CHÚA NHẬT XVII THƯỜNG NIÊN-năm A

1V 3,5.7-12; Mt 13,44-52

Chủ đề: Ơn biện phân để nhận biết và chọn lựa điều tốt nhất.

* 1V 3,9: xin ban cho tôi tớ Chúa đây, một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái.

* Mt 13,44b: người ấy vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy.

Chúa Nhật XVII A Mùa Thường Niên đề cập đến một vấn đề luôn mang tính thời sự đối với phận làm người của chúng ta. Đó là SỰ KHÔN NGOAN. Ai cũng muốn mình được khôn ngoan, và hy vọng nhờ khôn ngoan mà đời mình sẽ thành công, sẽ hạnh phúc. Nhưng, thế nào là khôn ngoan? Là thành công? Là hạnh phúc? Nhất là TỪ ĐÂU mà con người có được sự khôn ngoan ấy?

Có rất nhiều câu trả lời, tùy theo tầm nhìn, khát vọng của từng đối tượng. Nhưng cách chung người khôn ngoan là người tìm ra được đủ mọi cách để có được nhanh nhất, nhàn nhất, nhiều nhất những gì mình khát vọng, lắm khi bất chấp hậu quả, gây thiệt hại cho kẻ khác, cho công ích. Trong trường hợp bất chấp đó, người ta đã lầm lẫn khôn ngoan với ranh ma, mưu đồ gian dối. Xin kể một câu chuyện vui minh họa:

Một số cha mẹ khi không muốn tiếp khách vào một thời điểm nào đó, thường căn dặn con cái: nếu có ai muốn gặp ba thì nói ba đi vắng nghe. Rồi có khách đến hỏi: ba có ở nhà không con? Một đứa trả lời đúng lời ba dặn: Thưa, Ba con đi vắng! Đứa khác: Thưa, Ba đang ở nhà! Thế là đứa nói dối được khen là KHÔN(?), còn đứa nói thật bị chê là DẠI.

Khôn ngoan theo thói đời thật ra chỉ là MA GIÁO, tìm tích lũy bằng mọi giá, bất chấp mọi sự chỉ vì lợi ích cho cá nhân hay cho phe nhóm.

Lời Chúa hôm nay không dạy chúng ta thứ khôn khéo ngụy biện đó. Theo Kinh Thánh, khôn ngoan phải là ân huệ của Thiên Chúa được ban cho con người, giúp con người nhận ra, sống đúng Luật Chúa vì sáng danh Chúa và vì ơn cứu độ cho tha nhân: Lòng kính sợ ĐỨC CHÚA là tuyệt đỉnh của khôn ngoan (Hc 1,18a), là trường dạy khôn ngoan (Hc 1,27), là đầu mối khôn ngoan (Cn 9,10); Gốc rễ của khôn ngoan là kính sợ Chúa (Hc 1,20a); khôn ngoan là tuân giữ các điều răn (Hc 1,26).

Bài đọc một trích từ Vua Quyển thứ nhất, thuật lại giấc mơ của vua Salomon tại Ghip-ôn, sau khi được lên kế vị vua Đavit. Trong giấc mơ, Chúa phán với ông: “ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho”. Xin gì Chúa cũng cho.

Salomon đã không xin những ơn chỉ có ích lợi riêng cho cá nhân ông: không xin sống lâu, không xin giàu có, không xin thống trị kẻ thù. Ông chỉ xin một ơn để hoàn thành được sứ mạng mà Chúa đã trao cho ông: ƠN KHÔN NGOAN biết biện phân phải trái để cai trị đoàn dân đông đảo của Chúa theo đúng đường lối Chúa. Điều tiên quyết ông xin là BIẾT LẮNG NGHE và tiếp đó là ơn BIẾT PHÂN BIỆT PHẢI TRÁI để an dân, trị nước. 

Tất cả chỉ vì sứ mạng, vì sáng danh Chúa, vì lợi ích cho dân Chúa. Thiên Chúa hài lòng vì lời xin thật sự khôn ngoan ấy. Thiên Chúa chuẩn y ban cho ông một trí khôn ngoan vô tiền khoáng hậu, đồng thời ban luôn cho ông tất cả vinh quang của thế gian: sống lâu, giàu có…cho dù ông không xin. Ông trở nên biểu tượng của sự khôn ngoan trong Do Thái giáo.

