CHÚA NHẬT XXIX THƯỜNG NIÊN-năm A

Bài 1

Is 45, 1.4-6; Mt 22,15-21
Chủ đề: Quyền lực thế trần trong công trình cứu độ của Thiên Chúa.

* Is 45,1: ĐỨC CHÚA đã cầm lấy tay phải của vua Kyrô để bắt các dân tộc suy phục ông.
* Mt 22,21: Của xêda trả về cho Xêda, của Thiên Chúa trả về cho Thiên Chúa.

Lời Chúa của Chúa Nhật XXIX A đề cập đến một vấn đề rất thực tế, luôn mang tính thời sự và thiết thân với cuộc sống trần thế của thân phận làm người. Vấn đề đó là mối tương quan giữa quyền lực thế trần và uy quyền thần linh của Thiên Chúa.

Dưới cái nhìn của Kinh Thánh, tất cả quyền lực trần thế đều là công cụ trong bàn tay của Thiên Chúa: Thiên Chúa sử dụng những quyền lực ấy – cho dù là thuận thảo hay chống đối lại Thiên Chúa – làm phương tiện để thực hiện chương trình cứu độ của Người.

Đó là dự tính của Thiên Chúa! Còn trong thực tế của thân phận làm người chúng ta, các tín hữu, khi sống giữa thế trần, luôn phải chịu ảnh hưởng, chi phối bởi một thế lực dân sự, thế trần nào đó. Trước các quyền lực ấy, người tin vào Thiên Chúa phải có thái độ đáp trả như thế nào? Nhất là khi những quyền lực ấy đi ngược lại với quyền lợi của cá nhân, của phe nhóm của ta, lắm khi còn đi ngược lại với nhân phẩm con người, đường lối của Thiên Chúa?

Đó là một vấn đề lớn và phức tạp luôn là mối bận tâm cho con người, cho Hội Thánh. Lời Chúa hôm nay chỉ gợi lên vài định hướng:

Đối với tín hữu Chúa Kitô, mọi sự đều mang tính giai đoạn, chóng qua và đều là công cụ của Thiên Chúa vào từng giai đoạn lịch sử. Sự thăng trầm của các thế lực trần tục là một sứ điệp Chúa gởi đến cho con cái của Người. Vậy đối với kitô hữu, vấn đề là xin ơn Chúa sáng soi để vượt qua được những được thua trước mắt do các biến cố đưa lại mà NHẬN RA ĐƯỢC SỨ ĐIỆP THẦN LINH, BÀN TAY Thiên Chúa đang dẫn dắt dòng lịch sử; Từ đó có được thái độ đáp trả phù hợp góp phần cùng Chúa từng bước hoàn tất lịch sử cứu độ.

Cụ thể Lời Chúa hôm nay đưa ra hai dung mạo điển hình của quyền lực trần thế: Vua Kyrô trong bài một và hoàng đế César trong Tin Mừng; đồng thời cũng cho thấy Thiên Chúa sử dụng họ như thế nào.

Bài đọc một nói về Kyrô, vua Ba Tư, một người dân ngoại. Nhưng ĐỨC CHÚA đã sử dụng con người, quyền lực của ông làm phương tiện dẹp tan đế quốc Babylon, cứu dân Chúa khỏi cảnh lưu đày, lại còn giúp họ mọi thuận lợi xây lại Đền Thờ và tái thiết Giêrusalem. Công trình ấy tuyệt vời đến độ, Isaia – trong bài đọc một – đã mạnh dạn gán cho vua dân ngoại này tước hiệu MÊSIA “Đấng được Thiên Chúa xức dầu”.

Và bài đọc một liệt kê ra những ưu ái mà Chúa dành cho ông vua dân ngoại này:

  • Chúa ủng hộ, giúp vua thắng các kẻ thù cách dễ dàng (45,1).
  • Chúa chọn đích danh vua để làm người giải cứu dân (45,4).

