Mẹ Cảm Thấu Nỗi Đau Của Chúng Ta…

Bài Giảng Lễ Mẹ Sầu Bi.

Lễ về Đức Mẹ rất nhiều, nhưng đa số đều ca tụng những đặc ân của Đức Mẹ như: Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời….và những sự kiện, mầu nhiệm của Đức Mẹ như Đức Mẹ đi viếng, Truyền Tin,… Riêng về lễ hôm nay đã kéo Mẹ về với thân phận con người và gần gũi với con người, Mẹ đã sống mọi vui buồn sướng khổ như chúng ta, và nhiều buồn hơn vui, nhiều đau đớn hơn sung sướng. Ngoài những vất vả buồn đau hằng ngày cho chồng cho con trong một gia đình nghèo, người làm vợ này – là Mẹ Maria đã phải trải qua. Phúc Âm còn kể lại những lần khổ ải đặc biệt mà sao giống chúng ta ngày nay quá, chỉ có điều là thường vượt quá xa.

Đời Mẹ đã có cùng một nỗi sầu khi chồng mình băn khoăn trăn trở trước việc mang thai của người vợ, cùng nỗi lo âu đầu đời làm mẹ khi ông già Simêon tiên đoán về tương lai mù mịt của cả mẹ lẫn con ngay vừa khi ẵm con mới sinh đến đền thờ dâng lễ. Cùng một niềm lo sợ trước nỗi nguy cơ do nhà cầm quyền tham lam và ác độc; những cuộc di cư lang thang lất thất giữa đêm khuya với hai bàn tay trắng. Cũng niềm băn khoăn không hiểu được đứa con chưa lớn đủ đã muốn thoát khỏi gia đình trong một cuộc lạc mất con, một câu nói lạnh lùng cay đắng, hụt hẫng “Ông bà tìm tôi làm gì?”(Lc 2,49) nhất là nỗi đau xé lòng khi thấy con mình bị phản kháng, bị mưu sát, bị phản bội bởi những môn sinh thân tín và rồi bị bắt, kết án bởi ngay những vị lãnh đạo dân trong chính tôn giáo của mình. Bị kết án bất công và nhục nhã, đặc biệt khi đứng kề bên thập giá thấy con mình đau thương nhiều hơn một tội phạm.

Người mẹ nào trên trần gian đã gặp nỗi đau nát lòng như thế chưa? Có phải Chúa Giêsu yêu mẹ mình hơn ai hết không? Có phải Chúa Cha trên trời luôn sủng ái con gái Maria của mình như thế không? Vậy thì Chúa ở đâu??? Tại sao Chúa để Mẹ Maria đau thương sầu khổ đến như thế? Làm Mẹ Đấng Cứu Thế trần gian như thế ai mà thèm?!

Thế nhưng chính tiếng “xin vâng” khởi đầu trong cuộc đời làm mẹ, làm Đấng cộng tác đặc biệt cho Chúa Cứu Thế, làm Mẹ nhân loại đau thương và tủi nhục đã dẫn Đức Mẹ vào cuộc đời đau khổ như thế đó. Nếu tiếng “Xin vâng” bằng miệng trước Thiên thần truyền tin đã sinh nên Đấng Cứu Thế thì tiếng “Xin Vâng” bằng trái tim bên cây thập giá đã sinh hạ những người con được cứu rỗi. “Này là con Bà, này là Mẹ con” (Ga 19,27) Như người phụ nữ quằn quại khi sinh nở nhưng nỗi đau tan hết khi thấy một người con đã sinh ra đời. Xin cám ơn Mẹ, cám ơn tất cả tấm lòng của Mẹ. Bây giờ thì chúng con hoàn toàn an tâm khi đến với Mẹ.

Một Linh mục kể: Ngày lễ tại nơi hành hương Đức Mẹ Măng-đen, thấy một ông già người dân tộc vẫn ung dung đút hai tay vào túi quần quanh quẩn bên đài Đức Mẹ, mặc dù lễ đã xong mọi người tản mác ra xa dọn cơm bánh ra ăn bữa trưa, ông già vẫn quanh quẩn bên đài đôi lúc ngước lên nhìn Mẹ với vẻ khoái chí lắm.

  • “Con ở đâu tới” – Linh mục tới gần hỏi ông già.

  • Con ở Buôn Mê

  • Sao đi xa thế? Buôn Mê cũng có mấy nơi hành hương mà?

Ông già khoe luôn: Con đã thấy nhiều tượng Đức Mẹ đẹp lắm, thích lắm, nhưng con vẫn thích Đức Mẹ Măng-đen hơn. Vì Đức Mẹ cụt tay, vừa nói ông vừa rút hai cánh tay ra khỏi túi quần, thì ta ông cũng cụt hai bàn tay….ông cười tươi để hé lộ hàm răng thưa thớt của mình với sự vui tươi, hồn nhiên như một đứa trẻ. Đức Mẹ vẫn luôn gần gũi với con người.

 Bây giờ thì các bà mẹ đi đến với Mẹ nhiều lắm, chẳng có nỗi đau nào mà Mẹ không thể không cảm thấu. Bây giờ thì những đứa con khi đến với Mẹ hiểu rằng chẳng có sự trống vắng, bất công hay giằn vặt nào mà Mẹ không đỡ nâng vì Mẹ đã là trái tim của chúng con. Bây giờ thì “Xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ xin bầu chữa cứu giúp mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời..”

“Này là con Bà, này là Mẹ con” (Ga19,27) Bây giờ thì chúng con xin phó thác mọi niềm vui nỗi buồn cho Mẹ, để Mẹ đưa chúng con đến với Chúa, để tiếng “Xin Vâng” nhỏ bé của chúng con hợp với tiếng “Xin vâng” trọng đại của Mẹ góp phần vào chương trình cứu chuộc của Con Mẹ cho cả thế giới hôm nay.

Bài Giảng lễ  Đức Mẹ Sầu Bi 2017

 – Cha Đặc Trách Giuse, CĐ Hoàng Mai