CHÚA NHẬT XIV A THƯỜNG NIÊN

Dcr 9,9-10; Mt 11,25-30

Chủ đề: Niềm vui được Chúa đến bày tỏ ơn cứu độ.

* Dcr 9,9.10: Hãy vui sướng reo hò, vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến…Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân.

* Mt 11,25: Con xin ngợi khen Cha…đã mặc khải mầu nhiệm Nước Trời cho những kẻ bé mọn.

Chủ đề của Chúa Nhật XIV A Mùa Thường Niên là NIỀM VUI. Căn nguyên của VUI là vì ơn cứu độ đã được Chúa thương bày tỏ cho dân Chúa, là những người bé mọn.

Dưới cái nhìn của Cựu Ước, kẻ nghèo hèn, bé mọn là những người bị Thiên Chúa xét phạt. Cái nghèo, bệnh tật bị coi là hậu quả của tội. Và vì là có tội, là ô uế nên họ sẽ không được họp đoàn cùng với dân Chúa để ca khen Người.

Lời Chúa hôm nay đem lại cho họ NIỀM VUI, vì Thiên Chúa đã đoái thương nhìn đến họ, gởi Đấng Mesia chính trực, Toàn Thắng đến với họ. Số phận họ đổi thay, họ được Thiên Chúa mở rộng lòng đón nhận, được nghỉ ngơi, bồi dưỡng.

Niềm vui này được gắn kết với đức khiêm nhường. Chính đức khiêm nhường là yếu tố gắn kết kẻ nghèo hèn với vị Vua – Mesia mà Thiên Chúa đã thương gởi tới cho họ.

Trong bài đọc một, ngôn sứ Dacaria công bố cho dân lời kêu mời, khích lệ của ĐỨC CHÚA: “Hỡi thiếu nữ Xion, hỡi thiếu nữ Giêrusalem (tức Dân Chúa) hãy hớn hở reo mừng; Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi. Vị Vua này có các đặc nét: khiêm tốn và hòa bình, chính trực và toàn thắng.

  • Hình ảnh nói lên sự khiêm tốn của Vị Vua chính là con vật mà Người đang cưởi để đến với dân: con lừa mà lại là một con lừa con vẫn còn đang theo lừa mẹ. Hình ảnh trái ngược lại với chiến mã oai hùng biểu tượng cho chinh chiến.

  • Người cũng là vị Vua hòa bình, vì tất cả những công cụ của chiến tranh: chiến xa, chiến mã, cung nỏ bị Người hủy phá, đẩy xa khỏi Ephraim, Giêrusalem, Đất Nước của Người; và Người sẽ công bố hòa bình cho muôn dân.

Nét khiêm tốn, hiền hòa và an bình được nói ở trên giúp hiểu đúng hai đặc tính “chính trực” và “toàn thắng” của Người:

  • Chính trực ở đây không hiểu là xét xử nhưng nói lên sự thánh thiện, chuẩn mực của Người. Chính con người, tư tưởng của Người là qui luật, cương lĩnh cho mọi sự.

  • Còn toàn thắng không hiểu theo nghĩa thắng trận chiến tranh vì mọi công cụ chiến tranh Người đã hủy bỏ. “Toàn Thắng” chính là giúp họ nhận ra Tình Yêu Thiên Chúa quan phòng trong mọi hoàn cảnh: họ luôn được Thiên Chúa yêu thương.

Một vị vua khiêm tốn, hòa bình như thế đến cứu dân, làm chuẩn mực cho dân thì đó đúng là NIỀM VUI LỚN LAO.

Vị Vua đó chính là Đức Giêsu. Người là vị vua “có lòng hiền hậu và khiêm nhường”, Người đến nói cho những kẻ bé mọn về Mầu Nhiệm Nước Trời mà lại che giấu đối với bậc khôn ngoan thông thái.

Bài đọc Tin Mừng hôm nay mở đầu bằng NIỀM VUI của Đức Giêsu, Niềm Vui thấy Ý Cha, Mầu Nhiệm Nước Trời được Cha mặc khải cho những ai khiêm nhường, bé mọn.

Chính vì thế người kêu mời những ai đang vất vả mang gánh nặng nề hãy đến với Người để nhận được sự nâng đỡ, an ủi. Đối với Đức Giêsu, ách chính là luật đã bị con người làm biến chất thành những gánh nặng không sao gánh nỗi (x.Lc 11,46; Cv 15,10). Đức Giêsu mời mang lấy ÁCH của Người nghĩa là giữ Luật êm ái, nhẹ nhàng của Người: Luật Yêu Thương.

Đức Giêsu đến không để xét xử nhưng để cứu. Cứu không phải bằng cách hủy bỏ Luật nhưng là kiện toàn bằng cách đưa tất cả gánh nặng của Luật lên thập giá và để lại cho ta luật yêu thương. Xin Thánh Thần Chúa soi sáng giúp ta can đảm mang ÁCH của vị Vua – Mesia hiền hậu khiêm nhường.

Như vậy Niềm Vui mà Đức Giêsu mang đến không phải là sự dẹp bỏ mọi “gánh nặng” của kiếp làm người, mà là đảm nhận tất cả trong tình yêu thay vì sợ hãi cam chịu trong uất ức.

Không thể thay đổi mọi sự ngay tức khắc, nhưng đối với tín hữu, “hạt mầm niềm vui” đã bám rễ sâu vào cuộc sống, vì nhờ Đức Giêsu mặc khải, người môn đệ đã nhận ra Ý Chúa trong từng giây phút, biến cố của cuộc đời. Niềm Vui là từ nay biết chắc có Chúa ở cùng chúng ta. Hồng ân “có Chúa ở cùng” đã xóa đi bản án bị đuổi khỏi Eđen; Và tuyệt vời hơn nữa, chốn hồng trần lưu đày được trở thành “ngôi trường” của Thầy Giêsu dùng để dạy chúng ta biết tìm đến với Người để được bồi dưỡng nghỉ ngơi dưỡng sức.

Frère Pierre Đình Long FSC