Chúa làm tất cả các điều ấy là vì lợi ích cứu độ cho dân Chúa (45,5) và cũng vì lợi ích cứu độ cho cả vua Kyrô nữa: qua công trình đó, vua dần nhận ra ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất, ngoài trừ Chúa, không còn Chúa nào khác (45,6).

Như vậy , mặc dù không hề ý thức, vua Kyrô đã thực sự là công cụ trong tay Chúa để Chúa thực hiện lời hứa cứu dân Người khỏi ách Babylon và còn đi xa hơn nữa là cho Kyrô nhận ra ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa duy nhất.

Còn vị vua được đề cập đến trong Tin mừng là César, hoàng đế la mã, đang đô hộ dân Israel. Dấu chỉ của quyền lực đế quốc trên chư hầu là ép dân chư hầu nộp thuế thân cho nhà vua. Liên quan tới vấn đề nộp thuế này, Tin Mừng thuật lại việc hai nhóm Hêrôđê và Biệt Phái vốn là thù địch nhau, giờ lại liên minh để gài bẫy Đức Giêsu qua câu hỏi: “có được nộp thuế cho César hay không?” Nếu Đức Giêsu trả lời “có” thì bị nhóm Biệt Phái chụp mũ là “phản quốc”; Còn trả lời “không” thì bị phe Herode gán cho tội xúi dân làm loạn chống nộp thuế. Đức Giêsu không trả lời thẳng vào câu hỏi. Người xin xem một đồng tiền dùng nộp thuế. Hỏi hình in trên đó là của ai; khi biết đó là hình César thì người bảo: “của César trả về César, của Thiên Chúa trả về Thiên Chúa”. Vậy Đức Giêsu phân biệt rõ ràng, con người có hai bổn phận: với trần thế và với Thiên Chúa. Sống giữa trần thế, hưởng dùng các phúc lộc do trần thế mang lại thì phải có bổn phận đối với trần thế, và Đức Giêsu nhấn mạnh: ngoài bổn phận đối với trần thế, con người – kể cả hoàng đế – cũng phải có bổn phận đối với Thiên Chúa. Đức Giêsu không trực tiếp can thiệp vào các lãnh vực trần thế, Người chỉ hướng dẫn con người đường lối về lại với Thiên Chúa Cha như là người con hiếu thảo.

Vậy hãy chu toàn tốt mọi bổn phận thế trần chính đáng trong tư cách là người con hiếu thảo của Thiên Chúa; đồng thời xác tín rằng Chúa là Đấng làm chủ dòng lịch sử: Tất cả mọi quyền bính trần thế đều nhất thời và được Chúa sử dụng theo ý Chúa như những công cụ trong một thời điểm lịch sử để phục vụ cho chương trình cứu độ vĩnh cửu của Người.

Bài 2

“Có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?
…Của Xêda trả về Xêda; Của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22,17.21).

Đức Giêsu đã tiến vào Giêrusalem! Cuộc sống trên trần thế của Người trong xác phàm nhân chỉ còn một tuần cuối cùng. Toàn bộ thời giờ của Người là chỉnh sửa lại những điều căn bản cho Thánh Đô: Người đã thanh tẩy Đền Thờ (21,12-17); Cảnh cáo Israel phải lo sinh hoa trái (21,18-22). Người chỉnh đốn lại hàng lãnh đạo Do Thái qua ba dụ ngôn trả lời cho lời chất vấn của họ về cội nguồn quyền bính của Người (21,23-22,14).

Phụng vụ Lời Chúa, Tin Mừng năm A suốt ba tuần liên tiếp cho nghe ba dụ ngôn trên. Qua ba dụ ngôn đó với nhiều nét ẩn dụ, Đức Giêsu buộc họ phải xét lại thái độ sống trong quá khứ của họ, với hi vọng là họ sẽ tỉnh ngộ, hối hận, hoán cải và tin vào Người. Tiếc thay, chẳng những họ không tỉnh ngộ mà lại còn dấn thân sâu hơn vào các sai lầm của họ. Họ hợp lực lại với nhau kể cả liên kết với thế lực đời để bày kế hãm hại Người. Đáp lại ba dụ ngôn của Đức Giêsu cảnh cáo họ, họ đã đáp trả lại bằng ba vấn đề hóc búa đặt ra để gài bẫy, để thử thách Người: vấn đề nộp thuế cho đế quốc; vấn đề kẻ chết sống lại; và vấn đề giới răn nào trọng nhất. Tin Mừng của Chúa Nhật XXIX A Mùa Thường Niên là trích đoạn về vấn đề nộp thuế cho Rôma.

