CHÚA NHẬT XVIII C MÙA THƯỜNG NIÊN

Gv 1, 2; 2,21 – 23; Lc12, 13 – 21

Chủ Đề:

Tất cả là PHÙ VÂN Hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa

 

  • Gv 1, 2: Phù vân quả là phù vân! Tất cả chỉ là phù vân
  • Lc 12, 20: Nội đêm nay, người ta sẽ đòi lại mạng ngươi, thì những gì ngươi sắm sẵn đó sẽ về tay ai.
Lời Chúa của chúa nhật 18c Mùa thường niên nói thẳng với chúng ta một sự đớn đau mà chắc chắn là chẳng ai ưa thích. Đó là tính PHÙ VÂN, CHÓNG QUA, VÔ THƯỜNG của tất cả thực tại đang hiện hữu trên trần thế này.
          Tất cả những yếu tố thể chất lẫn tinh thần đan dệt nên cuộc sống của con người đều sẽ phải qua đi hết. Bao công lao xây dựng, bao lời khuyên dạy của các bậc hiền nhân, của các bậc vĩ nhân đáng kính, hay là những điều tai ác xấu xa, gương mù gương xấu của phường vô loại, ác nhân…. Cho dù có lưu truyền đến ngàn năm đi nữa; cho dù được người ta xây dựng tượng đài hay bị thù nhân, kẻ đốn mạt vô luân đào mồ đào mả đi nữa…thì sự thật phũ phàng vẫn là CHÍNH BẢN THÂN của người ấy cũng chỉ là NẮM XƯƠNG TÀN hoặc một xác ướt KHÔ QUẤT vô tri như bao nhiêu con người khác.
          Nếu vận mạng của con người chỉ dừng lại ở thực  tại, cuộc sống trần thế này mà thôi thì đúng là là cộc đời là phi lý, tất cả đều là phù vân, vì với cái chết, mọi nỗ lực  của đời người đều bị hủy diệt. Do đó Lời Chúa hôm nay không mang tính bi quan, nhưng đưa ra một cái nhìn trung thực về cuộc so6ng` phàm nhân với tất cả những gì là bấp bênh của nó, để rồi mở ra cho các tín hữu một con đường sáng: “ anh em  hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới, nơi Đức Kitô  đang ngự bên hữu Thiên Chúa. Anh em hãy hướng lòng trí về những gì thuộc thượng giới, chứ đừng chú tâm vào những gì thuộc hạ giới…” ( bài đọc 2: Cl 3, 1 – 2); và trong Tin Mừng, Đức Giêsu cũng khuyên nhứ thế: An hem hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa ( x. Lc 12, 21).
          Thật vậy, từ khi hai ông bà nguyên tổ sa ngã, mọi an toàn bảo đảm cho cuộc sống đời thường của nhân loại bị mất tất cả: phải làm lụng vất vả mới có được lương thực mà  ăn, cái đói khát, khổ sở luôn rình rập con người để rồi cuối cùng thì mọi sự đều quay về hư không  với cái chết. Chính vì thế, để bù trừ lại phần nào những mất mát lớn lao trên, con người bắt đầu TÍCH LŨY riêng nhằm bảo đảm an toàn cho cá nhân, phe nhóm của mình. Dần dần “tích lũy”trở thành như bản năng của con người, để rồi đi đến cái ảo tưởng tai hại là tưởng rằng đời sống của mình sẽ  bảo đảm an toàn dựa trên những gì mình tích lũy được. Lời Chúa hôm nay thức tỉnh chúng ta khỏi ảo tưởng chết người đó.
          Bài đọc 1, trích từ sách Giảng viên, trong bộ sách giáo huấn, còn gọi là các sách khôn ngoan, tức là những sách dạy người ta về cuộc sống và cách sống ở đời sao cho đời người được thành công, hạnh phúc. Đó là hoa trái của kinh nghiệm sống bao đời của nhân loại. Thiên Chúa đã yêu thương đảm nhận lấy  các giá trị khôn ngoan đó làm Người bằng cách thổi vào chúng sức sống, năng lực thần linh ( giống như Chúa thổi hơi vào cục đất Adam; như Đức Giê su biến bánh rược thành Mình Máu Chúa), nhờ đó chúng ta có thể đưa nhân loại vượt qua được những giới hạn phàm trần đạt tới vinh quang vĩnh cửu.
