CHÚA NHẬT 4C PHỤC SINH

Kh 7,9.14b- 17; Ga10,27- 30

Chủ đề: Tương quan giữa chiên đối với Mục Tử.

* Cv 13,44: Ngày Sabat sau, gần như cả thành tụ họp nghe Lời Thiên Chúa.

* Ga 10,27: Chiên của Tôi thì nghe tiếng tôi… và chúng theo Tôi

Chúng ta bước vào Chúa Nhật bốn Mùa Phục Sinh. Phần phụng vụ Lời Chúa, các bài đọc, nhất là Tin Mừng, không còn đề cập trực tiếp đến những lần hiện ra của Đấng Phục Sinh nữa. Tin Mừng chuyển qua giai đoạn Đức Giêsu đang rao giảng công khai. Chúng ta tiếp tục chiêm ngắm con người Giêsu, trong xác phàm nhân, đang từng bước đi khắp nẻo đường Palestin để rao giảng Tin Mừng, công bố ơn cứu độ, mời gọi con người tin và đón nhận.

Cả ba năm A, B, C, Tin Mừng của Chúa Nhật bốn Mùa Phục Sinh đều sử dụng Ga 10 để làm bài đọc trong phụng vụ. Chủ đề chính là mối tương quan hỗ tương giữa Đức Giêsu- các tín hữu- và Chúa Cha. Hình ảnh biểu tượng được sử dụng để mô tả mối tương quan đó là MỤC TỬ và ĐÀN CHIÊN. Cội nguồn và cùng đích của mối tương quan đó chính là Chúa Cha (Ga 10,15. 18. 29). Vì thế, Chúa Nhật bốn Mùa Phục Sinh được gọi là Chúa Nhật “Chúa chiên Lành” và Giáo Hội chọn ngày này để cầu nguyện đặc biệt cho các ơn thiên triệu làm linh mục và tu sĩ. Toàn thể dân Chúa một lòng một ý nài xin Chúa thương ban cho Giáo Hội nhiều chủ chăn tốt theo mẫu mực của NGƯỜI MỤC TỬ NHÂN LÀNH là Đức Giêsu.

          Tin Mừng năm C làm nổi bật mối tương quan mật thiết hai chiều giữa CHIÊN và MỤC TỬ, đồng thời cũng cho thấy vai trò thiết yếu của Chúa Cha trong việc xây dựng và gìn giữ mối tương quan này. Tương quan chóp đỉnh mà Đức Giêsu muốn mặc khải cho đàn chiên của Người là đàn phải nhận ra Đức Giêsu và Cha Người là Một (Ga 10, 30), và tin tưởng trao phó tất cả vận mạng mình cho Cha (Ga 10, 29).

     Tin Mừng hôm nay là trích đoạn cuộc đối thoại giữa Đức Giêsu và người Do Thái vào dịp lễ Cung Hiến Đền Thờ (Ga 10, 22). Đây là một ngày lễ tràn đầy niềm vui cử hành suốt tám ngày mừng biến cố lịch sử nhà Macabê giải phóng Đền Thờ khỏi tay dân ngoại, thánh hiến lại Nơi Thánh, xây lại bàn thờ mới rồi dâng của lễ cho ĐỨC CHÚA trên đó (x. 1 Mcb 4, 36-59; 2 Mcb 1,9.11; 10,1-8). Đây có thể nói là lễ mừng Do Thái giáo hồi sinh sau cơn bách hại của Antioko IV Epiphane.

