CHÚA NHẬT II MÙA CHAY – Năm B

Bài 1

St 22,1-2.9a.10-13.15-18; Mc 9,2-10
Chủ đề: DẤU CHỈ tiên báo Phục Sinh

* St 22,12: Thiên Chúa phán cùng Abraham: đừng giơ tay hại đứa bé … Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa.

* Mc 9,2.7: Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông … và có tiếng từ đám mây: “Đây là con Ta yêu dấu”.

Chúng ta bước vào Chúa Nhật II Mùa Chay. Lời Chúa hé mở cho chúng ta thấy trước phần nào vinh quang phục sinh nhằm khích lệ các tín hữu can đảm bước theo Chúa Giêsu trên con đường Thập Giá.

Hưởng vinh quang phục sinh thì ai cũng thích! Nhưng phải tiến bước trên con đường thập giá thì ai cũng sợ! Khổ thay, theo đức tin Kitô giáo thì thập giá của Đức Kitô là con đường duy nhất đưa tới Phục Sinh. Vinh quang phục sinh theo Kitô giáo không chỉ là sống lại về thể xác mà còn đưa nhân tính con người được thông phần thiên tính, được trở thành con cái Thiên Chúa. Để giúp con người vượt thắng được nỗi sợ hãi thập giá, Thiên Chúa bằng nhiều cách đã hé mở cho con người được cảm nghiệm trước phần nào hạnh phúc của vinh quang phục sinh; đồng thời giúp con người ý thức được rằng thập giá thật ra chỉ là một NGƯỠNG CỬA phải bước qua để bỏ lại sau lưng những gì là khổ đau, giới hạn của kiếp phàm nhân tội lỗi và bước vào vinh quang thần linh mà Thiên Chúa đã dọn sẵn cho nhân loại từ trong công trình sáng tạo.

Trong chiều hướng đó, Chúa Nhật II Mùa Chay cho cả ba năm ABC Tin Mừng luôn chọn đọc biến cố HIỂN DUNG. Biến cố này được trình bày ngay sau cú vấp ngã trầm trọng của Phêrô trước mặc khải thập giá (Mt 16,21-23; Mc 8,31-33); Và sau khi mắng Phêrô là SATAN, Đức Giêsu khẳng định lại một cách dứt khoát rằng phải kinh qua con đường thập giá: “ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình vác thập giá mình mà theo” (Mt 16,24; Mc 8,24); Lc 9,23 còn đòi hỏi quyết liệt hơn: “… vác thập giá mình HẰNG NGÀY mà theo”.

Trong bài đọc một thập giá và phục sinh được ẩn tàng trong trình thuật Thiên Chúa đòi Abraham phải hiến tế đứa con thừa tự, đứa con của lời hứa, đứa con một yêu dấu cho Chúa. Lệnh truyền của Thiên Chúa đúng là một Thập giá kinh hoàng, quá nặng đè trên vai một ông cụ già đã hơn một trăm tuổi. Cuộc hành trình ba ngày đưa con yêu quí Isaac tới nơi hiến tế đúng là hành trình bóng đêm của Thập Giá (Phần này bản văn phụng vụ bài một không đọc). Tuy nhiên Abraham đã tin vào Lời Chúa một cách vô điều kiện, hơn mọi suy tính của lý trí phàm nhân, Abraham đã vác thập giá đến tận nơi hiến tế. Nhưng rồi cuối cùng, tuyệt vời thay đường lối của Thiên Chúa: cuối con đường Thập Giá, lúc Abraham đưa dao sát tế Isaac thì Thiên Chúa bày tỏ trọn vẹn ý định của Người: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ”. Thiên Chúa tuyên dương đức tin của Abraham và ân thưởng cho ông: một ông cụ tưởng chừng là tuyệt tự giờ trở thành cội nguồn của cả một dòng dân đông đúc và còn hơn nữa, trở thành nguồn phúc cho chư dân (x.St 22,15-18). Kết quả tuyệt vời này là một hé mở trước vinh quang PHỤC SINH.