Liên quan tới ba chủ đề trước, các thủ lãnh Do Thái chỉ mới có thái độ chất vấn Đức Giêsu về cội nguồn quyền bính của Người mà thôi; Còn trong đoạn văn hôm nay, Matthêu mở đầu bằng một câu nói thẳng ra các đối thủ có âm mưu, dự tính rõ ràng để gài bẫy Đức Giêsu: “bấy giờ những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy” (Mt 22,15). Lc 20,20 nói huỵch toẹt ra là các kinh sư và thượng tế (câu 19) “rình rập và sai một số người giả bộ công chính đến dò la, mong bắt quả tang Đức Giêsu lỡ lời để nộp Người cho nhà chức trách có thẩm quyền là tổng trấn”. Thực vậy các thủ lãnh Do Thái giáo: Thượng Tế, kỳ mục, Pharisêu (Mt 21,23.45) bị Đức Giêsu “lật tẩy” qua ba dụ ngôn đã có ác ý “tìm cách bắt Người nhưng lại sợ dân chúng vì dân chúng cho Người là một ngôn sứ (Mt 21,46); Do đó phải tìm cách gài bẫy Người để có lý do “chính đáng” mà bắt Người.

Nhóm chủ mưu là các người Pharisêu! Và âm mưu của họ thật là thâm độc, bỉ ổi, đánh mất cả phẩm tính “biệt phái” của họ. Họ đã bắt tay, liên minh với kẻ thù truyền kiếp của họ là phe nhóm Hêrôđê để tạo nên gọng kềm – chính trị, tôn giáo phối hợp – để gài bẫy Đức Giêsu. Rồi khi xét xử, làm chứng gian tố cáo Đức Giêsu tại dinh Thượng Tế Caipha thì một phần các Pharisêu cũng có mặt (x.Mt 26,57 vì hầu như tất cả kinh sư đều là Pharisêu).

Thật vậy, các Pharisêu là tượng trưng cho tinh thần bất nhượng bộ về tôn giáo, nghĩa là phải sống triệt để theo luật, thành văn lẫn truyền khẩu. Và một cách chính thức, họ tượng trưng cho những người quyết tâm bảo vệ sự tự do bản sắc tôn giáo và dân tộc của dân Chúa trước quyền bính của Rôma tại Galilê. Trong khi đó, Nhóm Hêrôđê lại thân với Rôma vì đế quốc nâng đỡ các quận vương xuất thân từ dòng tộc Hêrôđê cả. Nhóm này chủ trương hợp tác với kẻ chiếm đóng vì điều đó có lợi cho họ.

Về chính trị, xã hội lẫn tôn giáo, hai nhóm này kình chống nhau. Vậy mà giờ đây họ lại đứng cùng một phe, tạo thế gọng kìm chèn ép tìm hại Đức Giêsu. Ác ý quá rõ ràng!

Là chủ mưu, nhưng Nhóm Pharisêu không đích thân ra mặt, vì họ khinh ghét phe Hêrôđê và nhất là vì lập trường chống đối của họ đối với Rôma là đã quá rõ nên nếu các bậc thầy trực tiếp ra mặt tra hỏi thì không phù hợp và dễ bại lộ âm mưu ngay.

