CHÚA NHẬT LỄ CHÚA KITÔ VUA 

Bài 1

Ed 34,11-12.15-17; Mt 25,31-46

Chủ đề: Thiên Chúa biểu lộ vương quyền qua việc chăm sóc
và xét xử đàn chiên.

* Ed 34,17: Phần các ngươi, hỡi chiên của Ta, Yavê là Chúa Thượng phán: này Ta sẽ xét xử giữa chiên với chiên, giữa cừu với dê.

* Mt 25,31-32: Khi Con Ngưởi đến…ngự trên ngai vinh hiển…Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người và Người sẽ tách biệt họ với nhau như mục tử tách biệt chiên với dê.

Lễ Kitô Vua được Đức giáo hoàng Piô XI thiết lập vào năm 1925 nhằm tuyên xưng đức tin của Giáo Hội vào vương quyền tối thượng của Đức Giêsu trên vũ trụ, con người và gia đình lẫn trên xã hội loài người. Ban đầu, lễ được cử hành vào Chúa Nhật cuối tháng 10 trước Lễ Các Thánh Nam Nữ; Sau cuộc canh tân phụng vụ của Vatican II, lễ được đặt vào cuối năm phụng vụ. Việc thay đổi này làm nổi bật lên một khía cạnh khác của vương quyền tối thượng của Đức Giêsu: Người là Chúa Tể của thời gian, của dòng lịch sử; Chính Người mang lại cho lịch sử nhân loại ý nghĩa chung cuộc. Cho dù trong thực tế của cuộc sống hôm nay, sự dữ vẫn còn khoe nanh vuốt, nhưng Giáo Hội và các kẻ tin vẫn xác tín rằng: Đức Giêsu thực sự là Đấng đang điều khiển dòng lịch sử đi vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Để rồi khi đến ngày chung cuộc, Người thực sự tỏ lộ trọn vẹn vương quyền thần linh, qui tụ vạn vật và toàn thể dòng lịch sử dâng lên cho Chúa Cha hoàn tất công trình sáng tạo và lịch sử cứu độ. Thật vậy, lịch sử và dòng thời gian khởi đầu với việc Lời Thiên Chúa tỏ lộ ra hữu hình trong ngôn ngữ nhân loại: “Thiên Chúa phán: hãy có…”, thế là vũ trụ thành hình. Rồi Lời đó đã nhập thể làm người, mang xác phàm nhân trong con người Đức Giêsu để hồi phục, chỉnh sửa, nâng cao công trình cứu độ. Và cuối cùng, Lời hiển lộ cho mọi thọ tạo thấy rằng Lời chính là điểm đến của dòng lịch sử (x.Ep 1,3-10).

Trong ý nghĩa đó, phụng vụ Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta chiêm ngắm vương quyền tối thượng của Đức Giêsu. Hình ảnh năm A sử dụng để biểu lộ vương quyền thần linh là “VUA – MỤC TỬ” và “VUA – THẨM PHÁN”.

Hình ảnh “VUA – MỤC TỬ” nhấn mạnh tới khía cạnh lo lắng, chăm nom, dưỡng nuôi, chữa lành, giải cứu, chăn dắt đàn chiên.

Còn hình ảnh “VUA – THẨM PHÁN” nhắc chiên đừng ỷ lại, buông thả vì Thiên Chúa cũng là Đấng Công Minh, Người sẽ chỉnh sửa, giáo dục, xét xử, thanh lọc, tinh luyện đàn chiên theo lẽ CHÍNH TRỰC của Người.

Trong bài đọc một, ngôn sứ Êdêkien sau khi vạch mặt, kể tội các thủ lãnh đạo đời của Israel là các mục tử xấu đã không chăm sóc, đã bóc lột…đàn chiên, làm chiên tan tác, thì ĐỨC CHÚA quyết định lấy lại đàn chiên khỏi tay chúng (Ed 34,1-10) và ĐỨC CHÚA hứa rằng đích thân Người sẽ đến chăm sóc đàn chiên: “chính TA sẽ chăm sóc chiên Ta và THÂN HÀNH kiểm điểm” (c.11).

