CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI NĂM C

Cn 8,22 -31; Ga 16, 12 -15

Chủ đề:

Liên hệ hỗ tương giữa BA NGÔI
được mặc khải từng bước.

* Cn 8, 30: Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa nói thế này:
                 “Ta hiện diện bên Thiên Chúa như tay thợ cả
                    Ngày ngày Ta là niềm vui của Người”.

* Ga 16, 15: Mọi sự Chúa Cha có đều là của Thầy. Vì thế Đức Giê su đã nói:                            Thánh Thần lấy những gì của Thầy mà loan báo cho anh em.

Hôm nay Giáo Hội long trọng mừng kính Mầu Nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Với việc trao ban công khai Chúa Thánh Thần cho đoàn môn đệ trong ngày lễ Ngũ Tuần. Thiên Chúa đã tỏ mình cách trọn vẹn cho nhân loại:
Niềm tin Kitô giáo của chúng ta xác tín rằng:
– Thiên Chúa Cha tỏ mình cho nhân loại và vũ trụ qua công trình sáng tạo: Cha ban cho mọi tạo vật được thông phần hiện hữu với Ngài: Thiên Chúa phán: HÃY CÓ. Vai trò chủ đạo của việc sáng tạo được trình bày là của Cha. Nhưng LỜI NÓI (Ngôi Lời) và Thần Khí bay là là trên mặt nước (Ngôi Ba) cũng đã hiện diện trong công trình sáng tạo rồi và tích cực góp phần dù chưa được minh nhiên tỏ lộ.
Khi thời gian viên mãn. Ngôi Lời nhập thể mang lấy nhân tính phàm nhân nên giống nhân loại mọi đàng ngoại trừ tội lỗi (x.Dt 4, 15) để cứu chuộc, hồi phục nhân loại và ban cho nhân loại quyền làm con Thiên Chúa (x.Ga 1, 12). Ngôi vị đảm nhận việc nhập thể mang lấy xác phàm là Ngôi Con, nhưng trong công cuộc nhập thể này, mầu nhiệm Ba Ngôi cũng được mặc khải; Nhập thể là công trình của cả Ba Ngôi: Cha sai sứ thần truyền tin cho Maria, Đấng làm chủ công trình là CHA; Ngôi Con đảm nhận nhập thể làm người mang tên là Giêsu; Và công việc được thể hiện cụ thể trong dòng lịch sử là vai trò của Chúa Thánh Thần: “ Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà…” (x. Lc 1, 26-35).
– Và khi Đức Giêsu kết thúc sứ vụ trần thế và Thăng Thiên thì đích thân Chúa Thánh Thần ngự xuống cách hữu hình, công khai trên đoàn môn đệ của Đấng Phục Sinh. Và việc Chúa Thánh Thần được trao ban cũng là công trình của Ba Ngôi: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Cha sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (x.Ga 14,16); Đấng Bảo Trợ ấy là Thánh Thần (x.Ga 14, 26).
Như vậy, từng bước một, vì lợi ích cứu độ lớn lao nhất cho toàn thể tạo thành, cả Ba Ngôi Thiên Chúa đã tỏ mình ra cho nhân loại ngang qua những công trình cụ thể được Thiên Chúa thực hiện trong dòng lịch sử, vừa tầm đón nhận của con người để mọi người có thể hiệp thông được vào sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Nói cách khác, Ba Ngôi đã ban tặng chính mình Người cho toàn nhân loại nhằm mục đích, từng bước một, biến con người nên con Thiên Chúa và giống như Giêsu, mọi người đều có thể kêu lên Thiên Chúa tiếng “Abba! Cha!”, được đồng thừa tự với Đức Kitô (x. Gl4, 6-7; Rm8, 15-17). Thật vậy:
