CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN – năm A

Bài 1:

Is 55,10-11; Mt 13,1-23

Chủ đề: Hiệu năng của Lời Chúa: Lời Chúa chắc chắn sẽ sinh hoa kết trái.

* Is 55,11: Lời Ta một khi xuất phát từ miệng Ta sẽ không trở về với Ta nếu chưa chu toàn sứ mạng Ta trao phó.

* Mt 13,8: có những hạt rơi nhằm đất tốt nên sinh hoa kết quả.

Lời Chúa của Chúa Nhật XV A Mùa Thường Niên mời chúng ta chiêm ngắm tính hiệu năng và sức sống tuyệt vời của Lời Chúa: Lời Chúa một khi đã được tuyên phán ra rồi thì chắc chắn sẽ sinh hoa trái cho dù có bao nhiêu khó khăn cản trở đi nữa.

Tuy nhiên khi Lời Chúa chấp nhận nhập thể thì cũng chấp nhận luôn bị điều kiện hóa bởi những yếu tố giới hạn, yếu đuối của phận thọ tạo của nơi mà Lời Chúa nhập thể vào. Theo dòng lịch sử:

  1. Lời Chúa trước tiên nhập thể vào trong ngôn ngữ nhân loại với tất cả những khiếm khuyết, giới hạn của nó. Nhưng dầu gì đi nữa thì lời đó vẫn sinh hoa trái đem lại ích lợi tuyệt vời cho toàn thể nhân loại: đó là BỘ KINH THÁNH, bộ sách mà phần lớn nhân loại đều đọc và hiểu được “bằng tiếng mẹ đẻ của mình”.
  2. Tiếp đến, Lời Chúa nhập thể trong xác phàm nhân loại. Đó là con người Giêsu vừa là Thiên Chúa thật, vừa là người thật. Cho dù nhân loại có đón nhận hay chối từ thì kết cục ơn cứu độ vẫn thể hiện trọn vẹn nơi Người qua Thập Giá và phục sinh. Lời mang xác phàm là cội nguồn ơn cứu độ cho vũ hoàn.
  3. Lời Chúa nhập thể vào toàn bộ công trình sáng tạo của Thiên Chúa để phục hồi tất cả, biến đổi tất cả, cho toàn thể vũ trụ được thông dự vào sự sống thần linh. Đó chính là Bí Tích Thánh Thể: Đức Giêsu là CHÚA và là CON NGƯỜI thật hiện diện tròn vẹn trong tấm bánh, ly rượu. Mà bánh rượu đó là “hoa mầu ruộng đất và lao công của con người” đã được Tình Yêu, Quyền năng Chúa vui nhận và biến thành Thánh Thể nuôi dưỡng đoàn dân lữ thứ.

Tuy nhiên, vì tôn trọng tự do của con người nên hiệu năng, sức sống của Lời chỉ sinh hoa trái dồi dào nơi ai đón nhận Lời.

Lời Chúa hôm nay phản chiếu lại một phần sức sống, hiệu năng chắc chắn của Lời Chúa đối với thân phận thụ tạo của ta.

Bài đọc một là một dụ ngôn mượn từ thực tế cuộc sống để minh họa, công bố tính hiệu năng chắc chắn của Lời Chúa.

Mưa và tuyết là hồng ân Thiên Chúa thương ban làm đất đai nên phì nhiêu và hoa màu sinh nhiều bông trái. Do đó, một khi Chúa cho mưa, tuyết rơi xuống đất thì chúng không quay trở về trời mà phải thấm sâu vào lòng đất tạo điều kiện thuận lợi để đất đai, hoa màu trổ sinh bông trái. Và ngôn sứ Isaia kết luận cách chắc chắn rằng Lời Chúa khi được ban ra sẽ chu toàn sứ mạng được giao cho.

Tin Mừng thuật lại dụ ngôn “Người đi gieo giống”. Có thể chia đoạn văn này làm ba phần: phần một là bài dụ ngôn: 13,1-9; phần hai là lời giải thích của Đức Giêsu cho các môn đệ hỏi Người lại giảng dạy bằng dụ ngôn: 13,10-17; Phần 3 là lối giải thích luân lý bài dụ ngôn ứng dụng vào cuộc sống: 13,18-23.