  •  Chúa lo cho cả ĐÀN: cụ thể là cứu dân khỏi đêm đen của lưu đày đưa về lại Đất Hứa (c.12); dẫn tới đồng cỏ xanh tươi (c.14); dọn chỗ nghỉ ngơi bình an, hạnh phúc cho chiên (c.15).

  • Và đối với từng con chiên, Chúa chăm sóc cẩn thận TỪNG CON tùy theo tình trạng hiện tại của chúng: con nào mất, Chúa đi tìm; con đi lạc, Chúa đưa về; con bị thương, Chúa băng bó; con bệnh tật, Chúa chữa lành; con khỏe mạnh, Chúa gìn giữ.

Tuy nhiên, chiên không được ỷ lại, buông thả vì Chúa cảnh cáo sẽ xét xử để phân biệt CHIÊN với DÊ. Đàn chiên phải sống xứng đáng, không được biến chất.

Tin Mừng tiếp tục ý cuối của bài đọc một: Đức Giêsu vinh hiển biểu lộ quyền vua qua việc xét xử: Trước tiên, Người tụ họp muôn dân lại; kế đó là tách biệt CHIÊN khỏi DÊ; Tiếp đó là phần công bố THƯỞNG PHẠT.

Yếu tố chính mà Đấng tự xưng là Con Người dựa vào để biện phân xét xử là ĐỨC ÁI: cụ thể là cung cách ứng xử giữa con người với nhau, đặc biệt là với những ai đang trong tình trạng bất hạnh. Phần thưởng dành cho những ai có lối ứng xử khoan dung, rộng lượng đối với những người bất hạnh; Trái lại là án phạt. Điều bất ngờ là ĐẤNG CON NGƯỜI đồng hóa mình với các hạng người cùng khổ: “Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c.40); Ngược lại án phạt dành cho những ai “KHÔNG LÀM NHƯ THẾ cho một trong những người bé nhỏ nhất đây…” (c.45).

Và Đấng CON NGƯỜI đã công bố án lệnh với uy quyền tuyệt đối của chính Thiên Chúa: án lệnh được thi hành ngay tức khắc không có vấn đề tranh cải: “Thế là các “con dê” ra đi để chịu cực hình muôn kiếp; còn các “con CHIÊN” ra đi để hưởng sự sống muôn đời.

Hiện thời Đức Giêsu đang là VUA – MỤC TỬ lo lắng cho Ta. Đến lúc Người sẽ xuất hiện là VUA – Thẩm phán thì không ai biện minh chống lại được án quyết của Người. Vậy hãy là chiên ngoan trong hiện tại nhận ra vị Vua tối cao trong phận hèn của tha nhân để có thái độ đón tiếp tương xứng để được nghe Lời Chúa chúc phúc của Vua “hãy vào thừa hưởng vương quốc dành sẵn cho các ngươi” (c.34).

Bài 2

“Bấy giờ Đức Vua sẽ phán…“nào những kẻ Cha Ta chúc phúc hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi…Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25,34-40).

Chúng ta bước vào tuần cuối cùng của năm Phụng Vụ. Hôm nay, Chúa Nhật XXXIV, toàn thể Giáo Hội long trọng mừng lễ Đức Giêsu Kitô Vua. Dĩ nhiên, phụng vụ Lời Chúa sẽ trình bày cho chúng ta những trích đoạn Kinh Thánh nói lên một khía cạnh nào đó “quyền vua” của Đức Giêsu. Chủ đề của Lời Chúa năm A nhắm vào việc Thiên Chúa biểu lộ vương quyền ngang qua việc chăm sóc, xét xử đàn chiên để rồi sẽ ân thưởng hay xử phạt tương ứng.

Tin Mừng hôm nay trích đọc Mt 25,31-46. Khía cạnh xét xử và thưởng phạt là hai nét nổi bật trong Tin Mừng hôm nay. Hai nét đó biểu lộ quyền VUA của “Con Người”; Và nét bất ngờ của Quang Lâm được biểu lộ qua sự việc Vị Vua_Thẩm phán đồng hóa mình với người nghèo, kẻ bé mọn. Còn đối với các đầy tớ, là các dân thiên hạ, thì “canh thức” là trợ giúp, phục vụ những người nghèo, cùng khốn mà họ gặp trong cuộc sống hằng ngày.