   Chính trong khung cảnh đó, người Do thái đã vây quanh Đức Giêsu tại hành lang Solomon và xin Người nói rõ ra Người có phải là Đấng Mêsia hay không (10,24). Đức Giêsu trả lời: “Tôi đã nói với các ông rồi mà các ông không tin… vì các ông không thuộc về đàn chiên của tôi (10, 25-26). Đức Giêsu đã nói lên một sự thật đau lòng và Tin Mừng hôm nay như là một lời mời gọi họ rằng: muốn tin được mặc khải của Người họ phải có thái độ của con chiên đối với chủ. Mặc dù họ cứng tin, Đức Giêsu vẫn kiên nhẫn tỏ mình ra cho họ một lần nữa. Đức Giêsu khẳng định: Người chính là Mục Tử, là chủ chăn tốt lành; Các môn đệ và những ai tin vào Người là đàn chiên của Người. Tương quan giữa CHIÊN đối với CHỦ là QUEN TIẾNG, là NGHE và dễ dàng ĐI THEO chủ trong tâm tình phó thác vì chiên tin chủ, biết tình yêu của chủ đối với mình. Và chiên đã không lầm! Vì Chủ biết rõ từng con chiên với mọi nhu cầu của chiên và đủ quyền năng và cách thức để bảo vệ chiên an toàn trong tay Chủ. Không ai cướp chiên khỏi tay Chủ được! Mà người chủ, Mục Tử này lại là Con của Chúa Cha, nên chiên theo Người sẽ không bị diệt vong, sẽ có sự sống đời đời.

    Từ mối tương quan mật thiết giữa chiên và Mục Tử, Đức Giêsu hé mở một chút mặc khải về Thiên Chúa: Thiên Chúa là CHA của Người. CHA là Đấng Toàn Năng vượt trên tất cả. Chính Cha đã ban chiên cho Người và chính Cha gìn giữ đàn chiên trong vòng tay yêu thương của Cha. Và Tin Mừng hôm nay kết thúc với lời mặc khải chóp đỉnh “Tôi và Chúa Cha là MỘT”. Người Do Thái yêu cầu Đức Giêsu mặc khải rõ căn tính của Người; Đức Giêsu đã không từ chối. Người chẳng những là Đấng Mêsia mà còn là Thiên Chúa. Trong tương quan với đàn chiên, điều đó đã được nói trước trong Ed 34,11 (chính Chúa thân hành chăn dắt đàn chiên) và Ed 34,23 (Chúa sẽ ban cho 1 mục tử tốt chăm lo đàn chiên Chúa). Sấm ngôn ứng nghiệm nơi Đức Giêsu vừa là Mục Tử Mêsia vừa là Thiên Chúa. Chính trong tư cách là “CON”, nên một với Cha mà Đức Giêsu chu toàn vai trò Mục Tử tốt, bảo vệ và mang lại sự sống đời đời cho Chiên. Chỉ khi thuộc về đàn chiên của Người thì mới có thể đón nhận được mặc khải tối hậu đó.

   Những gì Đức Giêsu vừa mặc khải trong Tin Mừng giờ được lặp lại nơi Phaolô và Banaba trong bài đọc một qua cuộc truyền giáo tại Antiokia xứ Pisidia: Hai ông được Thánh Thần tuyển chọn và được cộng đoàn sai đi (Cv 12, 2-3). Hai ông trở thành mục tử đi loan Tin Mừng cứu độ cho muôn dân đang khao khát chân lý (Cv13,42-44). Và dân ngoại đã vui mừng đón nhận trở thành CHIÊN NGOAN của Chúa, biết LẮNG NGHE và TIN THEO lời các mục tử tông đồ. Tiếc thay dân Do Thái ở đó lại ganh tị khước từ. Trước thực tại đau lòng ấy, theo gương ĐGS, Phaolô phải nói lên sự thật: lẽ ra họ được ưu tiên đón nhận Tin Mừng nhưng vì họ cứng lòng nên Phaolô và Banaba mới quay về với dân ngoại. Chính khi trung thành với sứ mạng dù bao khó khăn như thế, Phaolô ý thức rằng mình và Banaba chính là Mêsia – Mục Tử như Đức Giêsu, đã được Is 49, 6 báo trước. Mỗi Kitô hãy là con chiên ngoan của Chúa; là mục tử tốt cho những ai Chúa gởi tới cho mình; Để cuối cùng tất cả được nên con của Cha, nên một với Cha trong Đức Giêsu Kitô.

Frères Đình Long FSC