CHÚA NHẬT XXVII THƯỜNG NIÊN C

Kb 1,2 – 3 ; 2,2 – 4 ; Lc 17,5 – 10

Chủ đề : Đức tin vững chắc phải được biểu lộ qua lòng thành tín trong mọi tình huống.

* Kb 2,4b : Người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.

* Lc 17,6.10 : Nếu anh em có đức tin… thì khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, hãy nói rằng chúng tôi chỉ làm bổn phận đấy thôi.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XXVII (C) Mùa Thường Niên hướng chúng ta về chủ đề ĐỨC TIN, phó thác. Một đức tin kiên vững được biểu lộ qua thái độ thành tín, hoàn toàn tin cậy vào đường lối, cách hành động huyền diệu, lắm khi vượt sức tưởng tượng của chúng ta, mà Thiên Chúa thực hiện trên cuộc đời cá nhân ta lẫn trên cả dòng lịch sử. Tin tưởng khi làm được việc, thành công cũng như khi gặp thất bại, thử thách. Đó là một đức tin luôn cần được Chúa tinh luyện, tăng thêm để nhờ đó các tín hữu tìm được cách ứng xử thích hợp trong mọi nơi, mọi lúc với Thánh Ý diệu huyền của Thiên Chúa trên đời mình.

          Phải chăng Thiên Chúa đòi hỏi, ép buộc chúng ta quá mức ? Thật ra, Lời Chúa mời gọi chúng ta nhìn lại một sự thật mà khi lìa xa Thiên Chúa, con người đã lãng quên: con người không thể lấy mình làm chuẩn mực cho chính mình được. Thật vậy, trong thân phận phàm nhân yếu đuối, tầm nhìn, phán đoán của con người luôn giới hạn, bất toàn. Cái nhìn phàm nhân luôn cục bộ, bị điều kiện hóa bởi nhiều yếu tố của một giai đoạn lịch sử, hoặc bị “xỏ mũi” bởi những nhu cầu cá nhân trước mắt và nhiều yếu tố nhất thời khác nữa. Vấn đề là chúng ta có nhìn nhận thực trạng bất ưng, muốn chối cũng không được đó của kiếp người hay không ? Đồng thời tin rằng Thiên Chúa là Tình Yêu, chỉ có quyền năng của Người mới có thể đưa toàn bộ tạo thành và dòng lịch sử tới chân hạnh phúc vĩnh cửu ? Trong niềm tin đó, Lời Chúa hôm nay mời gọi các tín hữu, là những người đã tin vào Chúa rồi, hãy can đảm bỏ đi các dự tính cá nhân nhất thời, các tầm nhìn giới hạn, cục bộ của mình để hiệp thông vào dự tính chung cuộc, vĩnh cửu của Thiên Chúa. Thường thì với cái nhìn giới hạn, bất toàn, con người khi gặp vấn đề thì chỉ muốn giải quyết cho mau xong những trắc trở, khốn cùng, bất hạnh… đang diễn ra trước mắt, miễn sao cho cá nhân mình, phe nhóm mình yên ổn là được. Nhưng đó không phải là đường lối của Thiên Chúa : đối với Thiên Chúa, mọi sự phải phục vụ cho dự tính cứu độ chung cuộc của Người. Dự tính thần linh đó mới đưa nhân loại và tạo thành đến chân phúc viên mãn. Vì thế, Lời Chúa hôm nay mời con người tìm hiểu, biện phân, rồi điều chỉnh dự tính của mình sao cho phù hợp với đường lối chung của Thiên Chúa, được biểu lộ cụ thể nơi từng cá nhân, từng cộng đoàn… cho dù thực tại trước mắt lắm khi đòi buộc các kẻ tin phải nhượng bộ, chờ đợi, chịu những thiệt thòi vì lợi ích chung của lịch sự cứu độ. Như thế, người tín hữu sẽ trở nên cộng tác viên của Chúa, thành chứng nhân cho Tình Yêu cứu độ của Người.