Xét theo văn mạch của Tin Mừng Matthêu, trích đoạn này là dụ ngôn kết thúc bài “Diễn từ cánh chung”. Cũng như các dụ ngôn trước, sứ điệp chính của dụ ngôn này là gợi lên một lời đáp cụ thể nữa cho vấn đề “thế nào là canh thức” mà Đức Giêsu đã dạy các môn đệ. Theo dụ ngôn thứ năm này, thì “canh thức” là sống tinh thần bác ái, chia sẻ, phục vụ tha nhân nhất là những người cùng khốn. Sở dĩ những việc làm bình thường trong cuộc sống xã hội đó trở nên có giá trị lớn lao trước mặt Chúa là vì Đức Vua đã khẳng định “mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây là ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (câu 40.45).

Thế nhưng khi đoạn văn này được dùng để đọc trong Lễ Kitô_Vua thì phụng vụ đã xê dịch trọng tâm từ thái độ “canh thức” của mọi người sang uy quyền tối thượng của “Con Người” được biểu lộ qua quyền xét xử và thưởng phạt.

  • Thời điểm của việc xét xử: câu 31 cho thấy đó là thời điểm cánh chung. Thật vậy hình ảnh “Con Người đến trong vinh quang, ngự trên ngai, có thần sứ theo hầu” gợi lại thị kiến của Đn 7,13-14: “Con Người”, được Thiên Chúa (Đấng Lão Thành) trao cho quyền vua, quyền thẩm phán trên toàn thể tạo thành khi đến thời đến buổi. Thời buổi đó là “ngày của Yavê” (Dcr 14,1), ngày Yavê Thiên Chúa ngự đến cùng với triều thần của Người biểu lộ vương quyền  (Dcr 14,5b).

Như vậy những gì được nêu lên trong dụ ngôn này còn là chuyện tương lai, chưa xảy ra ngay trong cuộc sống hiện tại của chúng ta. Tuy nhiên chúng như một lời ngôn sứ báo trước những gì sẽ xảy ra vào ngày Cánh Chung. Trong dụ ngôn thì các người lành lẫn kẻ dữ đều thưa với Chúa “có bao giờ chúng con đã thấy Chúa đói, khát, trần truồng…”, nhưng chúng ta khi Quang Lâm đến, không thể nói với Con Người câu nói ấy vì đã nghe đoạn Tin Mừng này nhiều lần.

  • Đối tượng của cuộc phán xét này: không hạn hẹp trong các môn đệ, trong Israel…mà bao trùm toàn thể vũ trụ: “các dân thiên hạ”. Tất cả đều tập họp lại trước Con Người chờ đợi phán quyết chung cuộc của Người (c.32a).

  • Phương thức xét xử: “Người sẽ TÁCH BIỆT họ với nhau như mục tử tách biệt chiên với dê” (câu 32). Người xét xử với quyền lực tối thượng đã được Thiên Chúa trao cho Con Người. Người là Con Người nhưng tư cách Người biểu lộ ra lại rất hiền hòa: Mục Tử. Phương thức Người dùng không là dùng bạo lực đàn áp mà chỉ là TÁCH BIỆT để từ nay tốt xấu không lẫn lộn vào nhau được nữa; Sự dối trá, đảo điên không còn đất dụng võ nữa. Cách diễn tả TÁCH BIỆT gởi đến cho chúng ta sứ điệp này: ngày cánh chung là ngày Thiên Chúa hoàn tất trọn vẹn công trình sáng tạo của Người, đưa mọi sự đến chỗ hoàn tất. Thật vậy, trong St 1, công trình sáng tạo được trình bày như là một sự TÁCH BIỆT, sắp xếp vũ trụ hỗn mang trở nên có trật tự ổn định hài hòa:

  • Sách Sáng thế mở đầu bằng một khẳng định đức tin: “Thiên Chúa sáng tạo trời đất” (St 1,1). Nhưng trời đất đó còn hỗn độn: “đất còn trống rỗng, chưa có hình dạng, bóng tối bao trùm vực thẳm” (St 1,2a). Và Thiên Chúa tiếp tục hoàn thiện công cuộc của Người bằng “TÁCH BIỆT” (phân rẽ).

