CHÚA NHẬT 4C MÙA CHAY

Gs 5, 9a. 10 -12; Lc 15, 1 -3 .11 -32
Chủ đề: Niềm Vui:  – Vui về đến nhà Cha – vui giã từ nô lệ

  • Vui được Cha đón tiếp – vui hồi phục quyền con.

  • Gs 5, 9- 11: Dân Itraen vào Đất Hứa … Chúa cất khỏi Dân nỗi ô nhục… Dân cử hành lễ Vượt Qua… và dùng thổ sản trong xứ.

  • Lc 15, 20 -23: Anh ta đứng lên đi về cùng Cha … Anh  còn từ xa, Cha đã trông thấy . ông chạnh lòng thương, chạy ra , ôm cổ anh, hôn lấy hôn để …. Và bảo đầy tớ: “ mở tiệc ăn mừng”

Chúng ta bước vào Chúa Nhật IV Mùa Chay. Lộ trịnh chay tịnh tiến về Lễ Phục Sinh đã trôi qua quá nửa. Truyền thống phụng vụ gọi Chúa Nhật hôm nay là Chúa Nhật HỒNG, Chúa Nhật của NIỀM VUI. Vui vì dù phía con người có bội nghĩa bất trung đến đâu đi nữa, thì phần Thiên Chúa, tình thương xót của Người vẫn không suy suyễn: Người vẫn kiên trì tìm mọi cách để đưa dự tính cứu độ của Người tới đích.

            Hòa với niềm vui bên ngoài thay đổi màu của phẩm phục từ TÍM sang HỒNG, bàn thờ được trang trí rực rỡ hơn, ca hát phụng vụ được sử dụng nhạc cụ như bình thường…Phụng vụ Lời Chúa cũng đầy ắp niềm vui: Niềm vui được đổi đời, được bước vào giai  đoạn mới tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn:

–  Dân Chúa đã hoàn tất giai đoạn lưu lạc trong sa mạc, được bước vào Đất Hứa
( Bài đọc 1).
– Trong TM, đứa con hoang đàng đã về tới Nhà Cha và được tiếp đón ân cần.
–  Hình ảnh bên ngoài được phụng vụ Lời Chúa dùng để diễn tả niềm vui là:

LỄ HỘI – TIỆC MỪNG. Vượt xa hơn là những biến cố nhất thời chóng qua, đó là những dấu mốc cho thấy cuộc sống mới đầy phúc lộc đã khởi đầu. Tuyệt vời hơn nữa, đó cũng là niềm vui của CHÍNH CHÚA: Chúa vui vì đã hoàn tất được một giai đoạn nữa của lịch sử cứu độ, đã ban Đất Hứa cho dân ( bài 1); đó là niềm vui của NGƯỜI CHA vì “ Em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay đã tìm thấy” (Lc 15, 32). Niềm vui mà Chúa mong ước đó là NIỀM VUI GIA ĐÌNH SUM HỌP: Cả gia đình về tới Nhà Cha, tất cả nhận ra nhau là anh em và nhất là mọi người đều sống  NIỀM VUI của CHA.

            Bài đọc 1 trích từ sách Giôsuê, mô tả Niềm Vui của Dân Chúa, giờ đây đã đặt chân vào Đất Hứa. Niềm Vui tới đích, Niềm Vui về tới nhà BÌNH YÊN sau một cuộc hành trình dài đầy gian nan. Nhưng trước tiên đó là Niềm Vui của chính Chúa: Một Niềm Vui vượt xa hơn những gì vật chất mang lại, Niềm Vui thấy dân mình được TỰ DO được HỒI PHỤC PHẨM GIÁlàm dân con Chúa: “ Hôm nay, Ta đã cất khỏi  các ngươi CÁI Ô NHUC của người Ai  Cập”.  Niềm vui thấy dân của mình  đã được tẩy luyện để đi vào nề nếp Giao Ước, đã cắt bì và giờ đâyCỬ HÀNH LỄ VƯỢT QUA,  đúng giờ ngày: 14 Nishan, đúng nơi chốn : ngày trong Đất Hứa.

Niềm vui đó của Chúa, trở thành Niềm Vui của dân: Niềm Vui từ nay được hoàn toàn tự do TUÂN GIỮ LUẬT CHÚA. Niềm Vui là HOA TRÁI của lòng thương xót Chúa hoàn tất công cuộc giải cứu Dân: “ Hôm nay”   Chúa cất mọi ô nhục thì ngay “ Hôm nay” dân vui mừng cử hành lễ Vượt Qua và “ Hôm sau”hưởng trọn niềm vui làm chủ Đất Hứa.

Vậy Niềm Vui chúng ta phải cố đạt tới không phải Niềm Vui bất kỳ nào, mà phải là niềm vui của Chúa, là CHUNG VUI với Chúa vì được Chúa giải cứu; Niềm Vui được CHUNG VUI với Cha, Niềm Vui thấy mình được tha, Niềm Vui đón nhận anh em trở về, Niềm Vui của gia đình đoàn tụ sau bao xa cách. Đó là những gì Tin Mừng sẽ khai triển thêm.

Tin Mừng thuật lại dụ ngôn “ đứa con hoang đàng” đúng hơn nên gọi là dụ ngôn về “ Tình Cha” dụ ngôn nói lên lòng thương xót và Niềm Vui của Cha đối với  đứa con hư. Niềm vui ấy không hạn hẹp  trong tình Cha, con, mà được mở rộng ra cho mọi người : tất cả những ai sống dưới mái nhà Cha đều được mời CHUNG VUI.

 Đối tượng được lòng thương xót Cha nhắm  tới  trước tiên là đứa con hư: Cha ôm nó vào lòng, ban tặng những nụ hôn tha thứ . Cha tha cho lỗi lầm quá khứ đã đành và còn tha luôn cái lỗi lầm còn LỚN hơn nữa  của hiện tại  khi đứa con xin được làm công cho Cha ( “ làm công” sáng tới làm việc và chiều ra đi sau khi lãnh lương từng ngày; nó không muốn ở trong nhà Cha), ( x. Mt 20, 13 – 14). Tha thứ hết!  Cha muốn nó đón nhận lại quyền làm con! Làm con ngay lúc “ chưa tắm” còn “ đầy mùi heo” . Đừng nhìn vào mình , hãy nhìn vào Cha rồi nhận lấy NHẪN –ÁO –DÉP MỚI.

Gia nhân, tôi tớ cũng được mời chung vui và góp phần vào Niềm Vui:  họ đồng hành có mặt với chủ ngay giây phút đầu tiên khi chủ vừa thấy con; và họ mau mắn thi hành ý CHỦ : biết rõ nơi chủ cất  NHẪN – ÁO – DÉP … nhanh chóng mổ bò làm tiệc ăn mừng.

Đứa con trưởng chống đối đường lối của Cha, nhưng cũng được mời gọi CHUNG VUI với Niềm Vui của Cha.

Vậy Tin Mừng mời gọi : tất cả hãy cùng chung một Niềm Vui: Niềm Vui của Cha, Niềm Vui của Mùa chay là Niềm Vui của Cha. Chỉ với Niềm  Vui này thì thập giá mới trở thành cửa ngõ  dẫn tới PHỤC SINH.

Frère Đình Long FSC