CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI

“Nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Amen!”

Sáng danh Đức Chúa Cha – Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần…

Sau biến cố Thánh Thần được ban tặng công khai cho đoàn môn đệ, Thiên Chúa đã tỏ mình trọn vẹn cho nhân loại rằng Thiên Chúa là một cộng đoàn gồm ba ngôi vị là CHA – CON – THÁNH THẦN. Thiên Chúa tỏ mình không những bằng khái niệm trừu tượng, nhưng bằng những hành động cụ thể tạo dựng nên dòng lịch sử và mọi thọ tạo, rồi cứu chuộc, thánh hóa đưa mọi sự đến chỗ hoàn tất. Nhờ được Thiên Chúa tỏ mình, nhân loại thực sự nhận biết Chúa trong chừng mực ơn Chúa ban cho. Trong tâm tình khiêm tốn, với những giới hạn của phận con người, nhưng tin tưởng phó thác vào tình yêu và quyền năng Thiên Chúa, Giáo Hội vẫn cố gắng hết sức diễn đạt, lưu truyền ĐỨC TIN của mình vào Thiên Chúa Ba Ngôi.

          Về mặt ngôn từ: “THIÊN CHÚA BA NGÔI” là từ ngữ chuyên môn được Giáo Hội sử dụng để diễn tả và gói gọn những gì cốt yếu về Thiên Chúa đã được chính Thiên Chúa mặc khải từng bước một trong dòng thời gian: “Thiên Chúa là một bản thể duy nhất trong Ba Ngôi Vị riêng biệt” (x. DS 421). Cách nói trừu tượng, triết lý trên có thể diễn tả đơn sơ như sau: Ba Ngôi là CHA – CON – THÁNH THẦN; Cha là Thiên Chúa, Con là Thiên Chúa, Thánh Thần là Thiên Chúa; Như vậy Ba Ngôi đều là Thiên Chúa như nhau. Chúng ta biết được “Thiên Chúa Ba Ngôi” là nhờ Người tỏ mình ra cho chúng ta qua các công trình của Ba Ngôi trong dòng lịch sử. Tất cả đều là công trình chung của Ba Ngôi; Nhưng với ngôn ngữ giới hạn, phận người bất toàn, chúng ta thường QUY GÁN CHO (appropriation) cho mỗi Ngôi một công việc và một thuộc tính riêng (x. théo, Nouvelle encydopédie catholique 675a):

 – Ngôi Cha đảm nhận công trình sáng tạo, Cha là Đấng Toàn Năng, là nguồn cội.

 – Ngôi Con đảm nhận công trình cứu chuộc, Con là Đấng Khôn Ngona, là Chân Lý.

  – Ngôi Thánh Thần lo việc Thánh hóa. Thánh Thần là Đấng Bảo Trợ, là Tình Yêu.

          Nếu chúng ta đòi “nhốt” Thiên Chúa trong lý trí nghèo nàn, lắm sai lầm của con người thì đó là điều không thể được; Nhưng Thiên Chúa tỏ mình là để tạo điều kiện thuận lợi để ta HIỆP THÔNG, GẮN BÓ với Ba Ngôi. Bằng cách nào chúng ta sống hiệp thông, gắn bó với “Thiên Chúa Ba Ngôi?” Thật sự chỉ cần chúng ta sống chân tâm, đơn sơ một số việc đạo đức thực hành của đức tin là chúng ta đã kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Ba Ngôi NHIỀU LẦN TRONG MỖI NGÀY rồi:

          1/ Làm DẤU THÁNH GIÁ: việc này chúng ta là thường xuyên, nhiều lần mỗi ngày. Nếu làm sốt sắng, đúng cách, chúng ta tuyên xưng và sống ba chân lý đức tin:

        * Vẽ hình Thánh Giá V trên mình: dùng tay mặt vạch một đường thẳng từ trán xuống ngực rồi từ vai trái qua vai phải: chúng ta tuyên xưng Thánh Giá là phương thế tuyệt vời, duy nhất là Thiên Chúa đã dùng để cứu chúng ta.

          * Đồng thời miệng đọc, hoặc đọc thầm “NHÂN DANH” – “CHA VÀ CON VÀ THÁNH THẦN” – “AMEN”. Đây là lời công khai tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi. Chúng ta thử xét mình xem: khi làm dấu Thánh Giá, ta có tâm niệm, lòng tin, miệng đọc lời tuyên xưng Ba Ngôi không? Hay chỉ quẹt cho có hình thức còn lòng trí để ở đâu đâu?

          * Chữ “NHÂN DANH” hàm ý tuyên xưng mình thuộc về Chúa: có kiên kết, hiệp thông mật thiết, nên một với Ba Ngôi thì ta mới có quyền NHÂN DANH Ba Ngôi để nói, làm, suy tư…mọi sự chứ!

          Từ nay ta hãy làm dấu thánh giá cho sốt sắng, nghiêm túc; Đó là cách chúng ta biểu lộ lòng tin chúng ta và Thiên Chúa Ba Ngôi và là cách đơn giản nhưng hiệu quả tuyệt vời ta loan truyền Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi cho thế giới.

          2/ Đọc kinh Sáng Danh một cách đầy ý thức cũng là cách dễ dàng hiệp thông với Ba Ngôi, đồng thời nói lên cùng đích, tâm nguyện của người kitô hữu là làm mọi sự để sáng danh Chúa, nghĩa là để nhân loại được cứu vì “vinh quang Thiên Chúa là con người sống” (Irênê).

Thiên Chúa Ba Ngôi luôn đồng hành với ta từng giây phút, hãy ý thức và hiệp thông với Người bằng tâm tình tín thác mến yêu khi làm dấu Thánh Giá và đọc kinh sáng danh.

Frères Đình Long FSC