Trong Tin Mừng, qua các dụ ngôn, Đức Giêsu mặc khải Nước Trời đã đến rồi; Và khôn ngoan chính là thái độ phải có trước ân huệ Nước Trời đang hiện diện tại thế, nơi chính bản thân Người.

Khôn ngoan là biết biện phân chọn lựa, dám coi Nước Trời là quý giá vượt hơn tất cả đến độ sẵn sàng bán đi tất cả những gì đang có để đánh đổi.

Hai bài dụ ngôn sánh ví Nước Trời với kho tàng được chôn giấu và với viên ngọc quý. Kho tàng là do tình cờ phát hiện; Viên ngọc quý là do có ý đi tìm và rồi may mắn gặp được. Cho dù là tình cờ hay có ý tìm thì thái độ chung là dám về bán tất cả những gì mình có để mua cái điều quí giá nhất mà họ gặp được.

Vậy khôn ngoan là một quyết định chọn lựa: từ bỏ tất cả những gì mình đang có, những gì mình đang cậy dựa, những an toàn mình đang thụ hưởng…để đổi lấy GIÁ TRỊ NƯỚC TRỜI. Cụ thể là dám bỏ tất cả để CHỌN ĐỨC GIÊSU, trao phó vận mệnh mình trong tay Người.

Cuối cùng khôn ngoan là biết khám phá ra trong những ơn Chúa ban: cũ lẫn mới những gì mang lại lợi ích cho ơn cứu độ.

Xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta biết lắng nghe, biện phân, từ bỏ, chọn lựa để đi vào đường khôn ngoan của Thiên Chúa, để Chúa thật sự là tất cả cho chúng ta.

Suy niệm 2:

“Nước Trời giống như…Có người kia gặp được…vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua…” (Mt 13,44).

Tin Mừng của hai Chúa Nhật trước đã đề cập đến tình trạng của Nước Trời tại thế: Nước Trời đã tới rồi! Nước Trời được ban xuống cho mọi người không loại trừ ai; Nước Trời đầy sinh lực để vượt thắng mọi chướng ngại và sẽ đạt tới cùng đích mà Thiên Chúa muốn. Những yếu tố để xây dựng Nước Trời tại thế cũng đã được Đức Giêsu mặc khải. Thế nhưng những ai tin vào Đức Giêsu đều phải chấp nhận đối đầu với một thực tại không được như ý: đó là tình trạng chưa được hoàn chỉnh của thực tại Nước Trời ở trần gian trong thời điểm hiện tại. Nước Trời đang trong tình trạng lớn lên từng bước một; và vì Nước Trời nhập thế (dấu sắc chứ không phải dấu hỏi) vào trần gian nên cũng phải bị điều kiện hóa bởi những qui luật của công cuộc sáng tạo cũng là do Thiên Chúa dựng nên; Và nhất là vẫn bị “kẻ thù” chống phá.

Tin Mừng hôm nay là ba dụ ngôn cuối của loạt “Bài giảng bằng dụ ngôn” trong Matthêu 13. Đức Giêsu mời các tín hữu hãy nhận ra giá trị của Nước Trời đã được Thiên Chúa kín đáo đặt để sẵn ngay trong lòng cuộc sống của thế nhân, để rồi can đảm “bán đi mọi sự mình đang có” để chọn Nước Trời làm cơ nghiệp duy nhất (dụ ngôn “kho tàng” và “viên ngọc quý”). Cuối cùng là dụ ngôn “lưới cá”. Phần khởi đầu của “lưới cá” có cùng sứ điệp với “cỏ lùng”: người dữ kẻ lành sống chung với nhau cho đến ngày tận thế. Tuy nhiên “lưới cá” không lưu tâm đến phản ứng từ phía con người, “các đầy tớ”, và cũng chẳng nói gì đến thái độ nhẫn nại của “Chủ”, mà lại chú tâm đến hậu quả pháp lý nghiêm khắc sẽ dành cho “cá xấu”. Để rồi cuối cùng, mơ ước của con người và dự tính của Thiên Chúa gặp nhau: trong Nước Trời chỉ có “lúa tốt” và “cá tốt”.

1. Dụ ngôn “KHO TÀNG” và “NGỌC QUÝ”.

Điều đáng lưu ý là người nông dân, lẫn người lái buôn đều ở trong tình trạng chăm chỉ làm công việc của mình. Chính trong tình trạng họ coi trọng việc mình đang làm như thế mà họ đã gặp được báu vật.

