Cầu Nguyện Liên Tục, Có Thật Sự Khó?

Phó tế Greg Kandra
Lại Thế Lãng dịch

Khi tôi còn là một thiếu niên tôi đã dành một mùa hè rửa chén và dọn bàn tại tiệm kem Gilford ở Silver Spring, Maryland. Tôi vẫn còn nhớ cái mùi khó chịu của kem tan chảy trộn lẫn với mùi xà bông rửa chén.

Thật là kinh tởm.

Thành thực mà nói, tôi đã không thể ăn kem suốt mùa hè năm đó. Chỉ nghĩ đến thôi tôi đã muốn nôn mửa rồi. Từ chiều cho đến tối, tôi phải tiếp xúc với sô cô la, nước quả với kem tan chảy, trái anh đào. Rất may cho tới nay kem không còn là vấn đề đối với tôi nữa (Có thể bác sỹ và vợ tôi không đồng ý).

Dù sao tôi cũng có lý do để nhớ lại mùa hè năm đó khi tôi nhặt được tập sách “Thực Hành Sự Hiện Diện Của Thiên Chúa” của một Thầy dòng Camêlô không tên tuổi là Nicolas Herman được biết đến với tên Thầy Lawrence.

Hàng thế kỷ qua Thầy Lawrence đã hình thành một hình thức tâm linh đơn giản nhưng sâu sắc, đã lôi cuốn bao thế hệ các tín hữu. Tôi nghĩ nó cung cấp cho chúng ta một mẫu mực cho việc cầu nguyện không chỉ là một phần của cuộc sống mà thực sự là phần lớn nhất của cuộc sống. Thực hành sự hiện diện của Chúa biến đổi chính hành động của cuộc sống thành cầu nguyện bền bỉ và liên tục- Một cách dể cầu nguyện không ngừng.

Một khởi đầu không hứa hẹn

Nicolas Herman sinh năm 1614 tại nước Pháp. Nicolas bi thương trong lúc thi hành nhiệm vụ khi đang phục vụ trong quân đội. Sau khi hồi phục Nicolas quyết định trở thành một Thầy tu. Năm 26 tuổi Nicolas gia nhập Dòng Camêlô ở Ba Lê và lấy tên là Lawrence.

Đó không phải là công việc hấp dẫn đối với mọi người. Nicolas làm việc trong nhà bếp của tu viện, nấu ăn cho các Thầy dòng. Những năm sau đó Nicolas đổi sang nghề làm dép. Đó là những điều Thầy nhận được trong cuộc sống.

Thật là bận rộn, nhạt nhẽo… không có gì hấp dẫn.

Thầy Lawrence nhận ra rằng sống trong một tu viện gần như không nâng cao tinh thần như Thầy mong đợi. Thầy cầu nguyện, Thầy suy niệm, Thầy sống hàng giờ trong sự im lặng. Nhưng không có điều nào làm cho Thầy mãn nguyện. Thay vào đó Thầy đã phải phát triển riêng cho mình một hình thức tâm linh bằng cách tự uốn nắn mình để thực hành điều này. Là sống như lúc nào cũng đang ở trong sự hiện diện của Chúa. Ngay cả khi Thầy đang nấu các món ăn. Như Thầy viết:

Tôi đã bỏ sang một bên những kinh nguyện không cần thiết và tự hiến thân mình để luôn ở trong sự hiện diện thánh thiện của Thiên Chúa. Tôi giữ bản thân mình trong sự hiện diện của Ngài đơn giản bằng sự chú tâm và sự nhận thức yêu thương của Thiên Chúa mà tôi gọi là “Sự hiện diện thực tế của Thiên Chúa” hay tốt hơn, một cuộc trò chuyện thầm lặng với Thiên Chúa kéo dài.

Thầy Lawrence qua đời cách âm thầm ở tuổi bảy mươi bảy và cuốn sách Thầy để lại tuy nhỏ nhưng lại là một kho tàng đáng quý. Nó được coi như một “quy tắc”, một hướng dẫn cho tất cả những ai muốn sống mỗi ngày trong sự cầu nguyện liên tục.

