“Anh Em Hãy Tỉnh Thức Và Cầu Nguyện Luôn”.

Chúa Nhật I, Mùa Vọng – Năm C (Lc 21, 25-28.34-36)

Với Thánh Lễ Chúa Nhật hôm nay, Giáo Hội mời gọi chúng ta bước vào Mùa Vọng; Mùa Vọng là thời gian đặc biệt để chuẩn bị mừng lễ Chúa Giáng Sinh, nhưng Lời Chúa trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, lại mời gọi chúng ta hướng đến ngày Chúa Giáng Lâm trong tương lai:
Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng
và vinh quang ngự trong đám mây mà đến.(c. 27)
Nếu thời gian chuẩn bị để mừng ngày Chúa đến lần thứ nhất mang lại cho loài người và từng người chúng ta sự háo hức và niềm vui, thì xin Chúa cũng cho chúng ta biết sống thời gian còn lại của cuộc đời mình, như là một Mùa Vọng lớn, hướng về Ngày Chúa Giáng Lâm, trong bình an, hy vọng và cả niềm vui nữa, cho dù phải trải qua những thăng trầm hay thử thách nào.
  1. Điểm kết thúc của mọi sự
Thật vậy, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay, Đức Giê-su nói về những biến cố loan báo sự kết thúc của thời gian và của thế giới tạo vật :
Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời,
mặt trăng và các vì sao.
Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang
trước cảnh biển gào sóng thét.(c. 25)
Như thế, thế giới sáng tạo mà chúng ta đang nhìn thấy và hưởng dùng sẽ tan rã và trở lại tình trạng hỗn mang như lúc khởi nguyên, khi chưa được Ngôi Lời sáng tạo, phân rẽ và sắp xếp. Và đó không phải vì Thiên Chúa cho xẩy ra thiên tai để trách phạt loài người tội lỗi, như thời ông Noe, nhưng vì đó là quy luật, là thân phận thọ tạo. Thế giới sáng tạo, dù có rất bền vững, nhưng vẫn phải đi đến điểm tận cùng, vì không phải là vĩnh cửu; chẳng hạn như mặt trời.
Nhưng khi nào thời điểm chung cục sẽ đến, như đã có người hỏi Đức Giê-su: “Thưa Thầy, vậy bao giờ các sự việc đó sẽ xảy ra, và khi sắp xảy ra, thì có điềm gì báo trước?” (Lc 21, 7) Chắc là còn rất lâu, sau khi mọi người chúng ta đang hiện diện hôm nay đã về với Chúa hết rồi! Và cho dù cứ lâu lâu người ta lại đồn sẽ đến ngày tận thế, và thậm chí chuẩn bị cụ thể cho ngày này! Vì thế, hơn bao giờ hết, chúng ta được mời gọi lắng nghe và tin vào lời của Đức Giê-su:
“Anh em hãy coi chừng kẻo bị lừa gạt, vì sẽ có nhiều người mạo danh Thầy đến nói rằng: “Chính ta đây”, và: “Thời kỳ đã đến gần”; anh em chớ có theo họ. Khi anh em nghe có chiến tranh, loạn lạc, thì đừng sợ hãi. Vì những việc đó phải xảy ra trước, nhưng chưa phải là chung cục ngay đâu”.(Lc 21, 8-9)
Nhưng, ngày tận cùng của mọi sự chắc chắn sẽ đến, bởi vì thế giới chúng ta đang sống là những thực tại lệ thuộc vào không gian và thời gian. Lời của Đức Giê-su nói về thời điểm tận cùng của mọi sự có thể làm chúng ta sợ hãi, nhưng đó lại là con đường tất yếu của sự sống mới và sáng tạo mới, như hạt lúa mì, như chính thân xác của chúng ta: sáng tạo này phải tan rã, thân xác chúng ta phải qua đi, để nhường chỗ cho trời mới đất mới và cho sự sống mới.
