm chung mọi của cải lại tạo ra những lợi ích, hay ít nhất là sự an toàn.
  • Người tu sĩ muốn sống lời khấn khó nghèo như một hình thức của tính triệt để Tin Mừng, nhưng lời khấn này lại làm cho người tu sĩ tránh khỏi kinh nghiệm triệt để về nghèo khó.
  • Cho dù các tu sĩ có thực sự đến với những khu dân cư nghèo nàn để chia sẻ đời sống của họ, thì họ vẫn cảm thấy rằng có một khoảng cách giữa hình thức khó nghèo của họ và cái nghèo thực sự của những người khác.
  • Ngoài ra, trong một số trường hợp, các tu sĩ có xuất xứ từ những gia đình hay môi trường gặp khó khăn về kinh tế, và họ khám phá ra rằng đời tu làm cho họ có một đời sống sung túc hơn, thậm chí còn sung túc hơn so với những lựa chọn khác.
  • Trong nhiều hội dòng, người ta còn cảm thấy có sự căng thẳng giữa một bên kia là việc đáp ứng sự khẩn cấp và sự gia tăng của việc tông đồ và bên kia, là những nhu cầu khách quan của đời sống nội bộ : chăm sóc các thành viên lớn tuổi và bệnh tật, những căn nhà lớn và tiện nghi (nhất là cấp tỉnh dòng hay trung ương) cho các cơ chế hay những cộng đoàn lớn.

Vậy, phải chăng lời khấn khó nghèo của chúng ta là vô nghĩa, thậm chí mâu thuẫn ? Chắc chắn là không ; tuy nhiên, những vấn nạn vừa nêu trên mời gọi chúng ta tỉnh thức và có can đảm để không bị giam vào những cách thức không còn phù hợp nữa với môi trường kinh tế và xã hội.

  1. Những ý nghĩa nền tảng và những hệ quả
  2. Ý nghĩa nền tảng

Một cách nền tảng, khấn khó nghèo, theo gương Đức Ki-tô, Đấng đã trở nên người nghèo và người tôi tớ, đòi hỏi thay đổi cái nhìn về điều làm nên giá trị của đời sống con người. Phải chăng đời sống con người chỉ có giá trị khi không bị thiếu thốn, không gặp thất bại, không bị sỉ nhục, không đau khổ ? Đức Giê-su, ngang qua những lựa chọn của Ngài và ngang qua thái độ của Ngài đối với những người khác, đã đảo lộn cái nhìn này.

Một cách nền tảng, lời khấn khó nghèo nhắc nhớ rằng, chia sẻ là chìa khóa của tình huynh đệ đích thật. Thay thế năng động sở hữu bằng năng động chia sẻ, đó là tấn công vào gốc rễ của lối sống hiện đại, của những đặc quyền, của các hình thức thống trị. Chúng ta nên biết rằng, việc chia sẻ của chúng ta không giới hạn vào bình diện vật chất, nhưng còn đưa vào phục vụ tất cả những khả năng khác : sức khỏe, văn hóa, tương quan…

Thay đổi cái nhìn và ước ao sống tình huynh đệ đích thật luôn đi đôi với sự chú ý dành ưu tiên cho những người yếu kém nhất, những người chịu thiệt thòi, những người bị loại trừ, bị đẩy ra bên ngoài. Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo thuộc về tâm điểm của Tin Mừng. Đó cũng là khía cạnh mang tính quyết định của đời sống nghèo khó tu trì.

  1. Những hệ quả
  2. Bình diện cá nhân

1/ Trung thành với truyền thống thiêng liêng của Hội Dòng

Về khó nghèo, chúng ta thường nghĩ ngay đến khuôn mẫu mà thánh Phanxico để lại trong lịch sử đời tu. Tuy nhiên, trong một hội dòng hoạt động tông đồ, đời sống khó nghèo cần chú đến những tương quan với những người khác và những việc tông đồ hay những việc phục vụ cần đảm nhận. Để chu toàn sứ mạng, phương tiện là cần thiết.

2/ Tự do đối với tiền bạc và của cải

Khó nghèo đích thực không phải là khinh chê của cải thuộc trần gian này, và cũng không phải là thái độ quá bối rối trong việc tiêu dùng. Khó nghèo đích thực là sự tự do : chúng ta sử dụng của cải vật chất trong mức độ việc sử dụng đóng góp vào tiến trình làm cho cuộc sống trở nên nhân bản hơn, thay vì để mình bị ngộp thở bởi các sản phẩm tiêu thụ, được thu tích cách tự phát.

