MÙA PHỤC SINH – ABC

“Ông đã thấy và đã tin”…vì hai ông hiểu rằng theo Kinh Thánh: Đức Giêsu phải trỗi dậy (Ga 20, 9).

          Chúa đã sống lại rồi! Halleluia!

Đó là niềm vui cho toàn thể nhân loại. Trong con người Đức Kitô phục sinh, nhân tính của nhân loại đã được hồi phục và được tôn vinh là CHÚA. Đó là hoa quả đầu mùa báo trước vinh quang của toàn thể nhân loại và của từng người chúng ta vào ngày cánh chung (x. 1Cr 15, 20 -24).

      Vậy với sự kiện Đức Giêsu phục sinh, mầm sống thần linh phục sinh đã được cấy vào nhân tính của toàn thể nhân loại. Nhưng mầm sống ấy có nẩy nở và trổ sinh hoa trái trong từng người hay không thì còn tùy vào tình trạng tốt xấu của mảnh đất tiếp đón mầm sống ấy (x. Mt 18, 18 -23). Phục sinh không chỉ là sống lại về thể xác mà là toàn thể nhân tính đi vào trong tương quan thân tình Cha -Con với Thiên Chúa. Do đó, để tin và sống thật ĐỨC TIN VỀ MẦU NHIỆM PHỤC SINH, điều hệ trọng không phải là tìm thỏa mãn những đòi hỏi thực nghiệm của giác quan hữu hạn mà là NHẬN RA ĐƯỢC NHỮNG DẤU CHỈ giúp mình xác tín rằng từ nay MÌNH ĐÃ ĐƯỢC NÂNG LÊN HÀNG CON THIÊN CHÚA.

DẤU CHỈ NÀO giúp ta TIN VỮNG CHẮC là CHÚA ĐÃ PHỤC SINH?

Kiểm nghiệm bằng giác quan chỉ BUỘC LÝ TRÍ ĐẦY GIỚI HẠN phải nhìn nhận một biến cố khách quan, chứ không đưa người chứng kiến đi vào ĐỨC TIN thờ lạy con người Giêsu là CHÚA và mở lòng ra để lãnh nhận Thần Khí do Người ban tặng. Chính Thần Khí này mới biến đổi tận căn kẻ tin giúp họ đi vào tương quan Con – Cha với Thiên Chúa, dám gọi Thiên Chúa là ABBA! CHA! (Rm 8, 15).

Chính Lời Chúa và việc hiểu, đón nhận Lời Chúa mới đưa kẻ tin vào được mối tương quan Cha – Con tuyệt vời đó.

          Chính vì thế, Lời Chúa của Chúa Nhật mở đầu Mùa Phục Sinh, Chúa Nhật 1 ABC, cả 3 năm, không thuật lại các lần hiện ra của Đấng Phục Sinh mà chỉ trình bày cho tín hữu vài yếu tố NỀN giúp tín hứu dựa vào đó mà tin rằng Chúa đã phục sinh (x.Ga 20, 8-9), và trở nên chứng nhân cho sự phục sinh của Người, tôn thờ Người là Chúa, Đấng Thẩm Phán xét xử kẻ sống và kẻ chết (x.Cv10,42). Lời Chúa và chứng từ tông đồ là nền của đức tin phục sinh.

          Tin Mừng thuật lại một sự cố: NGÔI MỘ TRỐNG! và ba phản ứng khác nhau của ba nhân vật khi trực diện với sự cố đó.

“Ngôi mộ” từ trước tới giờ là dấu chỉ của sự chết! Nhưng trong ngôi mộ của Tin Mừng Gioan, những dấu chỉ của sự chết bị loại trừ: vải liệm đã được tháo cởi, xếp lại ngay ngắn để trật tự, đó là dấu chỉ của sự sống lại. Chuyện Ladarô là một hình ảnh báo trước: từ cõi chết bước ra với khăn liệm còn quấn trên thân thể, Đức Giêsu truyền “Cởi khăn và vải cho anh ấy”, anh được sống lại

(11, 44). Dấu chỉ của sự chết nay đã được thế lại bằng những dấu chỉ của sự sống. Cái gì giúp đọc ra được ý nghĩa dấu chỉ ấy?

          – Bà Madalêna ra mộ để tìm MỘT XÁC CHẾT. Ý nghĩ “Chúa chết rồi” xâm chiếm tâm hồn bà nên bà không đọc ra ý nghĩa của dấu chỉ sự sống rồi kết luận sai lạc là xác Chúa bị trộm mất (20, 2); Vì thế khi gặp được người sống, bà cũng chẳng nhận ra (20, 14 -15).

          – Phêrô: người đầu tiên tiến vào lòng ngôi mộ. Ông là chứng nhân đầu tiên của các dấu chỉ sự sống (20, 6-7) nhưng Tin Mừng không nói gì về phản ứng của ông. Có lẽ ông cần được thanh luyện thêm: thanh luyện bằng “yêu Thầy hơn hết” (21, 15 -17).

          – Mọi sự quy tụ vào “người môn đệ được Đức Giêsu thương mến”: Đứng trước các dấu chỉ của sự sống… Lời Chúa chợt XÂM CHIẾM HỒN ÔNG, ông HIỂU LỜI KINH THÁNH “Đức Kitô phải trỗi dậy từ cõi chết”. Và ÔNG ĐÃ TIN (20, 8 -9). Chúa chưa hiện ra!

          Từ đó các tông đồ trở nên người rao giảng và chứng nhân của Đấng Phục Sinh theo Lời Người (Cv 1, 8). Vậy nhờ Lời Chúa và chứng từ tông đồ mà từ nay, mối phúc do Đấng Phục Sinh lập “phúc cho ai không thấy mà tin” (20, 29) trở thành NIỀM VUI tuyệt vời cho nhân loại. HÃY đọc Lời Chúa và trở nên chứng nhân cho Người. Đó là cách thức mà TÍN HỮU dù không thấy Chúa vẫn loan tin Mừng Phục Sinh đến tận cùng trái đất.

Frères Đình Long FSC