  • Phần một là bài dụ ngôn đi trực tiếp vào chủ đề phụng vụ Lời Chúa hôm nay. Do đó Giáo Hội cho phép đọc bài đọc ngắn chỉ đọc phần bài dụ ngôn là đủ. Bài dụ ngôn thuật lại việc “người gieo giống đi ra gieo giống”. Ông gieo rất thoải mái, không tiếc hạt giống. Đám ruộng của ông cũng lạ kỳ gồm nhiều dạng đất khác nhau: đất vệ đường, đất sỏi đá, đất đầy gai và cũng có phần đất tốt. Cho dù thất bại trên ba loại đất xấu, nhưng kết quả chung cuộc của Ngày Mùa là thật đáng kinh ngạc: “hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục”. Bài dụ ngôn nhấn mạnh đến hiệu năng và sức sống tuyệt vời của HẠT bất chấp những khó khăn cản trở, cuối cùng HẠT vẫn có kết quả bội thu.
  • Chúng ta bỏ qua phần hai, vì bài đọc dài quá. Qua phần ba, bài dụ ngôn được giải thích theo hướng ứng dụng luân lý. Trọng tâm không nằm ở HẠT GIỐNG nữa, mà đã chuyển qua CÁC LOẠI ĐẤT. Nghĩa luân lý bộc lộ khá rõ: các loại đất tượng trưng cho những hạng người khác nhau nên kết quả là KẺ được gấp trăm, KẺ được sáu chục, KẺ ba chục.

Ngày nay con người dường như thờ ơ với Lời Chúa và nhiều người đã có thái độ bi quan. Nhưng Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh, khích lệ chúng ta hãy tin vào hiệu năng, nội lực, sức sống phi thường của Lời Chúa; từ đó hãy tiếp tục can đảm SỐNG và GIEO Lời Chúa cách hăng say trong niềm xác tín vào nội lực của Lời Chúa và phó thác cho Thiên Chúa sẽ cho vụ mùa bội thu.

Bài 2 :

“Có những hạt rơi trên đất tốt, nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục” (Mt 13,8).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật Mùa Thường Niên XV A. Ba Chúa Nhật liên tiếp XV A, XVI A và XVII A sử dụng Mt 13, được quen gọi là “Bài Giảng bằng dụ ngôn”. Matthêu quy tụ lại ở chương mười ba này bảy dụ ngôn được xếp đặt cẩn thận để mô tả thực tại Nước Trời khi được Đức Giêsu mang vào trần thế. Theo cấu trúc Tin Mừng Matthêu:

Với sự xuất hiện của Đức Giêsu, quyền lực của “tên Đầu Xỏ” hãm hại nhân loại đã bị vô hiệu hóa, bộ mặt gian tà của Nó đã bị lột trần: “Xatan” (4,1-11); ơn cứu độ dân Cựu Ước đợi trông nay đã tới: “Nước Trời đã đến gần (4,12-17); Hiến Chương Nước Trời đã được công bố (chương 5-7); các phép lạ được dồn dập thực hiện (mười phép lạ trong chương 8-9), tất cả cho thấy niềm vui nhân loại được phục hồi mà Cựu Ước báo trước nay thành sự thật. Tình hình xem ra lạc quan! Đức Giêsu cũng đã chuẩn bị cho tương lai qua việc gọi chọn các môn đệ tông đồ (4,15-22; 9,9) và đào tạo họ thực hành sứ vụ (chương 10).

Thế nhưng ngay trong chương mười: “Bài Giảng về sứ vụ truyền giáo”, những yếu tố tiêu cực cũng đã được Đức Giêsu tiên báo trước. Ngay trong Matthêu 8-9, xen giữa các trình thuật phép lạ đầy phấn khởi cũng đã nảy sinh các mầm chống đối: thay vì đơn sơ đón nhận các phép lạ giải cứu như những người “bé mọn”, thì con người lại dựa vào các “khôn ngoan, thông thái” của xác phàm để bới móc, bắt bẻ chống đối các hành vi cứu độ của Đức Giêsu (x.9,3.9-17). Rồi qua Mt 11-12, sự chống đối bắt đầu có nét bạo lực, qua việc cầm tù Gioan (11,2) rồi nảy sinh ý định tìm cách giết Đức Giêsu (12,14). Đức Giêsu buộc lòng phải khiển trách nặng lời và cảnh cáo mối nguy ngoan cố của họ (11,16-24; 12,22-32).

Vậy phải giải thích thế nào sự mâu thuẫn giữa, một mặt là “Nước Trời đã đến gần”, Đấng Mêsia đã ra tay hành động với những dấu lạ hoàn tất các lời Cựu Ước đã loan báo trước; Và mặt khác là sự dữ vẫn ngang nhiên lộng hành, người lành vẫn bị thua thiệt, sứ điệp và các dấu lạ thời thiên sai vẫn bị xuyên tạc, khước từ? Người thiện chí hoang mang chao đảo: Nước Trời thật sự đã đến rồi, hay là chúng tôi còn phải chờ một ai, một cái gì khác? (11,3). Mt 13 là lời đáp trả của Đức Giêsu: Nước Trời thực sự đã tới! Nhưng đó chỉ là bước khởi đầu: dụ ngôn một; Còn phải trải qua nhiều tiến triển (năm dụ ngôn ở giữa) để rồi cuối cùng mới hoàn tất vào Ngày Cánh Chung (dụ ngôn thứ bảy).

Tin Mừng hôm nay là dụ ngôn một,nội dung vay mượn từ hình ảnh nông nghiệp thời đó: “Người gieo giống đi ra gieo giống” (13,3). Ngay câu đầu của dụ ngôn, Đức Giêsu đã thức tỉnh các thính giả: Nước Trời không phải là một giải pháp đúc sẵn, được Chúa đem đến để “giải quyết” mọi vấn nạn nhân sinh của kiếp người trần thế, miễn trừ cho kẻ tin mọi cố gắng xây dựng. Thực tại Nước Trời được Đức Giêsu so sánh với “hạt giống” được đem gieo xuống mảnh đất trần gian. Tự trong bản thân của Nó, hạt giống đã được Thiên Chúa đặt để sức sống tràn đầy để có thể phát triển rồi sinh hoa kết trái. Tuy nhiên một khi đã được đưa vào trần thế thì Nó vẫn phải thuận theo qui luật sáng tạo cũng do chính Thiên Chúa tạo thành. Nó phải tôn trọng định luật thời gian, định luật tăng trưởng từng bước một theo từng giai đoạn: được gieo xuống, mục nát, nẩy mầm, thành cây mạ, chiến đấu với thời tiết, sâu bọ…rồi mới tới kết quả trổ bông, sinh hạt. Rồi kết quả của hạt giống cũng còn tùy thuộc vào mảnh đất mà Nó được gieo vào . Trích đoạn Tin Mừng hôm nay gồm ba phần: 

  1. Mt 13,3b-9: dụ ngôn về “hạt giống”. Trọng tâm của dụ ngôn là “hạt giống”: đến thời vụ, “hạt giống” được nông dân gieo vào lòng đất; Điểm chính của dụ ngôn là sức sống siêu vời của hạt giống: bất chấp mọi cản trở, cuối cùng “hạt giống” vẫn cho một kết quả dồi dào. Đây là lời đáp cho thắc mắc của dân. Nước Trời đến rồi! Hạt giống đã được gieo rộng rãi! Những khó khăn đang diễn ra trước mắt chỉ mang tính giai đoạn, chóng qua! Chắc chắn sẽ có một vụ mùa bội thu.
  2. Mt 13,10-17: các lý do mà Đức Giêsu đưa ra để giải thích vấn nạn của các môn đồ tại sao Người giảng dạy cho dân bằng dụ ngôn. Thoạt nhìn, Đức Giêsu có vẻ như độc đoán, thiên vị cho nhóm các tông đồ (câu 11.12.16); Còn câu 13-15 trích từ Is 6,9-10 làm ta có cảm tưởng đám đông bị bỏ mặc cho sự vô tri dốt nát của họ. Thực ra các câu Mt 13,11-17 vọng lại một lịch sử tôn giáo đáng buồn của dân Chúa: một dân cứng đầu lòng không cắt bì; chúng vứt bỏ Lời Chúa ra sau lưng đến độ Chúa đành phải đau lòng để “mặc họ lòng chai dạ đá, muốn đi đâu thì cứ việc đi” (x.Tv 81,12-13). Thế nhưng rồi trong thực tế, Chúa đâu nỡ lòng nào bỏ mặc dân Chúa “muốn đi đâu thì cứ việc đi”; Người tiếp tục sai các ngôn sứ đến nhắc nhở dân và cuối cùng là sai cả Con Một của Người đến, sẵn sàng đón nhận cả cái chết, để cứu họ (x.Mt 22,37).

Vậy khi dùng bài học của dân Chúa trong quá khứ để trả lời cho thắc mắc của các tông đồ, Đức Giêsu khéo léo nhắc lại cho họ sứ vụ truyền giáo mà Người đã trao cho họ trong Mt 10. Thật vậy, giờ này các tông đồ được ưu tiên nghe hiểu về mầu nhiệm Nước Trời, còn đám đông thì chưa (câu 11 và 16); Nhưng sẽ tới lúc Chúa không nói bằng dụ ngôn nữa (x.Ga 16,25) thì chính các tông đồ phải là những người loan báo sự thật cho đám đông: “điều anh em nghe rỉ tai thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27).

3. Mt 13, 18-23: đây là phần giải thích ứng dụng dụ ngôn vào đời sống luân lý tôn giáo. Trọng tâm của phần ứng dụng này không nằm ở “hạt giống” nữa mà chuyển qua “các đám đất”. Đó là hình ảnh biểu tượng cho các hạng người khác nhau đón nhận “hạt giống”. Và kết thúc thay vì “hạt” mang lại kết quả thì “các đám đất” mang lại kết quả “KẺ được gấp trăm, KẺ được sáu chục, KẺ được ba chục. Trọng tâm của dụ ngôn chuyển từ “sức sống mãnh liệt của hạt giống” qua kết quả đạo đức của người đón nhận “hạt giống”. Phần giải thích dụ ngôn này nhấn mạnh đến phẩm chất của các mảnh đất, nghĩa là nhấn mạnh đến thái độ đáp trả quảng đại của con người trước hồng ân Lời Chúa được tặng ban.

Bài đọc Tin Mừng quá phong phú, trong vài trang ta chỉ suy niệm vài chi tiết trong phần chính là bài dụ ngôn Mt 13,1-9. Chúng ta có thể giải thích bài dụ ngôn theo hướng ngụ ngôn, mỗi chi tiết mang một ý nghĩa:

  • “Hôm ấy”: bài giảng Mt 13 bắt đầu bằng từ “hôm ấy”: “ên te hemera” dịch sát là “trong ngày ấy”. Đó là thuật ngữ thường gặp trong Cựu Ước được dùng để ám chỉ thời điểm mà Thiên Chúa sẽ can thiệp một cách mạnh mẽ vào lịch sử nhân loại để từng bước đưa công trình cứu độ của Chúa đến mức hoàn thiện dần. “Ngày ấy” chính là “Ngày của ĐỨC CHÚA”, “Ngày của Yavê”. Ngày đó có thể là ngày ngăm đe, chỉnh sửa, án phạt (x.Am 5,18-20; Is 13,9; 17,4…), và cũng có thể là ngày tha thứ, ân phúc, hồi phục (x.Hs 2,18.20; Gr 25,6.9; 50,4) và nhất là, đó là ngày tính phổ quát của ơn cứu độ được tỏ lộ: Thiên Chúa qui tụ tất cả mọi dân lại trong vòng tay yêu thương của Chúa, kể cả những kẻ trước kia là thù địch của dân Chúa (x.Is 2,2-5; 19,21.22.24). Chính trong bối cảnh của ơn cứu độ phổ quát này – cho dù trong hiện tại còn có những chống đối – mà Đức Giêsu đã dạy “dụ ngôn người gieo giống”. “Hạt giống” được gieo rộng rãi trên tất cả mọi loại đất, không ai bị loại trừ: đường đi, sỏi đá, gai góc…

Vậy Đức Giêsu công bố: “Ngày của Chúa” đã bắt đầu! Nước Trời đang tới!

  • “Người gieo giống” ám chỉ chính Thiên Chúa.
  • “Hạt giống” đầy sức sống, thắng vượt mọi chống đối, khước từ để cuối cùng là một vụ mùa bội thu đó là Lời Chúa, là công trình cứu độ trong Đức Giêsu và cũng chính là Đức Giêsu.
  • “Vệ đường”, “sỏi đá”, “bụi gai”: chúng ta không cần bận tâm chú giải chi tiết, ứng dụng: rất nhiều, đa dạng, phong phú…Những khước từ, chống đối từ phía con người được tổng quát hóa trong các dạng đất được kể trên, và con số được chọn là số “3”, hàm nghĩa là “nhiều”, “tất cả”, “bao quát”.

Xin chia sẻ một suy tư từ các chi tiết trên. Tất cả như là một biểu tượng lớn diễn tả lịch sử cứu độ từ Cựu Ước cho tới Đức Giêsu. Cho dù “đất đai” nhân loại, dòng lịch sử vẫn còn đầy “vệ đường”, “sỏi đá”, “bụi gai” nhưng Thiên Chúa vẫn không ngừng gieo “Lời”. Rồi tình trạng lúc Đức Giêsu đang nói “Bài giảng bằng dụ ngôn” cũng chẳng có gì sáng sủa hơn: các chống đối, xuyên tạc, cứng tin vẫn còn sờ sờ trước mắt; Thế nhưng “Ngôi Lời” vẫn nhập thể. Đức Giêsu chấp nhận thực tại phũ phàng đó và một lòng ca ngợi thờ lạy Thánh Ý, đường lối của Cha (x.11,25-26). Đức Giêsu tin vào con đường Thập Giá (x.Mt 12,38-42), luôn tỉnh thức trước âm mưu của Quỷ: dạy dỗ, cảnh báo các môn đệ (x.Mt 12,43-45) và kiên trì thiết lập một gia đình mới, don một “mảnh đất tốt” dọn chỗ cho Lời Chúa bám rễ và sinh hoa trái (x.Mt 12,46-50).

  • “Đất tốt”: chính là gia đình mới được đặt  nền trên việc đón nhận và thi hành Ý Cha (x.Mt 12,50). Chính “nhóm” này là những người “được ơn hiểu biết về Nước Trời”, có phúc vì được mắt thấy tai nghe Lời Chúa (13,11-16). Chính họ phải gánh vác mọi tiêu cực của nhân loại, nhờ đó vào “ngày gặt” Lời mang lại kết quả phong nhiêu.
  • Nhưng tại sao kết quả lại giảm dần: 100 xuống 60 rồi 30?
  • Trong Lc 8,8, kết quả chung cuộc là tuyệt đối: “gấp trăm”. Cái nhìn của Luca là lý tưởng, đứng trên góc nhìn từ Thiên Chúa: Bất chấp mọi sự, cuối cùng dự tính của Thiên Chúa sẽ được hoàn tất trọn vẹn. Kết quả của Luca là vào thời điểm cánh chung.
  • Trong Mc 4,8 và Mt 13,8 là cái nhìn dựa trên thực tế hiện tại: cho dù khó khăn, “hạt giống” do Cha gieo vãi, sứ điệp của Đức Giêsu vẫn từng bước một sẽ đạt mức hoàn tất. Cái nhìn của Maccô coi bộ hợp lý hơn.
  • Còn Mt 13,8, kết quả lại giảm dần! Tại sao? Đây là một thực tại của việc loan Tin Mừng thời các tông đồ. Trong ý Thiên Chúa, lẽ ra người Do Thái phải là được ưu tiên nghe và đón nhận Tin Mừng (x.Ga 4,22; Cv 13,46) (đừng quên Tin Mừng Matthêu là được soạn thảo đặc biệt cho người Kitô hữu gốc Do Thái), thế nhưng càng ngày họ càng khước từ sứ điệp Tin Mừng do các môn đệ loan báo, chẳng những thế lại còn cản trở, chống phá việc loan báo Tin Mừng. Thật vậy cộng đoàn kitô hữu lý tưởng tiên khởi chắc là 100% người Do Thái (x.Cv 2-4); Nhưng dần dần sự dữ xâm nhập (x.Cv 5,1-11), nội bộ chia rẽ: cộng đoàn suýt “chết ngạt” chỉ vì việc chia lương thực không đều (Cv 6,1-6); các thủ lãnh Do Thái chống đối ra mặt (Cv 5,17-33). Và số người Do Thái tin vào Đức Giêsu ngày càng ít so với dân ngoại (Mc) ngày càng tăng. Matthêu đã nói lên thực tại buồn đó giữa lòng cộng đoàn kitô hữu gốc Do Thái.

Bài học đó luôn mang tính thời sự cho các tín hữu mọi thời: đừng để ơn Chúa ra vô hiệu hoặc suy yếu trong cõi lòng chúng ta.Tín hữu hãy luôn là mảnh đất tốt giữa lòng thế giới sỏi đá, gai góc, đường đi. Mỗi tín hữu hãy là NIỀM VUI cho Chúa của mình để ngay giữa trần thế này, dù còn bóng tối thì lời ca khen thờ phượng Cha vẫn luôn vang lên suốt dòng lịch sử.

Frère Pierre Đình Long FSC