Khả năng thích ứng của lời cầu nguyện:

Đối với cuộc sống trong nhà bếp Thầy Lawrence đã viết: thời gian hoạt động không có gì khác với thời gian cầu nguyện vì tôi đã có được Thiên Chúa cách an bình ngay trong sự ồn ào ở nhà bếp, nơi mọi người thường hỏi tôi những câu hỏi khác nhau trong cùng một lúc. Thời gian tôi làm việc trong nhà bếp cũng giống như khi tôi quì trước Mình Thánh Chúa.

Đến nay Thầy Lawrence vẫn là một nhân chứng sống động đối với điều mà nhiều người trong chúng ta thường bỏ qua hay lãng quên: Cầu nguyện là hoàn toàn sáng tạo và thích nghi. Cầu nguyện nên bao gồm tất cả những gì có liến quan đến chúng ta. Chúng ta cầu nguyện với Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nhưng Ngài cũng là con người bằng xương bằng thịt, cũng phải cực nhọc, tranh đấu, vui mừng hoan hỉ và làm việc như chúng ta.

Muốn “cầu nguyện không ngừng”? Hãy bắt đầu làm cho mỗi hành động, mỗi cử chỉ, mỗi nhiệm vụ của ta trở thành một hình thức cầu nguyện và dâng lên Thiên Chúa. Hãy dâng nó lên Thiên Chúa khi đang ở trong phòng tắm, lúc đang ở trong nhà xe, khi ngồi trên xe bus, khi đang ở ngoài vườn, khi làm việc trong văn phòng …

Bất cứ công việc nào được dâng lên Thiên chúa với lòng yêu mến có thể trở thành lời cầu nguyện. Thật vậy. Trả lời điện thoại, chăm sóc vườn tược, đánh máy một xấp tài liệu, cân bằng sổ sách, thay tã, băng bó một vế thương… Chúng ta có thể làm nhiều hơn là chỉ đơn thuần thực hiện các tác vụ này. Chúng ta có thể biến chúng thành lời cầu nguyện.

Khi tôi đã lớn khôn tôi thấy mẹ tôi treo một tấm bảng nhỏ phía trên bồn rửa chén. Tấm bảng ghi  “Cầu Nguyện ở Nhà Bếp” nói về sự nhiệt thành của Thầy Lawrence và lòng mộ đạo mà nhiều người trong chúng ta hàng ngày cố gắng đạt tới.

Klara Munkres, một giáo viên nghỉ hưu từ Savannah, Missouri đã viết lời cầu nguyện này. Bà qua đời năm 1971, và mặc dầu phần đông chúng ta chưa bao giờ nghe nói về bà nhưng vô số người đã biết những lời của bà như được trích ra dưới đây:

Lạy Thiên Chúa của tất cả nồi niêu soong chảo
Vì con không có thời gian để trở thành
Một vị thánh bằng cách thực hiện những điều đáng kể hoặc
Thức khuya với Ngài
Hoặc mơ ước trong ánh sáng bình minh hoặc
Xông vào cửa Thiên đàng
Xin làm cho con nên thánh chỉ bằng việc ăn uống và
Rửa chén dĩa.

Dâng Mình Cho Chúa

Thầy Lawrence, năm thế kỷ trước đã hiểu rằng cầu nguyện không ngừng là không khó khăn như người ta tưởng. Thầy nắm vững lý thuyết thần học về sự hiện hữu, món qùa được hiện diện với Chúa và hướng nhận thức sâu sắc đó thành thực hành trong từng giây từng phút. Bí mật của Thầy? “Tôi tự cố gắng không làm điều gì, không nghĩ điều gì làm mất lòng Chúa. Tôi hy vọng rằng khi tôi làm những gì tôi có thể, Chúa cũng sẽ làm với tôi những gì đẹp lòng Ngài”.

Nghe có vẻ rất giản dị nhưng thử thách là rất lớn. Đó là việc làm của cả đời. Đó cũng là cách tôi đã nhận thấy khi còn là một thiếu niên lúc làm công việc rửa chén tại một tiệm kem.

Nhưng những lợi ích của việc cầu nguyện suốt đời như Thầy Lawrence mô thì tả lâu dài hơn và có hương vị vô cùng ngọt ngào.

(Phó tế Greg Kandra là một phó tế vĩnh viễn thuộc Giáo phận Brooklyn)
Mạng Lưới Cầu Nguyện