CHÚA NHẬT XII THƯỜNG NIÊN – năm A

“Anh em đừng sợ người ta…Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm thì hãy nói ra giữa ban ngày vì…tóc trên đầu anh em Cha cũng đếm cả rồi” (Mt 10,26.27.30)

Tin Mừng hôm nay là một trích đoạn trong bài giảng thứ hai trong số năm bài giảng của toàn bộ Tin Mừng Matthêu: bài giảng về sứ vụ truyền giáo (Mt 9,36-10,42).

Matthêu trình bày sứ vụ truyền giáo của các tông đồ là một sự tiếp nối công cuộc cứu độ của Đức Giêsu. Các ông được Đức Giêsu chọn và sai đi để “leo lên mái nhà rao giảng” công khai điều các ông được “nghe rỉ tai” (x.Mt 10,27). Thật vậy trong câu 9,35, Matthêu tóm tắt những nét chính công cuộc rao giảng của Đức Giêsu: Người đi khắp mọi nơi “thành thị” lẫn “làng mạc” để thi hành sứ vụ thiên sai ngang qua ba dạng hoạt động:

  1. Giảng dạy (didaskôn) trong các hội đường, nghĩa là tiếp tục việc của các bậc thầy Do Thái giáo, gìn giữ và lưu truyền mặc khải, truyền thống chân chính của Cựu Ước, của đức tin tuyển dân đang chờ Nước Trời, Đấng Mêsia đến.

  2. Rao giảng (keryssôn) Tin Mừng Nước Trời, nghĩa là công bố luôn điều mà tuyển dân Cựu Ước mong đợi nay tới rồi, ngang qua lời rao giảng của Người (x.Mt 4,17) với các dấu lạ kèm theo như là một bảo chứng (x.Mt 11,2-5).

  3. Và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền: “chữa lành” đó là những dấu chỉ đã được các ngôn sứ loan báo trước giúp nhận ra Nước Trời đã tới, thời Mêsia khai mạc (x.Is 35,5-6; 61,1). Điều đó đã ứng nghiệm nơi Đức Giêsu: sau “bài giảng trên núi”, Mt 8-9 trình bày mười phép lạ của Đức Giêsu đủ mọi thể loại: các thứ bệnh bại liệt, câm, mù, băng huyết; trừ quỷ; làm chủ cả thiên nhiên gió biển; và kể cả thần chết cũng khuất phục Người.

Vậy với Đức Giêsu, Nước Trời đã tới. Tuy nhiên đường lối hoạt động mà Đức Giêsu đã nhận từ Cha là LÀM NGƯỜI, với tất cả những giới hạn của phận làm người, Đức Giêsu không một mình làm tất cả mọi sự. Người luôn là thành viên của nhân loại, Người và Cha đều muốn nhân loại hiệp thông với Người trong việc thi hành ý Cha, vì thế một trong những việc thiết yếu đầu tiên của Đức Giêsu là CHỌN MÔN ĐỆ, đào tạo…(x.Mt 4,18-22; Mc 1,16-20) và để chuẩn bị trao ban quyền bính và sai đi tiếp tục công cuộc của Người (x.Mc 3,14; Mt 10,1-42).

Bài giảng về sứ vụ bắt đầu với Mt 9,36. Qua câu này, Matthêu kín đáo trình bày dung mạo thần linh của Đức Giêsu khi Người sai các tông đồ đi thi hành sứ vụ.Thật vậy các chi tiết trong 9, 36 gợi lại hình ảnh Thiên Chúa trong Cựu Ước:

  1. Đức Giêsu “THẤY” đám đông…lầm than, vất vưởng: gợi lại hình ảnh Yavê thấy nỗi khổ của dân dưới ách Ai Cập (x.Xh 2,25; 3,7-10).

  2. Đức Giêsu “chạnh lòng thương” vì họ…như đàn chiên không người chăn dắt: gợi lại hình ảnh Yavê mục tử, Mêsia mục tử trong Ed 34. Còn “chạnh lòng thương” tức là “lòng thương xót” là nét đặc thù riêng của Thiên Chúa (x.Tv 4,2; 6,3; 9,14; 25,16… Khi cầu nguyện với Thiên Chúa, chúng ta van nài “xin Chúa thương xót”, còn với Đức Mẹ, các thánh thì “xin cầu cho chúng con”). “Chạnh thương” cũng gợi lại tình yêu của Yavê đối với dân sắp bị diệt chủng bên Ai Cập được biểu lộ ra qua hành vi “nghe dân kêu than”, “biết chúng khổ đau” rồi “xuống giải thoát chúng” (x.Xh 3,7-8 và ĐNTHTK “Nhân từ”. Cựu Ước I, 1).

  3. Đức Giêsu chọn và sai đi Nhóm Mười Hai gợi lại Thiên Chúa chọn sai Môsê đi cứu dân.

Như vậy sứ vụ tông đồ không phải là sáng kiến của nhân loại, không là hoa trái của lòng nhiệt thành phàm nhân (Phaolô rất nhiệt thành với đạo Do Thái nhưng lại sai lầm đi bách hại kitô hữu). Cội nguồn sứ vụ tông đồ là lòng thương xót của Thiên Chúa trước cảnh cùng khốn của con người.

Vậy trong tư cách là vị Thiên Chúa Mục Tử chạnh lòng thương đàn chiên bơ vơ của mình, Đức Giêsu đã sai các tông đồ ra đi thi hành sứ vụ tuyền giáo: Đức Giêsu gọi Nhóm Mười Hia lại, chọn họ làm tông đồ, sai đi và ra chỉ thị hướng dẫn; Báo trước cho họ biết những bách hại, cùng khốn luôn chờ đón họ; Đồng thời, Người cũng trấn an các tông đồ đừng sợ, đừng chùn bước trước các thử thách ấy, bởi vì có Chúa đồng hành, quan phòng lo cho họ; Đồng thời, Người cũng trấn an các môn đệ, khích lệ thúc đẩy loan Tin Mừng trong tâm tình cậy trông phó thác vào tình yêu quan phòng của Thiên Chúa. Tin Chúa quan phòng đó là điều cốt yếu để môn đệ hoàn thành được sứ vụ truyền giáo đầy thách đố mà Đức Giêsu đã trao.

Lời trấn an, mời tin vào Chúa quan phòng của Đức Giêsu trong Tin Mừng hôm nay gồm tóm trong bốn lần lập lại động từ “SỢ”: ba lần “đừng sợ” (câu 26, 28a, 31) và một lần “hãy sợ” (câu 28b). Vậy vấn đề không phải là vô cảm, liều mạng chẳng biết sợ hãi là gì! Vấn đề là phải biết sợ đúng đối tượng, đúng nơi, đúng lúc và biết rõ lý do vì sao phải sợ. “Sợ” không phải là vì hèn nhát, trốn chiến đấu, tìm an thân cho bản thân mình; Nhưng “sợ” là vì lợi ích ơn cứu độ cho mình và cho tha nhân; Phải biết sợ để nỗ lực tìm cách hoàn tất sứ mạng Chúa đã trao ban.

  1. Hai cái “sợ” đầu tiên nhắm vào đối tượng là người đời, là những kẻ quấy phá, cản trở sứ vụ loan báo Tin Mừng của các môn đệ:

    1.   “Đừng sợ người ta”: “người ta” ở đây là những kẻ chống đối, tố cáo, vu khống, bách hại các môn đệ được Đức Giêsu nói ở đoạn trên Mt 10,17-24. Bọn này đang tìm đủ mọi cách để cản trở việc loan báo Tin Mừng, vì sứ điệp Tin Mừng làm xáo trộn cuộc sống của họ, làm bậc thang giá trị sống của họ bị đảo lộn (x.Mt 5-7).Vậy sứ điệp mà Đức Giêsu gởi cho các môn đệ ở đây là: đừng sợ các chướng ngại ấy, cứ mạnh dạn tuyên bố công khai sứ điệp Tin Mừng mà mình đã nhận được nơi Đức Giêsu, không gì ngăn cản được hạt giống Tin Mừng sẽ có một vụ mùa bội thu: hạt được gấp trăm, sáu mươi, ba mươi (x.Mt 13,3-9) bất chấp trong hiện tại, kẻ thù gieo cỏ lùng quấy phá (x.Mt 13,24-30).

    2.   “Đừng sợ kẻ chỉ giết được thân xác”: “chết” là nỗi sợ lớn nhất của kiếp người, nó làm tê liệt mọi cố gắng, vô hiệu hóa mọi nỗ lực của phận người. Ác thần đã ma giáo khai thác nỗi sợ cái chết để khống chế, điều khiển một số lớn người. Thực ra Ác Thần chẳng có quyền chi trên số phận con người nếu không được Chúa cho phép, nhưng mọi sự vẫn nằm trong bàn tay quan phòng yêu thương của Chúa (x.Giop 1-2). Cái chết chẳng qua đó chỉ là hậu quả của việc con người khước từ đón nhận sự sống từ Thiên Chúa (x.St 2,16-17). Chúa phạt con người phải chết nhưng chết chỉ là một giai đoạn vì Chúa đã chuẩn bị trước phương thức để hồi sinh (x.St 3,15) và cuối cùng sự chết thể xác sẽ không còn nữa (x.Kh 21,4).

Vậy với lời “đừng sợ” thứ hai này, Đức Giêsu vạch trần bộ mặt lừa đảo, dối trá, bịp bợm của Ác Thần và bè lũ tay sai của Nó (Nó đã lừa được Adam – Eva trong Vườn Eden, nhưng không lừa được Đức Giêsu trong “cơn cám dỗ ở hoang địa” và “trên Thập Giá); Đồng thời hướng dẫn cho đoàn môn đệ con đường phải theo qua hai lời khuyên “HÃY SỢ” rồi “ĐỪNG SỢ”.

  1. “HÃY SỢ” Đấng có thể tiêu diệt cả hồn xác trong Hỏa Ngục:

Thiên Chúa thật là Đấng làm chủ sự sống : Người là Đấng Hằng Sống (x.Gr 10,10; Ga 6,48); Mọi loài có và sống được là nhờ Chúa gởi sinh khí tới (x.Tv 104,30) và chỉ cần “Người lấy sinh khí lại là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104,29). Vì vậy nếu phải sợ vì bị cái chết đe dọa thì chỉ phải sợ một mình Chúa mà thôi. Câu nói “Hãy sợ” của Đức Giêsu có vẻ như đe dọa, nhưng thực ra đó là lời mời hãy tin Chúa Quan Phòng. Thật vậy hình ảnh so sánh đi tiếp ngay sau lời “Hãy sợ” (x. Mt 10,29-30) cho thấy dung mạo chăm sóc chỉn chu mọi loài dù nhỏ bé nhất của Vị Thiên Chúa Quan Phòng không hề bỏ rơi bất kỳ sự gì Chúa đã dựng nên.

Vậy các môn đệ được sai đi phải tin vào Chúa Quan Phòng mà can đảm vượt qua mọi sợ hãi cho dù là phải chết phần xác để loan Tin Mừng giải phóng nhân loại khỏi cái bẫy “dối trá” mà Ác Thần và bè lũ tay sai giăng ra để cản trở ơn giải cứu đến cùng nhân loại.

  1. “Đừng sợ” (câu 31) chữ này đồng nghĩa với “Hãy tin Chúa Quan Phòng” như đã nói trên vì các môn đệ đã nghiệm ra được Tình Yêu Thiên Chúa trên cuộc đời mình, đã xác tín được rằng con người của mình là cực kỳ quý giá trước mắt Thiên Chúa: Để cứu chúng ta Chúa đã trả giá bằng chính sự sống của Con Một Người (x.Ga 3,16). Tuy nhiên vì Chúa là chủ sự sống nên qua cái chết của Đức Giêsu mọi án phạt đã được xóa: sự chết không còn quyền gì trên Đức Giêsu và nhân loại (x.Cr 15,54-55).

Vấn đề còn lại phần cá nhân mỗi người có chịu đón nhận đường lối Thập Giá và Phục Sinh mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu làm thành gia bảo của mình hay không? Cách thể hiện: “ĐỪNG SỢ!”, can đảm vâng lệnh Đức Giêsu, tin Chúa Quan Phòng, lên đường loan báo Tin Mừng giải phóng cho con người. 

Nhắc lại điều Chúa đòi hỏi ai cũng làm được: “Anh em hãy XIN CHỦ MÙA GẶT SAI THỢ RA GẶT LÚA VỀ” (Mt 9,38). Qua cầu nguyện trong tín thác, mỗi tín hữu là một máng chuyển hồng ân Chúa cho thế giới. Bài giảng về “sứ vụ truyền giáo” là lệnh truyền mà Đức Giêsu ưu ái gởi đến TỪNG TÍN HỮU và Người từng giây phút chờ mong lời đáp trả tích cực của chúng ta. Chúa luôn dư thừa ơn huệ để hỗ trợ, đồng hành với chúng ta.

Frère Pierre Đình Long FSC