CHÚA NHẬT I PHỤC SINH

Bài 1

Cv 10,34a.37-43; Ga 20,1-9
Chủ đề: Lời Chúa là nền tảng giúp tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh

* Cv 10,40a.43a: ngày thứ ba, Thiên Chúa đã làm cho Đức Kitô trỗi dậy… Tất cả các NGÔN SỨ đều làm chứng về Người.

* Ga 20,9: ông đã thấy và ông đã tin. Thật vây… theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết.

ĐỨC GIÊSU ĐÃ SỐNG LẠI THẬT RỒI. Halleluia!

Thần chết đã vĩnh viễn bị khuất phục. Từ nay nọc độc, quyền lực của Tử Thần không còn khống chế được nhân loại nữa. Và còn hơn thế nữa, một con người trong nhân loại đã đi vào vinh quang thần linh, được tôn vinh là CHÚA (Pl 2,11).

“Tử Thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi Tử Thần, đâu là chiến thắng của ngươi?” (1Cr 16,54 x.Is 25,8; Hs 13,14). Chiến thắng của Đức Giêsu là chiến thắng toàn diện, nhân tính cả xác lẫn hồn được hồi sinh, giao hòa lại với Thiên Chúa mà còn được thông phần thiên tính với Thiên Chúa. Và đây cũng là sự phục sinh CHO TOÀN THỂ NHÂN LOẠI chứ không phải chỉ cho một cá nhân; Và là phục sinh nhân tính chứ không phải chỉ phục sinh thân xác. Thật vậy, xưa kia, trong Vườn Eđen, Ađam, Eva ăn trái cấm, nhưng họ đâu có chết theo kiểu “hết thở”, “tim ngừng đập”, nhưng là bị loại trừ ra khỏi nhan Thiên Chúa. Đức Giêsu là Ađam mới (Rm 5,18-19) qua phục sinh đã đưa nhân tính của Người và toàn thể nhân loại về lại với Ba Ngôi Thiên Chúa; và còn hơn nữa, PHỤC SINH còn là tôn vinh nhân tính, cho được thông phần thiên tính kết hợp mật thiết với Ba Ngôi trong Đức Kitô.

Từ đó TIN vào Đức Giêsu Phục Sinh không phải là công việc riêng chỉ của lý trí đón nhận, cho là thật một biến cố, một sự kiện thuộc thế giới tự nhiên; không phải là chứng minh được sự kiện bằng một kiểm chứng khoa học thực nghiệm.

Vì vậy, LỜI CHÚA, khi nói về Phục Sinh không hề có chủ ý mô tả sự kiện, nhưng mà qua những nét tưởng chừng là mô tả, Lời Chúa mời chúng ta – tín hữu – khám phá ra cái ẩn tàng bên trong những trình thuật: ĐIỀU GÌ LÀ NỀN TẢNG giúp nhân loại MỌI NƠI, MỌI THỜI đều có thể dựa vào đó để nhận ra và Tin Đức Giêsu đã phục sinh; Và Niềm Tin Phục Sinh phải là một kinh nghiệm đích thân, biệt vị của từng người.

Trong chiều hướng đó, đoạn Tin Mừng được chọn lọc trong Chúa Nhật I Mùa Phục Sinh cho cả ba năm ABC, không hề đề cập đến những lần hiện ra của Đức Giêsu vốn là yếu tố có giá trị nhất ủng hộ cho việc Người đã sống lại. Chúa Nhật I ABC Mùa Phục Sinh trích đọc Ga 20,1-9, không hề có sự hiện diện của Đức Giêsu trong đoạn trích này. Bản văn chỉ cho chúng ta thấy một ngôi mộ trống, viên đá lấp cửa mồ đã được lăn qua một bên, trong mồ không có xác Đức Giêsu, chỉ còn lại băng vải liệm để ở đó và khăn che đầu Đức Giêsu được cuộn lại ngay ngắn, xếp để riêng ra một nơi. Mọi sự ngăn nắp, mang dáng vẻ bình an.

