CHÚA NHẬT XIV THƯỜNG NIÊN NĂM C

Is 66, 10 -14c; Lc 10, 1-12.17-20

Chủ đề: Công bố niềm vui cứu độ đến gần

*Is 66, 12: Này Ta tuôn đổ xuống thành đô ơn thái bình tựa dòng sông cả.

*Lc 10, 9b: Triều đại Thiên Chúa đã đến gần.

       10, 20b: Anh em hãy vui mừng vì tên anh em được ghi trên trời.

          Lời Chúa của Chúa Nhật XIV thường niên năm C kêu mời tất cả những ai đã biết và đi theo Chúa hãy mạnh dạn, công khai loan báo cho những người còn đang sống trong bóng tối u sầu biết rằng niềm vui đang tới gần. Được sống an bình, vui tươi, hạnh phúc, cho dù ít ỏi, ngắn ngủi – cũng là một khát vọng chính đáng và lớn lao của kiếp người.

   Đang mò mẫm trong đêm tối, âu lo không biết đâu là đường hướng, thì chỉ dầu là một đốm sáng nhỏ chập chờn từ xa chợt lóa lên, đó cũng là một niềm vui, một hy vọng cho thân lữ khách dặm trường đang chìm trong bóng tối. Vì thế lời Chúa hôm nay kêu mời những ai đã hưởng được niềm vui biết Chúa, được ánh sáng Chúa chiếu dọi, được nếm cảm phần nào niềm hạnh phúc được sống với Chúa… hãy công bố niềm vui, hạnh phúc ấy cho những người còn trong trùng vây cảu đêm đen thất vọng.

   Với quyền năng vô biên, với tình yêu không tính toán, Thiên Chúa có thể đem trực tiếp ơn cứu độ cho mọi người. Tuy nhiên Chúa trung tín với dự tính ban đầu của Người: “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” (St1, 26-27). Chúa Con đã đảm nhận tự nguyện nhân tính thì Thiên Chúa

   Cũng muốn con người cũng phải đích thân đảm nhận hồng ân “được thông phần thiên tính”; Vì thế Thiên Chúa đã mời gọi những ai đã tin vào Chúa trở nên cánh tay nối dài của Người đem ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc của Chúa đến cho tha nhân.

   Bài đọc 1 trích từ sách ngôn sư Isaia chương 66: Chúa sai vị ngôn sứ thời hậu lưu đày loan báo tương lai tương sáng của Giêrusalem và mời những ai yêu mến thành đô, những người từng khóc than vì thành đô bị tàn phá hãy vui mừng vì thời phục hung sắp tới. Sự thật là dân Chúa đã được hồi hương, họ đang sống trong Đất Hứa. Thế nhưng những gì đang diễn ra trước mắt đám hồi hương này không lý tưởng như những gì họ tưởng nghĩ ra khi nghr các lời hứa lúc cong ở đất lưu đày:

  Số người hướng lòng về Đất Hứa và dám bỏ những gì họ đã tích lũy ở Babylon để lên đường về lại Đất Hứa không nhiều: khoảng 50.000 người (Nkm 7,66; Er 2,64-67 so với 600.000 lúc rời Ai Cập: Xh 12,37)

* Nhóm hồi hương này là những người già, sau năm mươi năm ở đất lưu đày, hoặc là các người trẻ sinh tại Babylon – nhóm già thì hoài cổ; Nhóm trẻ thì chưa biết gì về Thành Giêrusalem ngoài những hình ảnh đẹp đẽ do nhóm hoài cổ hồi tưởng lại. Thực tế khi về đến Giêrusalem, họ đã thất vọng.

* Đất đai khô cằn so với Babylon; Đền Thờ do vua Salomon xây vẫn còn nguyên một đống hoang tàn (x. Kg 1,4b); Tường thành của Giêrusalem thì hủng hê, đổ nát (x.Nkm 1, 3). Rồi dân họ, dù được các vua Ba Tư ưu đãi, cũng chỉ là một thuộc địa.

   Ước mơ khôi phục lại một đế quốc Đavit -Salomon bị sụp đổ hoàn toàn. Họ that vọng! Chính trong bối cảnh đó, lời sấm của Isaia đệ tam vang lên.

   Sấm ngôn mời gọi dân Chúa vui lên! Nhưng niềm vui nào? Dân Chúa mong ước một đế quốc hùng cường về quân sự, giàu có, đủ sức đè bẹp thiên hạ, thống trị chư dân. Trong khi đó niềm vui Chúa loan báo là “Ta tuôn đổ xuống thành đô ƠN THÁI BÌNH tựa dòng sông, lôi cuốn chư dân đến hòa nhập với mọi sự cách tự nguyện như các dòng thác, suối quy về sông cả sẽ êm trôi ra biển (Is 66,12c); Hạnh phúc Chúa ban là hạnh phúc an bình qua hình ảnh em bé vui sướng “bú no bầu sữa mẹ”, và chư dân cũng được quy tụ về để chung hưởng cái hạnh phúc an bình đó. Đó mới thật sự là niềm vui mà người tin Chúa phải can đảm loan báo cho chư dân

  Còn Tin Mừng, đối tượng được Đức Giêsu sai đi loan báo Tin Mừng bình an cho “tất cả các thành” là “NHÓM BẢY MƯƠI HAI” môn đệ. Sứ mạng dành cho “nhóm mười hai” trong Mt 10,1-16, và trong Mc 6,7-13 đã được Lc 10,1-12 mở rộng ra cho “Nhóm bảy mươi hai”. Con số bày mươi hai là con số mang tính biểu tượng: đó là con số ám chỉ tất cả các dân trên thế giới theo danh mục được liệt kê trong St chương 10. Vậy niềm vui này là niềm vui phổ quát, được Thiên Chúa sai dân Chúa mang đến phân chia cho chư dân, chứ không phải là niềm vui vơ vét hết của người khác để gom về cho chính mình.

   Đó là niềm vui được Chúa gọi mời làm cộng tác viên của Chúa để mang BÌNH AN của Người đến cho toàn nhân loại: “vào bất cư nhà nào, trước tiên hãy nói: bình an cho nhà này”; bằng cách loan cho họ tin vui “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” (Lc 10,11b).

   Tin Mừng còn thêm một chi tiết: động cơ và đích đến của niềm vui không dừng lại ở thành quả thấy được tận mắt: “Thưa Thầy, nghe đến danh Thầy cả ma quỷ cũng phải khuất phục chúng con” (10, 17); Mà là niềm vui vĩnh cửu được thuộc về Thiên Chúa mãi mãi: “anh em hãy mừng… vì ten anh em đã được ghi trên trời” (10,2 0).

   Xin Chúa Thánh Thần giúp mỗi kitô hữu các tín được rằng cuộc sống trần gikan của mỗi tín hữu là một niềm vui: NIỀM VUI được Chúa chọn làm cộng tác viên của Thiên Chúa, góp phần vào sứ mạng chiến đấu loan báo Tin Mừng “Triều đại Thiên Chúa đã đến gần” cho thế giới trong niềm hy vọng chắc chắn được hưởng NIỀM VUI vĩnh cửu trong Nước Chúa.

Frères Đình Long FSC