  1. GIĂNG BẪY :
  • “Thưa Thầy” = “Rabbi” tiếng hi lạp là “didaskalê”. Trước tiên họ thưa với Đức Giêsu bằng một danh xưng dành cho các bậc thầy giảng dạy Lề Luật Thiên Chúa; Như vậy hàm ý là lời mà Người nói ra là chuẩn mực buộc dân phải theo. Có như vậy thì mới có thể kết án, vu cáo, chụp mũ cho Người là kẻ xách động dân chống thuế (x.Lc 23,2). 
  • Tiếp theo là một lời tâng bốc, giả trá, không thực tâm: họ “khen” Người là chân thật, là Đấng dạy đường lối của Thiên Chúa cách trung thực, đúng đắn, có thẩm quyền và không thiên vị. Tâng bốc tận mây xanh là để đối thủ mất cảnh giác, không đề phòng dễ rơi vào cạm bẫy. Tuy nhiên trong thâm ý của Matthêu: Tác giả đã đặt trên môi các môn đệ của các Pharisêu những lời “đường mật” ấy là để mặc khải Đức Giêsu đích thực là con người như vậy đó, đồng thời qua đó cũng hé mở vài nét Người cũng là Thiên Chúa. Thật vậy “CHÂN THẬT” còn được dịch là “thành tín” (x.Xh 34,6; Đnl 7,9; Tv 31,6), và “KHÔNG THIÊN VỊ” (x.Hc 35,13) là những thuộc tính của Thiên Chúa. Còn “KHÔNG XÉT ĐOÁN” bề ngoài, không xem mặt đặt tên là các phẩm tính của Đấng Emmanuel (x.Is 11,3-4). Vậy Matthêu đã dùng ác ý, xảo ngôn của địch thủ để phác họa vài nét dung mạo thần linh, thiên sai của Đức Giêsu. 
  • Các yếu tố tạo nên cái bẫy:
  • Các loại thuế: Vào thời Đức Giêsu, người Do Thái ở Giuđa phải nộp cho Rôma hai loại thuế: thuế gián thu là thuế chung cho mọi hạng công dân (thuế cầu đường, thuế hải quan, thuế lợi tức…) và thuế “CỐNG” (tributum) chỉ dành cho các thuộc địa, kẻ bại trận, gồm có thuế điền địa và thuế thân. Thuế cống nộp trực tiếp cho hoàng đế để nói lên sự lệ thuộc, thần phục của dân bị trị (Sđd 337). Mọi người Do Thái trọn 14 tuổi trở lên và chưa đến 65 tuổi đều phải nộp thuế thân (CGKPV “Tân Ước 1994 trang 137 “l”). Người Do Thái rất ghét thứ thuế đó, còn đảng Nhiệt Thành coi việc từ chối nộp nó là bổn phận tôn giáo.
  • Câu hỏi gài bẫy: “có được phép…không?”. Trong thực tế, vì là thuộc địa của Rôma, nên hạng thường dân Do Thái muốn sống yên ổn qua ngày dưới ách đô hộ của đế quốc, đều đóng thuế thân, dù trong thâm tâm không muốn.

Câu hỏi đặt ra là “có được phép…”. Câu hỏi này Matthêu rất thường sử dụng (12,2.4.10.12; 14,4; 19,3; 20,15; 27,6), cũng là câu hỏi mà người mộ đạo Do Thái luôn luôn tự đặt cho mình và là câu mà các giáo sĩ có nhiệm vụ giải đáp trong cả ngàn nổ lương tâm nêu lên cho cuộc sống thường nhật. Nó có ý nghĩa qui thần: nghĩa là trước mặt Thiên Chúa, dưới ánh sáng của Lề Luật, có được phép nộp thuế (thân) hay không? (Sđd 341).

Nhóm Pharisêu cố ý gài Đức Giêsu vào cái thế phải trả lời câu hỏi đó như là một bậc thầy đang dạy Luật nhân danh Chúa. Trong tư cách như thế thì mới có thể ghép tội nặng cho Người được nếu như Người lỡ lời.

Liên minh “ma quỉ” giữa hai nhóm vốn là thù nghịch nhau trong tương quan với Rôma là nhóm Pharisêu và phe Hêrôđê, đang rình Đức Giêsu.