Lần lượt có mặt tại ngôi mộ chỉ có ba nhân vật:

  1. Bà Maria Macđala ra mộ từ lúc trời còn tối. Mục đích chỉ là để viếng mộ, than khóc, níu kéo thêm giây phút được ở gần người thân. Bà đi tìm một XÁC CHẾT với những tình cảm hoàn toàn mang tính phàm nhân. Do đó, lúc tranh tối tranh sáng, từ xa thấy tảng đá lấp mồ lăn qua một bên, bà đã hốt hoảng loan ra một tin do bà tưởng tượng: xác Đức Giêsu bị trộm mất. Nghe tin dữ, Phêrô và môn đệ Chúa yêu vội vàng chạy ra mộ. Người môn đệ Chúa yêu chạy nhanh hơn ra tới mộ trước, nhưng không vào. Phêrô đến sau nhưng chạy luôn vào ngôi mộ trống.

  2. Phêrô là người đầu tiên có mặt trong lòng ngôi mộ, thấy tận mắt hiện trường. Ông là chứng nhân đầu tiên. Sự ngăn nắp của ngôi mộ bác bỏ việc xác bị đánh cắp.

  3. Người thứ hai vào lòng mộ là “môn đệ Chúa yêu”. Tuy nhiên kết quả nơi ông thật bất ngờ: bản văn chỉ ghi gọn “ông đã thấy và ông đã tin”. Lúc đó Đức Giêsu chưa hiện ra cho ai cả. Vậy dựa vào đâu ông ấy tin? LỜI KINH THÁNH.

Thật vậy đứng trước ngôi mộ trống ngăn nắp, HAI ông mới HIỂU lời Kinh Thánh rằng “Theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải trỗi dậy từ cõi chết” nên TIN Chúa đã Phục Sinh.

Trong bài đọc một, Công Vụ kể lại việc Phêrô rao giảng về Đức Giêsu Phục Sinh cho gia đình Cornêliô. Chính lời rao giảng và chứng từ của Phêrô đặt nền tảng trên LỜI CÁC NGÔN SỨ đã là yếu tố giúp Cornêliô tin rằng Đức Giêsu đã phục sinh.

Như vậy KINH THÁNH là yếu tố chính giúp nhân loại mọi thời tin vào Mầu Nhiệm Phục Sinh của Đức Giêsu; Kèm theo KINH THÁNH là một số yếu tố khác khơi gọi lòng tin: đối với các tông đồ, đó là ngôi mộ trống, đối với các tín hữu mọi thời thì đó là CHỨNG TỪ và LỜI RAO GIẢNG TÔNG TRUYỀN về Đấng Phục Sinh. Hãy tiếp xúc với Lời Chúa để tin, rồi biến cuộc sống mình thành lời rao giảng, chứng từ tiếp nối truyền thống tông đồ làm cầu nối cho muôn thế hệ có điểm tựa vững chắc mà tin rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh.

Bài 2

“…Ông đã thấy và đã tin. Thật vậy, trước đó, hai ông chưa hiểu rằng: theo Kinh Thánh, Đức Giêsu phải chỗi dậy từ cõi chết” (Ga 20,8b-9).

Chúa đã sống lại rồi! Halleluia.

Một bầu khí tưng bừng, mới mẻ bừng lên với đèn hoa, nhạc rực rỡ trong phụng vụ, nhất là lời tụng ca Halleluia, đã vắng bóng tuyệt đối trong phụng vụ, suốt 46 ngày Mùa Chay, nay được vang lên dồn dập như một điệp khúc hào hùng của bài ca chiến thắng Thần Chết. Còn nữa, phụng vụ còn mang thêm một sinh lực mới: thời gian chờ đợi của Cựu Ước đã qua rồi, tất cả khát vọng trong âu lo, mỏi mòn của Cựu Ước nay được Thiên Chúa cho no thỏa trong sự phục sinh của Đức Giêsu: bài đọc một trích từ các sách Cựu Ước nay được thế bằng bài đọc trích từ sách Công Vụ Tông Đồ. Giáo Hội ý thức mình là Israel mới, đích thực mà Thiên Chúa đã đoan hứa từ ngàn xưa cho các tổ phụ. Niềm vui dâng cao. Giáo Hội cất lời ngợi khen nói lên lời tri ân cảm mến “CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT! Halleluia”.

Đó là nền tảng của đức tin Kitô giáo và còn là cội nguồn mọi phúc lộc trên trời dưới thế của chúng ta: “nếu Đức Kitô đã không trỗi dậy thì… đức tin của anh em cũng ra trống rỗng… lòng tin của anh em thật là hão huyền và anh em còn sống trong tội lỗi của anh em. Hơn nữa cả những người đã an nghỉ trong Đức Kitô cũng bị tiêu vong… và chúng ta là những kẻ đáng thương hơn hết mọi người.” (1Cr 15,14-19). Tất cả tín hữu kitô đều xác tín như thế, nhưng nếu có ai hỏi: “phục sinh” là gì? Chắc là không ít người lúng túng.

Một cách dễ dãi, nhiều người trong chúng ta thường đơn giản hóa mầu nhiệm nền tảng của đức tin vào một sự kiện, một biến cố vật chất: phục sinh là sự sống lại của một con người đã chết, nghĩa là trở về lại với cuộc sống cũ nơi trần gian và từ đó dẫn đến cái nhìn sai lầm về đời sau là trở về lại cuộc sống hạnh phúc của Ađam, Eva ở Vườn Địa Đàng trước khi hai ông bà sa ngã: vẫn phải vâng lệnh Chúa, lo làm vườn, ăn trái cây và cả phải tiếp tục sinh con đẻ cái, chính vì thế mới có câu chuyện. Nhóm Xađốc mới bịa ra câu chuyện “một bà cưới bảy ông” để tranh luận về vấn đề sự sống lại với Đức Giêsu (x.Mt 22,23-32). Thật ra trong dự tính của Thiên Chúa, phục sinh là hồi phục lại một mối tương quan đã bị con người phá vỡ do không tin, nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa. Thật vậy ngay từ thuở khởi đầu công trình sáng tạo, Thiên Chúa đã dựng nên con người là hình ảnh của Thiên Chúa. Thiên Chúa lại ban cho con người Cây Trường Sinh để rồi từng bước một, trong Đức Kitô, sẽ nâng con người lên ngang hàng với Thiên Chúa, cho làm nghĩa tử để sẽ được giống Đức Giêsu “ai thấy Thầy là thấy Cha” (x.Ep 1,3-5; Ga 14,9). Tiếc thay Ađam, Eva đã sa ngã, nên tương quan giữa Thiên Chúa với con người bị con người đơn phương cắt đứt, và hậu quả nhãn tiền trước mắt là phải chết. Phần Thiên Chúa, Người vẫn không bỏ cuộc, vẫn cứ tiếp tục công cuộc của Người: phục sinh chính là thời điểm Thiên Chúa hoàn tất trọn vẹn dự tính của Người nơi một con người – giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi – là Đức Giêsu. Công trình Thiên Chúa hoàn tất nơi Đức Giêsu sẽ được Thiên Chúa hoàn tất cho toàn thể, từng người nhân loại. Đức Giêsu là “hoa quả đầu mùa” mở đầu cho một vụ mùa bội thu là toàn thể nhân loại sẽ được thông phần thiên tính với Thiên Chúa nhờ Đức Giêsu (x.Cr 15,20.24) (Xin xem thêm trong bài Chủ đề).

Trong suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa không ngừng từng bước một nâng cao con người lên đến hàng địa vị làm con Thiên Chúa. Thật vậy, bên đất Ai Cập, dân Do Thái chỉ là một đám nô lệ đang bị đe dọa có nguy cơ tuyệt chủng vì Pharaô ra lệnh giết tất cả các con trai sơ sinh. Nhưng rồi Thiên Chúa đã can thiệp mạnh cứu đám nô lẹ đó ra khỏi tay diệt chủng của Pharaô; dẫn đưa họ vào sa mạc, ban cho họ Lề Luật làm họ nên một dân tộc làm thành cái nôi để đón tiếp Con Thiên Chúa nhập thể làm con người giữa lòng dân tộc họ. Để rồi khi Đức Giêsu là người, Người tuyển chọn từ giữa đám dân nổi tiếng cứng đầu cứng cổ ấy một nhóm người, đào tạo tinh luyện họ trở thành “BẠN HỮU” của Người, mặc khải cho họ biết Thánh Ý Chúa Cha (x.Ga 15,15) chuẩn bị ban cho họ hồng ân tuyệt vời nhất mà Thiên Chúa đã có từ khi tạo thành vũ trụ, ban cho họ ơn LÀM CON THIÊN CHÚA. Thật vậy, sau khi phục sinh, Đức Giêsu đã hiện ra cho bà Maria Mađalêna và căn dặn bà: hãy đi gặp ANH EM của Thầy và bảo họ: “Thầy lên cùng Cha của Thầy cũng là Cha của anh em, lên cùng Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em” (Ga 20,17b.18a). Với việc phục sinh, Đức Giêsu hiển lộ thần tính là Con Thiên Chúa của Người; và trong tư cách “Con Thiên Chúa” đó, Đức Giêsu gọi môn đệ là “ANH EM = Brother = Frères” của Người và gọi họ là con của Cha như Người. Vậy qua phục sinh, một con người trong nhân loại của chúng ta có tên là Giêsu đã được tôn vinh là “CHÚA = Kyrios”, là Con Cha và Người có năng lực thông chia cho nhân loại quyền làm “Con” đó của Người. Vì thế khi gặp các môn đệ, bà Mađalêna không nói “tôi đã thấy THẦY” mà tuyên xưng rằng “Tôi đã thấy CHÚA = Kyrion”.

Vậy chủ yếu của mầu nhiệm phục sinh không phải là thân xác phải chết của chúng ta sẽ sống lại và trở về lại cuộc sống cũ cho dù là cuộc sống của Vườn Địa Đàng đi nữa, mà là đưa nhân loại vào tương quan CHA – CON với Thiên Chúa và trở thành ANH EM với Đức Giêsu và VỚI NHAU. Cuộc nhận nhau là ANH EM con cùng một Cha, cuộc tụ hội gia tộc đã bắt đầu với cuộc phục sinh của Đức Giêsu. Vậy yếu tố chính giúp con người giới hạn nhận ra được nhau là ANH EM, nhận ra được nhau là có cùng một tộc hệ, con cùng một Thiên Chúa là Cha đó là PHỤC SINH của Đức Giêsu. Mà Phục Sinh là một biến cố lịch sử chỉ diễn ra một lần, vậy bằng cách nào mà nhân loại mọi thời, mọi nơi nhận ra được rằng Đức Giêsu thật sự đã phục sinh? Các tác giả của các sách Tin Mừng sẽ cho chúng ta câu đáp. Tin Mừng Gioan được trích đọc trong Chúa Nhật I ABC Mùa Phục Sinh cũng cho chúng ta một câu đáp.

Trọng tâm của bản văn Ga 20,1-9 xoáy vào một sự kiện khách quan là ngôi mộ đã an táng Đức Giêsu. Xoay quanh một ngôi mộ đó có ba nhân vật hữu hình: Maria Mađalêna, Phêrô và “người môn đệ Đức Giêsu thương mến”. Trong tương quan với ngôi mộ, ba nhân vật trên có ba phản ứng khác nhau. Và một nhân vật không xuất hiện hữu hình, chỉ hiện diện qua phản ứng của ba nhân vật kia, nhưng thực sự đang làm chủ, làm mọi tình tiết trong bản văn có ý nghĩa, đó là Đức Giêsu. Chính phản ứng của ba nhân vật sống, trước ngôi mộ, trước một người tưởng đã chết đã mặc khải cho chúng ta yếu tố nào là nền, là căn bản mà người đọc phải có để có thể khám phá ra được rằng Đức Giêsu đã thực sự Phục Sinh.

  1. BỐI CẢNH CỦA SỰ CỐ : Đức Giêsu đã phục sinh! Mặc dù không ai chứng kiến tận mắt sự kiện, nhưng niềm tin Chúa đã phục sinh không ngừng gia tăng. Mọi sự bắt đầu với sự việc các bà sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần ra viếng mộ Chúa và khám phá xác Chúa không còn trong mộ nữa. Điều gì đã xảy ra ? 

  • Sáng sớm ngày thứ nhất trong tuần lúc trời còn tối : Cả bốn sách Tin Mừng đều đồng ý thời điểm khám phá ra sự cố “ngôi mộ trống” là vào buổi sáng sớm, tuy nhiên cách diễn tả của mỗi sách đều có chút khác biệt. Tin Mừng thứ tư có thêm “trời còn tối”. Cái bóng tối còn sót lại ấy trước khi ánh sáng bừng lên, gợi lại St 1,1: Thiên Chúa bắt đầu công trình sáng tạo bằng cách chấm dứt cái “tối tăm trên mặt uông mang” và dựng nên ánh sáng. Chính vào lúc chuyển đổi từ đêm qua ngày này đã xảy ra một cuộc biến đổi ý nghĩa của thực tại “ngôi mộ”.

“Ngôi mộ” vốn là biểu tượng của sự chết (đi đôi với chi tiết bóng đêm còn sót lại), giờ đã trở thành dấu chỉ loan báo phục sinh, sự sống mới (đi đôi với chi tiết ngày mới đang tới).

Với Thập Giá và Phục Sinh của Đức Giêsu, cái chết không còn là điểm chấm dứt của thân phận loài người nữa mà trở thành ngưỡng cửa bước vào cuộc sống mới. Với ngôn ngữ biểu tượng của Tin Mừng thứ tư, cụm từ “sáng sớm lúc trời còn tối” diễn tả một tạo thành mới đang hình thành, một nhân loại mới sẽ sống vĩnh cửu nhờ Đức Tin. Chi tiết “ngày thứ nhất trong tuần” cũng gợi lên bước khởi đầu của công trình sáng tạo mới. Dòng lịch sử cứu độ lật sang chương mới, dù vẫn còn chút bóng tối, nhưng ngày đã lên ngôi.

2.  “NGÔI MỘ” VÀ MARIA MACĐALA

Với lòng biết ơn (được Chúa trừ khỏi bảy quỷ và trở nên môn đệ Đức Giêsu : x.Lc 8,1-3), Maria Mađalêna đã ra mộ để than khóc theo tục lệ muốn kéo dài giây phút gần gũi với người thân đã chết (x.Ga 11,31). Tuy nhiên lòng mến đó của bà còn quá nặng tình cảm nhân loại, nó giam hãm bà trong phạm trù giác quan, trần thế : đối với bà Đức Giêsu là một người thân đã chết ; bà ra mộ là để tìm, than khóc một thây ma, để níu kéo một cách tuyệt vọng mối dây liên hệ đã đứt đối với một người đã chết. Vì thế khi thấy tảng đá lấp cửa mộ lăn qua một bên, thì thay vì bình tĩnh đến gần xem sự việc thế nào, bà lại vội vã loan đi một cái tin thất thiệt do đầu óc hoảng loạn của bà tưởng tượng ra: người ta đã lấy mất xác Chúa rồi! Đúng là tâm trạng hoảng loạn : gọi Người là Chúa mà lại ứng xử với Người như một xác chết. Chính vì thế khi Đấng Phục Sinh hiện ra cho bà, bà không sao nhận ra được (20,16-17).

Các chi tiết trên cho thấy tiếp xúc giác quan không đưa con người đến chỗ tin nhận rằng Đức Giêsu đã Phục Sinh. Đối với bà, lúc ra mộ, ngôi mộ vẫn là dấu chỉ của sự chết và bà lập luận mọi sự theo cái nhìn “chết” đó. Cần phải có một đổi thay tương quan để nhận ra Chúa đã Phục Sinh.

3. “NGÔI MỘ TRỐNG” VÀ HAI MÔN ĐỆ

Theo cách trình bày của Tin Mừng thứ tư, bà Macđala không hề thấy “ngôi mộ TRỐNG”, ban đầu bà chỉ thấy “tảng đá lấp cửa mộ lăn qua một bên”, liền chạy đi loan báo cái “tâm trạng hoảng loạn của mình”; lần sau, khi “hai môn đệ lại trở về nhà” thì bà mới đến nhìn vào mộ và thấy “hai thiên thần mặc áo trắng” ngồi trong mộ và bà không hề thấy các khăn vải liệm như hai môn đệ đã thấy (20,12).

Vậy người đầu tiên nhìn thấy ngôi mộ TRỐNG là môn đệ Chúa yêu, nhưng ông chỉ nhìn từ bên ngoài nhìn vào thôi; Còn người đầu tiên chứng kiến Ngôi Mộ TRỐNG ngay tại hiện trường với tất cả những chi tiết quan trọng chính là PHÊRÔ.

Trước dấu chỉ tại hiện trường : mọi chi tiết dùng để liệm xác Đức Giêsu đều được tháo cởi ra và xếp lại ngay ngắn để đúng vị trí (20,6-7), thì giả thiết xác bị đánh cắp không thể đứng vững. Tuy nhiên theo suy luận thuần lý thì hiện trường cũng chưa là lý chứng thuyết phục rằng Chúa đã sống lại. Nhưng đối với những ai đã từng gắn bó với Đức Giêsu, được Người loan báo nhiều lần về cái chết và phục sinh của Người thì tất cả đều trở thành DẤU CHỈ làm họ nhớ tới LỜI CHÚA và Lời Chúa khơi lên lòng tin. Giờ này NGÔI MỘ TRỐNG trở thành dấu chỉ LOAN BÁO SỰ SỐNG, dấu chỉ khơi gợi lên lòng tin nhờ NHỚ LẠI và HIỂU LỜI KINH THÁNH (20,9).

4.  BÀI HỌC CHO MÔN ĐỆ MỌI THỜI 

Điều gì làm người môn đệ Chúa yêu tin rằng Chúa đã phục sinh?

Bản văn nói rất rõ : khi ông THẤY và TIN thì Đấng Phục Sinh chưa hiện cho bất kì ai. Vậy việc tiếp xúc thể lý qua giác quan là hoàn toàn không cần thiết để TIN (không phải là chấp nhận một sự kiện mà là đi vào một tương quan mới ). Bản văn được viết cho chúng ta là những người không thể nào tiếp xúc thể lý trực tiếp với con người Giêsu. Các yếu tố bản văn gợi lên cho ta là :

  • Lòng mến chân tình của con người đối với nhau : Lòng mến và biết ơn của Mađalêna đến với Đức Giêsu, dù còn nặng tình cảm nhân loại, đó là yếu tố mở đầu cho việc khám phá ra “NGÔI MỘ TRỐNG”.

  • Ngôi mộ trống: là dấu chỉ của sự chết, sự phân ly. Giờ đây đã trở thành yếu tố QUY TỤ, nơi HẸN cho những ai yêu mến Đức Giêsu. Ngôi Mộ Trống đã bứng họ ra khỏi cái tê liệt do sự chết của Đức Giêsu gây ra : TẤT CẢ CÙNG CHẠY! Chạy đi đâu ? chạy đến NGÔI MỘ TRỐNG và khám phá nét kì diệu của Ngôi Mộ này. Dấu chỉ sự chết đã thành DẤU CHỈ CỦA SỰ SỐNG. Cuộc sống trung thành của các tín hữu với Lời Chúa dạy, nhất là cuộc đời và cái chết của các ĐẤNG TỬ ĐẠO mọi thời chính là “Ngôi Mộ Trống” cho toàn nhân loại.

  • Lời Chúa: yếu tố quyết liệt để khám phá ra rằng Đức Giêsu đã phục sinh dù Người chưa hiện ra là NHỚ và HIỂU LỜI CHÚA. Vậy tín hữu phải thường xuyên tiếp xúc với Lời Chúa để thấm nhuần Lời Chúa vào cuộc sống của mình, có như thế thì khi gặp biến cố, Lời Chúa mới chợt đến giúp ta hiểu và sống Lời Chúa vào những trường hợp cụ thể nhất. Người môn đệ phải nhiệt tình tiếp xúc với Lời Chúa và hết lòng loan Lời Chúa cho mọi người cho dù – như Phaolô – hoàn cảnh có thuận tiện hay không (x. Tm 4,3; 1Cr 9,16).

Biết và hiểu Lời Chúa chính là nền tảng để nhân loại mọi nơi, mọi thời có thể tin vào Đức Giêsu phục sinh dù không gặp Người trực tiếp.

Frère Pirre Đình Long FSC