Đó còn là cuộc Vượt Qua, từ sự chết sang sự sống, của toàn thể nhân loại và vũ trụ, theo khuôn mẫu mầu nhiệm Vượt Qua của Đức Ki-tô mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ. Hiểu như thế, cả loài người và từng người chúng ta, cùng muôn loài muôn vật được mời gọi trông chờ trong bình an và hi vọng Ngày Cánh Chung và cầu nguyện xin Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, mau ngự đến.
  1. Đức Ki-tô, Đấng Duy Nhất, vượt qua điểm tận cùng
Điểm kết thúc của lịch sử và của thế giới sáng tạo, xem ra còn ra còn rất xa vời, nhưng lại nhắc nhớ cho chúng ta những điểm kết thúc rất thật, xẩy ra hằng ngày trong đời sống của chúng ta. Đó là hoàng hôn của mỗi ngày sống, của một giai đoạn, của tháng, của năm, của chức vụ, của công việc… Như có ai đó nói rất đúng: khi bắt đầu là đã chuẩn bị kết thúc rồi. Dù chúng ta ở lứa tuổi nào, rồi một ngày kia, chúng ta cũng sẽ đi đến điểm kết thúc là sự chết, giống như những người quá cố, trong đó có những người thân yêu của chúng ta, ở nghĩa trang hay trong Nhà Hài Cốt của các Giáo Xứ, và nhất là giống như những người quá cố đang còn ở giữa chúng ta, vẫn chưa được mai táng.
Nhưng chúng ta có niềm hi vọng là Đức Ki-tô, bởi vì Ngài đã vượt qua điểm tận cùng của mọi sự, Ngài đã chiến thắng cái chết, là điểm tới của tất cả chúng ta, để trờ thành Vua của chúng ta, cả ở đời này lẫn đời sau. Vậy, chúng ta đừng tôn ai làm vua, đừng biến điều gì làm chủ, làm chúa, làm thần tượng, hay làm cùng đích của chúng ta, dù đó là tiền của, phương tiện, bằng cấp, thành công, danh vọng, tiếng tăm. Bởi vì, cùng với chúng ta, tất cả rồi sẽ qua đi. Và lúc đó, sẽ không còn gì hay còn ai chờ đón chúng ta, ngoài Đức Ki-tô và tất cả những ai và những gì thuộc về Ngài.
Nếu chúng ta thuộc về Đức Ki-tô, điểm kết thúc sẽ không còn là tai họa, nhưng là niềm hi vọng, vì đó là lúc Chúa đến, là lúc, được giải thoát và gặp gỡ. Như Đức Giê-su nói:
Khi những biến cố ấy bắt đầu xẩy ra,
anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên,
vì anh em sắp được cứu chuộc.(c. 28)
Như thế, điểm tận cùng sẽ trở thành niềm vui, trở thành thời điểm cứu chuộc. Để hướng về thời điểm này, chúng ta được mời gọi sống như người môn đệ, người thuộc về Đức Ki-tô ngay hôm nay; và sau mỗi ngày sống, chúng ta được mời gọi nhận lời Kinh Thánh này làm của mình:
Lạy Chúa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi,
vì chính mắt con đã nhìn thấy Ơn Cứu Độ. (Lc 2, 29-30; Kinh Tối: TC Tin Mừng)
  1. Hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn
Như chúng ta đã nhận ra, để nói về thời điểm này, Đức Giê-su dùng nhiều hình ảnh để giúp chúng ta hiểu và sống thời điểm sau cùng ngay hôm nay.
Trước hết, Đức Giê-su nói : « Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao. Dưới đất, muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét » (c. 25). Như thế, trật tự mà Thiên Chúa đã thiết lập khi sáng tạo, sẽ bị phá vỡ. Nhưng đó chính là kết cục tất yếu của mọi sự, bởi vì tất cả đang hiện hữu trong thời gian, chứ không phải trong vĩnh cửu ; và để đi vào thế giới mới và vĩnh cửu tuyệt đối, mọi sự phải đi qua khoảng khắc « mất tất cả ». Như chính Đức Ki-tô đã phải chết, để đi vào sự sống mới.