– Ngay từ trong công trình sáng tạo, cả Ba Ngôi đều đã muốn dựng nên con người theo hình ảnh của Thiên Chúa “CHÚNG TA hãy làm ra con người theo hình ảnh CHÚNG TA giống như CHÚNG TA…” (St 1,26). (Từ “Thiên Chúa” ở trong St chương 1 lại ở dạng ÊLÔHIM là một từ số nhiều).
– Trong công cuộc cứu chuộc mà Ba Ngôi thực hiện trong Đức Kitô, thì chóp đỉnh được nhắm tới là con người được làm con Thiên Chúa (x.Ga 1,12): Đức Giê su đã dạy môn đệ cầu nguyện với Chúa là “Lạy Cha” (x.Mt 6, 9; Lc 11,2); Đức Giêsu đã nâng người tín hữu từ hàng nô lệ lên hàng bạn hữu (x.Ga 20, 17)
– Và với Chúa Thánh Thần, tín hữu dám gọi Thiên Chúa là “Abba! Cha!”
Như vậy mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi được mặc khải cho chúng ta một cách trọn vẹn ngang qua quyền được làm con Thiên Chúa mà Ba Ngôi hoàn thành từng bước cho các kẻ tin. Như vậy, để tiếp cận mầu nhiệm Ba Ngôi, tín hữu cần mở lòng trước mặc khải tiệm tiến của Thiên Chúa:
Bài đọc1, trích từ sách Châm Ngôn của Cựu Ước. Mầu nhiệm Ba Ngôi chưa được mặc khải; Do đó bài đọc 1 chỉ trình bày về ĐỨC KHÔN NGOAN của Thiên Chúa. Tuy nhiên, ở đây ĐỨC KHÔN NGOAN được trình bày như là một ngôi vị được Thiên Chúa “dựng nên từ nguyên thủy”; Đức Khôn Ngoan hiện hữu trước khi có mọi loài thọ tạo, và khi Thiên Chúa tạo dựng vũ trụ thì Đức Khôn Ngoan đã có đó trong vai trò cộng tác với Thiên Chúa “ như tay thợ cả” trong công trình sáng tạo. Đó là những yếu tố dọn đường để khi đến thời Tân Ước thì thánh Phaolô nhận ra rằng Đức Khôn Ngoan mà sách Châm Ngôn nói tới là hình ảnh báo trước về Đức Giêsu. Thật vậy 1Cr 1,24.30 đã gọi Đức Kitô là Đức Khôn Ngoan của Thiên Chúa; Cl 1,15-16 đã gọi Đức Giêsu là “Trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo” và được tham gia vào công trình sáng tạo của Thiên Chúa (so với Cn 8,22). Và Cn 8,30-31 còn cho thấy Đức Khôn Ngoan là “cầu nối” giữa Thiên Chúa với tạo vật, làm Thiên Chúa trở nên gần gũi với con người. Đó chính là vai trò trung gian của Đức Giêsu.
Tin Mừng bày tỏ mầu nhiệm Ba Ngôi ngang qua vai trò của mỗi Ngôi trong việc mặc khải Thánh Ý Cha cho đoàn môn đệ. Thật vậy, mọi sự đều là của Cha, và Cha đã trao hết cho con (x.Ga 16,15) để Con mặc khải cho môn đệ; Nhưng trong hiện tại, môn đệ chưa đủ sức đảm nhận tất cả (16,12); Chỉ khi Thánh Thần đến, Người mới đưa môn đệ vào thông hiệp được với Ý Cha (16,13).
Như vậy mầu nhiệm Ba Ngôi đã được mặc khải trọn vẹn cho đoàn môn đệ. Họ đã đón nhận được và sống ơn huệ ấy qua việc vui mừng gọi Thiên Chúa là Abba!Cha! như Chúa Giêsu. Vậy cách thức tuyệt vời và hiệu quả để loan báo Mầu Nhiệm Ba Ngôi chính là sống trọn vẹn quyền làm con Thiên Chúa với trọn tâm tình hiếu thảo như Chúa Giêsu.

Frères Đình Long FSC