3/ Trách nhiệm trong việc sử dụng

Khó nghèo còn là trách nhiệm, bởi vì chúng ta được sử dụng một số phương tiện và của cải. Chúng ta không thể không quan tâm đến cách thức chúng ta có được, và cách thức chúng ta điều phối.

4/ Làm việc

Phương tiện bình thường để có được phương tiện chúng ta cần để sống, đó là làm việc. Chúng ta được mời gọi chia sẻ điều kiện làm việc bình thường của các nhân viên hay công nhân, khuôn mình theo những đòi hỏi của công việc, để có thể hoàn thành cách nghiêm túc.

Hiểu đời sống khó nghèo như trên là một thích ứng với thời đại hôm nay ; bởi vì, trong quá khứ, các tu sĩ thường làm việc không công và sống nhờ vào lòng tốt của các ân nhân.

Ngày nay, dường như lại có một biến đổi nữa đang diễn ra : người làm việc, nhất là làm việc chuyên môn, đang trở thành hình ảnh của những người được ưu đãi, trong bối cảnh xã hội có nhiều người thất nghiệp.

  1. Bình diện cộng đoàn

1/ Lối sống đơn giản

Ở bình diện cộng đoàn, cần tìm ra một lối sống vừa đơn giản thanh thoát và vừa có thể chu toàn được sứ mạng, tùy theo bối cảnh và các tương quan liên đới. Đó là một cuộc tìm kiếm không dễ dàng và đòi hỏi phải luôn tỉnh thức.

Tương quan với cách sử dụng phương tiện và tiền bạc cũng không giống nhau giữa các thế hệ, tính cách, nền giáo dục, xuất xứ từ những tầng lớp xã hội khác nhau.

2/ Chú ý đến những người chung quanh

Khi cộng đoàn tìm kiếm một lối sống diễn tả đời sống khó nghèo theo Tin Mừng, mọi người cần để ý đến những người chung quanh, nhất là khi sứ mạng của cộng đoàn là hướng về sự hiện diện bên cạnh những người nghèo khổ, hay về những hoạt động trong một khu vực nghèo khổ.

3/ Quản trị tài sản

Trách nhiệm tập thể càng lớn hơn nữa trong vấn đề quản trị tài sản và đưa ra những lựa chọn ảnh hưởng đến toàn hội dòng. Việc quản trị tài chánh cần phải trong sáng, nghiêm túc và công khai, trong mọi lãnh vực : huấn luyện tu sĩ trẻ, huấn luyện thường xuyên, chăm sóc người già và người bệnh, chia sẻ với những cộng đoàn hay tỉnh dòng thuộc những nước nghèo.

4/ Chú ý đến bối cảnh kinh tế

Việc quản trị tài sản tất yếu được thực hiện trong bối cảnh kinh tế của thời đại. Vì thế cần phải suy nghĩ và thảo luận để xác định một nền tảng luân lí cho việc đầu tư và thực hành nền tảng luân lí này. Và cũng cần có một nền tảng như thế trong việc chia sẻ.

5/ Các phương tiện truyền thông

Các tiến bộ về kĩ thuật và các phương tiện truyền thông đặt ra những vấn đề lớn cho đời sống khó nghèo của đời tu hôm nay. Cộng đoàn tu sĩ được mời gọi luôn tự vấn mình : chúng ta có cần sử dụng những phương tiện mắc tiền như thế không ? Chúng ta sử dụng cho ai và vì điều gì ?

6/ Lựa chọn ưu tiên cho người nghèo

Rộng hơn nữa, việc thực hành lời khấn khó nghèo cần được mở rộng ra cho tất cả những gì liên quan đến lựa chọn ưu tiên cho người nghèo. Lựa chọn ưu tiên dành cho người nghèo và những người nhỏ bé có nền tảng từ Tin Mừng và luôn được đề cao trong truyền thống đời tu của Giáo Hội. Trong lịch sử, nhiều hội dòng được khai sinh trong năng động Tin Mừng này.

Ngày nay, lựa chọn này vẫn còn vừa rất Tin Mừng và vừa rất thời sự, nhưng có những đòi hỏi mới ; đó là không được tách rời giữa việc sống lời khấn khó nghèo và công cuộc đấu tranh cho công bình, để có thể đụng chạm đến gốc rễ của tình trạng đói nghèo.

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc