CHÚA NHẬT XV THƯỜNG NIÊN MĂN C

Đnl 30, 10-14; Lc 10, 25-37.

Chủ đề: Tuân giữ lệnh truyền của Thiên Chúa, đó là cội nguồn sự sống.

*Đnl 30.10a: Anh em hãy nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người.

*Lc 10, 27-28: Ngươi phải yêu mến ĐỨC CHÚA và yêu mến người thân cận. Cứ làm như vậy là sẽ được sống

   Chúa nhật trước, XIV năm C, đã đề cập đến một mối quan tâm của kiếp người, đó là niềm vui, hạnh phúc. Nhưng trong thân phận hữu hạn của nhân loại thì niềm vui, hạnh phúc nào rồi cũng sẽ phải qua đi. Cái chết sẽ hủy diệt mọi niềm vui và hạnh phúc mà con người suốt đời lo tích lũy. Và đối với một số người thì cái niềm vui, hạnh phúc mà họ bám riết ở đời này lắm khi lại trở thành nỗi bất hạnh không thể chịu nỗi cho họ một khi phải giã từ tất cả để ra đi với hai bàn tay trắng: chết mà không đành lòng nhắm mắt vì của cải, chồng vợ, con cái, danh vọng…sẽ để lại cho ai? (x. Lc 12, 20).

  Thực tế phũ phàng ấy đã làm nẩy sinh một ảo vọng: làm cách nào để con người phải chết có được “sự sống đời đời làm gia nghiệp” (x. Lc 10,25b). Người ta tìm cách kéo dài phúc lộc, nâng cao tuổi thọ, kể cả đi tìm thuốc trường sinh. Thế nhưng tất cả đều bị cái chết khuất phục. Sự sống đời đời không nằm trong tầm với của con người: kiếp người tội lỗi không đến được với “cây trường sinh” nữa (x.St 3, 22-24). Tuy nhiên Thiên Chúa không bỏ mặc nhân loại cho sự chết: từng bước một, Chúa gieo lại mầm sống trường sinh và hơn nữa mầm sống thần linh vào trong nhân tính hay chết của con người. Chúa hứa đạp đầu Rắn, cho Lời Chúa nhập thể để chỉ cho nhân loại đường về lại cõi sống. Lời Chúa hôm nay không đưa ra một định nghĩa, một mô tả về sự sống đời đời, nhưng chiếu soi một luồng sáng chỉ cho con người “PHẢI LÀM GÌ?” để có lại được sự sống đời đời làm gia nghiệp. Câu đáp là: “để anh em được sống, hãu yêu mến ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em hết lòng hết dạ” (x.Đnl 30, 6) và biểu lộ cụ thể ra bên ngoài là “nghe tiếng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mà giữ những mệnh lệnh và thánh chỉ Người đã ghi trong sách Luật này…” (x. Đnl 30,10). Chính Đức Giêsu cũng khẳng định “cứ làm như vậy là sẽ được sống” (x.Lc 10, 28). Thật vậy, Thiên Chúa là cội nguồn sự sống và hiện hữu (x.St 1), bất tuân lệnh Chúa (x.St 2, 17), xa Chúa là chết (x.St 3, 23-24), do đó để có lại được sức sống vĩnh cửu, con người phải quay về kết hợp với Thiên Chúa, cụ thể là giữ luật Chúa đã thương ban để hồi phục con người.

   Bài đọc 1 trích vài câu trong Đnl chương 30. Đó là lời của Môsê khuyên dân hãy rút bài học từ cuộc sống để biết khôn ngoan chọn lựa sự sống và hạnh phúc, bằng cách nghe và đem Luật Chúa ra thi hành (x.Đnl 30, 15-20). Để sống dồi dào, con cháu đông đúc là “phải yêu mến ĐỨC CHÚA… đi theo đường lối của Người, và tuân giữ các mệnh lệnh, thánh chỉ, quyết định của Người… (x.Đnl 30, 10. 16).

   Đối với dân ngoại, các mệnh lệnh, thánh chỉ nói trên thuộc lãnh vực thần linh vượt quá tầm mức người phàm; Họ không thể biết, tiếp xúc được với Luật Chúa: “ai có thể lên trời để đem Luật trời xuống cho họ, hoặc vượt biển khơi đi tìm được về cho họ?” (x. Br 3, 29-30). Trái lại đối với Israel, dân được Thiên Chúa ưu đãi. Luật đã được Thiên Chúa ban cho dân tại núi Sinai, đó là sách Luật mà “hôm nay” Môsê truyền lại cho dân (x. Đnl 4, 8-14). Luật Chúa trở nên gần gủi đối với Dân, đồng hành với dân trên mọi nẻo đường của cuộc sống: lúc đi đường, lúc ở nhà, lúc ngủ cũng như thức (x.Đnl 6,4-9). Do đó Dân không thể viện ra bất kỳ lý do nào để khước từ, thoái thác tuân giữ Luật Chúa. Vấn đề còn lại là Dân sống Luật Chúa như thế nào? Dân phải NỘI TÂM HÓA Lời Chúa: Luật Chúa không thể là những văn tự chết (x.2Cr 3, 6), áp đặt trên Dân từ bên ngoài, nhưng phải là sức sống của Chúa được khắc ghi trong tim con người (x.Gr 31,33). Nhờ đó Dân tự nguyện thi hành và được sống (x. Đnl 6,2-3).

   Bài đọc Tin Mừng thuật lại cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và một thầy thông luật. Ông này muốn thử Đức Giêsu bằng cách đặt ra một câu hỏi mà phận người phải chết ai cũng ước mơ: “Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp ?. Trong Tin Mừng Luca, Đức Giêsu không trả lời trực tiếp: Người hỏi ngược lại ông thông luật với một chút gợi ý: “Trong Luật đã viết gì?”. Và ông thông luật đã đưa ra một câu trả lời tuyệt hảo, ngắn gọn, tóm gọn hết toàn bộ lề luật: mến Chúa hết lòng hết dạ, và yêu người thân cận như chính mình. Đức Giêsu hoàn toàn đồng ý với câu đáp đó: “ông trả lời đúng lắm”. Vấn đề còn lại là “cứ làm như vậy là sẽ được sống”.

   Lời Đức Giêsu xác nhận lại lời của Môsê trong bài đọc 1: Luật Chúa ở rất gần anh em, ngay trong miệng trong lòng anh em – vấn đề là đem ra thực hành” (Đnl 30,14) – Hóa ra những gì con người thao thức kiếm tìm thì Thiên Chúa đã ban cho rồi, đặt ngay trong lòng chúng ta. Thay vì đem ra thực hành, ta lại đặt thêm vấn đề cho Chúa: “ai là người thân cận của tôi?”. Câu hỏi trên làm lộ nét vụ luật của ông thông luật: đối với ông, yêu tha nhân vẫn còn nằm trong phạm trù quy định của Luật; chủ từ của người thông luật “là người thân cận” là “Ai”; Còn “Tôi” ở vị thế thụ động chờ “ai đó” trở thành “người thân cận” của tôi. Đức Giêsu đảo lại: chủ từ là “Tôi” qua dụ ngôn “người Samaritano nhân hậu”. “Tôi” phải là “người Samaritano nhân hậu” luôn ở tư thế sẵn sàng là “người thân cận” của những ai lâm cảnh bất hạnh.

   Chúa đã thương trao cho ta Luật Chúa; trao luôn quyền chủ động “yêu tha nhân như chính mình Ta, như vậy để có được sự sống đời đời ta chỉ còn tự nguyện giữ Luật Chúa để ý Chúa dẫn thấm nhuần trong ta làm sống đời đời của Chúa thành sự nghiệp của chúng ta

Frères Đình Long FSC