CHÚA NHẬT 2C MÙA PHỤC SINH

Cv 5, 12 – 16; Ga 20, 19 -31.

Chủ đề: Chứng từ CỘNG ĐOÀN,
một dấu chỉ lôi cuốn kẻ khác đến với đức tin.

* Ga 20, 25a.29b: CHÚNG TÔI đã được thấy CHÚA… Phúc cho những ai không thấy mà tin.

* Cv 5, 12b.14a: Mọi tín hữu đều ĐỒNG TÂM NHẤT TRÍ…càng ngày càng có nhiều người tin THEO CHÚA.

    Hôm nay Chúa Nhật 2C Mùa Phục Sinh, Giáo Hội kết thúc tuần Bát Nhật mừng lễ Phục Sinh. Suốt 8 ngày, Giáo Hội đưa chúng ta lên “Núi Tabor” để chúng ta chiêm ngắm vinh quang thần linh của Đức Giêsu qua biến cố Người chiến thắng Tử Thần và Phục Sinh. Giờ đây Giáo Hội mời chúng ta xuống núi, vâng theo Lời Đấng Phục Sinh làm chứng nhân cho Người…đến tận cùng trái đất (x.Cv 1, 8).

   Rồi kể từ Mùa Phục Sinh năm 2004, Chúa Nhật 2 được Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thiết lập thành Chúa Nhật “kính lòng thương xót Chúa”. Như vậy qua việc kết nối 2 ý nghĩa – PHỤC SINH và LÒNG THƯƠNG XÓT CHÚA vào chung một ngày lễ – Giáo Hội nhắn nhủ cho con cái mình rằng: Thiên Chúa là Đấng giàu lòng xót thương; và chóp đỉnh của lòng Chúa thương xót chính là mầu nhiệm thập giá và phục sinh của Đức Giêsu. Nhờ thập giá và phục sinh, lòng thương xót của Chúa thực sự nở hoa trong thân phận làm người, nhân loại được công chính hóa được thông hiệp vào sự sống Ba Ngôi, làm con Thiên Chúa. Thật vậy, qua thập giá và phục sinh, Thiên Chúa đã xóa bỏ mọi lỗi lầm, khắc phục các hậu quả và mở ra con đường hiệu năng đưa nhân loại về với Chúa trong tư cách là con. Điều lạ lùng ấy đã được công bố trong bài “công bố Tin Mừng Phục Sinh” vào đêm canh thức vượt qua: “Ôi! Ân tình Cha thật kỳ diệu. Ôi! Ân phúc Cha thật khôn lường. Để cứu dân lầm than nô lệ, Cha đã thí Con Một quý yêu” (Exsultet).

    Như vậy, Đức Giêsu phục sinh đã trở thành “con đường, sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Với biến cố lịch sử thập giá và phục sinh, lòng thương xót của Thiên Chúa đã đổ tràn đầy trên NHÂN LOẠI; Vấn đề còn lại là mỗi cá nhân phải đích thân đến gặp gỡ Đức Giêsu để biến HỒNG ÂN CÁNH CHUNG đó của NHÂN LOẠI trở thành HỒNG ÂN HIỆN TẠI của mỗi người hay trên cuộc lữ hành trần thế này. Thế nhưng Đức Giêsu đã thăng thiên, Người không còn hiện diện HỮU HÌNH TRONG XÁC PHÀM giữa chúng ta nữa; vậy làm cách nào để TỪNG NGƯỜI, ĐÍCH THÂN vốn còn trong thân xác hữu hạn có thể gặp được Người để rồi TIN rằng Người đã phục sinh và tôn nhận Người là CHÚA. Tin Mừng qua các trình thuật HIỆN RA, cho câu đáp rất gọn: PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN.

  Đó là mối phúc duy nhất trong Tin Mừng thứ 4 do chính Đức Giêsu trong tư cách là ĐẤNG PHỤC SINH, là THIÊN CHÚA công bố. Đối với Tin Mừng thứ 4, việc tiếp xúc trực tiếp bằng giác quan đối với Đấng Phục Sinh là KHÔNG CẦN THIẾT để tin nhận Người đã sống lại. Đồng thời Tin Mừng cũng đưa ra một số yếu tố để nhân loại mọi thời có thể dựa vào đó mà tin nhận Người đã phục sinh.

  Yếu tố chính yếu đầu tiên đã được trình bày cho chúng ta trong Chúa Nhật trước: Đó là LỜI CHÚA! Và yếu tố đi kèm theo lời rao giảng và chứng từ của tông đồ Phêrô (x. Cv 10, 37 -43).

 Còn Tin mừng hôm nay thuật lại 2 lần hiện ra của Đấng Phục Sinh cho nhóm 11 môn đệ. Lần đầu chỉ có 10 vị tiếp xúc, còn Tôma vắng mặt (x. Ga 20, 19 -24). Lần thứ 2 có đủ 11 vị. Nhưng thật chất, lần này được xem như là dành riêng cho Tôma và nhất là DÀNH CHO MỌI TÍN HỮU MỌI THỜI, những người không thể tiếp xúc thể lý trực tiếp với Đấng Phục Sinh. Chúng ta thực sự là những người có phúc và không bị thua thiệt gì so với các tông đồ: PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN.

   Vậy yếu tố để mọi tín hữu “không thấy mà tin” được rằng Chúa đã sống lại LÀ GÌ? Chính lời của Đấng Phục Sinh trách cứ Tôma khi ông đòi kiểm chứng bằng giác quan để tin cho ta câu đáp. Tôma không tin chứng từ của Nhóm 10 tông đồ đã được Chúa hiện ra và trao ban cho sứ mạng. Do đó Đấng Phục Sinh đã trách ông: “đặt ngón tay vào đây và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa NHƯNG HÃY TIN” (20, 27). “NHƯNG HÃY TIN”! Tin điều gì? Theo mạch văn, Đấng Phục Sinh nói Tôma hãy tin vào lời chứng của Nhóm 10 anh em. Vậy Tin Mừng 4 đã khẳng định: yếu tố cần thiết để dẫn tới đức tin là CHỨNG TỪ TÔNG TRUYỀN. Đấng Phục Sinh muốn thế. Và một khi đã nghe ý định của Đấng Phục Sinh, Tôma không đòi kiểm chứng giác quan nữa mà tuyên xưng Người là Thiên Chúa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Như vậy mọi sự đã rõ ràng: với quyền Chúa mà các môn đệ vừa mới tuyên xưng, Đấng Phục Sinh mở rộng lời khẳng định của Người “NHƯNG HÃY TIN” cho riêng Tôma thành một lời chúc phúc cho toàn thế giới: PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN.

   Thế là các môn đệ ra đi, rao giảng, làm chứng về Đấng Phục Sinh. Tin vào lời và chứng từ tông truyền của các vị, cộng đoàn tín hữu dần hình thành. Rồi đến phiên họ, cộng đoàn tín hữu tiếp nối sứ mạng tông truyền; lời rao giảng và đời sống chứng tá của cộng đoàn tín hữu trở thành yếu tố lôi cuốn kẻ khác đến với cộng đoàn và tin vào Đấng Phục Sinh.

  LỜI CHÚA – lời rao giảng và chứng từ tông truyền – đời sống đức tin, yêu thương, hiệp nhất của cộng đoàn tín hữu mãi mãi là yếu tố nền giúp nhân loại mọi thời tin rằng CHÚA ĐÃ PHỤC SINH. Nhân loại được hưởng phúc lành của Đấng Phục Sinh: PHÚC THAY NHỮNG NGƯỜI KHÔNG THẤY MÀ TIN.

Frères Đình Long FSC