          Bài đọc 1 trích lời ngôn sứ Khabacuc than vãn cùng Thiên Chúa : Tại sao Chúa lại để cho dân Chúa rơi vào cảnh khốn đốn cùng cực. Có lẽ hoạt động cùng thời với Giêrêmia, Khabacuc chứng kiến cảnh bát nháo suy đồi của các triều vua cuối cùng của đất Giuđa trước khi dân Chúa bị lưu đày tại Babylon. Thay cho dân, ngôn sứ nói lên nỗi day dứt, bức xức của dân và của chính mình cho Chúa. Sau các áp bức của vua quan trong nước tiếp theo là thời lưu đày, ách đô hộ của ngoại bang lại còn tàn bạo hơn. Dân càng khổ !

          Tại sao Chúa cứ im lặng ? Chúa cứ để điều ác tác hại trên dân ? Tại sao ngôn sứ kêu cứu, xin can thiệp mà Chúa chẳng đoái nghe ? Tiếng kêu trách ai oán, uất ức trước việc sự dữ diễn ra khắp nơi, hằng ngày trước mắt, tủi hờn vang vọng lên tới Chúa : Chúa im lặng cho đến bao giờ ? Phần thứ hai của bài đọc 1 là lời đáp trả của Thiên Chúa :

          Nội dung đáp trả vẫn chỉ là một lời hứa và một lời kêu mời vững tin vào đường lối của Thiên Chúa : Thiên Chúa sắp can thiệp. Với con người thực dụng thời nay nhất là trong một xã hội coi nói dối là lẽ sống, là điều kiện tiến thân… thì lời hứa thực chẳng có giá trị gì ; Nhưng đối với đức tin của người Do Thái, dân Chúa, thì như vậy là đủ để yên tâm, bởi vì :

1/ Đó là một lời hứa chắc chắn. Vì Thiên Chúa đã truyền phải khắc lời đó vào BIA. Cách nói biểu tượng này hàm ý là lời hứa này không thể tẩy xóa, nó sẽ là bằng chứng đến muôn đời buộc Chúa là Đấng Công Chính, Trung tín phải hoàn tất lời hứa đó.

          2/ Và theo kinh nghiệm tôn giáo Do Thái, thì sau thời kỳ im lặng, việc Thiên Chúa lên tiếng trở lại là dấu chỉ Thiên Chúa thứ tha và đương nhiên là Thiên Chúa sẽ giải cứu.

          Vậy vấn đề là hãy bình tâm lại, tin vào Lời Thiên Chúa hứa để đến khi Chúa cho tín hiệu ra tay là chúng ta nhận ra ngay Chúa đang tới và ra đón Người : cũng như trường hợp “Ba Vua” ở mãi tận Phương Đông xa xôi, nhưng đã nhận ra dấu hiệu ánh sao và đến hưởng niềm vui thấy Chúa thực hiện lời Chúa hứa nơi con trẻ Giêsu và bái thờ Hài Nhi.

          Còn bài đọc Tin Mừng mở đầu bằng một lời nài xin của các tông đồ “Thưa Thầy xin THÊM lòng tin cho chúng con”. Trước những đòi hỏi khó khăn của Đức Giêsu ở đoạn trước : đừng làm cớ vấp phạm, phải sửa dạy anh em, phải tha thứ luôn luôn (17, 1-4), các tông đồ thấy đức tin mình còn yếu kém nên xin Đức Giêsu củng cố, tăng thêm đức tin cho họ. Lời xin nhắm vào SỐ LƯỢNG ; xin THÊM; Lời đáp của Đức Giêsu lại nhắm vào CHẤT LƯỢNG : “nếu anh em có đức tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này “hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em”. Cách so sánh ngoa dụ trên nhằm mặc khải sức mạnh của lòng tin đích thực. Vậy vấn đề không phải là “xin thêm” mà là tinh luyện, vận dụng đúng mức đức tin đã có là có thể thực hiện được những gì Đức Giêsu đã dạy. Như thế, những gì cần thiết cho đức tin, Thiên Chúa đã ban cho đầy đủ rồi ; nhưng Chúa không làm sẵn những “gói mì ăn liền” nhằm giải quyết trước mọi nhu cầu trong mọi tình huống của cuộc sống chúng ta. Trái lại, Chúa muốn chúng ta phải ra sức khai thác những điều cơ bản Chúa đã cho để rồi chính bản thân mỗi người sẽ tìm ra lời đáp thích hợp cho từng trường hợp cụ thể trong cuộc sống, nhờ Chúa Thánh Thần soi dẫn, trợ lực. Do đó đừng đến xin Chúa những giải đáp có sẵn (THÊM đức tin) ; Nhưng cũng đừng rơi vào cơn cám dỗ, khi giải quyết được một số vấn đề thì đâm ra tự mãn, lên mặt kể công với Thiên Chúa như người con cả kể công với Cha (x. Lc 15,29). Hãy phục vụ Chúa hết mình, nhưng TRONG KHIÊM TỐN. Đó là sứ điệp phần hai của Tin Mừng hôm nay.

          Đối tượng trực tiếp mà Đức Giêsu nhắm tới khi nói đến dụ ngôn này là các môn đệ (17,1), tông đồ (17,5). Đức Giêsu dùng một hình ảnh đời thường cụ thể mà thời đó ai cũng chấp nhận để làm điểm so sánh dạy bài học phục vụ Chúa trong khiêm tốn cho môn đệ :

Vào thời của Đức Giêsu, chế độ nô lệ vẫn còn ! Thân phận của một nô lệ hoàn toàn tăm tối hoàn toàn không nơi nương tựa. Nếu một tên nô lệ, may mắn được một người chủ nhân hậu mua về cho làm tôi tớ, ở luôn trong nhà chủ, làm các việc phục dịch thường ngày của một tôi tớ và có cơm ăn no đủ, có một ổ rơm để ngủ an bình thì đó là hạnh phúc tuyệt vời. Đáp lại người nô lệ ấy phải ý thức mình hoàn toàn thuộc về chủ. Do đó phải làm mọi việc chủ giao, bất cứ lúc nào mà không được ta thán hay kể công, lên mặt đòi chủ phải biết ơn mình. Giống như tên nô lệ may mắn trên, các tông đồ, môn đệ là những người được Đức Giêsu đưa ra khỏi cảnh dân đen vô danh tiểu tốt, biến họ nên môn đệ, tông đồ cho thông phần quyền năng lớn lao của Người, làm được những điều kỳ diệu (x. Lc 9,1 – 6 ; 10,17). Vậy sứ điệp Đức Giêsu gửi cho môn đệ là phải phục vụ Chúa và tha nhân trong khiêm tốn ; Đừng vì làm được chút việc rồi tỏ vẻ “ta đây” đối với Chúa (x. Lc 18,28 ; Mc 10,28 ; nhất là Mt 14,27 ; có thể xem gương Agar nữ tỳ của Sara trong St 16,4.11).

          Thực ra Chúa dùng chuyện trần thế để dạy môn đệ phải khiêm tốn… còn PHẦN CHÚA, Chúa không bỏ qua một chút công lao nhỏ bé nào của chúng ta đâu : một chén nước lã cho một em bé (x. Mt 10,42), một bữa ăn cho người nghèo (x. Mt 25,35), Chúa đều coi là trọng. Và phần thưởng Chúa ban lại cho ta không phải là phúc lộc trần gian mà là Chúa sẽ nâng chúng ta lên ngang hàng với Chúa : “chủ sẽ thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn… mà phục vụ” (Lc 12,37) ; Chúa sẽ gọi ta là BẠN HỮU (x. Ga 15,15) ; Và ban cho họ Nước Trời (x. Mt 25,34).

          Vậy, một lần nữa, chúng ta nên nhớ, Đức Giêsu không chủ yếu dạy ta cách xử thế để thành công ở đời này, nhưng dạy ta biết tận dụng tất cả những gì Chúa ban trong cõi thế này để xây dựng hạnh phúc Nước Trời. Vậy chính trong tư cách là môn đệ, là tông đồ, là bạn hữu Chúa, là con Chúa, là thành viên của Nước Trời, mà chúng ta phục vụ vô vụ lợi trong an bình, khiêm tốn.

Frères Đình Long FSC