  • Từ cái khối hỗn độn ấy Chúa dựng nên THỜI GIAN: tách biệt ánh sáng và bóng tối, ngày đêm phân biệt rõ ràng (x.St 1,3.14.18); Rồi Chúa dựng nên KHÔNG GIAN: đất trời, trên dưới đâu đó rạch ròi (x.St 1,6.7.9.10).

  • Rồi trên cái nền thời gian và không gian ấy, Thiên Chúa trang trí vũ trụ: dựng nên cây cối, sinh vật, con người…với những qui luật trật tự, ổn định, tốt lành cho từng loài thọ tạo. Tất cả đều tốt lành và đó là hạnh phúc mà Thiên Chúa đã dọn sẵn từ thuở tạo thiên lập địa cho con người.

  • Thế nhưng tiếc thay, con người bị sa ngã, phá vỡ trật tự sáng tạo của Thiên Chúa khiến mọi sự bị đảo lộn, trộn lẫn xấu với tốt, sáng với tối, chiên với dê…Thiên Chúa lại phải can thiệp phục hồi, tiếp tục công cuộc “tách biệt” với chuẩn mực lượng giá do chính “Đấng Đạp Đầu Rắn” mang đến. Công cuộc “tách biệt” phục hổi đó sẽ hoàn tất vào ngày cánh chung.

Phán xét chung cuộc được Matthêu trình bày như là hành vi can thiệp quyết liệt của Thiên Chúa trong Đức Giêsu Kitô để đưa công trình sáng tạo đến mức hoàn thiện như ý Thiên Chúa.

  • Chuẩn mực để “tách biệt”:

  • Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn…

  • Có bao giờ chúng con thấy Chúa đói mà cho ăn đâu?

  • Amen, Ta nói cho các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là đã làm cho chính Ta vậy.

Lần tách biệt chung cuộc này được thực hiện một lần dứt khoát và nhắm vào toàn thể nhân loại. Cuộc phán xét này mang tính phổ quát. Mọi người đều được triệu tập, qui tụ trước Con Người, không ai lẫn tránh được, dầu họ thuộc tôn giáo, chủng tộc hay nền văn hóa nào. Do đó, chuẩn mực mà Đức Vua đưa ra để xét xử không phải là những điểu khoản chi tiết của Luật Môsê, cũng không phải là những lệnh truyền riêng biệt dành cho đoàn môn đệ hay là luật kitô giáo. Trái lại, điều Đức Vua nêu lên chỉ là những đức tính nhân bản nền, những lối ứng xử đầy tình người đã được Thiên Chúa ghi khắc trong lương tâm của nhân loại mọi nơi mọi thời. Thật vậy, những điều mà Đức Vua liệt kê ra để dựa vào đó mà phạt hay thưởng trong cuộc phán xét chỉ là những việc rất bình thường trong cuộc sống thường ngày (cho kẻ đói ăn, cho kẻ khát uống…) mà mọi người bình thường chỉ cần có một chút tình người thì đều có thể làm được. Rồi khi Thiên Chúa tuyển chọn con cái nhà Giacob làm dân riêng của Người thì những đức tính nhân bản ấy, Chúa đảm nhận nên Luật Lệ của Người: đó là những việc đạo đức xã hội mà dân Chúa buộc phải làm cho những kẻ bất hạnh (Is 58,6-8; Hc 7,34-36…); Ai mà không thực thi các điều ấy là sẽ bị Chúa xét phạt tương ứng (x.G 22,6-9; 31,32…). Và với sách Châm ngôn thì ý tưởng liên quan đến việc giúp đỡ kẻ khốn cùng đã tiến dần gần đến với mặc khải của Tin Mừng Matthêu hôm nay: “Thương xót kẻ nghèo là CHO CHÚA MƯỢN”, chắc chắn sẽ được Chúa đáp đền xứng đáng (x.Cn 19,17).

Tóm lại chuẩn mực thứ nhất Đức Vua chọn để xét xử tách biệt là YÊU NGƯỜI.

Tính BẤT NGỜ mà câu đáp của ĐỨC VUA mang đến:

Đó là việc ĐỨC VUA đồng hóa mình với những kẻ khốn cùng. Và điều lạ lùng là hết thảy những kẻ sắp chịu Đức Vua xét xử đều không biết rằng họ đã phục vụ Người hay bỏ rơi Người: “có bao giờ con thấy Chúa đói mà cho (hoặc không cho) ăn đâu?”. Tất cả đều chưng hửng khi Đức Vua đồng hóa Người với các kẻ cùng khốn. Các nhân vật trong dụ ngôn bị “bất ngờ” trước câu đáp của Đức Vua; Tuy nhiên đối với chúng ta, các tín hữu, thì cái tính “bất ngờ” không còn nữa mà trở thành một mặc khải, một hướng dẫn hành động cho hiện tại:

  • Hãy “yêu người”: giúp đỡ, phục vụ, cho uống…

  • Và hãy “mến Chúa”: nhận ra mình đang phục vụ Chúa qua việc làm cụ thể là phục vụ tha nhân.

Như vậy chuẩn mực để Đức Vua xét xử là MẾN CHÚA, YÊU NGƯỜI. Trong Tin Mừng hôm nay, khía cạnh “yêu người” được nói đến cách minh nhiên bằng những hành vi cụ thể: cho ăn, cho uống…Còn khía cạnh “mến Chúa” được ẩn tàng trong lời đáp của Đức Vua khi đồng hóa Người với kẻ cùng khốn.

Thật vậy, cho ăn, cho uống…là những thể hiện ra bên ngoài của cái tâm “yêu người”. Matthêu không dừng lại chỉ ở cái tâm “yêu người” đó, sứ điệp tin mừng mà Matthêu muốn gởi đến cho những kẻ tin và đang đọc sách tin mừng của ông là phải khám phá ra ĐỘNG LỰC nào đã làm cho tôi yêu người. Sở dĩ việc “yêu người” nghèo có giá trị cứu rỗi là vì chính Đức Vua đã nhận lấy việc làm tầm thường ấy như là làm cho chính Người. Đó chính là “MẾN CHÚA” trong chuẩn mực xét xử.

Tóm lại “mến Chúa, yêu người” là chuẩn mực chung để xét xử mọi người. Đối với những ai vì lý do nào đó khi ra trước Đức Vua – Thẩm Phán  thì đang ở trong tình trạng chưa biết Chúa thì khía cạnh “yêu người” vẫn phải là cho kẻ đói ăn, kẻ khát uống…, còn khía cạnh “mến Chúa” thì động lực của “yêu người” là làm theo tiếng lương tâm cũng do Chúa đặt để trong tâm hồn con người.

Còn đối với những ai biết, tin Chúa và đã đọc đoạn Tin Mừng này thì “mến Chúa” tức là nhận ra Thiên Chúa hiện diện đích thực trong những người mà ta phục vụ, giúp đỡ.

“Nhận ra Thiên Chúa hiện diện”, “phục vụ Thiên Chúa”; và “Thờ lạy Thiên Chúa” trong mọi tạo vật, nhất là trong những người hèn mọn là chúng ta đã cùng với Chúa, góp sức hồi phục công trình sáng tạo của Chúa.

  • Phần thưởng Đức Vua dành cho “những kẻ Cha Ta chúc phúc”. Đó chính là “vương quốc đã được dọn sẵn tử thuở tạo thiên lập địa”. 

Phần thưởng lớn nhất là ta được thuộc về cộng đoàn những kẻ được Thiên Chúa chúc phúc. Nói theo sách St 1, chúng ta được hưởng trọn vẹn cái phúc lành mà Thiên Chúa dọn sẵn cho từng tạo vật khi Người sáng tạo. Phần thưởng đó chính là hưởng trọn niềm vui, hạnh phúc “Thiên Chúa là tất cả trong mọi sự” (x.1Cr 15,28).

Khi mừng lễ Kitô – Vua, Giáo Hội và chúng ta hưởng trước ngay tại thế này niềm vui được làm thần dân của Chúa, được thuộc về Vương Quốc của Người; Đồng thời qua Tin Mừng hôm nay, Giáo Hội nhắc chúng ta luôn TỈNH THỨC bằng cách mở rộng lòng phục vụ tha nhân qua những việc nhỏ nhặt (lẫn to lớn nếu có thể) của cuộc sống thường ngày trong xác tín, tin yêu Chúa đang hiện diện nơi họ. Ước gì Chúa Giêsu mãi mãi ngự trị lòng ta trong mọi nơi mọi lúc.

Frère Pierre Đình Long FSC