Tin mừng thuật lại biến cố HIỂN DUNG theo Marco. Cuộc thần hiện, biến hình diễn ra ngay trước mắt ba môn đệ Phêrô – Giacôbê – Gioan. “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông … và ba môn đệ THẤY ông Elia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Đức Giêsu”. Đứng trước vinh quang thần linh vừa được hé lộ, một lần nữa (lần trước là lúc tuyên tín), Phêrô lại rơi vào cơn cám dỗ lãng quên thập giá: ông muốn tận hưởng dài lâu ngay bây giờ, trên núi này cái vinh quang thoáng qua báo trước Phục Sinh (chứ chưa phải là vinh quang phục sinh) “Thưa Thầy chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, một cho ông Elia”. Phản ứng đó hợp với các câu 9,6.10 đã cho thấy rằng các môn đệ chưa hiểu gì về biến cố này. Vinh quang thần linh của Đức Giêsu chỉ được tỏ lộ trọn vẹn và vĩnh cửu sau phục sinh, nghĩa là phải trải qua Thập Giá. Bây giờ chỉ là chút ánh sáng lóe lên chuẩn bị cho các ông đương đầu với bóng tối thứ sáu thánh. Thiên Chúa phải can thiệp đưa các ông về lại với thực tại qua tiếng Chúa Cha tuyên phán: hãy vâng nghe lời Đức Giêsu đi cho trọn con đường thập giá. Bởi vì theo Marcô, chính Thập Giá mới là yếu tố đưa Đức Giêsu vào vinh quang phục sinh vĩnh cửu, tỏ lộ thần tính viên mãn của Người (x.Mc 15,39). Vậy BIẾN HÌNH chưa là điểm đến mà chỉ là trạm tạm dừng tiếp sức để có sức đi đến đỉnh Golgotha.

Thập giá luôn là nỗi sợ của con người! Nhưng đó là lộ trình duy nhất đưa tới phục sinh. Chút vinh quang hiển dung là để khích lệ môn đệ can đảm hoàn tất con đường thập giá trong HIỆN TẠI. Đó mới là chân phúc, là vinh quang vĩnh cửu, vì đó chính là THÁNH Ý CHÚA CHA.

Bài 2

“Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông…Và từ đám mây có tiếng phán: đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người. Các ông nhìn quanh…chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi” (Mc 9,3b.7b.8)

Mùa chay là mùa chiến đấu thiêng liêng! Chiến đấu với ma quỷ đầy xảo trá, mưu mô, với những quyến rũ ngọt ngào, tiện nghi, thụ hưởng lệch lạc, vô độ của thế gian và xác thịt. Nhờ ơn Chúa giúp và chỉ dạy đường lối, chúng ta chiến đấu để hồi phục phẩm giá làm người và được thông chia quyền làm con Thiên Chúa. Theo gương Đức Giêsu và cùng với Đức Giêsu mỗi tín hữu chiến đấu để đạp nát đầu “Con Rắn Eđen” đang ẩn nấp trong thâm sâu của mỗi người .

Mở đầu Mùa Chay, Tin Mừng của Thứ Tư Lễ Tro mời gọi mọi tín hữu, qua việc thực thi các việc đạo đức truyền thống, hãy chiến đấu đổi mới các mối tương giao:

  • Với Thiên Chúa: thay vì trốn chạy như nguyên tổ trong Vườn Eđen xưa, thì nay hãy nhiệt tình đến gặp gỡ Chúa qua CẦU NGUYỆN.

  • Với tha nhân: thay vì đổ lỗi cho nhau, coi nhau như kẻ cám dỗ, người tòng phạm, thì giờ đây hãy đối xử với nhau  như người thân, sẵn sàng sẻ chia giúp đỡ: BỐ THÍ.

  • Với bản thân: thay vì để dục vọng lôi cuốn, xỏ mũi, thì giờ đây hãy làm chủ bản thân, được biểu lộ qua việc ĂN CHAY.

Những việc đạo đức ấy đều được thực thi vì Chúa, trước nhan thánh Chúa, qui hướng tất cả về Chúa như cùng đích (x.Mt 6,4b.6c.18b); Và cuối cùng đạt tới đỉnh cao như Đức Giêsu dạy, là dám gọi Thiên Chúa là CHA (x.Mt 6,9).