Bù lại với những hình ảnh gây sự hãi, trong bài Tin Mừng của ngày thứ sáu, mùa Thường Niên, Đức Giê-su dùng hình ảnh cây vả, đâm chồi nẩy lộc, loan báo mùa hè sắp đến; và hình ảnh thật bình an của sự thay đổi luân phiên giữa các mùa, nói cho chúng ta Nước Thiên Chúa chắc chắn sẽ đến và đem lại sự sống mới trong niềm vui khôn tả, được qui tụ mãi mãi bên Chúa và bên nhau, nhất là những người thân yêu của chúng ta, còn sống cũng như đã qua đời, trong gia đình và trong đời sống ơn gọi.
Ngoài ra, trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su còn dùng hình ảnh tấm lưới: “Ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất” (c. 34). Hình ảnh tấm lưới làm cho chúng ta hiểu rằng, không ai tránh được thời điểm tận cùng này. Đơn giản, đó là vì qui luật của thời gian, con người có tài tránh né được nhiều điều, nhưng tuyệt đối không ai tránh được thời gian; mọi sự trong đó có sự sống của con người đều bị chi phối bởi thời gian, nghĩa là buộc phải đi tới điểm cuối: cuối tuần, cuối tháng,cuối năm Phụng Vụ, cuối năm Dương Lịch, và rồi sẽ đến thời điểm cuối của một lứa tuổi (thanh niên, trung niên, hồi xuân, cao niên), điểm cuối của cuộc đời.
Và lời của Đức Giê-su, mà Giáo Hội mời gọi chúng ta ghi nhớ, hôm qua, ngày cuối của năm Phụng Vụ, và hôm nay, ngày đầu tiên của năm Phụng Vụ mới, và cũng là ngày đầu tiền của Mùa Vọng:
Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn,
hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến
và đứng vững trước mặt Con Người. (c. 36)
Tỉnh thức và cầu nguyện chính là con đường và cách sống Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống mỗi ngày, để không để lòng mình ra nặng nề, vì “chè chén say sưa, lo lắng sự đời”, và để được thoát khỏi và đứng vững, và nhất là làm cho chúng ta bình an và vui mừng, thay vì lo âu và sợ hãi, vì chúng ta thuộc về Con Người, là Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta là anh chị em, là người thân của Ngài ngang qua ơn gọi đi theo Ngài, trong đời sống Ki-tô hữu hay đời sống dâng hiến.
*  *  *
Chúng ta cùng hướng về Đức Mẹ, vì Mẹ là mẫu gương tuyệt vời của một đời sống tỉnh thức và cầu nguyện. Xin Mẹ đồng hành và dạy dỗ chúng ta trong suốt Mùa Vọng và trong suốt cuộc đời, được sống như một Mùa Vọng lớn, để chúng ta biết tỉnh thức và cầu nguyện, bằng cách lắng nghe và đón nhận Ngôi Lời vào trong cung lòng và cuộc đời chúng ta, để chúng ta cũng có thể theo Ngài đến cùng như Mẹ. Và như chúng ta vẫn xin Mẹ trong kinh Kính Mừng:
Xin cầu cho chúng con, là kẻ có tội,
khi nay và trong giờ lâm tử.
Xin Mẹ đồng hành với chúng ta trong những thời điểm cuối cùng trong hành trình làm người và hành trình ơn gọi, Ki-tô hữu hay dâng hiến, của chúng ta, với tình hiền mẫu; và xin Mẹ mở rộng vòng tay đón nhận chúng ta và Gia Đình Mới của Con Mẹ và của Mẹ.
Mùa Vọng 2018
Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ.