CHÚA NHẬT I MÙA CHAY-năm B

Bài 1

St 9,8-15; Mc 1,12-15

Chủ đề: Thiên Chúa hồi phục con người qua GIAO ƯỚC và nhất là qua Đức Giêsu.

* St 9,11: Ta lập Giao Ước của Ta với các ngươi … và không có hồng thủy tàn phá mặt đất nữa.

* Mc 1,12-13: Thần Khí đẩy Đức Giêsu vào hoang địa … chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật I B Mùa Chay. Nhìn vào không gian khung cảnh bên ngoài, bầu khí đượm màu u sầu, ảm đạm: lễ phục màu tím, không chưng hoa trên bàn thờ, không hát Vinh Danh lẫn Halleluia … Tuy nhiên những nét đặc thù kể trên, trong niềm tin của người Kitô hữu, không hề mang ý nghĩa tiêu cực, đưa tới tâm trạng thất vọng, lại càng không đưa tới tuyệt vọng buông xuôi; Trái lại đó là dấu chỉ, là cách biểu lộ cụ thể TÂM TÌNH HỐI HẬN: nhận ra được những điều sai trái chết người của mình, cũng như ý thức được những hậu quả khốc hại do các sai trái ấy gây ra; nhưng SÁM HỐI, HỐI HẬN để đi đến HI VỌNG, CẬY TRÔNG, PHÓ THÁC vào tình yêu tha thứ của Thiên Chúa với tất cả thiện chí, nỗ lực cộng tác với ơn Chúa để làm cuộc đời tội lỗi chúng ta nên máng chuyển hồng ân: biến cây Thập Giá án phạt thành cây Thánh Giá cứu độ.

Thật vậy, tất cả những hình thức bên ngoài của Mùa Chay là để CHUẨN BỊ tín hữu cử hành Mầu Nhiệm Vượt Qua, hiện tại hóa Mầu Nhiệm Thập Giá và Phục Sinh của Chúa cho mình và cho nhân loại hiện tại qua các cử hành bên ngoài ấy (AC 27: Những qui luật tổng quát về Năm Phụng Vụ và Niên lịch).

Có được sự biến đổi kỳ diệu nói trên là do lòng thương xót, yêu thương của Thiên Chúa đã đảm nhận trong Đức Giêsu, tất cả những yếu đuối, sai trái của kiếp người làm của Người để rồi tha thứ, chỉnh sửa, đào tạo, hồi phục.

Lời Chúa của Chúa Nhật I B, Mùa Chay trình bày cho chúng ta một cách thức mà Thiên Chúa đã dùng để hồi phục nhân loại: Đó là GIAO ƯỚC. Thiên Chúa đi bước trước đến với con người để hứa ban lời hứa cứu độ; Và chóp đỉnh của mọi giao ước là chính con người của Đức Giêsu trong phận phàm nhân. Người đảm nhận tất cả mọi hậu quả mà con người gây ra do bị Rắn lừa dối; Rồi Người chiến đấu với cám dỗ của Satan để phục hồi lại địa vị con người trong công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

Phần con người, để công trình của Thiên Chúa trổ sinh hoa trái nơi mình, Chúa mời con người sám hối, tin vào Tin Mừng do Người mang Tới và đón nhận triều đại Nước Thiên Chúa đang đến gần.

Bài đọc một thuật lại việc Thiên Chúa hồi phục trật tự, một trật tự mới, của công trình sáng tạo, ngang qua việc Chúa kết một Giao Ước đơn phương với Nôê sau Hồng Thủy. Và qua Nôê, Giao Ước này cũng được ký kết với tất cả mọi sinh vật đã ở trong Tàu với Nôê và gia đình. CHÚA THA THỨ, Chúa hứa không dùng hồng thủy để hủy diệt mặt đất nữa. Và Chúa ban cho một dấu hiệu bảo đảm cho Giao Ước của Người: đó là “CÂY CUNG” mà Chúa treo trên mây mỗi khi có mưa. Đó là CẦU VỒNG ta thường thấy khi có mưa. Cách trình bày hàm ý Giao Ước này có ý nghĩa tương đương với một công trình sáng tạo: toàn thể vũ trụ sẽ hồi sinh, tồn tại và bảo đảm được vĩnh tồn nhờ lời Thiên Chúa hứa cùng Nôê và các con của ông. Nôê được trình bày như Adam mới khởi đầu cho một kỷ nguyên mới.

Bài đọc Tin Mừng của Chúa Nhật I Mùa Chay luôn nói tới việc Đức Giêsu chịu cám dỗ. Tuy nhiên trình thuật này của Marcô thì quá ngắn: chỉ có hai câu 1,12-13, so với hai bài dài của Matthêu và Luca. Marcô không tường trình lại nội dung của ba cơn cám dỗ. Marcô chỉ trình bày Đức Giêsu như Adam mới đã chiến thắng và hồi phục phẩm giá con người lẫn công trình sáng tạo của Thiên Chúa.

  • Đức Giêsu đương đầu với Satan DƯỚI SỰ THÚC ĐẨY CỦA CHÚA THÁNH THẦN. Hành vi này của Đức Giêsu ngược hẳn lại với thái độ của Adam và Eva trong Eden, chiến đấu với Rắn chỉ bằng sức lực phàm nhân và đã thua, mất tất cả. Nay Đức Giêsu chiến đấu dưới sự trợ lực của Thần Khí Thiên Chúa nên Người đã chiến thắng và hồi phục nhân loại.

  • Chi tiết thứ hai cho thấy HỒI PHỤC công trình sáng tạo: Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú”. Cách nói hàm ý sự hài hòa của công trình sáng tạo đã được hồi phục (x.Is 11,6-8; 65,25 …).

  • Các thiên thần hầu hạ Người: khi con người sa ngã, Chúa sai thiên sứ cầm gươm đuổi Adam, Eva khỏi Eđen. Giờ đây với Đức Giêsu, thiên sứ lại được lệnh của Thiên Chúa phục vụ Đức Giêsu con người. Cách nói diễn tả phẩm giá con người đã được hồi phục. Và để cho Giao Ước, công trình hồi phục Chúa ban được sinh hoa kết trái, Lời Chúa mời gọi: “Thời kỳ đã mãn và Triều đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.

Hãy tận dụng Mùa Chay để khởi đầu tiến trình quay về cùng Thiên Chúa.

Bài 2

“Đức Giêsu ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,13).

Chúng ta bước vào Chúa Nhật I B Mùa Chay. Tin Mừng cả ba năm ABC đều thuật lại việc Đức Giêsu chịu cám dỗ trong sa mạc. Người đã chiến đấu trong tư cách là một con người và đã chiến thắng. Thân phận con người đã ngã thua trong vườn Eđen, nay được Đức Giêsu phục hồi. Người chính là “Đấng Đạp Đầu Rắn” mà Thiên Chúa đã hứa ban để giúp con người khắc phục sự dữ và nâng con người lên địa vị làm con Thiên Chúa. Để chiến thắng là phải chiến đấu. Để chiến thắng của Đức Giêsu trở nên chiến thắng của từng Kitô hữu, mỗi tín hữu được Đức Giêsu kêu mời “anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”, tin rằng quyền lực của ma quỷ đã bị vô hiệu hóa vì Triều Đại Thiên Chúa đã tới trong Đức Giêsu (Mc 1,15).

Vậy Mùa Chay là mùa chiến đấu! Không chiến đấu lẻ tẻ từng trận cho qua chuyện mà là cuộc chiến trường kỳ: Đức Giêsu chiến đấu suốt bốn mươi ngày trong sa mạc. Con số bốn mươi biểu tượng cho cả đời người. Số bốn mươi gợi lại hành trình bốn mươi năm sa mạc của dân Chúa; Một hành trình “lột xác”, đổi đời. Thật vậy với bốn mươi năm đó, toàn thể đám dân nô lệ được sinh ra trong đất Ai Cập đều chết hết kể cả Môsê, Aharon. Chỉ còn hai người là Giôsuê và Caleb hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa sẵn sàng chiến đấu để chiếm Đất Hứa là được hưởng trọn vẹn lời hứa của Thiên Chúa (x.Ds 13,30; 14,24.30.38; Đnl 1,38). Vậy đây là cuộc chiến đấu trường kỳ để “đóng đinh con người cũ vào Thập Giá” hầu sẵn sàng để họp mừng mầu nhiệm phục sinh với con người mới đã được mặc lấy Đức Kitô.

“Trong suốt bốn mươi ngày Mùa Chay, với tư cách là kitô hữu, chúng ta được mời gọi theo vết chân của Đức Giêsu, và đương đầu trong cuộc chiến thiêng liêng chống lại thần dữ, nhờ sức mạnh của Lời Chúa, lời có đủ sức mạnh để chiến thắng Satan” (Đức Giáo Hoàng Phanxicô “Tin Mừng Chúa Nhật năm A” trang 100).

Cả ba sách Tin Mừng Nhất Lãm đều thuật lại cuộc chiến đấu của Đức Giêsu. Nhưng Matthêu và Luca thuật lại dài dòng với ba cơn cám dỗ, lộ hiển ra bên ngoài thấy được qua những lời đối thoại của Đức Giêsu với Qủy, Tin Mừng Marcô kể lại cực ngắn: chỉ hai câu Mc 1,12-13; Và đặc biệt hơn nữa, đây là một cuộc chiến đấu nội tâm, thinh lặng. Marcô không nói gì tới nội dung của cơn cám dỗ, cũng chẳng đề cập đến các phản ứng của Đức Giêsu trước lời lẽ, mưu mô xảo trá của Qủy. Điều Marcô chú ý tới là NHỮNG MỐI TƯƠNG QUAN NỀN TẢNG giữa con người nhân loại (Đức Giêsu) với Thiên Chúa, với Qủy, với vũ trụ và với thế giới thần linh. Đức Giêsu đã mở ra một mối tương quan mới cho nhân loại và mời gọi mỗi người bước vào. Mối tương quan đó được tóm lại trong câu toát yếu: “Thời kỳ đã mãn; Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần; Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Vậy Tin Mừng của Chúa Nhật I B Mùa Chay gồm hai cuộc chiến đấu

  1. Chiến đấu của Đức Giêsu với chiến thắng tuyệt đối của Người, Qủy đã bị đạp nát đầu; Mọi mối tương giao với nhân loại được tái lập lại Mc 1,12-13.

  2. Chiến đấu của chúng ta Mc 1,15. Cuộc chiến còn đang tiếp diễn. Mỗi người, mỗi nhóm đang đứng trước “Cây Trái Cấm”: chọn tin theo lời rao giảng của Đức Giêsu (Mc 1,15) hay vì sợ hãi trước cú “dãy chết” kinh hoàng của Con Rắn đã bị đạp đầu mà chạy theo đuôi của Nó để rồi bị “Cái Đuôi” đó quật cho nát thân.

  1. CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA ĐỨC GIÊSU: Mc 1,12-13

Theo Marcô, đây là cuộc chiến đấu thinh lặng, cuộc chiến đấu cân não, đỉnh cao, mang tính quyết định. Không phải chỉ một mình Đức Giêsu chiến đấu đơn lẻ (xưa kia trong Eđen, Adam, Eva chiến đấu đơn lẻ, đánh mất đi lợi khí “ cộng đoàn” của ơn gọi làm người mà Chúa đã ban khi dựng con người) mà là toàn thể nhân loại và Ba Ngôi đang cùng chiến đấu trong “con người Giêsu” Cuộc chiến không chủ ý diệt trừ Qủy (đối với Thiên Chúa, chuyện đó quá dễ và Chúa cũng không muốn dẹp hết mọi thử thách, chướng ngại trên đường đi về lại Nước Trời của con người; Vì điều đó dễ đưa tới nguy cơ, nhân loại rơi lại vào tình trạng “lè phè” của Adam Eva trước khi sa ngã…) nhưng là để thiết lập lại một tương quan mới cho nhân loại (sau này Đức Giêsu sẽ nói rõ: Lc 2,49; Mc 3,31-35; Ga 19,25-27) và nhất là tạo điều kiện thuận lợi để các hậu duệ về sau của nhân loại có nền tảng để tin, giữ gìn và đi sâu vào trong các tương quan đó.

  • THẦN KHÍ đẩy Người vào hoang địa: Đức Giêsu không tự ý đâm đầu vào cuộc chiến, Người hành động theo sự thúc đẩy của Thần Khí. Chính Thần Khí (hơi thở) của Thiên Chúa làm tượng đất Adam trở thành một con người, thế nhưng khi hai ông bà nguyên tổ chiến đấu với Con Rắn trong vườn Eđen thì dường như họ chỉ chiến đấu với con người xác thịt của họ và đã thua. Ở đây “Giêsu Nadaret” phàm nhân, “người đã nhận phận hèn tội nhân trong phép rửa của Gioan” đã hoàn toàn để cho Thần Khí hướng dẫn. Đức Giêsu chiến đấu trong tư cách là một con người tên Giêsu gốc làng quê Nadaret; Nhưng cũng chiến đấu trong tư cách Đấng tràn đầy Thần Khí (x.Is 11,2). Marcô muốn ra dấu hiệu là thời thiên sai đã tới (x.Ge 3,1-2). Triều đại Thiên Chúa đã tới gần.

  • NGƯỜI: đại danh từ “người” ngôi ba giống đực số ít ở đây ám chỉ ai? Trong Mt 4,1 và Lc 4,1, văn mạch tách rời biến cố “Đức Giêsu chịu phép rửa” ra khỏi biến cố “Đức Giêsu chịu cám dỗ”: chủ từ của Matthêu và Luca là “Đức Giêsu”; Còn Marcô thì nối hai biến cố lại”

  • Thần Khí LIỀN … “liền” = Kai êuthus  = “và ngay lập tức”

  • Đẩy “NGƯỜI”: dùng đại danh từ

Vậy “NGƯỜI” ở đây ám chỉ Đấng đã chịu phép rửa của Gioan trong đoạn đi trước. Đấng đó là: – một con người tên Giêsu ở làng Nadaret, là một thành viên đích thực của nhân loại tội lỗi, nên đến chịu phép rửa.

  • Đó là Đấng nhìn thấy “các tầng trời xé ra” và thấy “Thần Khí ngự xuống trên mình”. Người là Đấng tràn đầy Thần Khí, và là Đấng mở cửa trời.

  • Đồng thời cũng nghe được tiếng từ trời nói VỚI mình: “Con là con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về con”. 

Chính trong tư cách là Đấng tích hiệp nơi bản thân mình tất cả các yếu tố vừa con người, vừa thần linh kể trên mà Đức Giêsu vào sa mạc để chiến đấu. Đây là cuộc chiến để hiệp nhất toàn thể nhân loại tội lỗi nên một với Ba Ngôi Thiên Chúa ở mức trọn hảo nhất (1,11). Điều tuyệt vời đó được thành sự nơi Đức Giêsu. Nơi Người, ở đây, cả nhân loại, vũ trụ (dã thú) và Ba Ngôi đều có mặt trong cuộc chiến quyết liệt này. Ở đây, Ba Ngôi thiết lập lại trật tự vĩnh cửu cho toàn thể tạo thành, không đảo ngược lại được nữa.

  • ĐẨY VÀO HOANG ĐỊA

  •  “Đẩy”: để diễn tả việc Đức Giêsu được đưa vào hoang địa, chỉ có một mình Marcô sử dụng động từ “ekballo”. Marcô thường dùng động từ này cho Đức Giêsu trong các phép lạ trừ quỷ (x.Mc 1,34.39; 3,15.22…). Vậy qua động từ này, Marcô trình bày cuộc chiến đấu này như là một cuộc trừ Qủy, mà là Qủy Vương, lật đổ quyền Satan ra khỏi nhân loại; đồng thời vạch trần bộ mặt đểu cáng của Qủy từ nay không xuyên tạc được đường lối của Thiên Chúa nữa. Thật vậy, nơi “con người” Giêsu, Qủy đã bị Người đuổi thẳng “xéo đi”, Nó không thể đánh lừa Người được như đã từng làm cho Adam, Eva (x.Mt 4,10; 16,23…). Qủy không thể đẩy Đức Giêsu đi trệch khỏi đường lối, dự tính của Thiên Chúa được.

Ý nghĩa tổng quát của động từ ekballo được Matthêu và Luca quảng diễn thành ba cơn cám dỗ cụ thể được Tin Mừng biểu tượng qua: – nhu cầu ăn uống (Mt 4,3); – nghi ngờ Thiên Chúa, thử thách Người (Mt 4,6); – Thờ ngẫu tượng (Mt 4,9).

  • Hoang địa: với kinh nghiệm đích thân của dân Chúa trong Cựu Ước

  • Ban đầu, khi dân được cứu khỏi ách nô lệ diệt chủng ở Ai Cập thì hoang địa như là “điểm hẹn” của Thiên Chúa, là nơi dân phải vào đó để gặp gỡ và tự do thờ phượng Chúa trên Núi Chúa (x.Xh 3,12).

Trong “hoang địa” dân sống giai đoạn ân tình thảnh thơi dưới sự dắt dìu, dưỡng nuôi, giáo dục của Chúa. Chóp đỉnh của tình thân, của ân tình là việc ban Bia Giao Ước biến đám nô lệ thành dân riêng dân tư tế của Thiên Chúa (x.Xh 19,5-6). Giai đoạn hoang địa là thời ân tình giữa dân với Chúa.

Tiếc thay, sau “tuần trăng mật”, sau khi kết giao ước Sinai, dân bắt đầu “lòi cái đuôi” nô lệ đã ăn sâu trong máu họ vì bốn trăm năm nô lệ ra: biết bao lần họ đã chống Chúa, chống Môsê: nào là thờ “Bò Vàng” (x.Xh 32,1-6); nào là không tin Chúa, từ chối vào Đất Hứa, đòi về lại Ai Cập (x.Ds 14,1-4); …luôn nghi ngờ Thiên Chúa, trách cứ Môsê (Ds 20,2-5); kể cả Môsê cũng rơi vào lầm lỗi (Ds 20,12). Kết quả là “hoang địa” trở thành nơi Chúa xét phạt dân để xem dân có trung tín hay không (x.Đnl 8,2-3), nơi Chúa thanh luyện dân (x.Ds 14,26-38). Tuy nhiên án phạt không bao giờ là tiếng nói chung cuộc của Chúa. Tất cả mọi việc Chúa làm đều vì lợi ích của dân.

Đến khi vào Đất Hứa, dân vẫn “ngựa quen đường cũ”, Chúa vẫn phải phạt nhưng hoang địa trở thành nơi Chúa đến để nối lại ân tình với dân (x.Hs 2,16).

Vậy ý nghĩa của “hoang địa” trải qua nhiều thăng trầm: từ “hoang địa ân tình” trở thành “hoang địa án phạt” rồi lại trở nên “hoang địa hồi phục tình thân”. Diễn biến đó đang ứng nghiệm nơi Đức Giêsu khi “Thần Khí đẩy Người vào hoang địa”. “Hoang địa ân tình” rồi “Hoang địa sào huyệt ma quỷ” (x.Lv 16,20-22 và chú thích “m” trang 302 Sách Ngũ Thư, Nhóm CGKPV 1999); Giờ đây với Đức Giêsu, Người vào tận hang ổ ma quỷ, chiến thắng ma quỷ, hồi phục lại “hoang địa ân tình”, biến hoang đại thành nơi con người giao hòa lại với Thiên Chúa, với bản thân, với tạo vật dưới trần (dã thú) cũng như thượng giới (thiên thần).

  • NGƯỜI Ở LẠI HOANG ĐỊA BỐN MƯƠI NGÀY, CHỊU SATAN CÁM DỖ

  • Cách trình bày của Marcô cho thấy đây là cuộc chiến đấu liên tục, trường kỳ, từng ngày và kéo dài suốt bốn mươi ngày. Một cuộc chiến đấu để “lột xác”, để đổi đời. Thật vậy con số bốn mươi, gợi lại cuộc hành trình bốn mươi năm “lột xác”, đổi đời của dân Chúa: tất cả những ai mang giòng máu nô lệ, lớn lên trog đất Ai Cập, đã ký Giao Ước mà không giữ lời, không tin tưởng vào Chúa đều chết hết trong hoang địa (x.Ds 14,20-14). Chỉ có đám dân được Chúa giải cứu, sinh ra trong sa mạc tự do, được Chúa ban Lề Luật … mới được vào Đất Hứa.

  • “Chịu Satan cám dỗ”: Marcô không nói tới nội dụng cơn cám dỗ, cũng không nói Đức Giêsu ăn chay, như vậy tình trạng thể chất của Đức Giêsu trong cơn cám dỗ là BÌNH THƯỜNG. Người chiến đấu như một phàm nhân bình thường và đã chiến thắng. Điều Marcô muốn nhấn mạnh là sự tái lập lại các mối tương quan do cuộc chiến thắng của Đức Giêsu mang lại. Cuộc chiến đấu của Người với Satan là cuộc chiến đấu hồi phục phẩm giá cho nhân loại

  • SỐNG GIỮA LOÀI DÃ THÚ: hồi phục lại mối tương quan hòa hảo, tốt đẹp với vũ trụ. Trong công trình sáng tạo, Thiên Chúa dựng nên mọi vật hài hòa với nhau. Thế nhưng khi loài người sa ngã, các tương quan tốt đẹp ấy bị đảo lộn. Nhờ ơn Chúa, đến thời hồi phục của Đức Mêsia thì mọi sự được phục hồi và dấu chỉ rõ nhất là dã thú sống chung an hòa với con người (x.Is 11,6-8; 65,25 …). Điều mà xưa kia Adam ở trong Eđen đã đánh mất do thua mưu Rắn thì nay trong hoang địa, Đức Giêsu khôi phục khi chiến thắng Satan. Kỷ nguyên mới bắt đầu. Triều Đại Thiên Chúa đang đến!

  • CÓ CÁC THIÊN SỨ HẦU HẠ NGƯỜI: đối với nhân loại tội lỗi, thiên sứ có nhiệm vụ xua đuổi con người và không cho trở về lại vườn Eđen. Giờ đây, với chiến thắng của Đức Giêsu, “kẻ thi hành án phạt” trở thành “người phục vụ”. Nhân loại đã được hồi phục, đất trời lại giao hòa. Tuyệt vời hơn nữa là không cần quay về lại Eđen, nhưng ngay tại đất lưu đày, con người vẫn sống được ơn gọi làm người của mình cách trọn vẹn.

Tóm lại qua cuộc chiến đấu và chiến thắng của Đức Giêsu, toàn thể công trình của Thiên Chúa được hồi phục. Phần con người để ân huệ đó trở nên gia sản của từng người thì mỗi người cũng phải đi lại lộ trình của Đức Giêsu: CHIẾN ĐẤU.

2. CUỘC CHIẾN ĐẤU CỦA TỪNG NGƯỜI (Mc 1,15)

Kỳ công mà Thiên Chúa đã hoàn tất nơi Đức Giêsu cũng sẽ được Thiên Chúa thực hiện nơi từng người chúng ta khi mỗi người dám để “Thần Khí đẩy vào hoang địa” để chiến đấu và chiến thắng Satan. Bằng cách nào? Mc 1,15 chính là lời đáp:

  • HÃY SÁM HỐI: cái chết của Gioan Tẩy Giả là dấu hiệu sự ác vẫn còn lộng hành. Đáp trả của Đức Giêsu là rời bỏ cuộc sống ẩn dật, an toàn suốt ba mươi năm ở Nadaret để bắt đầu xông vào cuộc chiến: Người dấn thân vào Galilê, vùng đất bị Do Thái Giêrusalem khinh chê là hợp chủng, ngoại lai, không đáng lãnh nhận ơn cứu độ; Ở đó, Người rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Rõ ràng đó là một tầm nhìn mới khác hẳn truyền thống đạo đức của người Do Thái. Chúng ta có dám bắt chước Đức Giêsu thay đổi não trạng, đổi mới tầm nhìn (tức SÁM HỐI) trước những thực tại, những biến cố đầy xáo động, hỗn độn, tiêu cực của thế giới hôm nay để loan Tin Mừng cho nhân loại hôm nay? Người tín hữu có dám hội nhập vào thế giới để làm men trong bột giữa trào lưu xã hội đang muốn loại trừ tôn giáo, chối bỏ Thiên Chúa. Giữa một thế giới đang bị lôi cuốn bởi bạo lực, máy móc, thụ hưởng vô độ, chúng ta có dám mời họ thay đổi não trạng, đón nhận yêu thương, tình người và dám dùng con người, cuộc sống mình để làm chất xúc tác cho các giá trị Tin Mừng đó không?

Hãy xin Chúa ơn sám hối, thay đổi não trạng của mình và của thế giới theo gương Đức Giêsu, dưới sự thúc đẩy của Thần Khí.

  • VÀ TIN VÀO TIN MỪNG: “Tin Mừng” chính là con người của Đức Giêsu là sứ điệp cứu độ mà Người mang đến. Là tín hữu, môn đệ của Đức Giêsu, chúng ta có xác tín rằng Thần Khí vẫn hoạt động hữu hiệu, điều khiển thế giới; Con Người và sứ điệp của Đức Giêsu chính là “thuốc chủng đặc hiệu” để ngăn chận “cơn đại dịch” vô luân, vô cảm, vô trách nhiệm, vô tình người … đang lây lan đe dọa hủy diệt sinh lực của nhân loại? Nếu ta tin thì hãy bắt chước Đức Giêsu, dù thấy cái chết của những người lành thánh (Gioan bị nộp) vẫn cứ xông vào vùng đất ngoại lai “hiệp chủng” để loan báo “Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”, để hô to “Thời đã mãn”, “Triều Đại Thiên Chúa đã đến”.

Không chỉ loan báo, chúng ta còn là CHỨNG NHÂN. Làm như thế thì mỗi tín hữu chúng ta đang cùng với Đức Giêsu và Thần Khí từng bước một hồi phục và đưa công trình sáng tạo của Cha đến cùng đích Cha mong muốn.

Frère Pierre Đình Long FSC