Đến Chúa Nhật I Mùa Chay, Tin Mừng mời chúng ta gẫm suy một trận chiến sinh tử: Đấng Thiên Sai dù là Con Thiên Chúa nhưng đã mặc lấy phận con người; Và chính trong thân phận con người đó, Người đã chiến đấu với Xà Vương và đạp nát đầu Nó qua ba lần chiến thắng các cơn cám dỗ do Quỷ giăng ra, trong hoang địa.

Tin Mừng Chúa Nhật I B Mùa Chay mời gọi nhân loại sống trọn phận làm người trong tin tưởng hoàn toàn phó thác cho Thiên Chúa. Nội dung cuộc chiến đấu chỉ được Marcô tóm gọn trong vài câu:

  • Đức Giêsu đã chịu cám dỗ, nhưng Người đã chiến thắng trong cuộc chiến trường kỳ 40 ngày đêm không ngơi nghỉ. Một cuộc chiến suốt đời! 

  • Đức Giêsu đã chiến đấu với các thế lực vũ trụ và đã chiến thắng nên đã giao hòa con người với vũ trụ, với mọi loài thọ tạo: “Sống giữa loài dã thú”.

  • Đức Giêsu đã chiến thắng nên nối kết lại trời với đất (x.Mc 1,10a), giao hòa nhân loại lại với các quyền lực thần thiêng: “có các thiên sứ hầu hạ Người”.

“Đấng Đạp Đầu Rắn” (đại diện cho toàn nhân loại) đã chiến thắng, Thiên Chúa đã hoàn tất lới hứa cứu độ St 3,15. Mọi xích xiềng, tội lỗi, sự dữ…trói buộc nhân loại đã được tháo cởi. Đó là cuộc chiến đấu “đi trọn kiếp làm người” (cám dỗ liên tục suốt 40 đêm ngày: Mc 1,13) để thực thi Ý Chúa như một con người.

Đức Giêsu đã chiến đấu, chiến thắng và nhân loại đã được hồi phục. Nhưng con người, mỗi cá nhân, vẫn còn tự do. Mỗi người phải tự quyết định vận mạng của mình. Mỗi người phải chiến đấu để cái chiến thắng của Đức Giêsu cho toàn nhân loại sẽ trở thành chiến thắng của chính mỗi người: đích thân mỗi người phải giao hòa với Thiên Chúa, tha nhân, vũ trụ, trong tư cách là MỘT CON NGƯỜI TRỌN VẸN.

Như vậy, Thiên Chúa đã hoàn tất lời hứa cứu độ St 3,15. Đấng Đạp Đầu Rắn đã chu toàn phận vụ của mình. Nhưng còn phần nhân loại? Nhất là phần của từng cá nhân? Chiến thắng của Đức Giêsu có đương nhiên là của chúng ta hay không? Mỗi người chúng ta phải làm gì để được thông phần vinh thắng với Đức Giêsu?

Đức Giêsu cho chúng ta lời đáp: “Ai muốn theo tôi, phải từ bỏ chính mình, VÁC THẬP GIÁ MÌNH mà theo”. Mỗi người phải noi gương Đức Giêsu, để Thánh Thần hướng dẫn và chiến đấu. Chiến đấu để vô hiệu hóa mọi âm mưu của Quỷ, để giao hòa lại với công trình sáng tạo của Thiên Chúa, để nối kết lại tình thân với thiên cung, với Thiên Chúa (x.Mc 1,12-13). Đó là cuộc chiến đấu suốt đời (40 đêm ngày); Nói cách khác đó là “vác thập giá của mình MỖI NGÀY” (x.Lc 9,23). “Vác thập giá của mình” đã là một điều khó, luôn là cớ vấp phạm cho con người, luôn là cạm bẫy nguy hiểm biến người môn đệ Chúa được Cha mặc khải, biến tảng đá nền của Giáo Hội trở thành một Satan (x.Mt 16,17-18.23). Chính vì thế, Đức Giêsu phải can thiệp, đào tạo, giúp cho môn đệ ý thức được những sai trái của mình, phải chiến đấu để chiến thắng. Tin Mừng Chúa Nhật II B Mùa Chay, đưa chúng ta vào cuộc đào tạo chiến đấu đó. Chiến đấu để NHẬN RA VINH QUANG của THẬP GIÁ và can đảm CHỌN ĐI THEO CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ. Hiển Dung là một chọn lựa của Đức Giêsu để đào tạo môn đệ kiên tâm theo Người trên đường Thập Giá.

A.Đường Thập Giá: cớ vấp phạm cho con người

Sau lời tuyên tín của Phêrô “Thầy là Đấng Kitô” (Mc 8,29), Đức Giêsu BẮT ĐẦU “nói rõ ra, không úp mở” cho các tông đồ về huyền nhiệm Thập Giá trong cuộc đời và sứ mạng của mình (Mc 8,31-32). Ngay lập tức Phêrô có phản ứng chống lại: “ông BẮT ĐẦU trách Người”, một việc làm trước giờ Phêrô không bao giờ dám. Đức Giêsu nhận ra ngay trong hành vi của Phêrô, bàn tay của Satan và Phêrô đang trở thành cánh tay nối dài của Qủy; Chính vì thế, Người không ngần ngại mắng Phêrô, vạch mặt Quỷ: “Satan, lui lại đàng sau Thầy (cùng một từ như mắng Quỷ trong Mt 4,10), vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8,33). Thập Giá đúng là một cớ vấp phạm đối với tư tưởng con người . Vậy mà tiếp ngay sau lời mắng nặng nề đó. Đức Giêsu lại đưa thêm đòi hỏi: đường Thập Giá không phải là chuyện riêng tư của Đức Giêsu mà là của tất cả mọi người muốn theo Người làm môn đệ (x.Mc 8,34). Đó quả là một cú xốc khó chấp nhận được đối với tính toán hơn thiệt của con người (hai lần báo Thập Giá sau, các môn đệ vẫn giữ thái độ không đón nhận). Chính vì thế cần phải có một cái gì đó thật ấn tượng nhằm thức tỉnh đầu óc các tông đồ, giúp họ vững tin vào con đường Thập Giá. Đối với các tông đồ, đây quả là cuộc chiến đấu để chọn bước theo đường Thập Giá.

B. Biến cố HIỂN DUNG:

* Thời gian: “6 ngày sau, nghĩa là 6 ngày kể từ lúc Đức Giêsu “BẮT ĐẦU” mặc khải con đường Thập Giá (Mc 8,21). Vậy biến cố Hiển Dung là ngày THỨ BẢY. Chúng ta đang có một tuần lễ mới: bắt đầu bằng công bố đường Thập Giá và kết thúc bằng tỏ lộ vinh quang thần linh. Suốt tuần đó Đức Giêsu chỉnh sửa, đào tạo các môn đệ theo “linh đạo Thập Giá” (x.Mc 8,21-9,1), để cuối cùng cho các ông thông hiệp vào vinh quang phục sinh, thần linh (9,2-6).

Vậy có lẽ nên hiểu “6 ngày” theo nghĩa biểu tượng. Chúng ta đang thông hiệp vào TUẦN LỄ TÁI TẠO VŨ TRỤ BẰNG CON ĐƯỜNG THẬP GIÁ: sau 6 ngày tham gia “linh đạo Thập Giá”, đến ngày thứ 7 là ngày qua Đức Giêsu Thập Giá, Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang phục sinh thần linh.

* Không gian: trong Kinh Thánh, “NÚI” là nơi Thiên Chúa mặc khải. Việc tách riêng ra một số người, không phải là Chúa ưu đãi hoặc chỉ muốn mặc khải riêng cho họ, mà theo Kinh Thánh, đường lối Thiên Chúa lúc khởi đầu luôn là với số ít, để rồi số ít đó có bổn phận làm lan tỏa điều Thiên Chúa đã nói riêng cho họ (x.Mt 10,26b-27) (Trong Cựu Ước, Thiên Chúa luôn khởi sự, làm lại với con số ít: Adam – Nôê – Abraham – số còn sót lại). Đưa riêng ba ông lên NÚI hàm ý, Đức Giêsu sắp hé lộ cho họ một mặc khải mới: cuối đường Thập Giá là vinh quang thần linh.

* Ba vị là ba môn đệ đặc biệt của Đức Giêsu: họ được Đức Giêsu cho thấy quyền năng chiến thắng tử thần của Người khi cho bé gái con ông trưởng hội đường đã chết được sống lại (Mc 5,35-42); Giờ đây Người củng cố thêm đức tin cho các ông hầu giúp các ông đương đầu với Thập Giá của Người trong những giây phút quyết liệt nhất của con đường Thập Giá, tiếc thay cả ba đều ngủ, bỏ Đức Giêsu một mình chiến đấu trong vườn Gietsimani (Mc 14,32-42). Rồi sau khi Đức Giêsu thăng thiên, ba vị này là ba cột trụ cắm chặng những giây phút quan trọng nhất của lịch sử kitô giáo: – Phêrô là thủ lãnh Giáo Hội; Giacôbê là vị tông đồ đầu tiên tử đạo vì Đức Kitô vì kitô giáo; Còn với Gioan, vị tông đồ chết sau cùng, mặc khải chính thức của kitô giáo khép lại.

– Các yếu tố diễn tả cuộc Hiển Dung:

  • Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh: ngoài việc che thân, y phục còn là dấu chỉ phân biệt: phái tính, địa vị xã hội, tình trạng hiện tại của bản thân: vui, buồn, có tang, hôn nhân, góa bụa…; Y phục thường ngày khác với y phục trong các dịp lễ. Đổi y phục là đổi số phận (ĐNTHTK “Yphục”).

Màu trắng trong thế giới Kinh Thánh, là biểu hiện của những hữu thể được liên kết vào vinh quang Thiên Chúa gồm những hữu thể thuộc cõi trời hoặc những hữu thể được biến hình như: vị kỳ lão mặc áo trắng (x.Đn 7,9); những người được tha thứ biến đổi sẽ nên trắng như tuyết (Is 1,18; Tv 51,9).

Vào ngày chung cuộc, đoàn người chiến thắng mặc áo trắng, tụng ca Thiên Chúa (Kh 7,9). Họ là những người đã giặt sạch và tẩy trắng áo mình trong Máu Con Chiên (Kh 7,14) (ĐNTHTK “Trắng”).

  • Môsê và Êlia là hai nhân vật biểu tượng của Cựu Ước: Lề Luật và Ngôn Sứ. Truyền thuyết Do Thái tin rằng họ thoát khỏi “cái chết hủy diệt”: Elia được rước về trời (2V 2,11); Môsê: không tìm thấy mộ (Đnl 34,6 và nốt “v”: CGKPV “Ngũ Thư” 557). Do đó họ tin rằng hai vị sẽ trở lại và đó là dấu hiệu loan báo thời thiên sai cánh chung đã đến (Đnl 18,18; Ml 3,23). Ở đây, ba môn đệ đã thấy hai vị đàm đạo với Đức Giêsu hiển dung.

Tất cả những nét mô tả bên trong Mc 9,2c-4 đều qui về một ý: Đức Giêsu đang biểu lộ “hình dạng” (morphe) vốn có từ đời đời của Người lâu nay trong mầu nhiệm nhập thể, tạm ẩn dấu dưới dạng một phàm nhân; Nay trong chốc lát, Người “biến đổi hình dạng” (mêtêmôrphothe) trước mắt ba môn đệ: có nghĩa là Thiên Chúa cho các ông được thấy trước ở đây trong chốc lát cái vinh quang thần linh vĩnh hằng của Đức Giêsu vốn sẽ được tỏ hiện công khai cho nhiều người vào dịp phục sinh. Tất cả muốn nói rằng con người Giêsu đó là một hữu thể thần linh, LÀ THIÊN CHÚA.

C. Cuộc chiến đấu của ba môn đệ trước cơn “cám dỗ”:

* Cơn cám dỗ muốn hưởng thụ cách thụ động ngay tức khắc tình trạng vinh phúc đang diễn ra, đang được nếm cảm ngay trước mắt mà quên mất thực tế trước mắt là phải làm người, đi trọn kiếp con người giới hạn; Quên mất đích đến là Golgotha chứ không phải là Tabor; Quên luôn chín anh em khác đang còn lao đao dưới chân núi, đang chiến đấu và đang thua cuộc. Ba ông chỉ thấy hạnh phúc trước mắt, chỉ muốn vinh quang rực rỡ tạm thời cho riêng bản thân mình. Cơn cám dỗ tượng tự Phêrô vừa mới thua cuộc khi nghe Đức Giêsu công bố Thương Khó lần thứ nhất ngay sau tuyên tín. Cú ngã thua đó đã đưa Phêrô từ tận trời (x.Mt 16,17-19) xuống tận đáy của hỏa ngục: “Satan…”; Đang là nền tảng để dựng xây Giáo Hội lại biến chất thành “cánh tay nối dài” của Quỷ cản phá chương trình cứu độ của Thiên Chúa trong Đức Giêsu. Đức Giêsu nói thẳng:  đó không phải là Ý Cha.

* Giờ đây đứng trước hồng ân Thiên Chúa dành cho mình, các ông lại bị cùng một cơn cám dỗ quật ngã thêm lần nữa: thay vì CHIẾN ĐẤU nhận ra ý nghĩa của biến cố, các ông đã buông xuôi theo khuynh hướng hưởng thụ ích kỷ, thụ động:

  • Chúng con ở đây, thật là hay…xin dựng ba lều:

Động cơ chỉ đạo cho đề nghị của Phêrô là “tư tưởng của loài người” (xem lại Mc 8,33c). Vừa thoáng thấy được chút xíu vinh quang thần linh của Đức Giêsu, thế là ngay tức khắc chỉ nghĩ ngay đến bản thân mình phải tìm cách hưởng thụ riêng tư, lâu dài cái hạnh phúc “tạm thời” đó, không còn nghĩ gì đến ai khác, quên luôn lời trách mắng nặng nề, lời khuyên “vác thập giá” của Thầy. “Từ chối phận làm người”, “từ chối đường Thập Giá”, “muốn mọi thứ đều dễ dàng trên con đường sứ mạng” luôn là cơn cám dỗ triền miên cho nhân loại, cho từng người, nhất là môn đệ Đức Giêsu.

  • Ông không biết phải nói gì

Phêrô vừa nói lên đề nghị dựng ba lều, thế nhưng ngay sau đó, Marcô đưa ra lời giải thích “thực ra các ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng”. Như vậy ý tưởng “dựng ba lều”, Phêrô nói ra một cách vô thức, bộc lộ khát vọng thâm sâu cái “ý tưởng phàm nhân” ăn sâu trong ông. Ông chưa thay đổi chút nào trước lời trách mắng và mời vác Thập Giá của Đức Giêsu. Còn trong thực tế đứng trước mầu nhiệm, ân huệ quá lớn và bất ngờ, các ông (chứ không phải chỉ một mình Phêrô) chẳng hiểu được gì (xem thêm Mc 9,10). Chính vì thế khi trực diện đối đầu với Thập Giá, tất cả Nhóm Mười Hai bỏ Đức Giêsu một mình trên Thập Giá.

  • Vì các ông kinh hoàng: đây là cái sợ linh thánh của phàm nhân ý thức mình đang hiện diện trước mặt Thiên Chúa thấy mình bất xứng (x.Lc 5,8).

    D. Cuộc thần hiện (Mc 9,7-8): lời đáp của Chúa Cha:

Trước đề nghị, phản ứng sai lầm của Phêrô, Chúa Cha can thiệp nói lên dứt khoát thánh ý Cha cho ba môn đệ. Đây là hai điều Cha mặc khải:

  • Con người Giêsu mà các ông đang theo làm môn đệ chính là “Con của Cha”. Như thế, Cha xác nhận, tất cả những gì Đức Giêsu nói với các môn đệ, 6 ngày trước khi Hiển Dung đều là chân lý, là Ý CHA.

  • Vậy hãy vâng nghe lời Người! Nhìn quanh chỉ còn Đức Giêsu với các ông. Đấng mà các ông phải vâng theo không là Giêsu hiển dung trên núi mà là Giêsu phải xuống núi đi trọn con đường “làm người”, tiến về Giêrusalem hoàn tất Ý Cha. Khi ấy nhân tính Đức Giêsu (và của cả nhân loại) mới đi vào vinh quang thần linh vĩnh cửu.

Hãy chiến đấu chọn theo Đức Giêsu làm người ! Hãy chiến đấu chọn con đường Thập Giá!

Frère Pierre Đình Long FSC