Chúa Nhật XXXII Thường Niên – Năm A

“Vậy anh em hãy canh thức,
vì anh em không biết ngày nào, giờ nào.”
(Mt 25, 1-13)

  1. Dụ ngôn về Nước Trời

Đức Giêsu nói: “Nước Trời sẽ giống như mười cô trinh nữ mang đèn ra đi gặp gỡ chàng rể”. Đó là dụ ngôn về mười cô trinh nữ. Để giúp chúng ta hiểu, nhận ra và sống mầu nhiệm Nước Trời, Đức Giê-su dùng nhiều dụ ngôn: người gieo giống, cỏ lùng, hạt cải, men trong bột, kho báu, ngọc quí… và trong Thánh Lễ ngày mai, thứ bảy Mùa Thường Niên, chúng ta sẽ còn nghe Đức Giêsu kể dụ ngôn “Các yến bạc” (Mt 25, 14-30) để mặc khải cho chúng ta mầu nhiệm Nước Trời.

Nước Trời là một mầu nhiệm, vì thế, cần được trình bày bằng nhiều dụ ngôn, và mỗi dụ ngôn diễn tả một đường nét của Nước Trời. Vì thế, chúng ta tránh hiểu Nước Trời chỉ bằng một dụ ngôn. Dĩ nhiên chúng ta có thể thích đặc biệt một số dụ ngôn. Điều này có nghĩa là, có những dụ ngôn khó thích, và dụ ngôn về mười cô trinh nữ có lẽ là một trong những dụ ngôn khó thích nhất.

Tuy nhiên, chúng ta nên biết rằng, dùng các dụ ngôn là cách thức giảng dạy đặc trưng nhất của Đức Giêsu: “Người không bao giờ rao giảng cho họ mà không dùng dụ ngôn” (Mc 4, 34). Những dụ ngôn mà Đức Giêsu kể luôn là một câu chuyện đến từ kinh nghiệm cuộc sống, chẳng hạn dụ ngôn muời cô mang đèn đi đón chàng rể, nhưng lại nói cho chúng ta những điều kín ẩn: kín ẩn về Thiên Chúa, kín ẩn về con người, kín ẩn về mối tương quan giữa Thiên Chúa và con người và giữa con người với nhau, kín ẩn về chương trình cứu độ của Thiên Chúa, kín ẩn về Nước Trời.

Ngoài ra, dụ ngôn còn có một đặc điểm tuyệt vời nữa là có nhiều nghĩa, giống như một bức tranh; và vì thế, dụ ngôn rất tôn trọng ngôi vị và tự do của người nghe. Người nghe có thể tự do chú ý đến bất cứ chi tiết nào, hay tự do đặt mình vào bất cứ nhân vật nào trong dụ ngôn, và tự mìmh khám phá ra ý nghĩa tùy theo kinh nghiệm sống, vấn đề và tâm trạng hiện có của mình. Chính vì thế, Đức Giêsu thích dùng dụ ngôn và hay kết thúc bằng lời mời gọi: “Ai có tai để nghe, thì hãy nghe!” Bởi vì, Ngài tôn trọng ngôi vị và tự do của mỗi người, dù người đó là ai.

  1. Dụ ngôn “Mười Cô Trinh Nữ”

Dụ ngôn mà Đức Giêsu kể trong bài Tin Mừng, nói về phong tục lễ cưới của vùng Palestin. Ban ngày, người ta nhảy múa và vui chơi ở nhà cô dâu; tối đến người ta cố ý loan báo chàng rể đến, nhưng người ta cứ loan báo đi loan báo lại mà chẳng thấy chàng rể đâu. Cuối cùng, mãi tới tận nửa đêm, chàng rể mới đến rước cô dâu. Chàng rể được tháp tùng bởi những người bạn; họ cầm đèn đuốc soi đường cho chàng rể. Chàng rể và đoàn tùy tùng được những người của đàng gái ra đón từ xa. Sau đó, cả đoàn rước tiến về nhà cha của chàng rể, ở đó người ta tiến hành nghi thức hôn nhân; và sau đó, là các cuộc vui chơi.

Các cô trinh nữ có nhiệm vụ đặc biệt: với đuốc trong tay (chứ không phải đèn), các cô ra đón chàng rể và sau đó, nhảy múa trong suốt hành trình rước dâu. Một lần châm dầu (ôliu), đuốc của các cô chỉ cháy khoảng mười lăm phút. Vì thế, các cô phải đem theo mình một lượng dầu khá lớn.

Trong dụ ngôn, mọi sự diễn ra bình thường. Mười cô đều như nhau: đều là trinh nữ, đều cầm đèn đi góp vui, đều canh thức, đều ngủ, vì ngủ là chuyện bình thường, đều thức dậy đúng lúc. Chỉ có một điều khác là có năm cô không đem theo dầu. Xét cho cùng cũng không phải là lỗi quá lớn, và nhất là thiếu sót này có thể giải quyết được: “ra hàng mà mua”. Và đúng như vậy, năm cô kia có mua được dầu và trở lại đoàn rước.

Nhưng điều lạ lùng, là người ta lại đóng cửa lại, các cô gõ cửa xin vào:

Thưa Ngài, thưa Ngài!
mở cửa cho chúng tôi với ! 
(c. 11)

Nhưng các cô lại bị từ chối:

Tôi bảo thật các cô,
tôi không biết các cô là ai cả ! 
(c. 12)

Đây chính là chi tiết lạ lùng và khó chấp nhận của dụ ngôn; bởi lẽ, trong thực tế khó có thể hoặc không thể diễn ra như vậy. Chính vì thế, chúng ta được mời gọi hiểu kết cục này ở bình diện Nước Trời, nhất là người mà các cô trinh nữ kêu xin và người này từ chối các cô, không còn là chàng rể của đám cưới nữa, nhưng là Đức Chúa.

  1. “Vậy anh em hãy canh thức !”

Vậy đâu là thiếu sót có tầm quan trọng quyết định của năm cô trinh nữ? Người ta thường chú ý đến hình ảnh “chiếc đèn cháy sáng”, và hiểu đó là các nhân đức và việc lành, hay sâu sa hơn đức tin, lòng mến, sự trung tín, lòng ước ao Chúa…. Đó là những điều thật đẹp và cần có.

Nhưng có lẽ đó không phải là điểm chính của dụ ngôn; bởi lẽ, rốt cuộc năm cô trinh nữ cũng có “đèn cháy sáng” trong tay. Vấn đề của các cô là “không đúng lúc”! Chính vì thế, Đức Giê-su kết luận:

Vậy anh em hãy canh thức,
vì anh em không biết ngày nào giờ nào. 
(c. 13)

Một trong những khía cạnh của Nước Trời là như thế, sẽ có một thời điểm quyết định, và chúng ta không được bỏ lỡ. Chính vì thế, qua dụ ngôn này, Đức Giê-su mời gọi chúng ta phải “khôn ngoan”, và khôn ngoan là một cách sống lúc nào cũng sẵn sàng đón Chúa đến.

Giống như ngay trước đó, Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống như người tôi tớ trung tín và khôn ngoan, khi chờ đợi và canh thức. Theo Đức Giê-su, người tôi tớ khôn ngoan là người hiểu ra rằng, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào; và vì thế, người này lúc nào cũng trung tín với Chúa, ngang qua việc khiêm tốn và kiên nhẫn “đúng giờ và đúng lúc”, thi hành sứ mạng được giao (bài Tin Mừng của thứ năm tuần XXIThường Niên):

Vậy thì ai là người đầy tớ trung tín và khôn ngoan mà ông chủ đã đặt lên coi sóc gia nhân, để cấp phát lương thực cho họ đúng giờ đúng lúc? Phúc cho đầy tớ ấy nếu chủ về mà thấy anh ta đang làm như vậy. (Mt 24, 45-47)

Và như thế, Chúa có thể đến bất cứ lúc nào và ban phúc cho người tôi tớ. Và lời Chúa cũng mời gọi chúng ta đừng trở thành người tôi tớ bất trung và ngu dại: đó là người tôi tớ nghĩ trong lòng một cách sai lầm rằng: còn lâu chủ ta mới về! Và vì thế, anh ta tự biến mình thành chủ nhân, chiều theo lòng ham muốn, sống một cuộc sống bạo lực, lệch lạc và bê tha.

*  *  *

Vậy, chúng ta được mời gọi canh thức, để chờ đợi ngày Chúa đến. Thật ra, Chúa đã đến rồi và lúc nào cũng đợi chúng ta ở cửa. Chúng ta chỉ cần mở cửa để đón Chúa vào và ở lại với chúng ta hôm nay và luôn mãi:

Này đây Ta đứng trước cửa và gõ.
Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy,
sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta
. (Kh 3, 20)

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc