Bài giảng (Mc 16,1-8)- lễ đêm canh thức Phục Sinh năm 2021

Kính thưa quý Dì, quý chị em dòng Nữ Tỳ Thánh Thể!

Đêm nay là một đêm đặc biệt trong nhịp phụng vụ của Giáo hội. Việc tưởng niệm Chúa Ki-tô chịu chết và sống lại đạt tới điểm cao nhất trong đêm nay, đêm Vượt Qua mừng Chúa phục sinh. Theo như lời thánh Augustinô nói, cuộc họp mừng đêm nay là “mẹ của hết mọi buổi canh thức phụng vụ”. Vì ý nghĩa đặc biệt như vậy nên các cử hành của đêm nay cũng đặc biệt. Nghi thức phụng vụ có đến bốn phần: phần thắp nến phục sinh, phần phụng vụ lời Chúa, phần phụng vụ Thánh Tẩy và phần phụng vụ Thánh Thể. Trong phần phụng vụ Lời Chúa, Giáo hội đề nghị đến chín bài đọc: bảy bài Cựu Ước, hai bài Tân Ước. Nếu mà cứ làm đầy đủ tất cả các nghi thức thì chắc phải kéo dài đến vài ba giờ đồng hồ, mà có thể là còn hơn nữa. Thông thường thì cũng hiếm có nơi nào cử hành đầy đủ: không bớt đi chỗ này thì cũng bớt chỗ kia.

Giả như phải rút ngắn đến mức không thể rút ngắn hơn được nữa, để những gì còn lại phải giữ, không bỏ được, là những điều căn cốt nhất, thì chúng ta lại nhận thấy những điều căn cốt nhất đó lại chính là những điều thông thường nhất mà chúng ta vẫn cử hành, đó là thánh lễ, đó là cuộc cử hành Thánh Thể. Vì thế, cử hành phụng vụ canh thức Vượt Qua mừng Chúa phục sinh đêm nay dù có quan trọng, dù có đặc biệt, dù có nhiều nghi thức thì vẫn không gì khác chính là chúng ta đang cử hành Thánh Thể.

Ngoài ra, vì là những tu sĩ Thánh Thể, là con cái của thánh Eymard, cho nên có thể quý sơ đã nghe biết một câu nói của ngài, câu nói đó là: “Phục sinh là khải hoàn, nhưng cái thu hút sự chú ý của chúng ta không phải là cuộc sống vinh quang mà là sự phục sinh dưới ánh sáng của Thánh Thể” (Thánh Eymard, PS 405,1). Thánh Eymard muốn chiêm ngắm sự phục sinh của Chúa qua lăng kính Thánh Thể. Là những tu sĩ Thánh Thể, hơn ai khác, chúng ta được thánh Eymard mời gọi cũng có một cái nhìn như thế.

Kính thưa …!

Từ một vài lý do đó, cho nên, khi con suy niệm chuẩn bị cho những chia sẻ này, cách rất tự nhiên, nó hướng con đến ý tưởng về mối liên hệ giữa mầu nhiệm Thánh Thể mà chúng ta cử hành hàng ngày, không chỉ là trong đêm hôm nay, với mầu nhiệm phục sinh của Chúa. Giờ đây, cũng muốn được mời quý sơ dành ít phút để xem sự liên hệ này xem như thế nào. Mặc dù không đi sát lắm với các bài đọc, nhưng cũng không đi ngoài tâm tình của phụng vụ ngày lễ, và thiết nghĩ nó ý nghĩa cho chúng ta trong tư cách là những tu sĩ Thánh Thể.

Xin được gợi với quý sơ hai góc nhìn: góc nhìn trên bình diện lịch sử của việc cử hành và góc nhìn trên bình diện ý nghĩa thần học.

Chúng ta biết rằng Chúa Giê-su đã thiết lập bí tích Thánh Thể trong bữa tiệc ly của Chúa với các môn đệ mà chúng ta mới cử hành hôm thứ Năm vừa rồi. Chúa đã thiết lập bí tích, còn chuyện cử hành vào ngày nào thì lại là chuyện khác. Và, chuyện mà chúng ta dâng thánh lễ hàng ngày như ngày nay thì lại còn là chuyện khác nữa, đó là chuyện mãi về sau này.

Chúng ta có thể thử đặt mình vào vai trò của các tông đồ. Phải chọn ngày nào quy tụ lại với nhau để cử hành Thánh Thể theo như lệnh truyền của Chúa đây? Có thể là cứ hàng tuần vào ngày thứ Năm, vào chính cái ngày Chúa thiết lập bí tích Thánh Thể, ngày đó hợp lý lắm chứ? Hay cũng có thể là thứ Sáu, ngày Chúa chịu chết để thực hiện công trình cứu độ, ngày này cũng rất có lý?

Bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe kể về câu chuyện đầu tiên liên hệ đến biến cố Chúa sống lại. Câu chuyện ngôi mộ trống. Không có chi tiết nào rõ ràng cho chúng ta thấy biến cố Chúa phục sinh liên hệ đến bí tích Thánh Thể Chúa đã thiết lập. Tuy nhiên, vài câu mở đầu cho biết thời gian của sự kiện, đó là vào “sáng tinh sương ngày thứ nhất trong tuần”, lại là một gợi mở rất giá trị. Cả bốn tác giả Tin Mừng đều xác nhận chi tiết này. Nó sẽ ảnh hưởng mang tính quyết định đến việc các tông đồ sẽ chọn ngày nào để cử hành Thánh Thể. Ngày Chúa phục sinh rồi đây sẽ là ngày để cử hành Thánh Thể.

Theo truyền thống từ các tông đồ, bắt nguồn từ chính ngày Chúa sống lại, Giáo hội cử hành mầu nhiệm phục sinh vào mỗi ngày Chúa Nhật. Giáo hội sơ khai đã không cử hành Thánh Thể chiều ngày thứ năm theo cái ngày Chúa thiết lập bí tích, nhưng ngay từ thuở ban đầu, Giáo hội đã cử hành vào ngày Chúa Nhật là ngày Chúa phục sinh (x. Cv 20,7).

Với việc tưởng niệm Chúa Phục sinh, ngày thứ nhất trong tuần của người Do thái trở thành ngày trung tâm và nền tảng của đời sống Giáo hội Chúa Kitô, ngày Giáo Hội được quy tụ lại. Ngày thứ nhất trong tuần giờ đây trở thành ngày Chúa nhật, “Ngày của Chúa”. Việc cử hành Thánh Thể là trọng tâm của ngày này, ở đó tất cả cộng đoàn tín hữu được qui tụ và được gặp Chúa Phục Sinh (GLCG, 1166).

Như thế, nhìn lại lịch sử sơ khai của ngày mừng Chúa phục sinh và của ngày cử hành Thánh Thể, chúng ta nói được rằng lịch sử đó là một. Ngày mà các tông đồ và Giáo hội sơ khai tưởng niệm biến cố Chúa phục sinh cũng chính là ngày các tông đồ và Giáo hội cử hành Thánh Thể theo lệnh truyền của Chúa. Việc tưởng niệm biến cố Chúa phục sinh được đặt vào trong khung cảnh của cuộc cử hành Thánh Thể. Tâm tình của các tông đồ khi cử hành Thánh Thể để nhớ đến Thầy mình chính là tâm tình tưởng nhớ đến sự phục sinh của Thầy.

Đó là góc nhìn trên bình diện lịch sử việc cử hành, còn, góc nhìn trên bình diện ý nghĩa thần học thì thế nào?

Chúng ta thấy, trong mỗi thánh lễ, sau phần truyền phép, chủ tế sẽ xướng lên câu: “Ðây là mầu nhiệm đức tin”. Cộng đoàn sẽ tung hô: “Lạy Chúa, chúng con loan truyền Chúa chịu chết, và tuyên xưng Chúa sống lại, cho tới khi Chúa đến”. Rồi tiếp đó, linh mục đọc tiếp lời cầu nguyện: “Vì vậy, lạy Chúa, khi kính nhớ Con Chúa chịu chết và sống lại, chúng con dâng lên Chúa bánh trường sinh và chén cứu độ để tạ ơn Chúa” (KNTT II).

Thật vậy, bí tích Thánh Thể là việc tưởng niệm cuộc khổ nạn và phục sinh của Chúa (GLCG, 1330). Qua các thánh lễ, Giáo hội công bố mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa “cho tới khi Người lại đến” (GLCG, 1344). Trong Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, Công đồng Vaticanô II xác quyết về mối liên hệ giữa bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Ki-tô thế này: “Trong Bữa Tiệc sau hết, đêm bị nộp, Ðấng Cứu Chuộc chúng ta đã thiết lập Hy Tế Tạ Ơn bằng Mình Máu Người, để nhờ đó Hy Tế Khổ Giá kéo dài qua các thời đại cho tới khi Người lại đến, và cũng để ủy thách cho Hiền Thê yêu quí của Người là Giáo Hội việc tưởng nhớ cái chết và sự sống lại của Người” (SC, 47).

Chúng ta thường dễ tách rời hai biến cố cuộc tử nạn và cuộc phục sinh của Chúa, bởi vì nó xảy ra vào hai thời khắc cách xa nhau: cuộc tử nạn xảy ra vào ngày thứ Sáu, còn việc phục sinh thì xảy ra vào Chúa Nhật tiếp đó. Thế nhưng, thực sự, mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa chỉ là một thực tại duy nhất với hai khía cạnh là cuộc tử nạn và cuộc phục sinh của Người (GLCG, 654). Vì thế, phụng vụ, như chúng ta thấy, gọi những ngày cuối cùng của Tuần Thánh là Tam Nhật Vượt Qua, một mầu nhiệm khởi sự từ thánh lễ tối thứ Năm Tuần Thánh, và kết thúc với Kinh Chiều lễ Phục Sinh. Cuộc tử nạn và phục sinh họp thành một tổng thể, đó là mầu nhiệm Vượt Qua.

Chiều hôm qua, chiều thứ Sáu Tuần Thánh, phụng vụ của Giáo hội có nghi thức là nghi thức tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa. Chỉ là tưởng niệm cuộc thương khó của Chúa chứ không phải là thánh lễ, không phải là cử hành Thánh Thể. Bởi vì, nếu Chúa chưa sống lại thì chưa có Thánh Thể. Nếu chỉ là tưởng niệm cuộc thương khó mà không phải là thương khó và phục sinh thì chưa phải là cử hành Thánh Thể. Cũng thế, ngày thứ Bảy hôm nay, Giáo hội ở bên cạnh mồ Chúa để suy niệm cuộc thương khó và sự chết của Người. Giáo hội không có cử hành thánh lễ cho đến lúc này khi cử hành canh thức Vượt Qua mừng Chúa sống lại.

Từ tưởng niệm dễ làm chúng ta hiểu là một hoạt động của trí não hướng về một chuyện gì đó trong quá khứ. Thế nhưng, theo Thánh Kinh, tưởng niệm không chỉ là nhớ lại những biến cố đã qua, mà còn là loan báo những kỳ công Thiên Chúa đã thực hiện. Dân Ít-ra-en khi đọc lại câu chuyện Thiên Chúa giải phóng họ khỏi ách nô lệ Ai Cập như bài đọc Xuất Hành chúng ta vừa nghe khi họ cử hành lễ vượt qua, họ hiểu rằng biến cố này hiện diện sống động giữa họ. Họ hiểu rằng khi dân Chúa cử hành lễ Vượt Qua, các biến cố thời Xuất Hành lại hiện diện sống động trong ký ức, để họ căn cứ vào đó mà điều chỉnh cuộc sống của mình (GLCG, 1363). Sang Tân Ước, từ tưởng niệm còn mang một ý nghĩa mới nữa. Khi cử hành bí tích Thánh Thể, Giáo hội tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Ki-tô; lúc đó, cuộc Vượt Qua này trở nên hiện diện giữa cộng đoàn phụng vụ (GLCG, 1364). Cuộc Vượt Qua này được hiện tại hóa trong cuộc cử hành (GLCG, 1409). Và, chính Chúa Ki-tô phục sinh với quyền năng của Người sẽ thực hiện việc hiện tại hóa đó.

Về biến cố Chúa phục sinh, Tin Mừng theo thánh Lu-ca có thuật lại một câu chuyện, cũng là sự kiện xảy ra vào ngày thứ nhất trong tuần, vào chiều ngày hôm đó, đó là câu chuyện Chúa Giêsu Phục Sinh hiện ra với hai môn đệ trên đường đi Emmaus. Nếu có cử hành thánh lễ vào chiều ngày lễ Phục Sinh thì có thể chọn đọc bài Tin Mừng này. Theo thánh Luca kể lại, vào chính ngày Phục Sinh, Chúa Giêsu đã hiện ra với hai môn đệ, đã đồng hành với họ, giải thích Sách Thánh cho họ để hun nóng tâm hồn của họ, và sau cùng Người đã bẻ bánh trao cho họ. Vào chính lúc ấy, họ đã nhận ra Người.

Câu chuyện này không phải đơn thuần là một mẩu tin thời sự, ghi nhận một sự kiện đã xảy ra trong ngày Chúa phục sinh, cho bằng nó là một trình thuật phụng vụ. “Bẻ bánh” ám chỉ về bí tích Thánh Thể. Chính Chúa Giê-su phục sinh chủ sự cuộc cử hành Thánh Thể với các môn đệ. Chính Chúa phục sinh giải thích Kinh Thánh cho họ mà ngày nay chúng ta gọi là phần phụng vụ lời Chúa, chính Chúa phục sinh làm việc bẻ bánh mà chúng ta gọi là phần phụng vụ Thánh Thể của thánh lễ. 

Kính thưa …!

Đã khá dài rồi, nên chỉ xin được kết lại cách ngắn gọn rằng: Thánh Thể là một cử hành tưởng niệm cuộc Vượt Qua của Chúa Kitô: không chỉ tưởng niệm cuộc tử nạn nhưng còn là cử hành sự hiện diện của Chúa Kitô Phục Sinh nữa.

Chúng ta xin Chúa cho chúng ta mỗi khi cử hành Thánh Thể chúng ta xác tín và nhận ra chính Chúa Phục Sinh hiện diện và chủ sự cuộc cử hành Thánh Thể cho chúng ta. Amen.

Đaminh Trần Đình Tuyền SSS