Nếu Người trả lời Luật không hề dạy phải nộp thuế cho Rôma, thì phe Hêrôđê chụp mũ Người ngay là kẻ xúi dân chống lại Rôma không nộp thuế; và tội càng nặng hơn nữa vì Người đã bị gài vào một tư thế là Rabbi đang dạy Luật, nhân danh Luật.

Còn nếu để làm vừa lòng phe Hêrôđê mà trả lời luật có dạy phải nộp thuế cho Rôma thì ngay lập tức bị nhóm Pharisêu chụp mũ là xuyên tạc Lề Luật, gán cho Luật những điều mà Luật không dạy. Đó là phạm thánh, xúc phạm đến Môsê, đến Thiên Chúa. Tội đáng chết.

  1. PHÁ BẪY (Mt 22,18-21)
  • Vạch mặt: biết rõ ác ý của họ, Đức Giêsu bình tĩnh nói huỵch toẹt ra âm mưu của họ bằng hai cụm từ: 
  • “sao thử ta!”:  Đức Giêsu nhận ra ngay thâm mưu của họ dù họ đã cố che đậy. Người bắt họ phải “hiện nguyên hình” để…. CỨU.
  • “Hỡi những kẻ giả hình”: hupokêites trong tiếng hy lạp là “diễn viên hài kịch”, là người đóng vai một nhân vật nào đó. Vậy điều mà diễn viên ấy hiển lộ ra bên ngoài bằng lời nói, hành động không nói lên con người thật của mình, đó chỉ là vai diễn.

 Đức Giêsu muốn cứu những người Pharisiêu ra khỏi cái giả dối của mình, nhìn lại con người thật của mình để HỐI HẬN, TIN và được CỨU (21,32). Trước mắt Đức Giêsu, họ đang ở trong tình trạng “tâm” “ngôn” “hành” bất nhất.

“Tâm” của họ đang thử Đức Giêsu, đang lập bẫy để hại Người; thế nhưng “lời nói” của họ làm như tôn kính, qui phục Người hết tình; còn hành động thì lại ẩn mặt chỉ sai học trò ra mặt, lén lút đi cửa sau sai môn đệ cấu kết với phe Hêrôđê vốn là kẻ thù để hại Đức Giêsu.

  • Chỉnh sửa giải cứu: Đức Giêsu dường như chẳng bận tâm gì đến sự có mặt của phe Herode: Người coi vua Herode chỉ là “con cáo” (Lc 13,31-33) tức là kẻ hùa hơi chứ chẳng có thực lực gì (x.Lc 23,8-11). Người chỉ đối thoại với Nhóm môn đệ của Pharisêu giúp họ tách khỏi liên minh ma quỉ với bọn bán Chúa buôn dân. Người hỏi nhóm Pharisêu: “cho tôi xem đồng tiền nộp thuế” (22,19).

Đó là đồng tiền được đúc bằng đồng đỏ hoặc bằng bạc do Rôma phát hành có giá trị trên toàn đế quốc. Trên đồng tiền có khắc hình và tên của hoàng đế tại vị, khi nộp các thuế thân, điền thổ thì buộc phải nộp bằng thứ tiền này.

Đối với người Do Thái sử dụng đồng tiền đế quốc là nỗi nhục:

  • Nhục về mặt tôn giáo: việc khắc hình hoàng đế như một thần linh là một sự phạm thượng đối với Thiên Chúa, vi phạm luật cấm tạc tượng (x.Xh 20,4).
  • Nhục về chính trị: đó là dấu bị lệ thuộc đế quốc, họ buộc lòng phải dùng đồng tiền này để nộp thuế thân nếu muốn sống bình yên.

“Họ liền đưa cho Người một quan tiền”: đồng tiền Rôma nhơ uế và ô nhục như thế, vậy mà các Nhóm Pharisêu lại cất giữ chúng trong người của họ, nên khi Đức Giêsu vừa hỏi thì họ đưa ngay ra đồng tiền đó. Chi tiết đó cho thấy họ đã đương nhiên chấp nhận việc lệ thuộc vào Rôma, sử dụng tiền Rôma để tạo thuận tiên cho những sinh hoạt thường nhật.