Họ không chủ ý đi tìm báu vật, họ chỉ hết sức chu toàn bổn phận thường ngày của một con người có trách nhiệm, tận tụy với công việc.

Cả hai dụ ngôn đều không chú tâm đến tính cách quí giá của kho báu, và ngọc quí: chỉ nói thoáng qua thôi. Điều mà hai dụ ngôn muốn chuyển đạt chính là thái độ của hai người khi khám phá ra chúng.

Đối với cả hai, đó hoàn toàn là ơn Trời cho: đúng nơi, đúng lúc, sự kiện xảy tới; Và sứ điệp của dụ ngôn là cách xử lý khôn ngoan của họ trước cơ may chợt đến. Tuy nhiên, đừng quên là cơ may này chỉ đến với họ trong tình trạng họ đang miệt mài với việc bổn phận.

Như vậy, với sự xuất hiện của Đức Giêsu, Nước Trời đã được Người mang vào trần thế, đặt ngay trong cuộc sống thường nhật của chúng ta, vừa với tầm tay của từng người. Tất cả đều có thể gặp được Nước Trời trong khi sống trọn ơn gọi làm người của chúng ta. Hai dụ ngôn nhắc chúng ta: đừng bỏ lỡ dịp may khi Nước Trời được tỏ lộ cho ta trong cuộc sống: Đức Giêsu gọi Maria, Phêrô, Anrê, Giacôbê, Gioan, Matthêu ngay lúc họ đang làm công việc thường ngày của họ; Và họ đã không bỏ lỡ dịp may. Trái lại, chàng thanh niên giàu có, đạo đức và đầy thiện chí, anh ta đã tìm đúng đối tượng, nhưng tiếc thay anh không dám “bán đi tất cả những gì anh có…rồi theo Người” (x.Mt 19,16-22).

* Người nông dân và kho tàng chôn sẵn trong ruộng:

Đám đất anh đang cày không phải là của anh! Anh chỉ là người làm thuê. Anh không có chút quyến luyến nào với đám đất. Anh cày bừa chỉ mong đất nhả ra chút lương thực để anh sống tạm qua ngày rồi chờ chết. Đó là hình ảnh của nhân loại trong cái trần thế chóng qua này. Thật vậy khi được sinh vào trần gian, không có thứ gì trong đó thuộc về chúng ta. Mỗi người chỉ như người thợ đến để làm thuê và khi “hết hợp đồng” thì ra đi với hai bàn tay trắng.

Nhưng khi anh nông dân khám phá ra “kho tàng” được “Ai đó” giấu chôn trong đám đất thì anh ta đã nổ lực hết mình nhằm thay đổi mối tương quan với mảnh đất: anh muốn LÀM CHỦ mảnh đất. Thực ra anh đâu cần làm chủ mảnh đất, anh đã làm công trên đất đó từ lâu rồi mà. Cái mà anh muốn làm chủ là “kho tàng”. Làm chủ mảnh đất chỉ là thủ tục pháp lý anh phải theo để thực sự trở thành chủ của kho tàng một cách an toàn, hợp pháp. Chúa đã chôn cất kho tàng trong phần đất cuộc đời của mỗi người chúng ta, để làm chủ thật sự kho tàng, mỗi người phải làm chủ mảnh đất cuộc đời chúng ta. Phải nổ lực tối đa, phải đầu tư hết những gì ta có để thực sự làm chủ mảnh đất đó.

Và điều anh đã làm một cách mau lẹ và dứt khoát là “bán tất cả những gì anh có”. Bản văn không quan tâm đến số lượng tài sản mà anh bán được: những gì trước kia anh cậy dựa, bám víu thì giờ đây chẳng đáng là gì so với kho tàng vừa được khám phá: tôi coi mọi sự là thiệt thòi, là rác so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Kitô (x.Pl 3,8). Đó chính là sứ điệp mà Đức Giêsu muốn nhấn mạnh: Nước Trời phải là gia sản duy nhất, chiếm vị trí độc tôn trong cuộc đời của kẻ tin.