          Vì thế, mặc dù các lời khuyên trong bộ sách giáo huấn vẫn còn đầy những nét giới hạn, bế tắc, băn khoăn của thân phận làm người, và trong một trừng mực nào còn mang nét bi quan nữa, thì chúng không còn là những bế tắc yếm thế mà là những nấc thang phải bước lên để tiến về Thiên Chúa. Phao lô đã chia sẻ với chúng ta kinh nghiệm đó  trong 2Cr 12, 10: trong Đức ki tô, khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh.
          Bài đọc 1 mở đầu bằng một châm ngôn có nét bi quan: “Phù vân, quả là phù vân, tất cả chỉ là phù vân”. “vân” là mây; “ phù” là trôi nổ. “Phù vân” là đám mây trôi vô định trên bầu trời, hình dạng của đám mây thay đổi từng giây. Phù vân dịch từ tiếng Hipri “HE – BEN” có nghĩa là hơi thở, làn khói, nói lên tính cách chóng qua, vô thường của mọi thực tại, giá trị trần thế. Chủ điểm trên được sách Giảng Viên đưa ra nhiều minh họa; bài đọc 1 trích ra một chuyện: LAO ĐỘNG. Con người dùng hết khôn ngoan, hiểu biết, dãi nắng dầm mưa vất vả lao động để tìm thành công thậm trí đêm đến cũng không ngủ yên vì lo âu tính toán làm thế để được gì? Mọi hoa trái đều sang tay cho kẻ khác.
          Mới thoát nhìn tưởng chừng tác giả bi quan, nhưng trong thực tế. May thay Tin Mừng thức tỉnh chúng ta: đừng quá lo thu tích của cải thế trần, hãy lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa.
 Tiếp tục bài đọc 1, Tin Mừng thêm hai hình ảnh minh họa về TÍNH PHÙ VÂN của bạc tiền, của lao công trần thế nếu chỉ quy về tích lũy cho cá nhân.
Câu chuyện 1: có người đến xin Đức Giêsu làm trọng tài bảo anh mình chia phần gia tài cho mình. Đức Giêsu từ chối! Người không đến làm thẩm phán cho thế lực trần thế cho dù đó là luật. Người vượt hơn luật, Người đến để đưa người ta vào Nước Trời (x. Mt 5, 20 – 48). Vì thế Người cảnh báo: đừng để việc lo lắng  của cải đưa người ta ta tới chỗ THAM LAM. Người không coi khinh các giá trị trần thế. nhưng  dạy phải sống tinh thần Kinh Lạy Cha (Lc 11,3).
Câu chuyện 2: nhắm vào tính phù vân của lao động tích lũy chỉ nhằm vào lợi lộc trần thế cho cả nhân mình: làm việc thành công, hoa màu dư dật, xây thêm cơ sở… sẽ được ích khi tử Thần đến gõ cửa? Hành vi chỉ biết có mình, xây dựng số phận vĩnh cữu trên sức mình của cải bị Đức Giê su gọi là “Đồ ngốc”. không có vấn đề khinh chê lao động, tính toán ở đây. Cái sai nằm ở động cơ, mục đích của lao động. Vẫn tích lũy, vẫn lao động, nhưng là để LÀM GIÀU TRƯỚC MẶT THIÊN CHÚA.Thật vậy, trong kinh thánh, “ đồ ngốc” là từ dùng để ám chỉ những hạng người cho rằng Thiên Chúa không hiện hữu, do đó họ sống như không có Người ( x. Tv 14 ,1). Hậu quả là khi cái chết đến , tất cả đều trở thành phù vân đối với họ. vậy , chúng ta là những người tin vào Chúa, hãy sống và làm mọi sự “ TRƯỚC MẶT CHÚA” thì lúc đó, những gì ta làm vốn là phù vân, lại được Chúa đảm nhận như là của Người, làm cho Người, do đó chúng trở nên có giá trị vịnh cửu đưa kẻ tin đến hạnh phúc đời đời: một chén nước, một chén cơm được Chúa đánh giá “vì xưa Ta đói khát, các ngươi đã  cho ta ăn uống… Hãy vào hưởng vương quốc dành cho các ngươi”.
Sư Huynh Phêrô Nguyễn Đình Long, FSC