Trước chứng cớ hiển nhiên đó, vấn đề Đức Giêsu kín đáo đặt ra cho Nhóm Pharisêu là: các anh nói đồng tiền Roma là ô uế, nhục nhã, phạm thánh thế mà các anh lại cất giữ nó trong mình; Rồi còn hưởng dùng mọi lợi ích, tiện nghi do đồng tiền đó mang lại mỗi ngày trong cuộc sống. Vậy bản thân, lối sống đã bị nhiễm uế rồi, bị vi phạm luật rồi! Thế mà nhóm các anh, Pharisêu vẫn tự hào mình giữ Luật Torah nghiêm ngặt. Các anh đúng là giả hình. Từ đó hàm ý: việc sử dụng tiền Roma, nộp thuế không phải mối bận tâm chính của Torah, Lúc Yavê ban mười giới răn thì chưa có đế quốc Roma. Vậy vấn đề nộp thuế không thuộc phạm vi của Torah. Các anh đặt vấn đề sai rồi! Và trong cụ thể, các anh không ngay thẳng khi hỏi tôi câu đó bởi vì chính bản thân các anh đã đang dùng tiền Roma và chắc các anh đã nộp thuế đầy đủ nên đế quốc mới để các anh yên và các anh mới “bắt tay” được với phe Hêrôđê.

Về cơ bản, vấn đề nộp thuế đến đây có thể nói là đã giải quyết xong. Đức Giêsu đã phá bẫy. Thế nhưng đối với Đức Giêsu, vấn đề không phải là đối phó để sống yên ổn qua ngày trong tình trạng lệ thuộc Rôma. Dân Chúa còn phải có bổn phận đối Thiên Chúa nữa và đó là bổn phận chính của dân được Chúa tuyển chọn. Trong tầm nhìn đó, Đức Giêsu hỏi họ rằng hình khắc trên đồng tiền là của ai? Qua đó Người đưa Nhóm Pharisêu về lại bổn phận đối với Thiên Chúa), với câu nói thời danh Mt 22,21b.

  1. Của Xêda trả về cho Xêda CỦA THIÊN CHÚA TRẢ VỀ CHO THIÊN CHÚA:

Ở đây Đức Giêsu không có ý phân định ranh giới giữa hai phạm vi hay hai lãnh vực trong đó Thiên Chúa và hoàng đế sẽ làm chúa tể trong nghững gì liên quan đến mình. Đức Giêsu cũng không bảo rằng sự vâng phục thế quyền có thể được quan niệm một cách độc lập với sự vâng phục Thiên Chúa. Đối với niềm tin Kitô giáo, quyền Thiên Chúa phải là chuẩn mực tối thượng (x.Cv 4,19) (Sđd 342- 343).

Những gì Thiên Chúa dựng nên trong công trình sáng tạo, Người đã trao ban tất cả cho nhân loại để con người thay mặt Chúa làm cho công trình tạo dựng dần đạt mức hoàn thiện (x.St 2,15). Cho dù tội lỗi đã làm mọi sự xáo trộn, lệch lạc, nhưng những qui luật ẩn tàng trong công trình sáng tạo vẫn còn đó và được Thiên Chúa tiếp tục để cho con người tự do sử dụng. Với những nhắc nhở cần thiết tùy hoàn cảnh. Bổn phận con người là phải nhận ra những giới hạn của mình và tuân phục uy quyền tối thượng của Thiên Chúa để bảo đảm hạnh phúc bền lâu (x.St 2,17).

Việc thuế má, cho dù bị thực hiện cách bất công đi nữa, thì đó cũng là một qui luật cần thiết để tạm ổn định xã hội trong một giai đoạn lịch sử nào đó. Trong khi dòng lịch sử còn diễn tiến, người tín hữu luôn tôn trọng những qui luật sáng tạo đang được các thế lực trần gian đảm nhận đồng thời nỗ lực bằng mọi giá làm cho “Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” trong mực độ cao nhất có thể làm được.  

Frère Pierre Đình Long FSC