Một chi tiết đáng chú ý của dụ ngôn này là thái độ không tham lam, muốn chiếm đoạt kho tàng ngay tức khắc: anh đã “chôn trở lại” thay vì dấu giếm, ôm kho tàng về nhà rồi bỏ nghề luôn…Qua chi tiết này, Đức Giêsu nhắc môn đệ không được tách rời Nước Trời (kho tàng được Chúa chôn giấu) ra khỏi trần gian (mảnh đất). Nước Trời không phải là của riêng ai, không phải là của gia bảo chỉ lưu truyền nội bộ gia tộc; Việc gặp được Nước Trời sẽ không ích gì cho kẻ vẫn còn lòng tham vừa muốn có Nước Trời làm của riêng, vừa muốn giữ lại tất cả những gì mình đã có trước đó như trường hợp chàng thanh niên giàu có (x.Mt 19,16-22). Nước Trời mà Chúa thương ban đủ rộng lớn để dưỡng nuôi toàn thể nhân loại mọi thời, mọi nơi; Tín hữu phải sống tâm tình phó thác, sẵn sàng chia sẻ, không tìm vơ vét đòi chiếm đoạt dành riêng Nước Trời cho riêng mình, phe nhóm mình.

Một chi tiết độc đáo của dụ ngôn “kho tàng” là NIỀM VUI của anh tá điền nghèo. Đó là niềm vui được giải thoát khỏi mọi ràng buộc của những thứ chóng qua: anh sẵn sàng về bán tất cả những thứ mà trước đó anh đã dính bén, tìm cách gìn giữ; Niềm vui thanh thản đón nhận kho tàng Nước Trời như một hồng ân nhưng không thoát khỏi mọi âu lo của sự ham hố, chiếm đoạt, luôn lo sợ bị người khác biết và lấy lại. “Niềm vui” là dấu chỉ ta đã gặp được thực tại Nước Trời, dù phải trả giá đắt, kể cả mạng sống: đó là “niềm vui” của Maria trong kinh Magnificat, sau lời liều mạng phó thác “xin vâng”.

 * Người thương buôn và viên ngọc quý.

Anh chỉ là một người đi buôn đồ trang sức bình thường như là một nghề để sinh sống thôi. Chắc anh không phải là chuyên gia sưu tầm, dành cả cuộc đời để đi tìm những viên ngọc quý, hiếm hoi. Nhưng với chút vốn liếng nghề nghiệp, anh cũng đủ trình độ nhận ra ngay giá trị của một viên ngọc vô giá khi có cơ may gặp được và nhất là khi có điều kiện thuận lợi để thủ đắc.

Và thực sự anh đã gặp may, cơ hội “ngàn năm có một”. Anh mau mắn chộp lấy thời cơ và quyết định (giống như người tá điền) về bán tất cả những gì đang có để mua viên ngọc đó. “Rốt cuộc, dụ ngôn viên ngọc cũng tương tự và có cùng một ý nghĩa như dụ ngôn kho tàng” (Sđd 202).

2. Dụ ngôn “CHIẾC LƯỚI”.

Matthêu 13 kết thúc với dụ ngôn “lưới cá”. Đây là thời điểm cánh chung, lúc Thiên Chúa can thiệp trực tiếp, quyết liệt để đưa công trình “Nước Trời tại thế” của Chúa đến chỗ hoàn tất. Dụ ngôn này vừa là một lời khích lệ: đó là “Mùa Gặt”, lúc đó tốt xấu, lúa cỏ, cá tốt xấu được phân biệt rõ ràng; Vừa là một phán xét nghiêm khắc: kẻ dữ sẽ bi lột mặt nạ, tách khỏi người lành, rồi bị quăng vào lò lửa (c.50). Vậy phải có thái độ chọn lựa dứt khoát: chỉ có tốt và xấu không có tình trạng thứ ba dở dở ương ương (x.Kh 3,15-16).

Chính Thiên Chúa sẽ hoàn tất công cuộc của Người, phần kẻ tin hãy sẵn sàng “bán tất cả mọi sự để mua kho tàng, viên ngọc quí”. Hình ảnh chiếc lưới thình lình chụp xuống đàn cá đang bơi cho thấy tính chớp nhoáng, bất ngờ của biến cố. Không có vấn đề ỷ lại, tính toán ở đây. Mọi nỗ lực đối phó đều vô ích (x.Mt 25,1-13).

Người môn đệ đích thực là người hiểu Lời Đức Giêsu, nhận ra được giá trị “cái cũ” (tất cả những gì mình đã có) lẫn “cái mới” (Nước Trời) và sử dụng đúng nơi, đúng lúc: không khinh chê nhưng cũng không dính bén “cái cũ”, dám bán tất cả để mua Nước Trời. Phải dùng “nấc thang” để bước lên cao, nhưng không dừng lại ở đó mà tiếp tục bước lên tới TRỜI.

Frère Pierre Đình Long FSC